Nghệ sĩ dương cầm Vu Y Lệ cả đời chỉ yêu một người, nhưng lại chủ động ly hôn; cả đời chỉ nguyện thủ một cây đàn, nhưng lại biến mất khỏi sân khấu Trung Quốc suốt nửa thế kỷ. Bản nhạc phổ dương cầm “Lương Chúc” là tác phẩm kinh điển của bà, và đó cũng là âm thanh vẫn còn lại sau hạo kiếp.

Xin chào quý vị độc giả, chào mừng đến với “Trăm Năm Chân Tướng“!

Bản nhạc “Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài” (Uyên ương hồ điệp – Butterfly Lovers) không những nổi tiếng ở Trung Quốc mà còn vô cùng nổi tiếng trên toàn thế giới, một bản nhạc đã lấy đi bao nhiêu nước mắt của nhiều thế hệ. Quý vị có biết rằng Vu Y Lệ, thế hệ nghệ sĩ piano đầu tiên ở Trung Quốc, là người sáng tác và biểu diễn đầu tiên nhạc đệm dương cầm của “Khúc hòa tấu vĩ cầm Lương Chúc”.

Trong “Cách mạng Văn hóa”, để bảo vệ đôi bàn tay độc tấu dương cầm, bà đã phải cay đắng cầu xin những hồng vệ binh đang đánh mình dã man: “Hãy đánh vào chân tôi, đừng đánh vào tay tôi!”

Kể từ đó, chân của bà đã thành bệnh. Nửa đời phiêu bạt, mỗi lần biểu diễn bà luôn run rẩy bước về phía cây đàn, mỗi bước đi đều phải cẩn thận và nỗ lực.

Đệ tử số một của Mario Paci

Năm 1930, Vu Y Lệ sinh ra trong một gia đình trí thức ở Thượng Hải. Ông nội của bà là hội viên đã đăng ký của Hội Hưng Trung; ông ngoại của bà, Lý Vân Thư, là một doanh nhân lớn danh tiếng hiển hách ở Giang Tô và Chiết Giang, từng là hội trưởng Hội Thương vụ Thượng Hải – người tài trợ tư bản chính cho Tôn Trung Sơn trong thời kỳ Cách mạng Tân Hợi 1911. Cha của Vu Y Lệ là Vu Chấn Anh, thời trẻ đã học ở Mỹ và là một kiến ​​trúc sư nổi tiếng. Mẹ bà, Lý Huệ Anh, cũng tiếp thụ nền giáo dục phương Tây.

Vu Y Lệ kết duyên với dương cầm từ năm 6 tuổi, khi bà cùng chú mình xem một bộ phim, bản nhạc dương cầm do nam chính chơi luôn văng vẳng bên tai bà, thậm chí đã làm cô bé Vu Y Lệ nhỏ tuổi mất ngủ. Cô bé quấn lấy mẹ nài nỉ, muốn học dương cầm ngay lập tức.

Ngay trong năm đầu tiên học đàn, Vu Y Lệ đã giành giải nhất trong tổ dương cầm của Cuộc thi Âm nhạc Nhi đồng Thượng Hải. Khi đó, tờ “Thân báo” của Thượng Hải đưa tin, chiếc cúp quá lớn khiến cô bé không thể cầm nổi, người chú phải ôm cô cháu lên ghế, cả hai cùng nâng cúp.

Khi Vu Y Lệ 9 tuổi, chú của Vu Y Lệ đã đưa cô bé đến gặp nhà âm nhạc nổi tiếng người Ý Mario Paci (1878-1946). Vào thời điểm đó, Mario Paci là cha đẻ của Đoàn nhạc Giao hưởng Thượng Hải, ông không chỉ là một nhạc trưởng, mà còn là một nhà giáo dục âm nhạc, vào đầu thế kỷ 20, ông từng giành giải Nhất trong cuộc thi piano Liszt ở Đức, và ông cũng là đệ tử tái truyền của Franz Liszt.

Sau khi Mario Paci nghe Vu Y Lệ chơi đàn, đã nhận cô bé làm học trò ngay tại chỗ. Mario Paci thu nhận cả học sinh nhi đồng, nhờ đó, Vu Y Lệ chưa đầy 10 tuổi, đã trở thành học trò nhỏ đầu tiên của ông.

Với sự tiến bộ nhanh chóng trong trình độ độc tấu của mình, Vu Y Lệ hợp tác với Đoàn nhạc Giao hưởng Thượng Hải vào năm 1949 để biểu diễn bản “Concerto” của Beethoven tại Nhà hát lớn Lan Tâm Thượng Hải, buổi biểu diễn đã gây chấn động ở Thượng Hải, giành được danh hiệu “Nữ nghệ sĩ dương cầm trẻ nhất”. Năm đó, Vu Y Lệ mới 19 tuổi.

Gặp gỡ Dương Bỉnh Tôn

Mặc dù Vu Y Lệ biến mất khỏi sân khấu Trung Quốc trong suốt 50 năm, trầm mặc không tin tức trong suốt nửa thế kỷ, nhưng từ những thập kỷ 50 và 60 của thế kỷ 20, cái tên “Vu Y Lệ” trong giới âm nhạc Trung Quốc thì không người nào không biết đến.

Năm 1954, Vu Y Lệ được chuyển đến Đoàn nhạc Trung ương Bắc Kinh, và một năm sau, bà là nghệ sĩ độc tấu dương cầm đầu tiên của Đoàn nhạc Trung ương. Cây đàn dương cầm không chỉ mang đến cho bà vinh quang vô hạn, mà còn khiến bà gặp được tình yêu của đời mình – Dương Bỉnh Tôn, nghệ sĩ vĩ cầm chính đầu tiên của Đoàn nhạc Trung ương.

Chân dung Vu Y Lệ lúc còn trẻ (ảnh chụp từ video).

Theo bài báo phỏng vấn “Vu Y Lệ: Một đời chỉ giữ một cây đàn”, sau khi kết hôn, hai người rất tâm đầu ý hợp, cùng nhau hợp tác trong rất nhiều bản nhạc, cùng với ba người khác hợp tác diễn tấu ngũ tấu dương cầm “Trout” cung La trưởng của Schubert. Bất luận thu nhập cao thấp, trong điều kiện thế nào, chỉ cần nơi có đàn thì đó chính là sân khấu. Trong mắt những người xung quanh, sự hòa hợp đàn hát của Vu Y Lệ và Dương Bỉnh Tôn đã diễn giải vẻ hoàn mỹ nhất của tình yêu.

Năm 1962, Vu Y Lệ, 32 tuổi, được đánh giá là nghệ sĩ diễn tấu dương cầm hạng nhất quốc gia. Để đáp ứng nhu cầu của ngành, bà đã làm việc suốt ba ngày ba đêm để sáng tác bản nhạc phổ dương cầm “Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài” (Butterfly Lovers), sau đó hoàn thành buổi ra mắt bản nhạc phổ. Trên những nốt nhạc cao nhất của vận mệnh, tiếng đàn của bà tràn đầy niềm hân hoan.

Tuy nhiên, những ngày hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, mười năm hạo kiếp của Cách mạng Văn hóa ập tới. Lập tức, những nốt trầm tối tăm cương ngạnh trong tiếng dương cầm của Vu Y Lệ vang lên, từng bước tăng cường, phóng đại, trong nháy mắt đã nuốt chửng âm nhạc hoa mỹ của Vu Y Lệ.

Đột ngột ngừng bặt: Tiếng đàn và cuộc hôn nhân

Năm 1966, âm nhạc của Vu Y Lệ và Dương Bỉnh Tôn đột ngột ngừng bặt. Hồng vệ binh và tạo phản phái xông vào nhà họ, hét lên rằng họ không được phép kéo đàn chơi đàn nữa.

Nhưng hai vợ chồng vẫn bí mật luyện đàn, Dương Bỉnh Tôn phân khai luyện tập chỉ pháp và vận cung riêng để ngăn không cho đàn vĩ cầm (violin) phát ra bất kỳ âm thanh nào. Vu Y Lệ cũng âm thầm tập chơi dương cầm không âm thanh. Dù tiếng đàn vô thanh, nhưng âm nhạc luôn ở trong tim họ.

Trong chiến dịch “thanh lý đội ngũ giai cấp” và thanh tra “tập đoàn phản cách mạng 516”, Đoàn nhạc Trung ương nho nhỏ đã có bốn thành viên tự sát do bị vu hãm bức hại và bức cung khốc hình. Dương Bỉnh Tôn, người từng học ở Hungary, ngay từ khi “Cách mạng Văn hóa” bắt đầu, đã bị xác định là “quyền uy học thuật giai cấp tư sản”, bị đả thành “thành viên tập đoàn phản cách mạng nhỏ”, bị kết án 10 năm tù.

Vu Y Lệ đột nhiên trở thành người nhà của phản cách mạng, bà cảm thấy bất lực, ngột ngạt và sợ hãi… Sau nhiều lần suy nghĩ trằn trọc, bà đã đưa ra một quyết định vô cùng đau đớn, thay đổi cả cuộc đời: đệ đơn ly hôn. Dương Bỉnh Tôn trong tù đã nhận được thông báo ly hôn, không nói một lời mà ký vào đó. Đôi vợ chồng ái ân hồ điệp từ đó mỗi người mỗi ngả.

Dương Bỉnh Tôn tiếp tục thụ án trong tù. Lúc đó, nhà văn Trương Lang Lang, người đã bị bỏ tù oan vì tổ chức đội văn học ngầm “Tổng đội Thái dương”, bị giam cùng với Dương Bỉnh Tôn trong Nhà tù số 2 ở Hà Bắc. Trương Lang Lang sau đó đã viết một bài báo “Dương chủ tịch trong tù”, nói rằng Dương Bỉnh Tôn bị buộc phải dùng bàn tay chơi vĩ cầm để làm các công việc nặng nhọc như di chuyển các trụ bê tông và đổ các khối bê tông trong đội xây dựng trong tù. Ông bị thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng, đau khổ không kể xiết. Dù ở trong tù, đôi khi ông trong tâm tưởng tượng một cây vĩ cầm trong tay, âm thầm luyện tập bằng tay không.

Về phần Vu Y Lệ, dù vẫn bảo trì vị trí nghệ sĩ độc tấu trong Dàn nhạc Trung ương một thời gian, nhưng bà bị dồn về một căn gác nhỏ. Ai đó đã treo báo chữ lớn đả kích bà, những người hàng xóm đổ sốt cà chua lên cửa nhà bà. Thế rồi, Vu Y Lệ đột ngột bị đánh thức lúc 2 giờ sáng, bị bịt mắt, bị đánh đập dã man khi đang đi bộ, sau đó bị đưa đến một trường cán bộ ở ngoại ô Bắc Kinh để “cải tạo lao động”.

Bà từng cầu xin những hồng vệ binh đang ẩu đả mình: “Hãy đánh vào chân tôi, đừng đánh vào tay tôi!”

Đối với một người coi nghệ thuật dương cầm là sinh mạng của mình, Vu Y Lệ hiển nhiên hiểu rằng đôi tay lướt trên những phím đàn đen trắng chính là giá trị của cuộc đời bà. Những trận đòn của quân tạo phản đã khiến đôi chân của Vu Y Lệ bị tật bệnh dai dẳng đeo bám, chân bà bị viêm ống mạch trường kỳ.

Một bức ảnh hiếm hoi lúc biểu diễn chung của cặp vợ chồng bạc mệnh Vu Y Lệ và Dương Bỉnh Tôn (ảnh chụp từ video).

Vu Y Lệ đã mô tả điều đó trong một cuộc phỏng vấn vào hơn 30 năm sau. Trong nhiều đêm khi bà bị “cải tạo lao động” phải canh ruộng canh nước, bà nhìn lên bầu trời đầy sao, và những ngày đã qua lại ùa về trong ký ức, trong nháy mắt lấp đầy những nốt nhạc trong trái tim bà, rồi thảng thốt không biết đi xứ nào.

Ở phía bên kia, Dương Bỉnh Tôn, người đang thụ án trong tù, vì giám ngục trưởng sắp mở hội liên hoan năm mới, ông lại trở thành “bánh hương”. Nhà văn Trương Lang Lang đã ghi lại tình hình năm đó:

“Trong đội vì để Dương Bỉnh Tôn biểu diễn tốt tiết mục này, đã bảo ông viết một lá thư cho vợ cũ Vu Y Lệ, yêu cầu bà nhờ người mang cây vĩ cầm đến nhà tù. Nhưng khi đội trưởng nghe được giá trị tiền của từ cây vĩ cầm, ông ta chết lặng tại chỗ, theo đó, bộ sậu nhà tù quyết định cử người đáng tin cậy nhất đến Bắc Kinh để lấy nó.”

“Khi ngục trưởng Phí thản nhiên đưa cây vĩ cầm cho Dương Bỉnh Tôn, ngón tay của lão Dương lúc đó run lên, biểu cảm trên khuôn mặt không cách nào diễn tả. Có vẻ như ông ấy đang cầm không phải là cây vĩ cầm, mà là ‘đứa con duy nhất của mười thế hệ’ vậy.”

Trương Lang Lang kể lại, vào năm 1975, tại hội liên hoan năm mới được tổ chức bởi hơn 6.000 nam nữ tù nhân trọng hình trong tù, màn độc tấu vĩ cầm “Mùa xuân Tân Cương” của Dương Bỉnh Tôn đã gây chấn động toàn nhà tù. Tin tức “Dương Bỉnh Tôn đang thụ án tại Nhà tù số 2” lan nhanh như cháy rừng, lan rộng khắp Thạch Gia Trang, và thậm chí cả tỉnh Hà Bắc. Khi đến năm thứ hai, rất nhiều ‘khách quý’ đã đến tham dự bữa tiệc mừng năm mới của tù nhân đặc biệt để được nghe tiếng đàn vĩ cầm của Dương Bỉnh Tôn. Trong số những “khách mời” này có các nghệ sĩ biểu diễn từ đoàn văn nghệ của Quân khu Hà Bắc, các chỉ huy quân sự, các quan chức của Ủy ban Cách mạng tỉnh phụ trách công an hoặc các đơn vị văn hóa, và gia đình của họ.

Kể từ đó, tình hình của Dương Bỉnh Tôn đã được cải thiện, ông có cơ hội ra ngoài một hoặc hai lần một tuần trên xe jeep của đội trưởng nhà tù, đưa ông đi dạy đàn vĩ cầm cho con của một nhà lãnh đạo nào đó.

Lúc này, Vu Y Lệ vẫn đang chờ đợi Dương Bỉnh Tôn xuất ngục.

Có thể sẽ có người nghĩ rằng: bà ấy là người khởi xướng ly hôn, cũng là người tình duyên khó đoạn, đây chẳng phải là mình tự làm tự chịu sao? Nhưng chúng ta không thể nhảy ra khỏi bối cảnh của thời đại. Trong thời đại đặc thù đó, có vô số hành vi hãm hại lẫn nhau ở Trung Quốc, nơi những người vợ bị buộc phải vạch mặt chồng, những đứa con bị buộc phải vạch trần cha mẹ của họ. Đây là bi kịch của thời đại, là bi kịch phản nhân loại do ĐCSTQ chế tạo ra, chúng ta không thể buộc những sai lầm này là do cá nhân gánh chịu. Nhà văn Phương Phương nói: “Một hạt bụi của thời đại, rơi xuống đầu một người, cũng giống như thể một quả núi.” Chẳng phải thế sao?

Nửa đời phiêu bạt, lang thang độc hành

Sau khi “Cách mạng Văn hóa” kết thúc vào năm 1977, Dương Bỉnh Tôn được ra tù và trở lại vị trí nghệ sĩ vĩ cầm hàng đầu của Đoàn nhạc Trung ương. Ông xây dựng một gia đình mới, và sau đó có con. Năm 1991, ông cùng vợ và con gái định cư tại Houston, Mỹ.

Năm 1981, Vu Y Lệ đã quá năm mươi, một mình đến Mỹ để học thêm, sau đó trở thành công dân Mỹ. Năm 1993, bà định cư tại Singapore, thuê một phòng trọ, dạy dương cầm kiếm sống, và không bao giờ tái hôn.

Vu Y Lệ, người đã thành danh từ khi còn trẻ, nửa đời phiêu bạt, và chỉ xuất bản album solo đầu tiên của mình ở tuổi 78. Vào năm 2013, ở tuổi 83, bà đã xuất bản album solo thứ hai của mình, trong đó có ngũ tấu dương cầm “Trout” cung La trưởng cùng với Dương Bỉnh Tôn và năm người khác. Bà đặc biệt nhờ một người bạn từ Singapore mang nó đến cho Dương Bỉnh Tôn ở Mỹ.

Tình yêu cách sơn cách hải, tâm ý đều trong những ngón tay. Dù âm nhạc vẫn thong thả trôi, nhưng câu chuyện về cặp tài tử giai nhân trời sinh đã tan tản từ ​​lâu.

Vào tháng 5 năm 2017, Vu Y Lệ giành được “Giải thưởng Nghệ thuật gia Trung Hoa kiệt xuất thế giới”. Cũng trong tháng này, Dương Bỉnh Tôn, 88 tuổi, qua đời vì bệnh tật ở Houston, Mỹ, ở bên vợ và con gái.

Năm 2018, cụ bà 88 tuổi Vu Y Lệ một lần nữa run rẩy bước lên sân khấu ở Trung Quốc. Bà tựa vào dương cầm, chậm rãi ngồi xuống, sau khi ngưng lại 10 giây, bà mới nhẹ nhàng đặt tay lên phím đàn.

Cụ bà Vu Y Lệ độc tấu dương cầm bản nhạc “Lương, Trúc” ở tuổi 88 (ảnh chụp từ video).

Đó là những ngón tay khô héo, là những ngón tay mà khớp xương đã bị biến dạng. Tuy nhiên, ngay khi đầu ngón tay bà chạm vào những phím đàn đen trắng, âm nhạc lập tức tuôn trào khiến cả khán phòng lặng đi.

Khúc dương cầm “Lương Chúc” khiến khán giả kinh ngạc tán thán. Mặc dù nghệ sĩ dương cầm cấp tổ mẫu này chỉ sau một đêm đã trở thành người nổi tiếng trên mạng, nhưng có ai biết rằng, những gì họ nghe được là tiếng đàn của một lão nhân yếu ớt đã may mắn sống sót sau hạo kiếp?

Vào ngày 20 tháng 4 năm 2019, Vu Y Lệ bị ngất khi đang tham gia một buổi hòa nhạc tại Victoria Concert Hall, Singapore; sau khi được đưa đến bệnh viện để cấp cứu, bà đã không bao giờ tỉnh lại nữa.

Khi biết tin, cư dân mạng đã than thở: Một khúc “Lương Chúc” đã thành tuyệt hưởng, sau nửa thế kỷ ồn ào xáo động, tiếng đàn của vị lão nhân cô độc nghe lại càng bi thương.

Mời quý vị xem video gốc tại đây.

Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch