Mục lục bài viết
Người đời thường nói một câu như thế này: “Tiên định tử, hậu định sinh”, nghĩa là một người chết như thế nào và chết vào lúc nào đã được định sẵn ngay từ khi sinh ra rồi, không cần phải suy nghĩ nhiều, càng không cần phải quá lo lắng về nó. Nhưng có hai tình huống có thể cải biến thọ mệnh của một người: Một là người đó làm đủ mọi điều ác, hai là tích đức hành thiện.
Người hành thiện đắc phúc báo, người hành ác nhận lấy tai họa. Từ xưa đến nay có vô số sự thật đã được kiểm chứng khiến con người phải nhìn nhận với một thái độ đúng đắn. Thuận theo thiên lý hướng thiện sẽ xếp đặt vận mệnh tốt cho bản thân; sửa đổi sai sót, thành tâm hướng thiện cũng sẽ khiến cho vận mệnh chuyển biến thành tốt. Ví như Bùi Độ thời Đường xem tướng khi còn trẻ nói rằng ông ta sẽ chết vì đói, chỉ bởi làm việc thiện mà về sau vào triều làm Tể tướng. Đậu Vũ Quân thời Tống trong mệnh vốn không có con cháu nối dõi, nhưng vì quyên tặng tiền bạc mà về sau có năm người con đề tên lên bảng vàng. Viên Liễu Phàm thời Minh vì tu thân hành thiện mà đã kéo dài thọ mệnh, đắc nhiều phúc báo. Dưới đây xin viết ra vài mẩu chuyện được sử sách ghi chép lại.
Câu chuyện 7: Tổ tiên tạo tội nghiệt để hoạ cho con cháu
Trong cuốn sách có tên “Dạ Đàm Tùy Lục” của tác giả Hòa Bang Ngạch, triều Thanh có câu chuyện như sau:
Những năm Càn Long triều đại nhà Thanh, tại trường thi hương ở Giang Nam đã xảy ra một việc rất kỳ lạ. Năm ấy có một thí sinh họ Du đến từ Giang Âm (thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày nay) vừa mới thi xong bài thi thứ nhất đã vội thu dọn hành lý chuẩn bị ra về. Mọi người đều cảm thấy kỳ lạ nên mới dò hỏi nguyên nhân tại sao, cậu ấy chỉ trả lời úp úp mở mở, vẻ mặt buồn bã.
Mọi người lại hỏi rõ thêm, khi này cậu thí sinh không cách nào né tránh được nên đành nói sự thật: “Người cha quá cố của tôi nửa đời làm quan, sau khi giải nhiệm về nhà ông mắc chứng sợ hãi, chữa trị nhiều năm không khỏi. Trước khi lâm chung ông gọi anh em chúng tôi đến bên giường vừa khóc vừa dặn rằng: ‘Cha bình thường không làm việc gì trái với lương tâm, chỉ là khi làm huyện lệnh ở một huyện nọ do nhận hối lộ 2.000 lượng vàng nên đã giết lầm hai người, đây là đại tội, sẽ bị trời trừng phạt bằng cách giết hết con cháu đời sau. Chỉ vì nhờ tổ tiên từng có công đức cứu người nên mới có thể giữ được một người con trai nối dõi tông đường, nhưng con cháu năm đời sẽ gặp cảnh khốn khó. Cha giờ đây không có phẩm đức cao tựa Thái Sơn, mà lại tạo tội nghiệt to lớn như biển, nên sẽ không thể thoát được khổ hình dưới địa ngục. Nếu con cháu ta không hiểu số mệnh mà vẫn muốn cầu công danh, thì chỉ khiến tội lỗi của ta nặng nề hơn, không làm tròn chữ hiếu. Anh em các con cần làm nhiều việc thiện, hãy tự mình thu xếp cho ổn thỏa’. Nói xong thì ông qua đời.
Sau đó quả thật mấy người anh em của tôi lần lượt qua đời, chỉ còn lại mỗi mình tôi. Tôi đã hai lần tham gia kỳ thi hương, đều là do mực lem bài thi mà phải dừng lại. Hôm qua ở trường thi, tôi cảm thấy văn chương tuôn trào, đến canh ba thì đã làm xong, bỗng cảm thấy có người vén màn bước tới đứng trước ngọn đèn, tôi giật mình ngẩng lên nhìn, thì ra đó là người cha quá cố. Cha tôi nét mặt sầu khổ, giận dữ trách mắng rằng: ‘Sao con lại quên lời trăng trối của cha, sao con mãi không chịu an phận? Làm ta phải bôn ba mệt nhọc, chịu đựng đủ thứ đau khổ. Nếu như con không chịu sửa đổi, đại hoạ rồi sẽ giáng xuống đầu!’. Ông vừa nói vừa hất đổ chong đèn, quăng cả nghiên mực, chớp mắt một cái đã không thấy ông đâu nữa. Tôi sợ quá chạy ra ngoài khóc lớn, đến khi quan giám khảo tới hỏi thì thấy bài thi của tôi đã lấm lem mực, họ thở dài rồi rời đi.
Tôi năm nay 25 tuổi, ba lần lận đận khoa cử cũng không có gì hối tiếc, chỉ hiềm nỗi cha tôi chịu khổ dưới âm gian. Tôi giờ chuẩn bị xuất gia vô chùa làm tăng tu luyện Phật Pháp để cứu độ vong linh cha tôi. Việc sám hối của tôi mong chư vị soi xét. Mọi người nghe xong thảy đều giật mình, trong lòng tự nhiên nảy sinh mong muốn hành thiện tích đức.
Câu chuyện 8: Một niệm ác độc quỷ dữ đi theo, một niệm thiện lành phúc thần bảo hộ
Vào cuối những năm triều đại nhà Nguyên (1271-1368 SCN), tại Trung Quốc có một người tên là Nguyên Tự Thực. Nguyên Tự Thực có đại ân với một người tên là Mâu Tài, nhưng Mâu Tài lại trở mặt vu cáo Nguyên Tự Thực, quả là rất có lỗi với Nguyên Tự Thực. Nguyên Tự Thực càng nghĩ càng thấy căm phẫn bất bình, đang đêm tự dưng bật dậy quyết giết chết Mâu Tài. Trên đường, Nguyên Tự Thực đi qua một Phật am; chủ am gọi là Hiên Viên Ông, xác thực là một Đạo sĩ với công năng thiên nhãn thông. Khi Nguyên Tự Thực rảo bước về phía nhà Mậu Tài, Hiên Viên Ông thấy rõ theo sau ông là cả chục con quỷ hình thù kỳ dị. Thế nhưng khi Nguyên Tự Thực trở về nhà, Hiên Viên Ông thấy có cả trăm phúc thần mình mang ngọc bội, đầu đội mũ vàng đi theo ông. Hiên Viên Ông vô cùng kinh ngạc!
Trời vừa hửng sáng, Hiên Viên Ông đã tới nhà Nguyên Tự Thực dò hỏi tình hình tối qua. Nguyên Tự Thực nói thật với Hiên Viên Ông: “Mâu Tài vong ân bội nghĩa; tôi hận Mâu Tài quá bạc tình nên mới định giết chết hắn. Vừa đến cửa chính nhà Mâu Tài, tôi lại nghĩ Mâu Tài tuy vong ân bội nghĩa nhưng còn có vợ và mẹ già; nếu giết chết Mậu Tài, vợ và mẹ già Mậu Tài biết nương tựa vào đâu? Vì thế tôi đã nhẫn chịu và thu cái khẩu khí ấy lại”.
Hiên Viên Ông bèn thuật lại dị tượng mà mình đã thấy, nói với Nguyên Tự Thực: “Một niệm ác của ông khiến quỷ dữ đi theo, một niệm thiện của ông khiến phúc thần bảo hộ. Sự việc của ông, thần linh đã sớm biết rõ. Ông tất sẽ có phúc về sau”. Sau đó quả nhiên Nguyên Tự Thực được làm huyện lệnh Lư Sơn, còn Mâu Tài bị giết hại giữa đám loạn quân.
Câu chuyện 9: Lô Quân cứu người được tăng tuổi thọ, hành thiện giúp chuyển đổi vận mệnh
Lô Quân, người ở Lam Điền, Kinh Triệu nhà Đường (nay là huyện Lam Điền tỉnh Thiểm Tây), đỗ bậc tiến sĩ, nhậm chức thượng thư lang, làm Thứ sử Châu Quân, nhưng trong người lại có bệnh. Sau khi nhậm chức ở quận bệnh tình ngày càng nặng hơn, tính tình trở nên nóng nảy, thường ở một mình trong sơn trai để dưỡng bệnh, thuộc hạ cũng không ở cùng, nếu ông không gọi thì cũng không ai dám xuất hiện trước mặt ông.
Một hôm, Lô Quân đột nhiên nhìn thấy một người đi từ ngoài vào, tự xưng là họ Vương, từ trên núi xuống. Lô Quân liền cười nói: “Ngài là Vương Sơn Nhân, lần này đến đây chắc có điều gì chỉ giáo?”. Vương Sơn Nhân nói: “Lộc vị của ông rất cao, địa vị cũng ở đỉnh điểm, nhưng thọ mệnh lại không dài, tai vận đang nặng nên có bệnh mà chữa mãi không khỏi, ta đến để giúp ông”. Sơn trai không có nước, nên Lô Quân định gọi người dâng trà, Vương Sơn Nhân ngăn lại, rồi ra giếng dùng đai áo để thấm nước, sau đó lấy ra một viên đơn dược và vắt nước từ đai áo ra đưa cho Lô Quân uống.
Vương Sơn Nhân nói với Lô Quân: “Năm ngày sau thì bệnh sẽ khỏi, sức khỏe tăng lên gấp đôi. Hai năm sau là vận đại ương của ông. Người làm quan nhất định giữ liêm chính, cần bình tĩnh, sáng suốt, không được nghe lời nói của kẻ tiểu nhân mà phải theo dõi sát tình hình. Nếu làm sai thì sẽ gặp báo ứng. Cần phải tích cực hành thiện, cứu người vô tội, khi đó ta sẽ lại tương ngộ, thời gian là khoảng đầu mùa hạ”. Lô Quân ghi nhớ lời của thần nhân, từ đó bệnh đỡ dần, mười ngày sau thì khỏi hẳn.
Năm thứ hai Lô Quân hết nhiệm kỳ trở về kinh thành, tạm nhậm chức phán quan diêm thiết. Tháng tư năm đó, ông lại nhìn thấy Vương Sơn Nhân ở cửa đông liền mời vào nhà. Vương Sơn Nhân vui mừng nói: “Năm nay ông đã qua được cái hạn thứ hai. Hạn vốn rất nặng nhưng vì ông làm việc công bằng chính trực, năm ngoái xét xử án oan, cứu được mấy người, nên đại họa đã qua. Tháng này sẽ có bệnh nhỏ khoảng ba đến năm ngày nhưng không đáng lo. Hy vọng rằng từ nay về sau ông sẽ tích đức lập công!”.
Ngày thứ hai, Vương Sơn Nhân sai hai người hầu lấy ra một vài viên thuốc đến những nơi lân cận phân phát cho những người nghèo khổ bị bệnh, từ đó về sau không xuất hiện nữa.
Lô Quân nhậm chức giám sát ngự sử, nổi tiếng vì xét án ngục oan, giữ nghiêm pháp luật cho quốc gia, duy trì chính nghĩa, đã từng cùng các quan trong triều liên tục dâng sớ giải oan cho những đại thần giúp họ bảo toàn tính mệnh nên được người đời ca ngợi.
Ông cũng từng giữ chức Tiết độ sứ Lĩnh Nam. Vào thời Đường, đảo Hải Nam là nơi giao thương tấp nập, tập trung rất nhiều của ngon vật lạ, những Tiết độ sứ cũ ở đây không ai là không trục lợi, phàm là đến trấn giữ Hải Nam một thời gian thì khi trở về ai cũng mang theo vàng bạc châu báu. Lô Quân thanh khiết, nhất quyết không lấy một đồng, cử giám quân chuyên trách giám sát việc tàu bè, còn ông thì không hề can dự, thương nhân không một ai không ca ngợi đạo đức của ông. Từ những năm Trinh Nguyên, những đại thần có tội đều bị lưu đày đến Lĩnh Nam, rất nhiều người sau khi qua đời con cháu vì quá nghèo khổ nên không thể quay về quê hương. Lô Quân liền ra tay giúp đỡ người nghèo khó, ông tiết kiệm bổng lộc giúp họ lo việc mai táng, người bị bệnh thì tiếp tế thuốc men, đối với cô nhi quả nữ thì ông lo cho việc hôn sự, tổng cộng đã giúp đỡ hàng trăm hộ gia đình. Ông còn trình tấu lên triều đình xin xóa bỏ những sưu thuế nặng nề mà người dân không thể gánh nổi, vì thế bách tính Sơn Việt đều ca ngợi tấm lòng nhân ái của ông. Đến khi ông hết nhiệm kỳ ba năm, dân chúng địa phương (người Hán và dân tộc thiểu số) xin được lập sinh từ, lập bia ghi nhớ công ơn của ông, nhưng ông kiên quyết từ chối.
Lô Quân làm quan công minh liêm chính, nhân ái nhân đức, được triều đình khen thưởng, về sau được làm thầy cho thái tử, hưởng thọ hơn chín mươi tuổi. Mệnh của ông vốn được định mấy lần kiếp nạn, nhưng nhờ nghe lời đạo nhân Vương Sơn Nhân lấy việc cứu người làm gốc, yêu thương dân chúng, rửa sạch án oan, nên không những qua được kiếp nạn mà còn được hưởng thọ dài lâu. Con cháu đời sau cũng đều được vinh hiển. Đây chính là tích đức hành thiện mang lại phúc báo cho đời sau.
Câu chuyện 9: Tống Cảnh Công giàu lòng nhân đức được trời phù hộ
Vào thời Tống Cảnh Công, Sở Huệ Vương đã tiêu diệt nước Trần láng giềng của nước Tống. Lúc ấy sao Hỏa trên trời xâm nhập vào phạm vi của sao Tâm Túc, theo lý luận về ranh giới của tinh tượng lúc ấy, thì sao khu vực của sao Tâm Túc đối ứng với khu vực của nước Tống. Cho nên Tống Cảnh Công hết sức lo lắng, sợ Trời sẽ gieo tai họa xuống nước Tống.
Ngày hôm sau lúc lên triều, quan Thái sử bẩm báo: “Tối hôm qua hạ thần phát hiện sao Hỏa dừng lại tại sao Tâm Túc không chịu rời đi (Sao Hỏa thủ tâm). Đây là điềm rất xấu, xin Đại vương triệu tập trăm quan bàn bạc đối sách“.
Tống Cảnh Công liền hỏi bá quan xem có biện pháp gì không, nhưng cả hai ban văn võ quan lại đều nhìn nhau không nói được gì. Đại thần Tinh Tử Vi thấy vậy tâu: “Sao Hỏa thủ tâm là điềm xấu nhất trong các hiện tượng thiên văn, đối ứng với nước Tống và triều đình sẽ phải gánh chịu tai họa ập xuống, bắt đầu từ Hoàng thượng. Nhưng mà, Đại vương có thể thông qua biện pháp cầu an giải họa, đem tai họa này dời sang Tể tướng, như thế Đại vương sẽ có thể may mắn thoát khỏi tai họa này”.
Cảnh Công nói: “Sao có thể làm như thế được. Tể tướng là đại thần phụ tá cho quốc gia, ví như cánh tay phải của Trẫm, quản lý toàn bộ thân thể như nhau. Làm sao có thể khiến ông ấy phải chịu tai họa này chứ?“.
Tử Vi nói: “Còn có một biện pháp khác nữa. Đại vương có thể vào giờ Ngọ 3 khắc hôm nay lên đàn tế Trời, sau này tai họa sẽ dời sang dân chúng“.
Cảnh Công nói: “Nói gì vậy? Làm một vị Quân vương cần phải lấy lòng nhân ái để làm an lòng dân chúng, sao lại để trăm họ phải chịu tai họa này chứ? Nhân dân giống như cha mẹ của Quân vương, Trẫm làm sao chuyển tai họa sang cho họ được?”
Tử Vi lại nghĩ ngợi rồi nói: “Vậy không chuyển dời sang người khác nữa, mà chuyển thành năm nay mùa màng thất bát, như thế cũng có thể vượt qua tai ương này“.
Cảnh Công bực mình nói: “Không cần nói nữa. Mùa màng thất bát thì chắc chắn có nạn đói, nhân dân sẽ phải hứng chịu. Làm vua mà lại muốn làm hại dân chúng để mưu lợi riêng bản thân mình, Trẫm làm sao còn xứng đáng làm vua nữa? Lão Tử nói: Vua của thiên hạ cần gánh chịu những điều chẳng lành của quốc gia. Tất cả đều để cho Trẫm tự mình gánh chịu! Chỉ cần nhân dân sống thật tốt, thì Trẫm không ngại cái chết, không dùng những biện pháp tệ hại của các khanh đâu“.
Suy nghĩ của Cảnh Công làm Tử Vi cảm động, thối lui mấy bước, cùng tất cả các quan đại thần đồng loạt vái lạy Cảnh Công, nói: “Ngài tình nguyện tự mình chịu nạn như thế, Đức hạnh không chịu giá họa cho thần dân, nhất định sẽ làm cảm động tới Thiên Đàng. Thiên Đế chẳng những có thể miễn tai họa cho Ngài, mà Ngài còn có thể được tăng thêm tuổi thọ nữa”.
Cảnh Công nói: “Khanh làm sao biết được là sẽ như thế?”.
Tử Vi trả lời: “Trời mặc dù ở tít trên cao, nhưng lại có thể nghe được những thanh âm nhỏ nhất dưới hạ giới. Hoàng thượng có 3 điều thiện đối với Tể tướng, thần dân và mùa màng, nên Trời sẽ 3 lần ban thưởng cho Hoàng thượng. Tối nay sao Hỏa chắc chắn sẽ rời xa sao Tâm Túc 3 xá (xá là đơn vị để đo khoảng cách giữa các vì sao thời ấy). Một xá có thể có 7 vì sao, mỗi sao ứng với 1 năm. 3 lần 7 là 21, Hoàng thượng sẽ được tăng thêm 21 năm tuổi thọ nữa. Tối nay có thể phái người quan sát thiên tượng sẽ thấy“.
Cảnh Công nói: “Sao cơ? Buổi tối sẽ quan sát thử xem!“.
Tối hôm đó, quan Thái sử giúp Cảnh Công cùng Tử Vi quan sát sao Hỏa một cách cẩn thận. Họ phát hiện thấy sao Hỏa quả thật dời đi 3 xá, ra khỏi phạm vi của sao Tâm Túc, đúng như lời Tử Vi đã nói. Mọi người đều nói Cảnh Công quan tâm đến muôn dân, Đức hạnh cảm động Trời cao, nhờ đó nước Tống cũng tránh được tai nạn.
Tống Cảnh Công làm vua 61 năm, cai trị dân chúng một cách nhân từ và độ lượng. Ông vô cùng kính trọng Lão Tử và Khổng Tử, làm theo những lời dạy của họ về phương lược trị vì đất nước. Ông tuân Lễ, trọng Đức, nhờ vậy trăm họ được an cư lạc nghiệp, thiên hạ thái bình.
Thực ra con người luôn luôn phải lựa chọn. Nếu ý nghĩ của họ thay đổi, cuộc đời của họ có thể đổi khác và thế giới cũng có thể đổi thay. Mọi việc đều có thể thay đổi, tuy nhiên kết quả hoàn toàn phụ thuộc vào cách suy nghĩ của chúng ta. Tâm lương thiện là bản tính sẵn có của con người. Điều gì ta làm, thì kết quả luôn là ta nhận lấy. Những việc ta làm trong đời này sẽ là vận mệnh của chính ta trong tương lai. Lựa chọn cái thiện chính là phù hợp với Đạo Trời và trở về với bản ngã sự của bản thân. Ấy là con đường và lựa chọn sáng suốt nhất giúp cho ta không bao giờ phải hối hận.
Theo Minh Huệ và Chánh Kiến
Vũ Dương tổng hợp