Văn hóa truyền thống bác đại tinh thâm, ẩn chứa rất nhiều điều tinh tuý, rất nhiều trí huệ của cổ nhân. Đáng tiếc là, các giá trị tinh hoa của văn hoá truyền thống đang ngày càng mai một, thậm chí có người còn cho đó là cổ hủ, lỗi thời…

Tìm về văn hoá truyền thống cũng chính là tìm về với huy hoàng của văn minh lịch sử. Nhưng làm thế nào để tìm lại những giá trị đang chìm vào quên lãng ấy? Mang theo nỗi trăn trở này, ông Trương Hiểu Bằng (Zhang Xiao Peng) – ký giả của “Báo chiều Nam Dương” – đã đặc biệt phỏng vấn giáo sư Lưu Dư Lợi (Liu Yuli), một học giả uyên bác về văn hoá Á Đông, bà cũng từng giảng dạy tại nhiều trường đại học danh tiếng ở Anh, Mỹ, Canada và Nhật Bản.

Dưới đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn này:

Tiếp theo Phần 1.

Ký giả: Giáo dục tố chất và văn hóa truyền thống được nhắc đến hôm nay thì lý giải thế nào?

Giáo sư Lưu: Giáo dục tố chất, mà trước hết là giáo dục phẩm cách, chính là phát triển toàn diện một người. Cổ nhân giảng: “Trước khi làm việc, thì hãy học làm người”. “Tam Tự Kinh” cũng nói: “Thủ hiếu đệ, thứ kiến văn”, trước tiên cần phải hiếu thuận, khiêm nhường, hữu lễ, sau đó mới học tập tri thức và kiến thức, như vậy học càng nhiều thì càng khiêm nhường không ngạo mạn. Khổng Tử từng nói: “Như hữu Chu Công chi tài chi mỹ, sử kiêu thả lận, kỳ dư bất túc quan dã dĩ”, người này dù có tài hoa của Chu Công, nhưng y vừa cao ngạo lại keo kiệt, thì những điều khác cũng không cần phải nhìn đến nữa. Chính là nói, tố chất cơ bản của một người là tố chất đạo đức, tố chất làm người, còn tri thức và kỹ năng chỉ là một nghề thành thạo, là thủ đoạn mưu sinh mà thôi.

Người xưa tuyển chọn nhân tài thì trước hết xem người đó có đức hạnh hay không. Nếu đức hạnh lại tài năng, “hữu đức hữu tài là chính phẩm”, thì người này rất có tài hoa, sẽ học được nhiều tri thức và kỹ năng. “Hữu đức vô tài là thứ phẩm”, người này có đức hạnh, nhưng tài năng không đủ, như vậy nếu đề bạt anh ta, cộng thêm bồi dưỡng – bởi kỹ năng là rất dễ bồi dưỡng – thì người như vậy có thể dùng được, tuy không tốt như chính phẩm, nhưng cũng không đến nỗi nguy hại cho xã hội. “Vô đức vô tài là phế phẩm”, loại người này không phải là không có. Xã hội chúng ta cần là cần những người tài đức vẹn toàn, phải lấy đức hạnh làm đầu. Nếu không, ví như ngày nay rất nhiều bạn trẻ giỏi kỹ thuật vi tính, nhưng họ lại không lấy đó để phục vụ xã hội và truyền bá những văn hóa truyền thống tốt đẹp, mà họ lấy đó để can thiệp vào các trang mạng của người khác, truyền bá những điều xấu ác, làm ra những việc phá hoại, như vậy nguy hại tạo thành đối với xã hội thật sự rất lớn vậy.

Người xưa tuyển chọn nhân tài thì trước hết xem người đó có đức hạnh hay không. (Ảnh: unews.vn)

Ký giả: Các bậc cha mẹ hiện nay đều mong muốn con cái đa tài đa nghệ, cho rằng như vậy sẽ có thể thành công. Giáo dục trong văn hóa truyền thống có phải như vậy hay không?

Giáo sư Lưu: Trong “Tam Tự Kinh” có câu: “Giáo chi đạo, quý dĩ chuyên” (đạo học, quý ở sự chuyên cần), nói cho chúng ta biết mỗi người đều có sở trường đặc biệt. Bồi dưỡng họ thành tài thật ra rất dễ, thuận theo phương diện sở trường đặc biệt của họ, một môn đi vào chuyên sâu, thời gian học tập lâu dần, kỹ năng thành thạo cả rồi, thì chính là chuyên gia của một môn này.

Ví như, một người học Luận Ngữ học cả mười năm, mười năm nay đều đặt công phu vào Luận Ngữ; còn người kia, mười năm học mười bộ kinh điển khác nhau. Nếu muốn tìm một người giảng Luận Ngữ, bạn sẽ tìm người nào đây? Nhất định sẽ tìm người mà mười năm học một bộ kinh điển kia vậy. Vậy nên, thời gian, tinh lực của một người là có hạn, mong rằng anh ta lắm tài nhiều nghệ là không hiện thực. Bạn đã phân tán tinh lực, thời gian của anh ta, đến cuối cùng thì cái gì cũng biết, nhưng chỉ biết nửa vời, cái nào cũng đều không dùng được.

Cổ nhân bồi dưỡng nhân tài rất đơn giản, chính là nhìn xem anh ta thích điều gì, đặc biệt hứng thú với điều gì, thì có thể dùng nhiều thời gian vào phương diện này, thời gian lâu dài rồi, tự nhiên sẽ trở thành chuyên gia về mặt đó. Học thành thạo một thứ vốn không khó, còn như học mười thứ đều tinh thông, thế thì rất khó rồi. Ngày nay con trẻ học tập rất mệt mỏi, cũng là bởi phụ huynh không nắm chắc được cương lĩnh này. Thứ hai học đàn ca nhảy múa, thứ tư học ngoại ngữ, thứ sáu học kỹ thuật, chủ nhật cũng không được nghỉ ngơi, kết quả tinh lực đều phân tán, đến cuối cùng cái nào cũng không tốt, hứng thú cũng không thể duy trì được lâu, kết quả đều đã bỏ cuộc.

Ký giả: Xã hội hiện nay, con trẻ học tập văn hóa truyền thống có phải sẽ chịu thiệt hay không?

Giáo sư Lưu: Điều này không cần phải lo lắng. Người học văn hóa truyền thống thì đặc điểm lớn nhất là không lấy tự ngã làm trung tâm mà luôn suy nghĩ cho người khác. Con trẻ hiện nay sở dĩ không thể ở cùng nhau, chính là bởi chúng ở nhà là tiểu công chúa, tiểu hoàng đế, tất cả mọi người đều phải suy xét đến nhu cầu của chúng, cân nhắc đến cảm nhận của chúng, lo lắng cho chúng, phương thức hành vi loại này đã hình thành rồi. Thế nên khi các tiểu hoàng đế, tiểu công chúa ở cùng với nhau thì sẽ phát sinh mâu thuẫn, sẽ phát sinh xung đột.

Ngày nay con trẻ học tập rất mệt mỏi, cũng là bởi phụ huynh không nắm chắc được cương lĩnh cốt lõi. (Ảnh: swono.com)

Ký giả: Văn hóa truyền thống có ảnh hưởng đến tinh thần sáng tạo hay không?

Giáo sư Lưu: Rất nhiều người cho rằng văn hóa truyền thống ảnh hưởng đến sự sáng tạo. “Kinh Dịch” được xem là đứng đầu trong Lục Kinh, là kinh điển quan trọng nhất trong văn hóa truyền thống. Chữ “Dịch” (易) trong “Kinh Dịch” có ba hàm nghĩa:

Hàm nghĩa thứ nhất là biến đổi biến hóa, nó nhắc nhở rằng vạn vật nơi thế gian là biến hóa khôn lường, kỳ diệu vô cùng. Vậy nên không thể ôm giữ khiếm khuyết và phải hiểu được việc sáng tạo cái mới. Sáng tạo không phải giống như con người thời nay mang theo cờ hiệu “sáng tạo” mà làm xằng làm bậy, làm ra rất nhiều chuyện trái với quy luật, cuối cùng còn tìm lý do cho bản thân. Nếu đã muốn đổi mới, thì cần phải đóng một chút học phí, đi một chút đường cong, đây đều là cách nói vô trách nhiệm. Người như thế, nào có tư cách thảo luận sáng tạo đây?

Hàm nghĩa thứ hai là ý không đổi. Chỉ có những người nắm giữ quy luật không dời không đổi, vĩnh hằng bất biến, anh ta mới có tư cách đàm luận sáng tạo. Điều biến đổi là hiện tượng, điều không biến đổi là quy luật, nắm giữ quy luật không đổi mới có thể lấy “bất biến ứng vạn biến”.

Hàm nghĩa thứ ba là giản dị. Cổ nhân giảng “Đại Đạo chí giản”, kết quả của sự sáng tạo nhất định là vô cùng đơn giản, khiến cho người ta dễ dàng lý giải được. Dễ dàng lý giải mới dễ dàng thúc đẩy, thực hành trong cuộc sống. Mỹ đức truyền thống dùng năm chữ là có thể khái quát rõ ràng: “Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”. Bởi vì nhìn chung đơn giản, dễ nhớ dễ làm, từ hàng nghìn năm nay đã trở thành giá trị quan cho mọi người tuân theo.

Nếu như hiểu được điểm này, sẽ thấy người xưa không hề thiếu tinh thần sáng tạo. Chẳng qua là, những thứ phù hợp với Đạo mới có thể sáng tạo, còn những thứ không phù hợp với Đạo thì không thể, bởi vì kết quả của sự sáng tạo đó cuối cùng sẽ mang đến sự hủy diệt cho nhân loại. Ví dụ những thứ giống như vũ khí hạt nhân, cổ nhân nhất định sẽ không đi sáng tạo, kết quả tạo thành hai quân cùng chết chung với nhau, đối với vận mệnh tiền đồ của nhân loại là không có bất kỳ chỗ tốt nào cả.

Mỹ đức truyền thống dùng năm chữ là có thể khái quát rõ ràng: “Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”. (Ảnh: tinhhoa.net)

Người học văn hóa truyền thống sẽ biết lễ nghi, họ lúc nào cũng cân nhắc suy nghĩ cho đối phương, có thể tránh khỏi một số xung đột, đố kỵ cản trở không cần thiết. Quan hệ xã hội giữa họ sẽ ngày càng tốt hơn, giống như “Tứ hải giai huynh đệ” (bốn biển là anh em), “quân tử kính nhi vô thất, dữ nhân cung nhi hữu lễ” (quân tử kính mà không để thoát, đối xử người thì khiêm cung mà không vô lễ). Do đó, người đã học tập văn hóa truyền thống sẽ cư xử nho nhã lễ phép, có thể suy nghĩ cho người khác, đi đến đâu cũng được mọi người hoan nghênh. Ngược lại, người không học tập văn hóa truyền thống, biểu hiện ra chính là lấy bản thân làm trung tâm, luôn tự cho mình là đúng, ngạo mạn vô lễ, không biết suy nghĩ cho người khác. Kiểu người như vậy dù đi đến đâu cũng không được hoan nghênh, quan hệ giữa người với người cũng xuất hiện nhiều trở ngại.

Trong “Kinh Dịch” viết: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, ý là những người chí đồng đạo hợp tự nhiên sẽ tác động cùng nhau. Ví như, một người ham mê cờ bạc, bạn bè của anh ta đều là những người ham mê cờ bạc; một người yêu thích rượu chè, bạn bè của anh ta đều là người yêu thích rượu chè; còn người yêu thích văn hóa truyền thống, khiêm cung lễ phép, bạn bè mà anh ta chiêu cảm cũng là những người học tập văn hóa truyền thống, cũng khiêm cung lễ phép, những người bạn bè không tốt kia sẽ không vì anh ta chịu ảnh hưởng mà đến cùng nhau, vậy nên cũng sẽ không gặp phải loại hiện tượng không như ý đó.

Ký giả: Trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển như hôm nay, văn hóa truyền thống có phải đã lỗi thời rồi không?

Giáo sư Lưu: Hạch tâm của văn hóa truyền thống là đạo đức, Đạo chính là quy luật vĩnh hằng bất biến. Trong kinh điển, “Kinh giả thường dã”, điều được giảng cũng là quy luật thường hằng bất biến. Quy luật này giống như mặt trời mọc ở phương Đông, lặn ở phương Tây, từ xưa đến nay không có ngày nào biến đổi, thời xưa thích hợp, ngày nay cũng thích hợp. Những điều được ghi chép trong kinh điển toàn bộ đều là quy luật như vậy, là kết quả của sóng lớn cuốn cát đi, dù ở bất cứ thời đại nào cũng đều không lỗi thời. Khoa học kỹ thuật càng phát triển, càng cần có đạo đức dẫn dắt. Trong lịch sử Trung Quốc, trước thời “Khang Càn thịnh thế” (thời kỳ hưng thịnh Khang Hy, Càn Long), GDP, khoa học kỹ thuật, kinh tế của Trung Quốc luôn ở vị trí dẫn đầu trên thế giới; nhưng sau thời “Khang Càn thịnh thế”, thì so với châu Âu, Trung Quốc lại đình trệ không tiến bước được nữa.

Hạch tâm của văn hóa truyền thống là đạo đức, Đạo chính là quy luật vĩnh hằng bất biến. (Ảnh: pinterest.com)

Joseph Needham, tác giả của cuốn “Lịch sử khoa học kỹ thuật Trung Quốc”, là người luôn ca ngợi khoa học cổ xưa của Trung Quốc, cũng vô cùng bội phục với trình độ tân tiến đó. Ông tự hỏi, vì sao từ sau thời “Khang Càn thịnh thế” thì khoa học kỹ thuật không còn phát triển nữa, tụt hậu rất xa so với các nước phương Tây? Câu hỏi này được gọi là “Vấn đề nan giải của Joseph Needham”, cho đến nay vẫn không có câu trả lời. Thật ra là nguyên nhân gì? Sự chỉ đạo đằng sau khoa học kỹ thuật của người Trung Quốc chính là lý niệm triết học, lý niệm Trung Dung, cũng chính là lý niệm “Nhất dương nhất âm chi vi Đạo” được nói đến trong “Kinh Dịch”. Ý của “Nhất âm nhất dương chi vi Đạo” là âm cực thì dương sinh, dương cực thì âm sinh.

Người Trung Quốc từ rất sớm đã tiên đoán rằng, khoa học kỹ thuật phát triển đến đỉnh điểm có thể sẽ hủy diệt nhân loại, do vậy không thể phát triển thêm nữa, phát triển thêm nữa sẽ mang đến sự hủy diệt trên thế giới. Những vụ thực nghiệm hạt nhân, vụ nổ nhà máy năng lượng nguyên tử hiện nay, v.v… đã xuất hiện rất nhiều vấn đề sinh thái, vấn đề môi trường, vấn đề hao tổn tài nguyên do khoa học kỹ thuật hiện đại gây nên. Những điều này cho chúng ta biết, người xưa là có con mắt nhìn xa trông rộng, không muốn phát triển khoa học kỹ thuật quá sớm, chính là muốn trì hoãn sự hủy diệt của nhân loại.

(Còn tiếp)

Tác giả: Trương Hiểu Bằng
Thiện Sinh biên dịch