Chuyên mục Văn Hoá – Thời báo Đại Kỷ Nguyên xin trân trọng giới thiệu loạt bài: “Những bức thư để đời”. Trong loạt bài này, chúng tôi sưu tầm và giới thiệu những bức thư nổi tiếng của các danh nhân tự cổ chí kim, hoặc từ trong các tác phẩm văn học nghệ thuật đặc sắc. Ấy là những lời tâm huyết nhất của những người trong cuộc gửi trao cho nhau biết bao nỗi niềm tâm sự và tư tưởng tình cảm tốt đẹp, nhân văn, cao thượng; qua đó cung cấp cho ta sự tham khảo tốt để xử lý những tình huống trong cuộc sống; hay đơn giản là mang đến một góc nhìn mới mẻ về con người và sự kiện.
Kỳ 6: Được du học Paris, “giá phải ăn bánh hẩm, uống nước lã” cũng vui lòng
Những người Việt Nam có cơ duyên đến với kinh đô Paris thời nay hẳn sẽ không khỏi bùi ngùi, xúc động khi đọc lại những dòng nhật ký của cụ Phạm Quỳnh trong 3 tháng sống tại Paris vào năm 1922. Sau ngót gần thế kỷ, dường như vẫn có thể lần theo những dòng nhật ký cũ xưa ấy mà khám phá Paris hôm nay; nhưng người thì đã thành thiên cổ.
Phạm Quỳnh (1892 – 1945), hiệu Thượng Chi, là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn. Ông từng là chủ bút của Nam Phong tạp chí và giữ chức Thượng thư bộ Học, Thượng thư bộ Lại trong chính quyền Bảo Đại.
Đã có một thời, Phạm Quỳnh bị chỉ trích vì thái độ thân Pháp và sự hợp tác với chính quyền thực dân Pháp; nhưng rồi lịch sử đã dần dần trả lại thanh danh cho ông. Trong báo cáo ngày mồng 8 tháng 1 năm 1945 gửi cho đô đốc Decoux và cho Tổng đại diện Mordant, Thống sứ Trung Kỳ Healewyn đã báo cáo về Phạm Quỳnh như sau:
“Vị Thượng thư này vốn đã chiến đấu suốt cuộc đời mình bằng ngòi bút và bằng lời nói, không bao giờ bằng vũ khí chống sự bảo trợ của Pháp và cho việc khôi phục quyền hành của Triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung Nam) và cho việc người Việt Nam nắm trong tay vận mệnh của chính mình… Những yêu sách của Phạm Quỳnh đòi trở lại việc chấp thuận một chế độ tự trị hoàn toàn cho hai xứ bảo hộ (Trung Kỳ và Bắc Kỳ) khước từ chế độ thuộc địa ở Nam Kỳ và thành lập một quốc gia Việt Nam. Tôi xin lưu ý ngài một điều là, dưới vẻ bề ngoài nhã nhặn và thận trọng, con người đó là một chiến sĩ không lay chuyển nổi cho nền độc lập của Việt Nam và đừng hòng có thể làm dịu những tình cảm yêu nước chân thành và kiên định của ông ta bằng cách bổ nhiệm ông ta vào một cương vị danh dự hoặc trả lương một cách hậu hĩ. Cho tới nay đó là một địch thủ thận trọng nhưng cương quyết chống lại sự đô hộ của nước Pháp và ông ta có thể sớm trở thành một kẻ thù không khoan nhượng…”.
Năm 1919, Phạm Quỳnh sáng lập và là Tổng Thư ký Hội Khai trí Tiến Đức. Năm 1922, với tư cách đại diện cho Hội Khai trí Tiến Đức, ông đã sang Pháp dự Hội chợ triển lãm Marseille rồi diễn thuyết cả ở Ban Chính trị và Ban Luân lý Viện Hàn lâm Pháp về dân tộc giáo dục. Chính chuyến đi này đã cho ra đời tác phẩm “Pháp du hành trình nhật ký”.
Những trang nhật ký của Phạm Quỳnh không chỉ phong phú thông tin như một chỉ dẫn du lịch, mà còn thấm đẫm tư tưởng, tinh thần của một người trí thức Việt Nam giữa buổi giao thời; trong khi khám phá, tận hưởng vẻ đẹp của xứ sở văn minh hoa lệ thì không quên gửi gắm trăn trở, ước mong về tương lai của dân tộc.
Đại Kỷ Nguyên xin lược trích một đoạn trong tác phẩm khi tác giả tham quan trường ENS (Ecole Normale Supérieure), một trong những trường đại học danh giá và có truyền thống lâu đời nhất nước Pháp. Ngày nay, một số sinh viên Việt Nam đã có cơ hội được học tập và nghiên cứu tại ENS, đó cũng là ước mơ, khát vọng thuở nào của nhà văn hoá Phạm Quỳnh.
***
“Cả ngày hôm qua xem điện Panthéon là nhà kỷ niệm các danh nhân nước Pháp. Ở trọ đi ra gần lắm, cách có vài phố. Đi qua con đường d’Ulm, thấy trường Cao đẳng sư phạm (Ecole Normale Supérieure), trong bọn học sinh thường gọi tắt là “cái nhà đường d’Ulm” (la maison d’Ulm), nhà cũng thường thôi, không lấy gì làm to lớn đẹp đẽ lắm, nhưng có cái vẻ nghiêm trang bình tĩnh, thật là một nơi học hành cao thượng.
Chung quanh có vườn, cây cao bóng mát, dưới gốc cây có ghế đá, dưới bóng cây khoác tay thơ thẩn dăm mươi thày học sinh, người thời vừa đi vừa nói, ra dáng hăng hái nghị luận; người thời tay để dưới cằm, ra bộ nghĩ ngợi xa xôi; người thời con mắt đăm đăm, ra tuồng mơ màng tưởng vọng. Nhìn nét mặt các người sinh viên đó, như có cái hào quang của sự học, trong lòng cảm phục cái chí cao của kẻ thanh niên nước Pháp, mà lại bùi ngùi cho cái công học hành dở dang của mình.
Than ôi! Mình không phải là không có cái lửa nhiệt thành về sự học, nhưng mà sinh trưởng vào giữa buổi thanh hoàng [1] học không ra gì cả, Nho đã chẳng ra Nho, mà Tây cũng chẳng thành Tây. Phàm sự học phải cho đến nơi đến chốn thì sở học sở hành mới điều hoà dung hợp nhau, mà gây nên cái nhân cách thanh cao. Hễ còn dở dang, còn nửa chừng, thì không ra con người gì cả. Ông cha mình mấy mươi đời học Nho, nghiệp nhà đến mình là đoạn tuyệt. Bây giờ muốn cầu làm ông đồ cổ, bàn nghĩa tính lý, ngâm thơ nhà Đường, nhắp dăm ba chén chếnh choáng cho tiêu sầu khiển hứng, bảo mươi lăm thằng trò chẹt biết dã, giả, chi, hồ, an nhàn vô sự, ngày tháng vui qua, cũng không được nữa.
Nói đến học Tây, thì chẳng qua học mấy câu tiếng Tây để đi làm thuê, cũng tự biết còn thiếu thốn, muốn ra công học thêm, nhưng thày đâu sách đâu, ở trường thông ngôn ra, được học mấy ông hương sư ở Tây sang, thế đã là tột phẩm rồi, nào đã bao giờ được từng ngồi qua cái ghế một trường Đại học như trường Sư phạm này? Mà đã không được học đến bậc đó, thì còn mong lập nên sự nghiệp gì về đường học vấn? Dở dang, dở dang, thôi mình đã đành là một con người dở dang! Mà cả nước mình cũng là một nước dở dang! …
Mỗi lần đi qua những nhà học nghiêm trang như chốn này, trông thấy những học trò anh tuấn, giáo sư đạo mạo, người nào trong con mắt cũng hình như mơ màng những sự cao xa, mà “thèm” người ta biết nhường nào! Tưởng giá phải ăn bánh hẩm, uống nước lã, mà được làm một người trong những người tha thẩn dưới bóng cây, thấp thoáng trong rào sắt nọ, cũng cam tâm. Nhưng mà thôi, đã sinh vào buổi lỡ làng thì cũng phải chịu cái phận hẩm hiu vậy, biết sao bây giờ?
Duy phải biết rằng học đã chẳng ra gì, thời làm cũng chẳng nên chi, vì có gốc mới có lời, vốn ít mong sao được lời to? Cho nên cũng chớ có mong mỏi những sự to tát quá sức không làm nổi; chỉ nên hinh hương chúc vọng [2] cho kẻ đến sau này họa được may mắn hơn mình chăng…”
…
Ngọc Hà
Chú thích:
[1] Tức buổi giao thời, cái cũ chưa đi, cái mới chưa tới.
[2] Đốt hương lên mà mong mỏi.