Rất nhiều người thường hay nổi nóng với người thân. Khi sự việc qua đi cảm thấy rất khổ tâm nhưng sau đó vẫn lặp đi lặp lại cái vòng luẩn quẩn ấy. Nguyên do vì sao?

Có lẽ, chính sự bao dung của người thân khiến chúng ta trở nên tùy tiện. Giả sử chúng ta nổi nóng với người ngoài, ví như sếp, đồng nghiệp hay bè bạn, rất có thể điều đó sẽ hủy hoại mối quan hệ đôi bên.

Còn cha mẹ, anh em thân thích thì không thể vì vài lời nói nóng giận mà từ bỏ chúng ta, biết vậy nên nhiều người chẳng còn kiêng dè gì, gặp chuyện là nổi nóng, không thể nhẫn nại. 

Chúng ta biết rằng, dẫu mình nói năng không đủ lễ phép, người thân cũng sẽ không so đo, không để bụng hay trách móc. Dẫu trút giận lên họ, chúng ta vẫn có thể có được sự khoan dung, thấu hiểu, nhẫn nại và vị tha. Do vậy, khi trò chuyện chúng ta thường vô tình hay cố ý nói năng tùy tiện. 

Khi chịu oan ức bên ngoài, chúng ta thường về nhà trút bực dọc cho hả giận. Trong một môi trường có cảm giác an toàn như vậy, ta rất dễ quên đi cách nói năng cẩn thận, thậm chí còn dùng những lời châm biếm, bẻ cong, khoa trương, hạ thấp người thân.

Ngoài ra, chúng ta thực sự cũng đang kỳ vọng quá nhiều vào người nhà. Nhiều người cảm thấy rằng “Người khác không hiểu mình thì thôi, sao người thân lại cũng không hiểu mình?“, quả thực là càng nghĩ càng thấy tức giận”. 

Nhưng khi tùy tiện trút hết bực bội, ức chế lên đầu người bạn đời, ta có nhìn thấy sự quan tâm khi người ấy lặng lẽ mang tới một ly nước mát? Khi thấy phiền toái và ngắt lời cha mẹ đang càm ràm vì lo lắng, ta có nhìn thấy bóng cha mẹ im lặng rời đi, một mình âm thầm chịu đựng sự tổn thương trong căn phòng cô liêu?

Rất nhiều người thường hay nổi nóng với người thân. Khi sự việc qua đi cảm thấy rất khổ tâm nhưng sau đó vẫn lặp đi lặp lại. Ảnh dẫn theo Twitter.com

Cha mẹ không oán, không hận và cho phép ta làm tổn thương họ. Những giây phút quý giá bên những người thân quả thực quá ít ỏi. Có người tính được rằng thời gian người ta thực sự ở bên chăm sóc cha mẹ bất quá chỉ là vài chục ngày mỗi năm.

Vậy mà có người chẳng hề trân quý nó, sẵn sàng giẫm đạp lên tình yêu thương vô điều kiện kia, dù đôi khi chỉ bằng những câu nói vô tình. 

Nếu từng là một người không thể nhẫn nại với người thân như thế, bạn hãy thử dùng 3 cách này để cải thiện tình hình:

1. Xem xét vấn đề từ một góc độ khác

Mọi người đều mong rằng lý lẽ của cá nhân là đúng và đối phương phải tiếp nhận ý kiến của mình. Nhưng khi không thể lắng nghe người khác trước, làm sao bạn có thể mong họ lắng nghe mình?

Ngẫm lại, tất cả những lời cằn nhằn, càu nhàu của người thân đều có chung một điểm xuất phát tốt: Lo lắng cho ta. Nếu không lo, họ đã chẳng bao giờ phải nhọc lòng đến vậy, dẫu có thể cái cách mà họ lo lắng chưa thật hợp với ta. 

Nếu có thể nhìn nhận vấn đề theo góc độ này, bạn sẽ nhẫn nại với người thân của mình hơn, chia sẻ nhiều hơn và giải thích cho họ hiểu rằng không nên quá lo lắng cho mình.

2. Để cảm xúc qua đi rồi mới bắt đầu câu chuyện

Khi đang giận dữ chúng ta rất khó nói được lý lẽ rõ ràng. Bởi vậy mà Parkinson, nhà lịch sử học nước Anh và Rustomji, nhà quản lý học, trong cuốn sách có nhan đề “Giỏi thấu hiểu người khác” có nói: “Khi tranh cãi, hãy nhớ đừng cắt ngang lời người khác, hãy để họ nói xong. Khiêm nhường, thành khẩn lắng nghe mới có thể dốc lòng với nhau, mới có thể nói được rõ ràng”. 

Lại từng nghe: “Gió yên thì sóng lặng, sóng lặng thì nước trong, nước trong thì có thể nhìn thấy cá bơi lội”. Đợi khi trời yên biển lặng rồi, câu chuyện nói ra sẽ mới không làm tổn thương tới tình cảm đôi bên. 

Để đến khi tâm trạng xấu qua đi rồi mới bắt đầu nói chuyện, như vậy sẽ không làm người thân của mình bị tổn thương. Ảnh dẫn theo pinterest.com

3. Ba cách trấn tĩnh khi tức giận

Các nhà tâm lý học phát hiện ra rằng: Khi tức giận, người ta sẽ xuất hiện hiện tượng “ý thức hẹp hòi”, chỉ nhìn chằm chằm vào những thông tin tiêu cực, không thể xét đoán được sự việc.

Nhưng đến khi sắp không thể khống chế tâm trạng của mình, bạn hãy thử dừng lại, không nói thêm gì nữa, hoặc rời khỏi nơi đó để có thể trấn tĩnh trở lại. Nghĩa là bạn phải biết tạo cho mình một khoảng không, phải biết lùi bước để giữ lấy sự điềm tĩnh. 

Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, Lam Điền Hầu từng bị người ta đến nhà mắng nhiếc. Ông chỉ đứng yên lặng, không nói một lời, mãi tới khi người ấy rời đi, ông mới lại trở vào tiếp tục trở vào làm việc. Như thế ông vừa giữ được tĩnh khí, lại tránh khỏi nóng giận, xích mích với người kia. Sự nhẫn nhịn như thế quả thực là khó. 

Nhà tâm lý học, giáo sư Ollie Ulysses người Mỹ đề xuất ra 3 biện pháp này giúp bạn khống chế cơn tức giận và trấn tĩnh lại: 

1. Hạ thấp giọng xuống;

2. Nói chậm lại;

3. Ưỡn ngực đứng thẳng.

Tục ngữ cũng có câu: “Nhẫn một lúc, tránh lo trăm ngày”, người biết nhẫn nhịn chuyện nhỏ thì mới có thể làm được việc lớn. Cớ sao với người ngoài ta còn có thể giữ được sự tôn trọng đến thế mà ngay người thân sống bên mình ta cứ muốn khiến mọi thứ thêm căng thẳng?

Hãy nhớ rằng, khi nhượng bộ người thân, bạn cũng sẽ không hề mất mặt. Bởi vì điều đó xuất phát từ tình yêu mà bạn thực sự dành cho họ.

Vậy nên, đừng hay tức giận với người thân rồi lại hối hận và dằn vặt… Hãy như câu nói rằng: “Vì yêu thương nên nói năng càng phải cẩn trọng”.

Ăn nói từ tốn, ngữ khí bình hòa là biểu hiện của người có hàm dưỡng

videoinfo__video3.dkn.tv||8638f66c8__