Trong trận chiến Quan Độ, Tào Tháo thiết lập chiến lược, giành chiến thắng vẻ vang, lấy ít thắng nhiều, công phá được đại quân của Viên Thiệu. Sau đó Viên Thiệu vì thua trận mà buồn khổ đến chết, Tào Tháo nhân cơ hội đó tấn công tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn quân sự của Viên Thị, thống nhất phương Bắc…

Chim trĩ nhìn gương nhảy múa

Tào Tháo vào đóng quân tại Nghiệp Thành, một đêm nọ, ông đột nhiên nhìn thấy một luồng ánh sáng màu vàng từ dưới đất phóng lên trên trời. Ngày hôm sau, Tào Tháo sai người đào sâu xuống chỗ đất đó, đào được một con đồng tước (con chim sẻ bằng đồng). Mưu sĩ Tuân Du nhìn thấy, liền nói với Tào Tháo rằng: “Mẫu thân của thánh chủ Đại Thuấn (vua Thuấn) từng mơ thấy một con ngọc tước bay vào lòng, từ đó mang thai rồi sinh ra Thuấn. Hôm nay ngài có được con đồng tước này, cũng là điềm báo cát tường đó!”, Tào Tháo nghe xong vô cùng vui mừng.

Tào Tháo (Hình ảnh lấy từ “Tam Tài Đồ Hội” của nhà Minh).

Trong lúc đang nói chuyện, đột nhiên có một binh lính chạy đến báo rằng: Có sứ thần tiến cống một con chim trĩ của phương Nam. Chỉ thấy lông của con chim trĩ này phát ra hào quang vô cùng sáng chói đẹp đẽ. Sứ thần giới thiệu là, con chim trĩ này còn rất giỏi hót và múa, vô cùng sinh động. Nghe xong Tào Tháo liền muốn được nhìn xem con chim trĩ này biểu diễn ca múa, nhưng bất luận sứ thần trêu ghẹo nó như thế nào đi nữa, con chim vẫn đứng im đờ đẫn một chỗ, không hót cũng không múa.

Ngay lúc đó, con trai của Tào Tháo là Tào Xung cũng chạy đến để xem náo nhiệt, muốn nhìn chim trĩ nhảy múa. Tào Xung thấy con chim trĩ không hót cũng không múa, liền ghé sát vào tai Tào Tháo nói gì đó  bằng giọng điệu trẻ con vô cùng đáng yêu. Sau đó Tào Tháo sai người mang một tấm gương rất lớn đến, đặt ở trước mặt con chim trĩ. Liền thấy con chim trĩ nhìn vào gương cất cao giọng hót, dang rộng đôi cánh, xoay người nhảy múa, nhảy múa không ngừng. Khiến cho mọi người có mặt đều cười lớn tiếng, Tào Tháo cảm thấy Tào Xung đúng là rất thông minh, từ đó càng thêm yêu thích Tào Xung hơn. Hai câu thành ngữ “sơn trĩ vũ kính” (chim trĩ múa trước gương) và “cố ảnh tự lân” (nhìn ảnh tủi thân) được người đời sau lưu truyền rộng rãi cũng được sinh ra từ câu chuyện này của Tào Xung.

Dùng thuyền cân voi

Một ngày nọ, Tôn Quyền của Đông Ngô phái người mang một con voi tặng cho Tào Tháo. Thân hình của con voi này cực kỳ to lớn, khi nó đứng im một chỗ trông giống như một ngọn núi nhỏ vậy. Người phương Bắc rất ít khi được nhìn thấy voi, nên mọi người đều rất tò mò chạy đến nhìn ngắm con vật to lớn này.

Có một người nói rằng: “Một con vật to lớn như vậy, thì nặng bao nhiêu đây?”

“Chỉ cần cân nó là sẽ biết ngay thôi”, một người khác trả lời.

“Vậy phải làm một cái cân lớn cỡ nào hả?”

“Cho dù có làm ra được cái cân đó, thì ai có thể cầm nổi chứ?”

“Chi bằng chặt nó ra, cắt thành từng miếng nhỏ, chẳng phải là sẽ cân được hay sao?”

Người này nói một câu, người kia đáp một câu, mọi người đứng ở đó nói chuyện rôm rả.

Ngay vào lúc mọi người đang tranh luận vô cùng sôi nổi, Tào Xung chạy đến nói: “Có thể đưa con voi lên một chiếc thuyền lớn, đánh dấu lên chỗ thân thuyền đang ngập ngang trên mặt nước, rồi lại dắt con voi lên bờ trở lại. Sau đó chất hàng hóa lên chiếc thuyền đó, cho đến khi thân thuyền chìm đến cái vạch vừa mới đánh dấu trước đó. Rồi cân trọng lượng của số hàng trên, là sẽ biết ngay con voi nặng bao nhiêu cân”. Tào Tháo nghe thấy, trong lòng vô cùng hài lòng và vui sướng, lập tức sai người làm theo cách mà Tào Xung nói, sau đó liền nhanh chóng cân được trọng lượng của con voi.

Tào Xung không chỉ thông minh lanh lợi, hoạt bát nhanh trí hơn người bình thường, nhận được sự yêu chiều của Tào Tháo, mà còn có phẩm chất lương thiện bi mẫn, khoan dung nhân hậu, không giống với mọi người, điều này khiến Tào Tháo phải nhìn cậu bằng con mắt khác.

Dùng mưu trí cứu quan viên nhà kho

Một hôm, Tào Xung đọc sách một hồi thì thấy mệt, cậu đi dạo chơi trong phủ thừa tướng. Đột nhiên nghe thấy có tiếng thở dài xen lẫn với tiếng khóc ngắt quãng lúc ngắn lúc dài, Tào Xung vội vàng chạy đến đó xem đã xảy ra chuyện gì. Thì ra là trong lúc người hầu trông coi nhà kho của phủ thừa tướng kiểm tra nhà kho, đã phát hiện ra một cái yên ngựa mà Tào Tháo rất yêu thích bị chuột cắn hỏng. Ông ta nhất thời hoảng sợ, cho rằng đây đúng là tai họa rơi từ trên trời xuống, nếu như để thừa tướng biết được chuyện này, không khéo còn có thể bị rơi đầu, nhất thời không biết phải làm sao, vì vậy một mình đứng ở đó buồn rầu và khóc than. Tào Xung nghe xong, cảm thấy trong lòng tự nhiên có một sự thương cảm khởi lên, cậu nhíu mày một cái liền nghĩ ra được kế sách, cậu thì thầm với người hầu đó rằng: “Ông không cần sợ, đợi hai ba ngày nữa, ông chủ động đi tự thú, tôi bảo đảm ông bình an vô sự”. Người hầu gật đầu một cách bán tín bán nghi, không còn cách nào khác, cũng đành phải thử theo cách này mà thôi.

Tào Xung quay trở về phòng lấy ra một cây kéo, cậu cầm cây kéo lên và dùng hết sức để đâm thủng quần áo mới của mình, đâm thủng vài lỗ, trông giống như là bị chuột cắn. Sau đó giả vờ buồn bã không vui, mím môi nhíu mày, làm bộ mặt buồn khổ. Tào Tháo nhìn thấy, còn tưởng rằng Tào Xung bị bệnh, vội vàng chạy đến hỏi cậu không khỏe chỗ nào, Tào Xung cố tình trả lời một cách cẩn thận: “Dân gian có một tập tục, nói rằng chuột cắn y phục, thì chủ nhân sẽ không may mắn. Bây giờ y phục của con bị chuột cắn rồi, con sợ sẽ có chuyện gì không may, cảm thấy rất buồn”. Tào Tháo nghe xong, ông nhìn con trai một cách âu yếm, mỉm cười nói rằng: “Đó là nói bừa thôi, đừng tin những điều đó, không cần phải buồn khổ”.

Ba ngày sau, tên người hầu đó đến bẩm báo với Tào Tháo về chuyện cái yên ngựa bị chuột cắn hỏng, và chủ động xin bị trách phạt, Tào Tháo nghe xong, đột nhiên hiểu ra là chuyện gì, liền khoái chí cười lớn tiếng, rồi nói: “Y phục mới của con trai ta để ở đây, mà còn bị chuột cắn nát, huống hồ là cái yên ngựa cất ở trong nhà kho chứ!”, kết quả Tào Tháo không trách phạt tên người hầu đó nữa.

Với những chuyện tương tự như vậy, tổng cộng có hơn mấy chục người được khoan dung tha tội nhờ vào sự khéo léo phân biệt lý lẽ của Tào Xung. Tào Xung tâm địa lương thiện, thấu tình đạt lý, hành động nhân từ mà vô cùng trí tuệ, khiến cho Tào Tháo hết lòng cảm động, ông từng nhiều lần khen ngợi Tào Xung trước mặt các đại thần của mình, và nảy sinh ý định muốn cho Tào Xung kế thừa đại nghiệp.

Năm Kiến An thứ 13 (năm 208), năm đó Tào Xung 13 tuổi, cậu đột nhiên bị bệnh nặng, Tào Tháo còn vì cậu mà cầu nguyện với ông trời, cầu xin ông trời bảo toàn tính mạng của Tào Xung, nhưng cuối cùng Tào Xung vẫn chết. Tào Tháo vô cùng đau buồn, mất ăn mất ngủ trong nhiều ngày. Lúc bấy giờ, Tào Phi đến an ủi cha mình, Tào Tháo còn thở dài nói một câu: “Đây là bất hạnh lớn của ta, nhưng lại là may mắn lớn của các con”. Vừa nói dứt lời, nước mắt đã đầm đìa.

Sau này, khi Tào Phi lên ngôi, truy phong Tào Xung là “Đặng Ai Hầu”, về sau lại truy phong lên “Đặng Ai Vương”. Tào Phi xúc động nói: “Nếu như Tào Xung còn sống, người làm hoàng đế sao có thể là ta chứ”.

Theo Sound Of Hope
Châu Yến biên dịch

Xem thêm:

videoinfo__video3.dkn.tv||c90b7fa55__

Ad will display in 09 seconds