Vào năm 1414, Minh Thành Tổ Chu Đệ phái cử sứ thần Trịnh Hòa đến Tây Dương, mang nền văn minh huy hoàng sáng lạn của Trung Hoa giới thiệu ra thế giới, đất nước Bengala (tức vương quốc Hồi giáo Bangladesh) đã dâng tặng cống phẩm hươu cao cổ, hình ảnh trên là một phần trong “bức tranh Kỳ Lân Thụy Ưng” của Thẩm Độ vào thời nhà Minh (Bởi vì trong tiếng Somalia gọi hươu cao cổ là giri).  (Lĩnh vực công hữu)

Vào thời kỳ Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, sau khi Tể Tướng Hồ Duy Dung bị xử tử vì ấp ủ mưu đồ phản loạn, Chu Nguyên Chương đã xóa bỏ chức Trung Thư tỉnh và Tể tướng vốn được kéo dài qua nhiều triều đại, yêu cầu Lục Bộ trực tiếp tổng kết nội dung tấu chương trình bẩm lên Hoàng Đế, hoàng quyền nhờ đó mà có thể được gia cường củng cố, song cũng khiến Chu Nguyên Chương chồng chất thêm gánh nặng lo toan. Đến thời kỳ Vĩnh Lạc, Minh Thành Tổ Chu Đệ đã thiết lập lại bộ máy chính quyền, về cơ bản vẫn tuân thủ theo cơ cấu như thời Minh Thái Tổ, tuy nhiên ông chỉ thị cho Thị Độc Giải Tấn và Hồ Quảng, Biên tu (sử quan) Hoàng Hoài cùng những đại thần thân tín trực tiếp bước vào Văn Uyên Các tham gia công tác quản lý chính sự, cơ chế nội các do vậy mà được hình thành và trở thành một cơ chế thường trực, một kết cấu bộ máy quan viên ổn định. Minh Thành Tổ cũng quy định minh bạch vai trò chức trách của Nội Các là tham gia công tác quản lý chính vụ, chú ý chịu trách nhiệm trình bẩm, phê duyệt hồi đáp, kiểm tra tấu chương, phiếu bầu, đề xuất những chiếu lệnh cải cách, bố trí tư tấu, tuần sát đoàn tùy tùng hộ tống, thuyết trình tại các phòng xử án và chủ trì các đại nghi lễ, vv. Có thể nói Nội Các lúc này cũng giống như ban thư ký, chỉ có một bộ phận đặc quyền, nhưng không có thực quyền, không thể trực tiếp chỉ huy cấp dưới, song sự xuất hiện của Nội Các quả thật đã giải quyết được chiếc ghế trống, khỏa lấp được điểm khuyết thiếu trong cơ cấu hành chính vốn xuất hiện kể từ khi Chu Nguyên Chương phế bỏ vị trí Tể Tướng, đây cũng là lực lượng đóng vai trò trọng yếu phò tá Minh Thành Tổ quản lý thống lĩnh thiên hạ.

Chiểu theo pháp luật bình trị thiên hạ

Minh Thành Tổ sau khi lên ngôi, đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chiểu theo pháp luật bình trị thiên hạ, bởi vì chỉ khi nghiêm túc thực thi tốt điểm này thì mới có thể khiến cho quốc gia từng bước hướng đến sự ổn định, đồng thời đây cũng là bước đệm đặt định cơ sở nền móng vững chắc cho suốt tiến trình lịch sử 276 năm thống lĩnh thiên hạ của nhà Minh.

Vào dịp nọ, có một vị danh tướng từng lập nhiều chiến tích đã phạm tội liên quan đến hình pháp, quan viên Bộ Hình ra sức biện hộ cho vị tướng quân này, mong muốn Minh Thành Tổ có thể “cân nhắc đến công trạng mà kết án định tội”. Minh Thành Tổ liền lên tiếng phê bình các quan viên Bộ Hình: “Chấp hành pháp luật cần phải công chính không thiên vị, thưởng phạt phân minh rõ ràng. Trước đây anh ta từng lập chiến công, triều đình đã ban khen tặng thưởng; Hôm nay anh ta phạm pháp, thì cũng nên truy cứu trị tội anh ta. Nếu không luận tội, cũng đồng nghĩa với việc phóng túng buông lơi tội ác; không quản thúc, phó mặc cho những điều xấu tệ hoành hành thì làm sao có thể cai quản thống trị thiên hạ được đây? Tuyệt đối không thể “Luận công định tội”, mà cần chiểu theo pháp luật để dàn xếp xử trí nghiêm minh mọi tội trạng.

Trong những năm đầu thời kỳ Vĩnh Lạc, Thành Tổ từng triệu kiến Dương Cung cùng một số quan viên giữ chức Cấp Sự Trung trong Hình Khoa Đô, chia sẻ với họ rằng: “Quốc gia truyền xuống hiệu lệnh, mục đích là khiến cho kẻ tiểu nhân vì kính nể mà phục tùng không phạm pháp, tuy không thể tiêu trừ toàn bộ cái tâm hành ác của chúng, song phương pháp mà triều đình sử dụng để cảm hóa dân tâm chính là sự khoan hồng, lòng bao dung nhân từ chứ không phải lạm dụng những biện pháp cương mãnh. Lấy sự chân thành trung thực để đối đãi với mọi người, không nên giả tạo dối gạt. Quá cứng nhắc cương mãnh thì bách tính không thể nén chịu, quá giả tạo thì dân chúng cũng không thể tin tưởng tín phục”.

Hình ảnh Minh Thành Tổ trong chiếc áo long bào (Miền công cộng Wikipedia)

Thành Tổ bộc bạch như vậy cũng là có nguyên nhân, bởi vì một năm trước ông đã phái cử Ngự sử Cấp sự trung đi đến khắp mọi miền đất nước, giao phó trách nhiệm bình ổn dẹp yên nhiễu loạn trong đời sống quân đội và nhân dân, trước khi khởi hành ông còn nhiều lần căn dặn ắt phải hoàn thành nhiệm vụ trọng yếu an dân. Tuy vậy một thời gian sau Thành Tổ lại nhận về tấu chương trình báo của Cấp sự trung Đinh Diễm trình bày về việc đoàn quan viên sau khi đến Tứ Xuyên, bởi vì không thấy bất kỳ một người nào phạm pháp, nên đã âm thầm phái người thân tín dùng tiền tài để cám dỗ dân chúng tiến hành những thương vụ giao dịch mua bán, quả nhiên xuất hiện những bách tính vi phạm pháp luật, rồi lập tức bắt giữ những người đó lại.

Thành Tổ hoàn toàn không tán đồng với hành động này, cho rằng Đinh Diễm hành sự quá hà khắc, cay nghiệt. Ông nhấn mạnh quan điểm, cổ nhân trị vì thiên hạ, chính là trọng đạo công bình chính đại mà thực thi. Năm đó Đường Thái Tông cũng là lấy vật thị nhân, thiết đãi những người tuân thủ quy phạm phép tắc, nghiêm trị những kẻ sai phạm, toàn bộ dựa vào Ngụy Trưng trình lên khuyên ngăn can gián thì mới không có sự trừng phạt luận tội. Vậy nên Thành Tổ cũng coi đây là tấm gương, là bài học để noi theo. Đối với hành vi vì để tranh giành công trạng mà bẻ cong hãm hại ‘Đinh diễm’ lương thiện, Thành Tổ điều động quan viên truy tìm bắt giữ đưa hắn vào kinh hỏi tội, đồng thời phóng thích những bách tính bị mưu hại vu cáo.

Vào năm Vĩnh Lạc thứ sáu, Sở quan tư pháp thượng tấu báo cáo hiện có 300 tù nhân đang bị giam giữ đã đến kỳ thi hành án. Thành Tổ đưa ra chỉ thị với các chư thần: “Hơn 300 mạng người, cũng không hẳn là mỗi người đều đáng nhận cái chết. Chỉ cần một người không phải thì sẽ là một sinh mệnh phải cam chịu hàm oan ấm ức. Các khanh cần thẩm tra tường tận kỹ lưỡng, một ngày không hoàn thành được thì hai ngày ba ngày, thậm chí đến mười ngày cũng không thành vấn đề, nhưng nhất định không thể để bất cứ ai trong số những người này phải chịu oan khuất mà chết”. Sau quá trình thẩm vấn tra xét, quả nhiên có hơn hai mươi người không thích đáng chịu nhận án tử hình.

Pháp luật Triều Minh coi tội danh vu khống là nghiêm trọng nhất. Năm Vĩnh Lạc đầu tiên đã đưa ra quy định, hễ bịa tội vu cáo ba – bốn người, giáng một trăm trượng hình (hình phạt đánh bằng gậy) và phải rời đến vùng đất khác trong ba năm; vu cáo năm – sáu người, chịu phạt một trăm trượng hình, lưu đày ba nghìn dặm. Nếu vu khống từ mười người trở lên thì hành hình lăng trì tùng xẻo, bêu đầu tại quê hương, buộc thân quyến phải di dời đến vùng đất thuộc địa Man Hoang.

Năm Vĩnh Lạc thứ tám, Đô Ngự Sử Trần Anh tố cáo Long Bình Hậu Trương Tín đã chiếm đoạt hơn tám mươi dặm Luyện Hồ và chiếm giữ hơn 80 khoảnh (rộng 100 mẫu Trung Quốc, chừng 6,6667 hec-ta) quan điền thuộc huyện Giang  Âm, Thành Tổ nghiêm nghị phán xét rằng: “Trước kia Trung Sơn Vương có một miếng đất bồi, hoạt động canh tác nông nghiệp và thông thương đường thủy, người dân tộc Choang từng mưu tính độc chiếm con đường thủy đó để trục lợi, Trung Sơn Vương sau khi nghe ngóng được tình hình liền bàn giao toàn bộ đất đai quy về trao cho quan phủ quản lý. Hôm nay Trương Tín tại sao lại dám tham ô bạo ngược trước nhân dân như thế!” Vì vậy bèn hạ lệnh chiểu theo pháp luật trừng trị Trương Tín.

Thành Tổ căn cứ theo những ghi chép văn kiện bản án thẩm tra của Sở quan tư pháp thượng tấu, mà căn dặn rằng “Khi thảo luận bàn bạc hình thức trừng trị phạm nhân, nhất định cần làm sáng tỏ phạm nhân là người quân tử hay kẻ tiểu nhân. Nếu từng là người quân tử, thì cũng giống như sẩy chân trượt ngã bên khe suối, chỉ là ngẫu nhiên phạm lỗi mà thôi, cần phải cân nhắc suy xét tình hình mà phần nào khoan nhượng bỏ qua và bảo vệ; Nếu là kẻ tiểu nhân phạm tội, thì cũng tương tự như người phàm tục ham thích một món ăn đồ uống nào đó, tùy tiện phóng túng, không phải vô tình phạm lỗi. Quân tử lỡ mắc sai lầm mà không khoan dung rộng lượng, thì không phù hợp với đạo lý bảo hộ tính bản thiện; tiểu nhân cố tình phạm pháp mà không trừng phạt, chính là đi ngược lại luân lý lẽ thường khiến tội ác mặc sức buông lơi phóng túng. Các khanh cần nhận định đánh giá chính xác tà – chính, tinh chuẩn quyền sở hữu ruộng đất công bằng, không nên quơ đũa cả nắm.” 

Trong mối quan hệ với họ hàng bên ngoại, Thành Tổ cũng quản thúc tương đối nghiêm khắc, phàm là những người “sinh sự kiếm chuyện phạm pháp” đều bị kết án tử hình.

Vào năm Vĩnh Lạc thứ 11, anh trai vợ của Thái Tử Trương Húc vô lễ sàm sỡ người hầu gây nên những ảnh hưởng tiêu cực. Thành Tổ sau khi biết chuyện đã đích thân triệu kiến Trương Húc, tâm sự với anh ta rằng: “Huynh vốn là hoàng thân quốc thích của trẫm, thì hơn ai hết càng nên tuân thủ kỷ luật, kỷ cương. Hôm nay huynh lầm đường phạm pháp, trẫm cũng đành luận tội trạng để trừng phạt huynh. Các gia tộc như Khai Bình Vương, Vĩnh Thành Hầu, Đức Khánh Hầu, đều do ngoại thích (họ hàng bên ngoại) thường kiếm chuyện phạm pháp, mà đi đến diệt vong. Tấm gương về vết xe đổ trước đây còn không xa, huynh hiện tại sung túc phú quý, song chỉ cần quên đi khoảng thời gian nghèo khổ thấp kém, tự nhiên sẽ trở thành kiêu căng ngạo nghễ không thể phát triển. Nếu không cải thiện điều này, mọi người đều đi ức hiếp bách tính, thì làm sao có thể cai trị thống lĩnh an yên thiên hạ? Mong huynh lưu tâm chú ý!”

Bên cạnh đó, trong số những người thân thích của vị phò mã đã qua đời Phú Dương Hầu Lý Nhượng đã tiến hành mua bán muối giả lừa đảo thực thu tiền, cẩm y vệ bắt giữ anh ta, những người con của Phú Dương Hầu khẩn cầu xin được xóa miễn tội trạng. Thành Tổ nghiêm nghị trả lời: “Chế độ pháp luật song song tồn tại để ràng buộc người người trong xã hội tuân theo chuẩn mực hành vi nhất định, há có thể bởi vì tư thân (mối quan hệ cá nhân) mà bị phá bỏ hay sao?” Sau đó liền chiểu theo pháp luật mà định tội anh ta.

Thực thi nền chính trị nhân từ quan tâm đến sinh kế của quần chúng nhân dân

Minh Thành Tổ ngay sau khi lên ngôi, liền xuống chiếu thư căn dặn đại thần bộ binh cần cứu trợ chăm sóc cho gia đình thân nhân của những quân binh tử trận cũng như những tướng sĩ lâm bệnh qua đời,  đồng thời hạ lệnh cho các vệ binh báo cáo rõ ràng bối cảnh thực tế, nếu có con cháu tử tôn trên 15 tuổi thì có thể gửi đến bộ binh để rèn luyện và nhậm chức; mẹ góa con côi dưới 14 tuổi được đưa vào kinh thành nuôi dưỡng; toàn bộ trẻ em và những quả phụ không có con cái sẽ được chu cấp đầy đủ;  Nếu có người thân thích để nương nhờ và không muốn rời đến kinh thành, thì theo thông lệ cũng được cấp dưỡng lương thực.

Trong năm Vĩnh Lạc đầu tiên, Thành Tổ phái cử một số đại thần đến các quận quốc để tuần sát tình cảnh nhân dân, trước khi khởi hành ông chia sẻ với các đại thần rằng: “Cha mẹ đối với con cái, thấy thời tiết giá lạnh rét buốt liền chuẩn bị y phục, thấy đói bụng liền chuẩn bị đồ ăn lương thực, trên mọi phương diện đều vô cùng tận tâm, hết lòng hết dạ. Với tư cách là quân vương, là chủ nhân của phụ mẫu bách tính, trẫm cũng nên tuân theo đạo lý tương tự như vậy. Trẫm ngự trong thâm cung, mỗi khi bưng chén nước, cầm bát cơm đều nghĩ đến quân đội và nhân dân bách tính, nhưng lại không cách nào nắm rõ tường tận tình cảnh, ý nguyện của quần chúng nhân dân. Vì thế, các khanh đóng vai trò là con mắt, là đôi tai của triều đình, cần dụng tâm điều tra nghe ngóng, phát hiện những địa phương gặp phải thiên tai họa nạn hạn hán lũ lụt, nếu chính quyền địa phương đó che giấu không trình bẩm, các khanh cần đem toàn bộ sự tình báo cáo cho trẫm. Các khanh nên biết rằng, trong quân đội và nhân dân quyền lợi như thế nào là đủ để thỏa mãn đáp ứng việc mở rộng tổ chức quy mô; những tệ nạn, tổn hại như thế nào là điều cấp thiết cần phải khai trừ loại bỏ triệt để.”

Thành Tổ dựa trên cơ sở lắng nghe ý nguyện và thấu hiểu tình cảnh của quần chúng nhân dân, mà lựa chọn thi hành áp dụng thực hiện linh hoạt những động thái thích hợp tương ứng, đơn cử như trong thời kỳ chiến sự cam go tại ba địa phương Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông, do hệ lụy từ trận chiến đã dẫn đến những tổn thất to lớn, hơn nữa gánh nặng về phí tổn quân sự cũng không hề nhỏ. Thành Tổ hạ lệnh cho Bộ Hộ căn cứ vào sự biến động của tình hình, phân vùng cắt giảm bãi miễn thuế khóa tại những địa phương này trong 3 năm, 2 năm, 1 năm hoặc giảm đi phân nửa, đồng thời cấp phát nông cụ cho nông dân, khích lệ những bách tính vì ảnh hưởng của chiến tranh mà lưu vong viễn xứ trở về quê hương nguyên quán, chính quyền địa phương còn chu cấp hạt giống, trâu cày, dụng cụ nông nghiệp, vv. Qua đó cho thấy, Thành Tổ trong thời kỳ đầu lên ngôi hoàng đế, đã áp dụng thực thi những chính sách kinh tế theo nền nếp trước đây song song với việc thúc đẩy phát triển sinh kế của quần chúng nhân dân.

Vào năm Vĩnh Lạc đầu tiên, trong một dịp luận bàn tình hình chính vụ với các thị thần, Thành Tổ bộc bạch: “Thời gian Trẫm tại vị cũng không quá dài, luôn cảm thấy lo lắng cho những bách tính không nơi nương tựa, buổi tối thường ngồi trong cung đốt đuốc thâu đêm, tìm đọc tra cứu các châu quận trên bản đồ cương vực và sổ hộ tịch, tĩnh tâm suy tính nghiên cứu sách lược, đối với những địa phương gần đây gặp nạn đói mất mùa đời sống khó khăn, cần bổ sung phương án hỗ trợ cứu tế đủ đầy; với những địa phương nơi biên cương xa xôi thì thiết lập bố trí phòng giữ trông coi. Buổi sáng thượng triều cùng với quần thần bàn bạc thảo luận đưa ra đối sách phương cách thực thi như thế nào. Dạo gần đây vài nơi ở Hà Nam phát sinh họa châu chấu và nạn hạn hán, Trẫm ăn không ngon ngủ chẳng yên, nên đã phái sứ đi kiểm tra xem xét. Nếu đời sống sinh hoạt của bách tính vẫn duy trì thường thường bậc trung thì cũng chính là đã thỏa tâm nguyện của Trẫm rồi.”

Thành Tổ còn vì các địa phương phát sinh nạn châu chấu, hạn hán mà hạ lệnh không cho phép thái giám nuôi gà trong hoàng thành, vv, nhằm tránh lãng phí lương thực, đồng thời cảnh cáo nhắc nhở nếu phát hiện những kẻ tái phạm, thì sẽ tuyệt đối không khoan nhượng bỏ qua. Một lần khác Ông nghe nói ngự mã giám yêu cầu Bộ Hộ cung cấp ngũ cốc để nuôi voi trắng, Thành Tổ liền điều tra xét hỏi những quan viên liên đới, nhắn nhủ họ rằng, ngũ cốc trong một ngày mà voi trắng tiêu thụ bằng lượng thực phẩm của mấy hộ gia đình nông phu dùng trong một ngày, trách nhiệm của bậc Quân vương là nuôi dân, các khanh hành động như vậy chính là khiến trẫm mất đi lòng tin của bách tính trong thiên hạ. Thành Tổ đồng thời cũng nhắc nhở nếu họ còn tiếp tục tái phạm sẽ tuyệt đối không dung thứ.

Đạo Diễn (Miền Công cộng Wikipedia)

Vào một lần khác, Thành Tổ phái cử Đạo Diễn cùng một số đại thần khác đến Tô Hồ cứu trợ, trước khi khởi hành đã căn dặn rằng: “Một tấm y phục một gói lương thực của nhân quân, đều là từ bách tính chu cấp, nếu thấy bách tính bần cùng không có quần áo, không có thực phẩm, thì nhân quân làm sao có thể không thương cảm, không trợ giúp? Quân Vương, phụ thân cũng vậy; Dân chúng, con cái cũng thế. Phận làm con cái trọng hiếu thuận, Phận làm cha mẹ ắt yêu thương, luôn luôn tận tâm giữ trọn bổn đạo. Các khanh phân phát chia sẻ tài vật mà có thể đắc được dân tâm, cũng chính là thực thi một nền chính trị xuất phát từ tấm lòng nhân ái từ bi.

Dưới thời kỳ Vĩnh Lạc, một thái giám đã lén lút yêu cầu Phủ doãn Ứng Thiên Phủ cung ứng thợ thủ công nhằm chế tác các sản phẩm phục vụ cho mục đích cá nhân, Thành Tổ sau khi biết rõ nội tình đã chỉ trích Phủ doãn, nhắc nhở ông ta nên ghi nhớ tâm chính trực ngay thẳng, cần lĩnh  hội ý nguyện yêu quốc gia yêu dân chúng, tại sao còn sợ hãi trước những người trong cung điện? Nếu tái phạm nhất định sẽ khép vào tội chết. Đồng thời, Thành Tổ còn bắt giữ tên thái giám đã đưa ra yêu cầu tư lợi kia, cũng bày tỏ quan điểm dù bản thân mình là thiên tử song cũng không dám tùy tiện lạm dụng ép buộc một bách tính, “Ngươi là ai mà dám tự ý lộng quyền yêu cầu được phục dịch?’

Vào năm Vĩnh Lạc thứ 4, một hôm Thành Tổ trò chuyện với các đại thần, biết được trong kinh thành có người phát bệnh nhưng không kịp thời nhận được y dược để chữa trị, vô cùng thương cảm mà thốt lên rằng: “Nội phủ cất trữ thảo dược nhiều đến vậy, mà không thể cứu giúp cho bệnh nhân ngay trước cửa cung điện, chỉ lưu trữ tích lũy thì có tác dụng gì kia chứ?” Liền hạ lệnh sai thái y viện dựa theo công thức điều chế dược liệu, phân phát cho mọi người trong ngoài kinh thành. Thành Tổ bày tỏ ý nguyện: “Trẫm có một tấm y phục, một gói lương thực, cũng không quên những khó khăn vất vả của người người trong thiên hạ. Ngay đến cả gần trong gang tấc cũng không thể đưa tay cứu giúp, huống hồ những địa phương xa xôi viễn xứ thì sao?

Vào năm Vĩnh Lạc thứ 7, người vợ của Lý Văn Tú tại huyện Linh Khâu, Sơn Tây, một bào thai sinh được ba bé trai, theo thông lệ trước đây sẽ được quan phủ chu cấp lương thực đến năm lên 8 tuổi, Thành Tổ liền hạ lệnh cấp dưỡng đến năm 10 tuổi.

Đến năm Vĩnh Lạc thứ tám, Thành Tổ nghe nói nhân dân ở phủ Ôn Châu hàng năm khi vận tải phèn chua đến Bắc Kinh phải đi qua những đoạn đường núi chênh vênh hiểm trở, quá trình vận chuyển vô cùng gian nan. Vậy nên Ông liền hỏi đại thần Bộ Công về mục đích của việc cung ứng phèn chua vào thành, đại thần dâng tấu trả lời chính là để phục vụ quá trình nhuộm màu sắc cho vải vóc. Thành Tổ liền đưa ra chỉ thị: “Chỉ vì nhuộm màu vải mà khiến nhân dân lao lực qua mấy ngàn dặm, chi bằng hãy hủy bỏ sự chu cấp hằng năm này, từ hôm nay trở đi việc dệt vải vóc may y phục không nhất thiết phải nhuộm màu.”

Với tấm lòng quảng đại đồng cảm với ý nguyện và hoàn cảnh của quần chúng nhân dân, cùng nền chính trị nhân từ được thực thi xuyên suốt toàn bộ giai đoạn lịch sử trị vì của mình, Minh Thành Tổ quả thật không hổ danh là bậc vương đế kiệt xuất vang danh truyền thế.

Theo Epoch Times
Minh Ngọc biên dịch