Người ta vẫn thường nói, vợ chồng đến với nhau là duyên phận, hay như câu: “Tu trăm năm mới đi chung thuyền, tu nghìn năm mới nên duyên vợ chồng”. Như vậy, để thành vợ thành chồng, mối duyên ấy không chỉ được tạo nên bởi một đời một kiếp. Đào Tông Nghi, một văn học gia thời nhà Nguyên, đã ghi lại một cố sự về “vợ hiền tôn quý” trong ‘Nam thôn xuyết canh lục’ của mình, câu chuyện này đã trở thành một giai thoại lưu truyền hậu thế.

Vào cuối thời Nam Tống, một thư sinh tên là Trình Bằng Cử bị quân nổi dậy bắt cóc trở thành gia nô cho Trương Vạn Hộ ở Bản Kiều thuộc Hưng Nguyên (nay là vùng Nam Bộ Thiểm Tây). Trương Vạn Hộ thấy Trình Bằng Cử hiểu biết chữ nghĩa liền bắt một người con gái của quan lại gả cho ông.

Sau tân hôn 3 ngày, cô dâu liền lén nói với Trình Bằng Cử: “Nhìn tài mạo của chàng, thiếp biết chàng sẽ không ở dưới trướng của người khác quá lâu. Tại sao chàng không nghĩ cách rời đi mà lại cam tâm ở lại đây làm nô bộc?” Trình Bằng Cử nghi ngờ vợ có thể là người mà chủ nhân sắp đặt đến để thử mình, liền đem lời này nói với Trương Vạn Hộ, kết quả khiến thê tử bị chủ nhân hạ lệnh đánh cho một trận. 

Lại 3 ngày nữa trôi qua, thê tử một lần nữa nói với Trương Bằng Cử: “Chàng nếu như rời đi, ngày khác nhất định thành đại khí, nếu chung thân ở đây thì cũng chỉ làm gia nô cho người khác mà thôi”. Lúc này Trình Bằng Cử càng thêm hoài nghi, liền đem lời của này nói cho Trương Vạn Hộ biết. Trương Vạn Hộ liền ra lệnh đuổi vợ Bằng Cử đi. Trên đường nàng bị bán cho một gia đình nọ.

Trước khi rời đi, thê tử đã đổi chiếc giày thêu của mình lấy chiếc giày của Bằng Cử, vừa khóc vừa nói: “Hy vọng tương lai đôi giày này có thể sánh đôi!”. Lúc này Trình Bằng Cử mới nhận ra lời thê tử nói là thật lòng, ông liền trở về triều Nam Tống. Lúc đó Bằng Cử mới 18 tuổi, nhờ vào công trạng của tổ tiên mà được bổ nhiệm cho một chức quan. 

Về sau, khi nhà Nguyên thống nhất thiên hạ, Trình Bằng Cử trở thành viên quan chính sự tỉnh Thiểm Tây. Ông và vợ đã ly biệt hơn 30 năm, nhưng bởi kính nể nghĩa khí và hành động của thê tử, ông cũng không lấy thêm người vợ nào. Bằng Cử sai người mang chiếc giày thêu và chiếc giày của mình đến Hưng Nguyên dò hỏi tung tích người vợ đã thất lạc của mình. 

Sau khi dòi hỏi được gia đình mua vợ của Bằng Cử, chủ nhà cho biết: “Phu nhân này sau khi đến nhà của ta, làm việc rất chịu khó, ban đêm cũng không cởi áo ngủ, thường ngồi dệt vải tới hửng sáng, tính tình cương nghị không thể xâm phạm. Thê tử của ta nghĩ nàng không giống với người bình thường khác, liền đối đãi với nàng như con gái. Sau nửa năm, nàng dùng tiền công dệt vải bán của mình thỉnh cầu chuộc thân xuất gia làm ni cô. Thê tử ta đã bố thí một chút tài vật, thành toàn cho chí nguyện của nàng ấy. Hiện nàng ấy đang ở trong am ni cô ở phía nam thành”. 

Người được phái đã dò hỏi đến am ni cô, quả nhiên thấy một vị ni cô  (hình ảnh: lấy một phần từ bức tranh vẽ Hồ Sơn thắng khái’ thời nhà Minh)

Đến am ni cô, quả nhiên người được Trình Bằng Cử phái đi dò hỏi nhìn thấy một vị ni cô đang phơi y phục, người này đã cố tình để hai chiếc giày dưới đất lấy cớ là phơi đồ. Vị ni cô liền hỏi về lai lịch của hai chiếc giày. Người này nói: “Chủ nhân của ta, Trình tham chính phái ta đi tìm vợ của ngài ấy!”

Lúc này vị ni cô liền đem đôi giày bản thân cất giữ ra xem, chúng vô cùng khớp đôi. Người được Bằng Cử phái đi dò hỏi lập tức hạ bái: “Bà là nữ chủ nhân của tôi rồi”. Vị ni cô nói: “Hai đôi giày này đã được đoàn tụ, tâm nguyện của ta đã xong. Ngươi trở về gặp Trình tướng công và phu nhân, thay ta chuyển lời ân cần thăm hỏi”. Nói xong, ni cô liền đi vào trong mà không trở ra nữa. Người được phái đi dò hỏi cũng nói cho nàng biết Trình tham chính không lấy thêm người vợ nào nữa, tuy nhiên nàng vẫn không ra ngoài. 

Không còn cách nào khác, người này liền trở về báo cáo với Trình Bằng Cử. Bằng Cử đã viết một bức thư cho Tỉnh lý, cử người mang theo công văn đến Hưng Nguyên lộ (‘Lộ’ là tên của bộ phận hành chính triều Nguyên, Hưng Nguyên lộ thuộc địa phận quản hạt của tỉnh Thiểm Tây, nay là Tây An). Lộ quan sắp xếp nghi thức nghênh tiếp thê tử của Trình Bằng Cử hoàn tục, và phụ tá Lý Khắc Phục được ủy thác hộ tống xe đưa thê tử trở về. Phu thê Trình Bằng Cử cuối cùng đã gương vỡ lại lành, thành tựu một đoạn giai thoại thiên cổ. 

Về sau, vào thời nhà Minh, một người đàn ông tên là Đổng Ứng Hàn đã viết một câu chuyện truyền kỳ ‘Dịch hài ký’, kể về cố sự Trình Bằng Cử và thê tử Bạch Ngọc Nương của ông. Thời nhà Thanh, Chi Phong Nghi đã biên soạn ‘Tân tiết mục’, Trầm Kình thời nhà Minh đã viết ‘Phân dày’, Lục Thải làm ‘Phân giày ký’, tất cả đều từ điển cố này.

Về sau, Mai Lan Phương tiên sinh đã đem câu chuyện của Trình Bằng Cử và thê tử Hàn Ngọc Nương trong ‘Dịch giày ký’ viết nên vở kịch ‘Sinh tử hận’ rung động lòng người. Về sau, năm 1948, tác phẩm ‘Sinh tử hận’ được dựng thành phim Kinh kịch nghệ thuật, trở thành phim màu đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Trung Quốc.

Theo Sound Of Hope
San San biên dịch

Từ Khóa: