Tại Ấn Độ cổ, có một chàng trai trẻ cùng bác mình đi khắp nơi kinh doanh. Anh là người thật thà, luôn tuân thủ các quy tắc trung thực khi buôn bán.
Một năm, họ tới đất nước xa xôi thu mua hàng hóa. Đi được nửa đường thì gặp phải một con sông. Hai người tản đi mỗi người một phía để mời chào làm ăn. Người bác vượt sông trước. Bên kia sông, ông gặp một gia đình, nữ chủ nhân ở vậy nuôi con gái. Vị thương nhân ngỏ ý muốn trao đổi chút hàng hóa với bà mẹ. Nhưng bà mẹ chẳng tìm nổi một món đồ giá trị trong nhà. Thấy vậy, con gái liền nhắc: “Mẹ, nhà chúng ta còn có một cái chậu rửa cũ, có lẽ có thể trao đổi cùng thương nhân lấy một ít ngọc trai“.
Bà mẹ liền lấy chiếc chậu ra, đưa cho thương nhân định giá. Cái chậu bám đầy bụi bẩn lâu năm, không nhìn thấy giá trị chân thực của nó. Vị thương nhân lấy con dao nhỏ cậy vết bẩn trên chậu để kiểm tra, bất ngờ một lớp vàng kim óng ánh liền hiện ra. Vết cạo rất nhỏ khiến ông ta mắt sáng bừng, trong lòng kinh ngạc vì tìm thấy báu vật.
Vị thương nhân này dày dạn kinh nghiệm, hàng năm đi khắp nơi, gặp đủ loại người nên rất khôn khéo. Ông ta giả bộ cáu giận, ném chậu rửa xuống đất quát: “Đồ dơ bẩn như vậy còn làm bẩn tay ta”. Nói xong ông ta bỏ đi. Hai mẹ con nghe thấy thương nhân nói vậy, trong lòng vừa giận vừa xấu hổ.
Lúc ấy chàng trai trẻ cũng qua sông, lại mời làm ăn đúng gia đình góa phụ nọ. Cô gái lại một lần nữa nói mẹ mang chậu rửa ra đổi lấy ngọc. Mẹ cô nói: “Lần trước làm vậy đã khiến chúng ta xấu hổ không biết giấu mặt đi đâu, cần phải cảnh giác con ạ”.
Cô gái nói: “Mẹ, con thấy chàng trai này rất rộng rãi nhân nghĩa, cũng không phải hạng người tham tiền”. Cô gái hy vọng lần này có thể đổi chiếc chậu cũ lấy ngọc. Chàng trai con mắt tinh tường, chỉ cần quan sát kỹ đã thấy ngay đây là bảo vật, do vàng thượng hạng chế tác.
Cậu trung thực nói “Đây là chậu rửa bằng vàng ánh tím. Phải dùng hết tài sản, hàng hóa của tôi mới đủ để trao đổi”. Nói rồi, cậu thuê một chiếc thuyền vận chuyển toàn bộ hàng của mình để trao đổi lấy chiếc chậu rửa.

Sau khi chàng trai rời đi, bác của cậu lại quay lại. Ông nói: “Bây giờ tôi sẽ đổi số ngọc trai nhỏ này để lấy chậu rửa của bà”. Ông ta còn tặc lưỡi: “Chậu rửa cũ như vậy, rẻ tiền, dùng số ngọc này đổi lấy chiếc chậu bẩn thỉu đã là tốt lắm rồi”.
Bà mẹ nói với thương nhân “Vừa rồi có một thiếu niên hòa nhã đã dùng toàn bộ của cải quý giá để đổi lấy chiếc chậu này. Hơn nữa cậu ấy vừa cảm ơn, còn nói tất cả châu báu của cậu ấy cũng không bằng chiếc chậu này. Ông quả là con buôn tham lam, còn quay lại đây là gì. Không chạy mau ta quơ gậy đuổi ngay đó”.
Thương nhân nghe vậy nhanh chóng bước tới chỗ mép nước, kêu khóc om sòm, đấm ngực hô to: “Trả bảo vật lại cho ta”. Ông ta quá tức giận, nên hộc máu mà đột tử. Chàng trai thấy vậy lấy tiền vàng ra đặt trên người bác mà khóc lóc: “Bác ơi, vì sao tham của đến vậy, cuối cùng mất tài mất mạng”.
Con người sinh ra đều có thiên tính, tốt đẹp như chiếc chậu rửa bằng vàng, bản chất của mỗi người chính là tấm lòng lương thiện sáng như vàng kim. Bởi vì sinh sống trong trần thế, kẻ tranh người đoạt, lại trải qua luân hồi, cái tâm trong sáng ban đầu dần bị vùi lấp bởi những lớp bụi bẩn, nên không thể nhìn ra bản tính chân chính trước kia. Những bụi bẩn này hoặc là do truy cầu danh lợi, hoặc là thất tình lục dục hoặc trong mê mà không tìm thấy ý nghĩa sinh mệnh rơi vào bể khổ luân hồi, khó có thể tự giải thoát.
Người ta thường nói “Mười người buôn chín kẻ gian” nhưng ở trong hồng trần cuồn cuộn, luôn có người giữ được phẩm giá, sự trung thực của mình. Cũng giống chàng trai trong câu chuyện này, như những dòng chảy tươi mát, tẩy tịnh lòng người vẩn đục.
Theo Epochtimes
Ngọc Mai (biên dịch)
Video xem thêm: Tu luyện để thành nhân đâu phải chỉ để thành tiên
