Trong xã hội ngày nay, sự tranh đấu hơn thua không chỉ khiến đạo đức xã hội ngày càng tuột dốc không phanh mà còn khiến tâm trí con người mệt mỏi, không cảm nhận được niềm vui hạnh phúc. Tuy nhiên, nếu con người có thể thay đổi cách nghĩ, đem những thứ mình có dành tặng cho người khác, nghĩ cho đối phương thì sẽ thấy được Thiên đường hạnh phúc.
Dưới đây là đôi câu chuyện nói lên rằng con người khi không tranh thì lại có được, khi nghĩ cho người khác lại thấy thiên đường hạnh phúc ở ngay trước mắt.
Câu chuyện 1: Học cách đút cho nhau ăn
Ngày nọ, có một người đàn ông đến gặp Thượng Đế và hỏi: “Thượng đế, xin người cho con biết đâu là Thiên đường, đâu là Địa ngục ạ?”
Thượng Đế liền bảo: “Con đi theo ta. Ta sẽ cho con thấy cảnh tượng thiên đường và địa ngục nơi đây”.
Đầu tiên, Thượng Đế đưa người đàn ông đến xem căn phòng mang tên ‘Địa ngục’. Nhìn vào căn phòng, người đàn ông thấy rất nhiều người khổ cực trong đó, đói khát kêu than. Tay họ bị buộc vào một cái muỗng cán rất dài và đang quây quần quanh một nồi canh to đang sôi ùng ục, hương thơm tỏa ra ngào ngạt, tuy nhiên, họ lại rất đói vì không thể đưa được canh vào miệng mình vì cán muỗng quá dài. Trông họ rất khổ sở.
Sau đó, Thượng đế lại dẫn người đàn ông đến căn phòng thứ hai mang tên “Thiên đàng”. Cảnh vật ở căn phòng này không khác gì so với phòng Địa ngục, nhiều người có tay bị buộc vào chiếc muỗng cán rất dài đang quây quần bên nồi canh to thơm nức. Tuy nhiên, ở đây có một điểm khác biệt, trên gương mặt mỗi người đều nở nụ cười hạnh phúc, họ rất mãn nguyện vì được no đủ.
Cánh cửa căn phòng được khép lại. Người đàn ông không khỏi thắc mắc với Thượng Đế: “Thưa Ngài, người và vật ở hai căn phòng không khác gì nhau, vậy sao ở phòng Thiên đàng, mọi người lại cảm thấy hạnh phúc hơn phòng Địa ngục?”
Thượng đế mỉm cười nói: “Vì ở phòng Thiên đàng, mọi người thấy cán của chiếc muỗng quá dài và không thể tự đút cho mình ăn được. Chính vì thế mà họ đã nghĩ ra được cách chính là đút cho người khác ăn”.
Đúng vậy, mỗi người sống trên đời đều điên cuồng tìm kiếm thứ mà mình muốn, nhưng lại rất khó tìm được. Nếu như mỗi người đều có thể thay đổi cách nghĩ: Đem thứ mình có ở trong tay, đưa cho người đang cần nó, như vậy thì, mỗi người có thể sẽ rất nhanh chóng tìm được thứ mà mình muốn.

Câu chuyện 2: Nàng dâu Tô thiếu đễ
Tô thiếu đễ là người họ Thôi được gả cho con trai út của Tô gia. Nhà họ Tô có gia cảnh khá giả, trong nhà có 5 người con trai, 4 người anh đều đã lấy vợ. Việc các anh em cùng chung sống dưới một mái nhà, mâu thuẫn xảy ra là điều khó tránh khỏi.
Trước khi Tô thiếu đễ về nhà chồng, mọi người trong gia đình họ Thôi đều rất lo lắng vì nghe nói về những bất hòa trong gia đình họ Tô. Tuy nhiên nàng lại nói: “Nếu như là gỗ, đá, cầm, thú, thì con không cách nào giao tiếp với họ. Còn ở trên thế gian này có ai là người mà lại không thể hòa hợp được đây?” Tô thiếu đễ cho rằng chỉ cần nàng dùng trái tim chân thành đối đãi với mọi người thì nhất định có thể chung sống hòa thuận.
Sau khi về nhà chồng, nàng đã đối xử với bốn chị dâu vô cùng cung kính và lễ phép. Thấy các chị dâu thiếu thứ gì, mà đó lại thứ nàng có thì nhất định đưa cho họ mà không một chút tiếc nuối. Khi mẹ chồng sai các chị dâu làm việc gì đó mà họ không muốn làm thì nàng liền chủ động nói với mẹ: “Con là út nhất và là nàng dâu cuối cùng vào nhà mình, việc này nên để con làm.”
Mỗi khi gia đình mẹ đẻ gửi trái cây và món ăn ngon cho mình, nàng đều gọi các cháu trai, cháu gái tới và chia cho chúng. Sự rộng lượng và vị tha của nàng, đương nhiên là mọi người trong nhà đều nhìn thấy hết.
Hơn nữa, Tô thiếu đễ cũng vô cùng giữ lễ nghĩa, khi ăn cơm, các chị dâu chưa động đũa thì nàng cũng không ăn trước. Khi các chị dâu phàn nàn sau lưng với nàng về lỗi của người khác, nàng thường chỉ mỉm cười không nói gì. Thấy em dâu út như vậy, các chị dâu cũng dần bớt so đo tính toán.
Một ngày nọ, nghe nô tì của mình kể lại những gì nghe được từ các chị dâu khác, nàng lập tức trách phạt nô tì, cũng nói với các chị dâu rằng tì nữ của mình không hiểu chuyện, cho nên đã trách phạt.
Một lần, khi Tô thiếu đễ đang bế cháu trai nhỏ, đứa bé đột nhiên đại tiện làm bẩn y phục của nàng. Chị dâu vội vàng bế đứa trẻ lên vì sợ em dâu sẽ tức giận, nhưng nàng lại nói: “Chị đừng làm đứa trẻ sợ hãi”. Trong ngôn từ của nàng không có chút ý trách giận nào.
Lời nói và việc làm của Tô thiếu đễ cũng dần ảnh hưởng đến bốn chị dâu. Hơn một năm sau, họ đều cảm thấy xấu hổ, làm hòa. Kể từ đó, bốn người chị dâu cũng khiêm nhường cung kính như Tô thiếu đễ. Người sống trong đại gia đình đã cư xử hòa thuận với nhau, không còn bất kỳ lời oán trách nào nữa. Họ Tô từ trên xuống dưới đều tràn ngập hòa khí.
Người xưa cho rằng, vấn đề tu dưỡng đức hạnh không chỉ các nam nhân cần coi trọng mà cả nữ nhân cũng là như vậy. Nếu chúng ta cứ chăm chú nhìn vào thứ mình muốn mà không đem cái bản thân đang có chia sẻ cho người khác thì cuộc sống dù ở đâu cũng sẽ cảm thấy ngột ngạt. Bởi lòng tham của con người là không đáy, nếu không biết đủ thì sẽ mãi ưu phiền. Còn ngược lại, biết chia sẻ, bao dung, nghĩ cho người khác, dùng tâm chân thành đối đãi thì dù hoàn cảnh sống có khó khăn tới mức nào chúng ta cũng vẫn thấy ung dung tự tại, cũng cảm nhận được sự tốt đẹp của thế giới quanh mình.
Con người sống trong xã hội đại đa số là có dục vọng, nếu muốn thứ gì mà không thể đạt được thì sẽ dốc lòng theo đuổi. Khi một mực theo đuổi mà không có hạn độ thì sẽ xảy ra tranh đoạt, giành giật. Càng xảy ra tranh đoạt giành giật thì sẽ càng hỗn loạn, một khi có hỗn loạn thì con người sẽ lâm vào khốn cảnh, và không còn cảm thấy hạnh phúc nữa. Hai câu chuyện trên đã cho chúng ta thấy rõ được sức mạnh của lòng vị tha, mong muốn điều tốt cho người khác cũng chính là đem hạnh phúc về cho mình.
Bởi vì hy vọng con người có thể chung sống hòa bình, tận hưởng niềm vui cuộc sống mà người xưa đã chế ra lễ nghĩa phép tắc, giúp con người có được tiêu chuẩn ước thúc bản thân, không vì tham lam quá độ mà hại người hại mình.
San San
