Mục lục bài viết
Theo quan niệm cổ đại, hoàng đế vốn là thiên tử thừa theo thiên mệnh mà thay trời hành sự, còn hoàng hậu hiển nhiên giữ vai trò như mẫu thân của muôn vạn nhân dân, luôn nghiêm túc tuân thủ những quy phạm lễ nghĩa phép tắc nhằm tạo lên chuẩn mực về đạo mẫu, ân từ bách tính, mẫu nghi thiên hạ. Nội hàm của “Mẫu nghi thiên hạ” được thể hiện thông qua tấm lòng khoan dung bác ái của một vị hoàng hậu – người dùng trái tim từ mẫu mà yêu mến thần dân trong thiên hạ, đặt định bản thân trở thành tấm gương cho bách tính noi theo trên cương vị một người vợ, một người mẹ, từ đó bảo hộ duy trì sự ổn định của giang sơn xã tắc. Có thể nhận định rằng, những thành tựu chính trị huy hoàng, xán lạn mà Minh Thành Tổ gặt hái được là bởi vì bên cạnh luôn có sự hậu thuẫn của một vị hoàng hậu được người người ca tụng như vậy.
Hoàng hậu Từ Thị của Minh Thành Tổ là trưởng nữ của đại tướng khai quốc – Trung Sơn Vương Từ Đạt. Theo nội dung ghi chép trong “Lịch sử Minh triều”, bà vốn mang thiên tư thông minh, thuở thiếu thời đoan trang tiết hạnh, nhã nhặn trầm tĩnh, thích đọc sách, có thể gọi là một nhi nữ được nuôi dưỡng trong cái nôi của gia đình có truyền thống nho gia. Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương sau khi nghe danh, liền triệu kiến Từ Đạt mà tâm sự rằng: “Trẫm với khanh là bằng hữu thuở hàn vi, từ trước đến nay tình cảm quân thần gắn bó đồng tâm tương trợ, chẳng khác nào đã kết mối quan hệ thông gia. Khanh có một nữ nhi tư chất tốt đến vậy, trẫm có ý ban hôn kết đôi cho con trai Chu Đệ của ta và nữ tử của khanh.” Từ Đạt ngay lập tức khấu đầu bái tạ. Quả thật việc Chu Nguyên Chương cử hành lễ đính hôn gả trưởng nữ của vị Đại tướng khai quốc cho Chu Đệ, hiển nhiên giúp Chu Đệ có thêm càng nhiều trợ lực, sự ưu ái đặc biệt như vậy hoàn toàn không được sắp xếp cho các chư vương khác (những hoàng tử khác của Chu Nguyên Chương).

(Đồ họa: Dương Mạt/The Epoch Times)
Yến Vương Phi tương trợ lúc nguy nan – đồng hành khai quốc
Từ Thị chính thức được sắc phong là Yến Vương Phi vào năm Hồng Vũ thứ 9, trên phương diện cư xử mối quan hệ đối đãi với mọi người, bà hành sự chu đáo ân cần thận trọng, nên đặc biệt nhận được sự yêu thương sủng ái của Minh Thái Tổ và Mã Hoàng Hậu. Sau này, Từ Thị cùng Chu Đệ đến cai quản phiên đất phong, để giữ trọn đạo thủ tang Hiếu Từ Cao hoàng hậu trong ba năm, bà nghiêm túc chiểu theo lễ nghi tuân thủ chế độ ăn chay cơm rau đạm bạc. Phần nội dung được công khai trong di ngôn của Cao Hoàng Hậu, Từ Thị cũng ghi lòng tạc dạ có thể thuật lại từng câu từng chữ không quên.
Sau khi chiến dịch Tĩnh Nan dấy khởi, Chu Đệ huy động lực lượng chỉ đạo quân đội xuất chinh, đại tướng Lý Cảnh Long của Kiến Văn Đế đã lợi dụng thời cơ này tiến vào bao vây lãnh thổ Bắc Bình. Trước tình thế nguy nan, Chu Cao Sí trên cương vị Thế Tử đứng lên trấn thủ Bắc Bình, song mọi phương án bố trí phân công nhiệm vụ, triển khai nguồn nhân lực phụng sự chiến lược phòng ngự, phần lớn thuận theo mệnh lệnh hậu thuẫn của Từ Thị. Trong khi Lý Cảnh Long tập trung quân đội kịch liệt công phá trường thành, thì binh lực phòng bị trong thành lại thiếu hụt trầm trọng, Từ Thị không ngừng khích lệ động viên các tướng lĩnh, binh sĩ cùng thê tử của nhân dân bách tính, đồng thời cấp phát áo giáo, để tất cả mọi người đều có thể chung sức bước vào thành phòng hộ trấn áp, nhờ vậy lãnh thổ Bắc Bình mới được bảo toàn.
Trong “Ghi chép về Minh Thái Tông” từng thuật lại rằng: “Từ Thị – Nữ nhi của Trung Sơn Vũ Ninh Vương Từ Đạt là chính phi của Trẫm, hơn hai mươi năm làm tròn bổn phận của một hoàng phi phiên quốc, giúp Trẫm thuận theo thiên ý hành sự, có thể đích thân viễn chinh thảo phạt bình định mà chưa từng phải băn khoăn, ngoảnh đầu ái ngại, luôn kề vai tương trợ bên Trẫm lúc nguy nan, đồng hành khai quốc.” Đại ý chính là nhấn mạnh vai trò, công lao của Từ Hoàng Hậu trong sự nghiệp phò tá hỗ trợ bảo hộ trấn giữ Bắc Bình, hậu thuẫn Chu Đệ yên tâm xuất chinh dẹp loạn bình ổn giang sơn, triệt tiêu mọi nỗi lo toan, rủi ro bất trắc.

(Lĩnh vực công hữu Wikipedia)
Can gián thực thi nền chính trị nhân từ, không đồng thuận ban phong tước vị cho thân đệ
Ngay sau khi Chu Đệ đăng cơ lên ngôi Hoàng đế, Yến Vương Phi cũng được sắc phong trở thành Từ Hoàng Hậu. Trong suốt quá trình đồng hành bên Chu Đệ, bà từng đề xuất rất nhiều cao kiến, đơn cử như: “Hàng năm Bắc Nam chinh chiến không ngừng, dân chúng binh sĩ đều quá lao lực, kiệt sức rồi, thời điểm này nên để họ được nghỉ ngơi, phục hồi, dưỡng sức”; “Hiện tại hiền tài đều là những cựu thần được lưu lại từ thời Cao Hoàng Đế, bệ hạ không nên quá chú trọng các quan viên mới mà lơ là không quan tâm đến những cựu thần”; “Nghiêu Đế thi hành nền chính trị nhân ái bắt đầu từ chính thân nhân của mình” v.v, Chu Đệ cũng đồng thuận tiếp nhận hết thảy mọi lời đề xuất góp ý này.
Em trai của Từ Hoàng hậu – Từ Tăng Thọ trong chiến dịch Tĩnh Nan, vì thường gửi thông tin mật báo quốc gia đến địa phận nước Yên, nên bị Kiến Văn Đế – Chu Duẫn Văn sát hại, Chu Đệ muốn truy phong tước vị cho anh ta, song Từ Hoàng Hậu một mực bày tỏ quan điểm phản đối. Chu Đệ không thuận theo, vẫn phong Từ Tăng Thọ làm Định Quốc Công, lệnh cho nhi tử của anh ta là Từ Cảnh Xương kế thừa tước vị, an bài sự thành mới báo với Từ Hoàng Hậu. Từ Hoàng Hậu đáp rằng: “Đây là đại ân điển của Hoàng Thượng, nhưng lại không phải là nguyện vọng của thần thiếp.” Bà đến cuối cùng vẫn không bày tỏ lời cảm tạ. Quả thật hiếm thấy một sự quả quyết, lòng tự trọng và nhận thức cao đến vậy.
Từ Hoàng hậu và Chu Đệ sinh được ba hoàng tử, nắm giữ vai trò lần lượt là Thái tử Chu Cao Sí (Minh Nhân Tông), Hán vương Chu Cao Húc và Triệu Vương Chu Cao Toại. Ngược lại với bản tính nhã nhặn, ôn hòa, hiếu học của trưởng tử Chu Cao Sí, thì Hán vương Chu Cao Húc và Triệu Vương Chu Cao Toại lại kiêu ngạo, ngang ngược. Từ Hoàng hậu chủ trương ủng hộ việc sắc phong Chu Cao Sí làm thái tử, cũng từng nhiều lần tâm sự góp ý với Chu Đệ, chỉ ra nhiều phẩm chất bất hảo của Hán Vương, Triệu Vương, đề xuất nên tuyển chọn những đại thần triều đình kiêm nhiệm việc quản thúc giám sát hai người họ.
Những phán đoán dự liệu của Từ hoàng hậu đã trở thành sự thật, Hán Vương, Triệu Vương sau này quả nhiên ấp ủ âm mưu gây rối phản loạn sát hại Thái tử.
Truyền thụ bổn phận của một người vợ hiền đức
Một dịp nọ, Từ hoàng hậu hỏi: “Bệ hạ cùng với những vị đại thần nào trị vì quốc gia?” Chu Đệ đáp: “Lục Khanh giữ vai trò quản lý chính vụ, Hàn Lâm chịu trách nhiệm nghiên cứu vấn đề, dự thảo yết thị.” Từ Hoàng Hậu vì thế mà triệu kiến các vị phu nhân của Giải Tấn, Hoàng Hoài, Hồ Quảng, Hồ Nghiễm, Dương Vinh, Dương Sĩ Cơ, vv, truyền lệnh ban thưởng mũ áo, y phục và ngân lượng, đồng thời tâm sự với họ rằng: “Thê tử phụng dưỡng trượng phu, không đơn thuần chỉ là chăm lo bữa ăn, chuẩn bị tấm y phục, mà hơn hết cần luôn ở bên kề cận, ủng hộ, hậu thuẫn và tương trợ. Lời nói của bằng hữu có thể thuận theo, cũng có thể phản đối; Song lời nói giữa nghĩa tình phu phụ thì khéo léo, ngọt ngào, dễ dàng cảm thụ, tiếp nhận; Ta ngày ngày ở bên phụng dưỡng hoàng thượng, Người cũng vì tâm niệm duy nhất là hết lòng chăm lo đời sống sinh kế của trăm họ bách tính, các khanh cũng cần khích lệ, động viên đấng trượng phu của mình.”

Biên soạn cuốn “Nội Huấn” và “Khuyến Thiện Thư”
Vào tháng giêng nguyên niên Vĩnh Lạc (Năm 1403), Từ Hoàng hậu chiểu theo lời giáo huấn của vị Bồ Tát trong giấc mộng mà viết thành cuốn “Mộng cảm Phật thuyết đệ nhất hy hữu đại công đức kinh” ban hành khắp đất nước
Đến năm Vĩnh Lạc thứ hai, nhằm mục đích truyền thụ, hướng dẫn các nữ quan trong nội cung, Từ Hoàng hậu trích dẫn lời cổ nhân trong “Nữ Hiến”, “Nữ Giới”, biên soạn lên cuốn “Nội Huấn” gồm 20 chương.
Trong lời tựa Từ hoàng hậu bày tỏ quan điểm rằng, phu nhân sở dĩ có thể khắc chế được Thánh giả, chẳng phải đều là những người nghiêm túc hàm dưỡng đức hạnh, nhằm tu dưỡng bản thân hay sao, do đó trước tiên cần coi trọng “đức hạnh”, thứ hai là chú trọng “tu thân”; mà tu thân yêu cầu sự nghiêm cẩn trong từng lời nói và hành vi… Vì thế, nội dung cuốn “Nội huấn” được lưu truyền đến ngày nay bao gồm 20 chương về đức hạnh, tu thân, thận ngôn, cẩn hành, cần mẫn quyết chí, tiết kiệm, cảnh giới, tích thiện, hoán thiện, sùng thánh huấn, tôn kính mô phạm hiền đức, phụng dưỡng phụ mẫu, phò tá quân vương, chăm sóc cô cữu, tín ngưỡng tế tự, mẫu nghi, thân quyến thuận hòa, yêu thương hài tử, đãi hạ, đạo cư xử với ngoại thích.
Nội dung lời mở đầu của chương 1 “Đức hạnh”, Từ Hoàng hậu minh xác khẳng định rằng: “Trinh tĩnh, thùy mị, dịu dàng, đoan trang, trung thực, chuyên nhất” chính là phẩm chất đạo đức cao quý của bậc nữ nhi. “Hiếu kính nhân ái, quang minh chính đại, nhã nhặn hiền thục, đức hạnh chu toàn”, nhấn mạnh vai trò quan trọng trong việc tu thân dưỡng đức của nữ nhân. Và Từ Hoàng hậu chính là một tấm gương điển hình trong thực tiễn luôn nỗ lực tu dưỡng thân tâm, trở thành mẫu nghi thiên hạ.
Sau đó, Từ Hoàng hậu lại tiếp tục sưu tầm tài liệu về gia ngôn thiện hạnh (ngôn từ cao đẹp và hành vi lương thiện) trong tam giáo Nho – Phật – Đạo, thực hiện công tác biên tập, soạn thảo, hoàn thiện 20 cuốn “Khuyến Thiện Thư”, ban hành lưu truyền khắp đất nước.
Chu Đệ không lập hậu sau khi Từ Hoàng Hậu tạ thế
Vào tháng 7 năm Vĩnh Lạc thứ năm, Từ Hoàng hậu lâm trọng bệnh, song bà vẫn luôn can gián Chu Đệ cần quý trọng chăm lo cho sinh kế bách tính, tìm kiếm hiền tài, đối đãi ân lễ trong mối quan hệ với gia tộc hoàng thất, tuyệt đối không dưỡng thành tính kiêu căng bạo ngược trong ngoại thích. Bà đồng thời cũng nhắn nhủ với hoàng thái tử Chu Cao Sí rằng: “Trước đây phu nhân thê tử của các vị tướng lĩnh Bắc Bình đã vì ta mà khoác áo giáp, chống đỡ giáo gươm, hết lòng sát cánh cùng ta trấn thủ trường thành, ta cảm thấy vô cùng hối tiếc khi không còn cơ hội được tháp tùng hoàng đế đến phương bắc tuần tra, không thể thăm hỏi từng người từng người họ được nữa rồi.”
Đến đầu tháng 4, Từ Hoàng hậu qua đời ở tuổi 46. Chu Đệ đau buồn, tiếc thương vô hạn, vì bà tổ chức lễ chay, tiếp nhận nghi thức tế tự của quần thần và truy phong thụy hiệu Nhân Hiếu Hoàng Hậu. Sau khi Từ Hoàng Hậu tạ thế, Chu Đệ không lập vị hoàng hậu cho bất kỳ ai. Đến thời Nhân Tông, tôn thụy hiệu của Nhân Hiếu hoàng hậu trở thành Nhân Hiếu Từ Ý Thành
Khi tòa huyền cung dưới lòng đất – Trường Lăng chính thức được khánh thành vào tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 11, Chu Đệ lập tức ra chỉ thị di dời cỗ áo quan (tử cung) của Nhân Hiếu Hoàng hậu từ Nam Kinh đến Bắc Kinh an táng ở Trường Lăng. Từ Hoàng hậu chính là người đầu tiên được mai táng trong Minh Thập Tam Lăng. Mười lăm năm sau, tức là năm Vĩnh Lạc thứ 22, Chu Đệ lâm bệnh trên đường viễn chinh thảo phạt Mạc Bắc, Ông qua đời khi chưa thực hiện được trọn vẹn hoài bão lớn lao, hưởng thọ 65 tuổi. Chu Đệ cùng Từ Hoàng hậu hợp táng tại Trường Lăng.
Theo Epoch Times
Minh Ngọc biên dịch