Lời toà soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay… 

Ngũ Tử Tư đến bên hồ, khi đó đã là mùa đông, chỉ thấy cỏ cây xơ xác, nước hồ mênh mông, biết đến đâu tìm kiếm mộ phần của Sở Bình Vương đây? Ngũ Tử Tư đấm ngực giậm chân, ngửa mặt lên trời khóc than, rằng: “Trời ơi! Trời ơi! Sao lại không để ta báo thù rửa hận cho cha anh?”.

Trả mối thù nhà

Từ năm 522 TCN, cha và anh trai của Ngũ Tử Tư bị Sở Bình Vương giết hại, Ngũ Tử Tư trốn đến nương nhờ nước Trịnh được 3 năm, có thể nói trong 3 năm này ông chẳng làm nên chuyện gì, thái tử Kiến còn bị Trịnh Định Công giết chết. Rồi ông vượt quan Chiêu, trốn chạy đến nước Ngô, giữa đường được Đông Cao Công và ông lái đò giúp đỡ. Sau khi đến nước Ngô, Ngũ Tử Tư không có lấy một người thân thích, phải thổi sáo xin ăn ngoài chợ, may thay ông gặp được bậc thầy tướng số là Bị Ly, nhờ vậy mà được diện kiến Ngô Vương Liêu. Nhưng lại bởi Ngô Vương Liêu không chịu xuất binh đánh Sở, Ngũ Tử Tư đành phải lui về cày ruộng.

Từ năm 519 đến năm 515 TCN, ông đã làm ruộng được 4 năm. Sau đó, ông đã tiến cử người em kết nghĩa là Chuyên Chư giúp công tử Quang giết chết Ngô Vương Liêu, bước lên vương vị. Ông lại tiến cử Yêu Ly hành thích con trai của Vương Liêu là công tử Khánh Kỵ. Ông quy hoạch xây dựng thành Cô Tô, giúp nước Ngô giàu mạnh. Sau đó, ông lại tiến cử “cha đẻ” của binh pháp Tôn Tử là Tôn Vũ giúp Ngô vương huấn luyện binh sĩ. Cuối cùng, kinh qua năm trận đánh vào Dĩnh Đô (kinh đô nước Sở), nước Ngô nhỏ bé lại đánh bại được nước Sở lớn mạnh. Năm này chính là năm 506 TCN, cũng chính là nói, Ngũ Tử Tư ôm mối thù giết cha anh suốt 16 năm, cuối cùng đã đợi đến được cái ngày tiêu diệt nước Sở này.

Kẻ thù của Ngũ Tử Tư là ai đây? Kẻ thù lớn nhất của ông kỳ thực là Phí Vô Kỵ. Nhưng Phí Vô Kỵ khi mà Sở Chiêu Vương vừa mới lên ngôi không lâu đã bị giết chết. Còn Sở Bình Vương cũng đã bệnh mất vào năm 515 TCN, vậy nên giờ đây Ngũ Tử Tư báo thù nhưng lại gần như đã mất đi đối tượng, ông cũng không biết được tung tích của Sở Chiêu Vương. Ngũ Tử Tư vì thế tìm kiếm thi thể Sở Bình Vương khắp nơi. Về sau, có người nói với ông thi thể Sở Bình Vương được chôn dưới đáy hồ. Ngũ Tử Tư đến bên hồ, khi đó đã là mùa đông, chỉ thấy cỏ cây xơ xác, nước hồ mênh mông, biết đến đâu tìm kiếm mộ phần của Sở Bình Vương đây? Ngũ Tử Tư đấm ngực giậm chân, ngửa mặt lên trời khóc than, rằng: “Trời ơi! Trời ơi! Sao lại không để ta báo thù rửa hận cho cha anh?”.

Lúc này, quân sĩ dẫn đến một ông lão. Ông lão này nói với Ngũ Tử Tư rằng: “Có phải tướng quân ngài muốn tìm kiếm mộ phần của Sở Bình Vương? Lão biết”. Ngũ Tử Tư hỏi ở đâu, ông lão nói hãy tát cạn nước trong hồ, mộ phần chính ở ngay giữa lòng hồ. Ngũ Tử Tư vội sai quân lính đắp đất xung quanh huyệt mộ rồi tát cạn, kết quả đào ra được một cái quách bằng đá. Người xưa khi chôn cất, những người giàu có hoặc có địa vị cao thường quan tài đều có hai lớp, một lớp bên trong là được làm bằng gỗ, gọi là quan, một lớp bên ngoài thì gọi là quách. Nó là hai lớp, có quan có quách được gọi là hậu táng (an táng long trọng). Bởi vì Sở Bình Vương là vua chúa, vậy nên quan tài là có quan có quách. 

Sau khi Ngũ Tử Tư mở thạch quách ra đã thấy được quan tài, rồi cho mở nắp quan tài ra, phát hiện bên trong chỉ có vài trăm cân sắt. Ngũ Tử Tư liền nghĩ, thi thể của Bình Vương không ở chỗ này rồi. Ông lão nói đấy chỉ là mộ giả, mộ thật ở dưới sâu hơn ba thước. Ngũ Tử Tư nghe vậy liền lệnh cho binh sĩ khiêng cái thạch quách đó đi, rồi lại đào tiếp, quả nhiên bên dưới có một chiếc quan tài nữa, sau khi mở ra xem thử, quả nhiên là thi thể của Sở Bình Vương. 

Tính đến lúc này, Sở Bình Vương đã mất được 9 năm, nhưng thi thể của ông ta là được dùng thủy ngân khâm liệm nên không bị phân hủy. Ngũ Tử Tư vừa trông thấy thi thể, thì oán khí ngất trời, lôi thi thể từ trong quan tài ra, dùng cây roi đồng chín đốt quất vào thi thể 300 roi, đánh đến thịt nát xương tan, rồi đem thây xác của Bình Vương phơi giữa cánh đồng. Đây chính là một điển cố vô cùng nổi tiếng trong lịch sử, gọi là: Ngũ Tử Tư đào mộ quất xác.

Ngũ Tử Tư muốn hậu tạ ông lão nhưng ông nói không cần. Năm xưa khi Sở Bình Vương chọn nơi chôn cất cho mình đã chọn ra nơi này, sau đó lệnh cho mấy chục thợ đá giúp ông ta xây mồ mả. Sau khi làm xong, ông ta sợ người khác đến đào mộ mình, vậy nên đã giết chết toàn bộ mấy chục thợ đá đó. Ông lão nói: “Tôi là người duy nhất may mắn thoát chết, hôm nay tôi đến đây không chỉ là báo thù giúp tướng quân, mà cũng là để trả thù cho mấy chục người bạn thợ đá đó của tôi nữa”. Vậy nên ông lão bỏ đi mà không nhận hậu tạ của Ngũ Tử Tư.

Sự tình này ở một chương tiết khác trong “Sử Ký” lại ghi chép khác. Trong “Sử Ký – Ngũ Tử Tư liệt truyện” viết là “Ngũ Tử Tư không tìm được Sở Chiêu Vương, liền đào mộ của Bình Vương, lôi thi thể ra quất 300 roi”. Ghi chép trong “Sử Ký – Ngô Thái Bá thế gia” là “Tử Tư, Bá Bĩ dùng roi quất thi thể của Bình Vương để báo thù cho cha”, chính là ngoài Ngũ Tử Tư dùng roi đánh thi thể Sở Bình Vương ra, còn có Bá Bĩ nữa.

Tranh minh họa Ngũ Tử Tư đào mộ quất xác.

Việc Ngũ Tử Tư đào mộ quất xác này rất mau đã truyền sang các nước chư hầu, bởi đây quả thật là chuyện vượt ngoài sức tưởng tượng. Khi đó, Sở Chiêu Vương đã trốn chạy đến nước Tùy, ở gần thành phố Tùy Châu, tỉnh Hồ Bắc hiện giờ. Ngũ Tử Tư liền cử sứ giả đưa thư cho vua Tùy đòi giao nộp Sở Chiêu Vương, ông muốn giải Sở Chiêu Vương về rồi đem giết để báo thù. Vua nước Tùy không biết có nên giao nộp Sở Chiêu Vương hay không, liền sai quan thái bốc bói xem một quẻ tốt xấu thế nào. Trong quẻ bói có câu rằng: “Trị có ngày loạn, nguy có ngày yên, cũ chớ nên bỏ, mới chớ nên cầu, tây lân là hổ, đông lân là thịt”. Khi đó vua Tùy cũng không biết là ý gì, chỉ là cảm thấy nếu giao Sở Chiêu Vương ra thì sẽ là điều bất lợi. Vậy nên ông bèn trả lời Ngũ Tử Tử rằng: “Nước tôi từ xưa đến nay vẫn phụ thuộc nước Sở, nếu vua Sở qua đây, chúng tôi không thể nào từ chối được. Nay vua Sở đã đi sang nước khác rồi, xin tướng quân xét cho”.

Báo đền ân nhân cũ

Ngũ Tử Tư không tìm được tung tích của Sở Chiêu Vương, mục tiêu báo thù tiếp theo của ông chuyển sang nước Trịnh. Ngũ Tử Tư bèn dời binh phạt Trịnh. Mặt khác, quan Lệnh doãn của nước Sở là Nang Ngõa đã trốn sang nước Trịnh. Mặt khác, ông cảm thấy Sở Chiêu Vương cũng rất có khả năng đã trốn đến nước Trịnh. Điều quan trọng hơn là vào năm 519 TCN, thái tử Kiến khi còn ở nước Trịnh đã bị Trịnh Định Công giết chết. Quân đội của Ngũ Tử Tư vây chặt nước Trịnh.

Khi đó, Trịnh Định Công đã mất, quân vương tại vị là Trịnh Hiến Công. Trịnh Hiến Công liền bàn bạc cùng các đại thần, trước hết là vấn đề về Nang Ngõa, bởi Nang Ngõa giờ đang trốn ở nước Trịnh. Trịnh Hiến Công chuẩn bị giao Nang Ngõa ra cầu hòa với nước Ngô. Nang Ngõa hay tin liền tự sát.

Chúng ta bây giờ rất khó biết được tâm trạng của Nang Ngõa khi tự sát. Thời ông ta còn làm quan Lệnh doãn ở nước Sở, thật đúng là thân dưới một người trên vạn người, vinh hiển tột bực, phú quý vô cùng, nhưng con người ông ta lại rất tham lam, tham ngựa quý của vua Đường, tham áo lông cừu của Thái hầu, kết quả khiến nhiều chư hầu khác bất mãn và họ đã liên quân lại đánh nhau với Sở, khiến nước Sở suy bại, để rồi chính ông cũng mất đi vị trí quan Lệnh doãn, trốn chạy sang nước khác, cuối cùng phải tự sát. Có thể thấy tham lam mang đến nguy hại rất lớn cho bản thân và nước nhà.

Lão Tử trong “Đạo Đức Kinh” có giảng: “Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi”, tức là biết đủ sẽ không nhục, biết dừng sẽ không nguy. Nếu một người có tâm biết đủ thì anh ta sẽ không phải chịu nhục. Còn như một người biết chỗ nào nên dừng lại, anh ta sẽ tránh được nguy hiểm, “đãi” chính là ý chỉ nguy hiểm. “Biết đủ thì không nhục, biết dừng thì không nguy”, Nang Ngõa chính là bởi không hiểu đạo lý này, nên mới dẫn đến cái họa vong quốc diệt thân như vậy.

Sau khi Trịnh Hiến Công giao thi thể của Nang Ngõa cho Ngũ Tử Tư, Ngũ Tử Tư vẫn không lui binh. Trịnh Hiến Công cảm thấy nước Trịnh nhỏ bé như vậy, yếu thế như vậy, nếu giao tranh với nước Ngô thể nào cũng sẽ vong quốc giống như Sở. Vậy nên vua nước Trịnh đã cho dán cáo thị nói rằng, người nào có thể đẩy lùi được quân Ngô thì sẽ được chia một phần đất đai để cùng cai trị. Cáo thị rất mau chóng đã được một người bóc xuống. Người này nói với Trịnh Hiến Công rằng: “Tôi không cần vật báu gì cả, cũng không cần đến một binh một tốt, cái mái chèo trong tay tôi này có thể khiến nước Ngô lui binh”. Nhìn vào thì thấy đây đúng thật là điều không thể ngờ.

Người này đến ngoài doanh trại của nước Ngô, gõ vào mái chèo bắt đầu hát rằng: “Người trong lau hỡi, người trong lau hỡi, lưng đeo bảo kiếm bảy vì sao, còn nhớ năm xưa khi cậu qua sông, cơm nếp canh cá ai cho ăn?”. Quân sĩ đi tuần liền bắt người này giải đến trước mặt Ngũ Tử Tư, nói người này rất có thể là gian tế.

Khi người này trông thấy Ngũ Tử Tư, vẫn vỗ mái chèo hát: “Người trong lau hỡi, người trong lau hỡi, lưng đeo bảo kiếm bảy vì sao”. Ngũ Tử Tư nghe thấy người này nhắc đến “người trong lau” thì rất lấy làm bất ngờ, bởi đây là cái tên ông lão đánh cá gọi ông lúc đưa ông qua sông. Ngũ Tử Tư liền hỏi: “Nhà ngươi là ai?”. Người này giơ mái chèo lên lên nói: “Ngài không còn nhớ cái mái chèo này nữa chăng? Năm đó phụ thân tôi đã từng đưa ngài qua sông, còn cho ngài cơm nếp canh cá nữa, lão nhân gia gọi ngài là người trong lau”.

Ngũ Tử Tư hỏi mục đích y đến đây là gì. Người ấy trả lời rằng: “Vua nước Trịnh có dán cáo thị, rằng người nào có thể đẩy lùi được quân Ngô, thì nguyện ý chia một phần đất cho người ấy. Hôm nay tôi đến đây, thứ nhất là mong ngài có thể lui binh, thứ hai là muốn mượn nhờ việc này mà được hưởng giàu sang”. 

Ngũ Tử Tư nói: “Tôi làm sao có thể quên được ân tình của phụ thân cậu năm xưa? Nếu ông không liều mình chở tôi sang sông, có khi tôi đã bỏ mạng từ lâu rồi, càng sẽ không có cơ hội báo thù của ngày hôm nay”. Thế là Ngũ Tử Tư bèn lui binh, vua nước Trịnh tuân thủ giao ước, cắt trăm dặm đất cho con trai của ông lão đánh cá, người này về sau được gọi là “Ngư đại phu”.

Ngũ Tử Tư rút quân về đóng ở nước Sở. Lúc này ông nhận được một lá thư. Người viết thư là Thân Bao Tư. Mọi người hẳn vẫn còn nhớ, khi Ngũ Tử Tư chạy trốn khỏi nước Sở, người đầu tiên mà ông gặp chính là Thân Bao Tư và giữa hai người họ có một giao ước. Thân Bao Tư nói: “Vì để thành toàn hiếu đạo, ông có thể diệt Sở nhưng vì để vẹn toàn lòng trung của tôi, đợi sau khi ông diệt Sở rồi, tôi sẽ phục hưng lại nước Sở”. 

Trong thư, Thân Bao Tư nói: “Ngày trước ông cũng đã từng là bề tôi của Sở Bình Vương, nay lại đem thi thể Sở Bình Vương ra giày xéo làm nhục như vậy, dẫu gọi là báo thù, nhưng ông làm thế cũng thật là quá lắm. Ông đã diệt nước Sở rồi, còn tôi cũng sẽ làm tròn đại nguyện phục hưng nước Sở”. 

Vũ Dương
Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, đăng trên NTDTV