Tục ngữ nói, quân tử yêu tiền, nhưng lấy cũng phải có đạo. Được và mất trong cuộc đời đôi khi nằm trong suy nghĩ của mỗi người. Những lựa chọn khác nhau có thể đưa đến kết quả rất khác nhau.

Chương “Nhân Gian” trong cuốn “Hoài Nam Tử” kể về hai sự kiện rất nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, đó là “Ba nhà chia Tấn” và “Mượn đường diệt Quắc”.

Sự xuất hiện của các sự kiện lịch sử không thể do một nhân tố gây nên, mà là có nhiều nhân tố trùng điệp đan xen khá phức tạp. Trong đó nhất định phải có một cái gì đó đáng để chúng ta tham khảo và rút ra bài học cho mình.

1. Ba nhà chia Tấn

Ba nhà phân chia nước Tấn, đề cập đến sự kiện vào cuối thời Xuân Thu của Trung Quốc, khi nước Tấn bị chia cắt thành ba nước Hàn, Triệu và Ngụy. Trong lịch sử Trung Quốc, “ba nhà chia Tấn” được coi là bước ngoặt giữa cuối thời Xuân Thu và đầu thời Chiến Quốc.

Trí Bá, tên thật là Tuân Dao, là con của Trí Tuyên Tử (Tuân Thân), tông chủ thứ năm của họ Trí, một trong Lục khanh của nước Tấn dưới thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc. Tuân Thân thấy trong các người con, thì Trí Bá tài giỏi hơn cả, nên lập làm thế tử.

Sau khi hai họ Phạm và Trung Hàng bị diệt, thực quyền nước Tấn nằm trong tay 4 họ đại phu Trí, Hàn, Triệu, Ngụy; vua Tấn bị bốn họ lấn át. Năm 475 TCN, Chính khanh Trung quân tướng Triệu Ưởng qua đời, Trí  Bá nối chức chính khanh, từ đó họ Trí nắm quyền lớn nhất ở nước Tấn.

Trí Bá muốn lần lượt thôn tính 3 họ Hàn, Ngụy, Triệu để chiếm cả nước Tấn. Năm 455 TCN, Trí Bá dùng kế “tằm ăn lá dâu”, giả mệnh Tấn Ai công, lấy cớ đem quân tranh bá, ép ba nhà Hàn, Ngụy, Triệu cắt 100 dặm đất sung công. 

Trí Bá đòi Ngụy Tuyên Tử giao đất, Ngụy Tuyên Tử không muốn giao. Lúc này, Nhậm Chương nói: “Trí Bá bây giờ quyền thế uy phong, thế lực trải rộng khắp thiên hạ, ông ta mở miệng đòi đất đai, nếu không cho, chẳng khác nào gánh lấy tai họa cho các chư hầu khác, chi bằng hãy cho ông ta vậy”. Ngụy vương hỏi:” Nếu Trí Bá liên tục đòi đất đai của chúng ta, chúng ta phải làm sao đây?”.

Trí Bá muốn thâu tóm nước Tấn, mượn cớ sung công đất đai (ảnh minh hoạ – nguồn Sohu).

Nhậm Chương nói: “Ngụy gia chúng ta trước tiên cho ông ta một ít đất đai, để cho ông ta nếm chút mật ngọt, sau đó ông ta sẽ tiếp tục như vậy đi xin đất các chư hầu khác, đến lúc đó chúng ta có thể cùng nhau hợp mưu các chư hầu đối phó ông ta. Bằng cách này, những lợi ích mà chúng ta có thể thu được không chỉ là những gì chúng ta đã mất”.

Ngụy Tuân Tử nghe theo lời của Nhậm Chương, và cắt một phần đất đai cho Trí Bá.

Sau khi Trí Bá nếm được chút mật ngọt, ông ta thực sự yêu cầu Hàn Khang Tử cắt đất, Hàn Khang Tử không dám từ chối, các chư hầu lúc này đều rất hoảng sợ. Sau đó, Trí Bá lại yêu cầu Triệu Tương Tử giao đất, nhưng Triệu Tương Tử nghĩ đến thù xưa, liền nổi giận và thẳng thừng từ chối.

Trí Bá liền ép hai nhà Hàn, Ngụy cùng đem quân đánh vây đánh Triệu Tương Tử trong thành Tấn Dương. Nhưng lúc này, ba nhà Triệu, Hàn, Ngụy đã bí mật liên lạc, hợp mưu và cùng hành động, đánh bại quân đội của Trí Bá ở Tấn Dương, tiêu diệt Trí Bá, và chia nước Tấn thành ba.

Sự kiện “ba nhà chia Tấn” là một sự kiện mang tính thời đại trong lịch sử Trung Quốc,  là một bước ngoặt trong thời kỳ Xuân Thu – Chiến Quốc. Trí Bá, con trai của Tuân Thân, là người đặt dấu chấm hết cho gia tộc họ Tuân. Chính sự tham lam và thất bại của ông ta đã trực tiếp dẫn đến thế cục lịch sử là ba nhà phân chia nước Tấn. Lòng tham của Trí Bá không chỉ khiến cả gia tộc bị diệt, mà còn khiến nước Tấn bị chia rẽ.

2. Mượn đường diệt Quắc

“Mượn đường diệt Quắc” lại là một sự kiện lịch sử nổi tiếng khác.

Năm 661 TCN, thời kỳ Xuân Thu, Tấn Hiến Công phát động chiến tranh quy mô lớn, lần lượt thôn tính nhiều quốc gia chư hầu nhỏ, vì thế diện tích lãnh thổ và sức mạnh quân sự nước Tấn phát triển nhanh chóng. Để phát triển về khu vực Trung Nguyên, Tấn Hiến Công đã chuyển tầm nhìn đến hai nước lân cận là nước Ngu và nước Quắc.

Tấn Hiến Công chuẩn bị xuất quân tiêu diệt nước Quắc. Nhưng nếu muốn tiêu diệt nước Quắc thì nhất định phải đi qua lãnh thổ nước Ngu. Đại phu nước Tấn là Tuân Tức đề xuất với Hiến Công đem ngọc liên thành và ngựa quý tặng cho quốc quân nước Ngu để mượn đường.

Ban đầu, Tấn Hiến Công có chút nuối tiếc báu vật, không muốn đem tặng quốc quân nước Ngu. Tuân Tức nói: “Nếu mượn được đường nước Ngu, thì ngọc đẹp ngựa quý của đại vương chẳng qua chỉ là tạm thời để ở chỗ quốc quân nước Ngu mà thôi”.

Quân đội nước Tấn mượn đường nước Ngu để diệt nước Quắc (ảnh minh hoạ – nguồn Sohu).

Thế là Tấn Hiến Công chấp nhận kế sách của Tuân Tức, sai Tuân Tức đi sứ nước Ngu để mượn đường. Quốc quân nước Ngu nhận được lễ vật hậu hĩ liền đồng ý cho mượn đường. Đại phu Cung Chi Kỳ xưa nay luôn chủ trương liên minh với nước Quắc để kháng cự nước Tấn khuyên quân vương rằng, nước Ngu và nước Quắc như môi với răng, môi hở thì răng lạnh, tuyệt đối không được mở cửa cho nước Tấn vào, không được dung túng đội quân đi xâm lược nước khác như thế được, nếu cho nước Tấn mượn đường thì sau này sẽ bất lợi đối với nước Ngu. Thế nhưng, Ngu quốc quân không nghe theo lời khuyên ngăn của Cung Chi Kỳ, vẫn quyết định cho nước Tấn mượn đường. Không còn cách nào khác, Cung Chi Kỳ đành đem theo cả nhà rời khỏi nước Ngu. Trước khi đi Cung Chi Kỳ có nói rằng: “Nước Ngu không qua được nổi năm nay, sau lần mượn đường lần này, nước Tấn sẽ không cần xuất quân nữa”.

Quả nhiên quân đội nước Tấn mượn đường nước Ngu tiêu diệt được nước Quắc. Khi trên đường trở về, quân Tấn đóng quân ở đất Ngu, sau đó tiêu diệt luôn nước Ngu và bắt Ngu quốc quân. Trong sách Xuân Thu có ghi chép rằng: “Người nước Tấn bắt được Ngu quốc quân”.

Lòng tham của Trí Bá và quân vương nước Ngu cuối cùng đã dẫn đến thảm kịch nước mất nhà tan.

Một người thường phải đối mặt với rất nhiều sự lựa chọn trong cuộc đời, có những lúc nếu đã chọn sai vẫn có thể bù đắp và làm lại từ đầu, nhưng đôi khi lựa chọn sai rồi sẽ không bao giờ có cơ hội bù đắp, chỉ có hối hận cả đời. Đời người không có thuốc hối hận, vậy nên khi đứng trước một quyết định trọng đại, ta phải hết sức thận trọng!

Theo Secretchina
Vũ Dương biên dịch