Khi còn trẻ, Tào Tháo từng đến nhà thăm hỏi Kiều Huyền, Kiều Huyền và Tào Tháo nói chuyện rất hợp nhau. Kiều Huyền nói: “Ta từng gặp quá nhiều người rồi, nhưng người như cậu thì cực kỳ hiếm thấy. Thiên hạ sắp đại loạn, chỉ có nhân tài hiếm có như cậu mới có thể an định thiên hạ”…

Tên thời thơ ấu của Tào Tháo bị người đời lý giải sai lệch

Tào Tháo trong lịch sử là một người như thế nào? Những bạn nào quen thuộc với Tam Quốc đều biết rằng tên lúc nhỏ của Tào Tháo là A Man. Man trong từ “ẩn man”, nghĩa là che giấu, vì vậy có người nói rằng bởi vì Tào Tháo không tốt cho nên tên lúc nhỏ mới gọi là A Man. Lời này không đúng chút nào, tại sao Tào Tháo lại có tên là A Man? Theo như cách giải thích trong “Thuyết văn giải tự” thì “man” chính là bình mục (mắt bằng). Trong Hán ngữ cổ thì “man” là bình mục, nghĩa là đôi mắt nhỏ. Cái tên A Man muốn nói rằng mắt của Tào Tháo nhỏ, thật ra đây là một biệt danh thân mật mà người nhà Tào Tháo dựa theo diện mạo của ông để đặt mà thôi.

Tào Tháo có cặp mắt nhỏ, nhưng lúc còn nhỏ lại rất thông minh, phản ứng cũng rất nhanh, theo như cách nói của sử sách: “nhậm hiệp phóng đãng, bất trị hạnh nghiệp” chính là nói Tào Tháo thích đi ngao du khắp nơi, hành hiệp trượng nghĩa, vì vậy Tào Tháo từ nhỏ đã luyện được võ công đầy mình. Nhưng ông không thích bỏ quá nhiều công sức vào những công việc mà mọi người thường cho là chính đáng, Tào Tháo từ nhỏ đã có cách nghĩ của riêng mình, thích làm theo tính cách của mình, không phải là người mà ai nói sao thì làm theo vậy…

Hiếu học từ nhỏ, thông tường binh pháp

Chúng ta đều biết Tào Tháo là một người rất hiếu học, thành tựu văn học cực kỳ cao, từ nhỏ đã thích đọc rất nhiều sách. Tào Tháo đọc sách, đặc biệt thích đọc một loại sách, đó chính là binh thư. Tào Tháo không chỉ thích đọc binh pháp, mà còn chép hết sách binh pháp của các các nhà binh pháp nổi tiếng. Sau này ông đã kết hợp những kiến thức này với kinh nghiệm thực chiến của bản thân, sáng tác ra “Tôn Tử lược giải”, viết chú thích cho “Tôn Tử binh pháp”, thêm vào đó phần giải thích, đây là tác phẩm chú tích về “Tôn Tử binh pháp” xuất hiện sớm nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Tào Tháo thích binh pháp, nhưng các kỳ thi cử của nhà Hán đều là thi kinh điển Nho giáo, không ai thi kiến thức binh gia. Cũng chính vì Tào Tháo như vậy mà khi còn trẻ ông không được nhiều bậc trưởng bối đánh giá cao, chỉ có một người tên Kiều Huyền là vô cùng xem trọng Tào Tháo. Kiều Huyền từng làm Đại hồng lư của nhà Hán, tương đương với chức Bộ trưởng Bộ ngoại giao ngày nay, và từng làm Thái úy của nhà Hán, tương đương với Bộ trưởng Bộ quốc phòng ngày nay, còn từng làm Tư không tư đồ, nghĩa là Tể tướng của triều đình. Kiều Huyền không những từng đảm nhận nhiều chức quan lớn mà nhân phẩm còn rất tốt. Kiều Huyền cả đời công chính liêm khiết, khi ông chết, trong nhà ngay cả tiền mua quan tài cũng không có. Bạn thử nghĩ xem, Kiều Huyền là Tể tướng của một vương triều mà lại rơi vào tình cảnh như vậy đủ để thấy nhân phẩm của ông rất tốt. Vậy thì một người từ nhân phẩm đến chức quan đều xuất sắc như vậy đã đánh giá Tào Tháo như thế nào?

Khi còn trẻ, Tào Tháo từng đến nhà thăm hỏi Kiều Huyền, Kiều Huyền và Tào Tháo nói chuyện rất hợp nhau. Kiều Huyền nói: “Ta từng gặp quá nhiều người rồi, nhưng người như cậu thì cực kỳ hiếm thấy. Thiên hạ sắp đại loạn, chỉ có nhân tài hiếm có như cậu mới có thể an định thiên hạ. Giờ ta già rồi, con cái và vợ của ta phải dựa vào cậu rồi”. Nhận xét này của Kiều Huyền là rất cao, Kiều Huyền lớn hơn Tào Tháo bốn mươi mấy tuổi, vậy thì con của Kiều Huyền cũng được xem là trưởng bối của Tào Tháo rồi.

Tào Tháo từ nhỏ đã không thích bó buộc bản thân mình, thật ra cuộc sống ngao du khắp nơi có ảnh hưởng rất sâu sắc đến tính cách của ông, vậy rốt cuộc Tào Tháo có tính cách như thế nào?

Thông minh hài hước, đối đãi với mọi việc đều có lý có tình

Thứ nhất, Tào Tháo là một người rất có tính hài hước. Ví dụ như sau khi Kiều Huyền chết, có một lần Tào Tháo đi ngang qua quê nhà, khi đó là sau trận Quan Độ, lúc bấy giờ Tào Tháo đã là Tư không của triều đình, dưới một người mà trên vạn người, Tào Tháo đi thăm mộ của Kiều Huyền như thế nào? Ông ta một tay cầm một con gà, một tay cầm một đấu rượu liền chạy đến mộ của Kiều Huyền. Tại sao Tào Tháo lại làm vậy? Năm xưa Tào Tháo và Kiều Huyền nói chuyện rất vui vẻ, Kiều Huyền nói đùa rằng: “Sau này ta chết rồi, Tào Tháo đi ngang qua mộ của ta, nhất định phải mang theo một con gà và một đấu rượu, nếu không làm như vậy, bước đi ba bước, cẩn thận ta làm cậu bị đau bụng”.

Tào Tháo nghĩ đến lời nói đùa năm xưa, liền mang theo một con gà và một đấu rượu đi gặp Kiều Huyền. Khi đó Tào Tháo nhìn thấy mộ của Kiều Huyền, xúc cảnh sinh tình, vô cùng thương cảm, đã viết một bài tế văn: “Tôi hoài niệm chuyện cũ, nhớ đến liền cảm thấy bi thương. Ngày nay tôi phụng lệnh đi Đông chinh, đóng quân tại nơi quê nhà, hướng về phía Bắc nhìn ngắm đất đai, trong lòng nhớ đến ngôi mộ của ngài, vì vậy dùng lễ mọn này cúng tế ngài, mong ngài tận hưởng! ‘Sĩ tử tri kỷ, hoài thử vô vong’. Nam nhi có thể vì tri kỷ mà chết, nghĩ đến quá khứ của chúng ta liền không thể lãng quên”.

Hình tượng Tào Tháo qua phim truyền hình Tam Quốc Diễn Nghĩa.

Đối với Tào Tháo mà nói, Kiều Huyền không chỉ là người thầy trong cuộc đời mình mà còn là một người bạn tri kỷ. Có thể nhận ra được Tào Tháo là một người rất biết tri ân và đồng thời cũng rất có tính hài hước.

Dùng hình thức lời nói đùa để tưởng nhớ người chết giống như vậy không phải là điều hiếm gặp trong thời Tam Quốc. Con trai của Tào Tháo là Tào Phi cũng từng làm như vậy. Trong thời kỳ Tam Quốc có một tài tử tên Vương Xán, sau khi Vương Xán chết, trong lúc tiến hành chôn cất, Tào Phi nói với những người bên cạnh mình rằng: “Vương Xán thường ngày thích bắt chước tiếng kêu của lừa, hay là mỗi người chúng ta bắt chước lừa kêu một tiếng để tiễn Vương Xán một đoạn cuối cùng đi”. Khi đó tất cả những người khách có mặt tại đó đều bắt đầu bắt chước tiếng kêu của lừa, tiếng lừa kêu vang khắp một vùng, tiếng kêu này vừa dứt là tiếng kêu khác vang lên.

Phong cách khôi hài, dí dỏm này được thể hiện rất nhiều trên người Tào Tháo. Trong sử sách ghi chép, tại khu vực Sơn Tây ngày nay, vì để tưởng niệm Giới Tử Thôi mà người dân địa phương sẽ cấm lửa và hàn thực sau ngày Đông chí 100 ngày,  nghĩa là sẽ không đốt lửa nấu cơm vào mùa đông, mà chỉ ăn đồ lạnh. Giới Tử Thôi là người nước Tấn trong thời kỳ Xuân Thu, từng đi theo Tấn Văn Công lưu vong ở nước ngoài hơn 20 năm, lập được rất nhiều chiến công to lớn, sau này Giới Tử Thôi chết trong một trận cháy rừng. Tấn Văn Công vô cùng đau khổ, vì để tưởng niệm Giới Tử Thôi, ra lệnh hàng năm vào thời gian này sẽ không được đốt lửa nấu cơm, gọi là Hàn thực. Tập tục Hàn thực được lưu truyền tại khu vực Sơn Tây.

Mùa đông ở khu vực Sơn Tây vốn dĩ đã rất lạnh rồi, mà còn không cho đốt lửa. Tào Tháo thấy vậy, cảm thấy như vậy không được, không tốt cho dân chúng. Thế là Tào Tháo ra một chiếu lệnh, nói rằng: “Ta rất hiểu tấm lòng muốn tưởng niệm Giới Tử Thôi của mọi người. Giới Tử Thôi chết trong trận cháy rừng, cho nên mọi người vì tưởng niệm ông ta mà không dùng lửa. Nhưng mà Ngũ Tử Tư nhảy sông tự sát, dựa theo như suy luận này, người nước Ngô vì tưởng niệm Ngũ Tử Tư có phải là đều không được uống nước không. Thời tiết phương Bắc quá lạnh, không đốt lửa người già trẻ nhỏ và người bệnh phải làm sao? Mọi người không nên Hàn thực nữa, kẻ nào vi phạm sẽ bị xử phạt”. Tào Tháo dùng cách thức hài hước như vậy để xóa bỏ tập tục Hàn thực tại nơi này.

Khi Tào Tháo còn đảm nhận chức Thừa tướng của nhà Hán, có một bộ phận tên là Đông Tào Duyện, Đông Tào Duyện phụ trách đề bạt và tiến cử quan viên. Chủ quản của Đông Tào Duyện là Mao Giới và Thôi Diễm giữ kỷ luật rất nghiêm, tôn sùng cần kiệm, phản đối xa xỉ. Đông Tào Duyện quản lý nghiêm ngặt, rất nhiều người đều không có cách nào đối phó, nhìn thấy người của Đông Tào Duyện mọi người đều đau đầu.

Đúng lúc cần phải giản lược cơ cấu triều đình, cần phải đào thải và hợp nhất một số bộ phận, rất nhiều người đều nhân cơ hội này để hủy bỏ Đông Tào Duyện. Vì thế dâng tấu lên Tào Tháo, nói rằng: Dựa theo chế độ ban đầu, có Tây Tào trước rồi mới có Đông Tào, bây giờ chúng ta giản lược cơ cấu, theo lý cần phải dẹp bỏ Đông Tào. Tào Tháo biết rõ những suy tính đó của các quan liêu, ông gửi đi một công văn, công văn này viết rất hài hước: “Mặt trời mọc đằng đông, trăng nhô lên đằng đông, phàm nói đến phương hướng, cũng nói hướng đông trước, tại sao lại giảm bớt Đông Tào?”, mặt trời mọc lên từ hướng đông, mặt trời cũng nhô lên từ hướng đông, khi con người nói đến vị trí phương hướng, nhất định sẽ nói hướng đông trước, từ xưa đến nay người ta luôn nói đông tây nam bắc, có thấy ai nói tây đông nam bắc không? Nếu như ông Trời đã đặt hướng đông vào vị trí quan trọng như vậy rồi, vậy tại sao chúng ta lại phải xóa bỏ Đông Tào chứ? Những lời này của Tào Tháo thực sự là rất hài hước, vừa giữ được lập trường của riêng mình, vừa dễ dàng hóa giải được một cuộc tranh cãi.

(Còn tiếp…)

Theo Epoch Times
Châu Yến biên dịch