Từ tâm nguyện của người cha mong muốn con trở thành thần đồng âm nhạc như Mozart…

Ludwig van Beethoven sinh ngày 16 tháng 12 năm 1770 tại thành phố Bonn, miền Tây nước Đức. Đây là một thành phố nhỏ, cổ kính – một trung tâm văn hóa thời bấy giờ. Gia đình Bethoven di cư đến đây đã lâu. Ông của Bethoven được vào làm trong dàn nhạc của nhà hát hoàng cung.

Beethoven khi còn nhỏ (Ảnh: pinterest.com)

Người cha của cậu tên là Johhan Van Bethoven, một nhạc sĩ có tài, biết đàn clavexanh, violon, có giọng nam cao tốt, đồng thời cũng làm việc trong dàn nhạc ấy. Mẹ nhạc sĩ là con gái một người nấu bếp, bà là một người mẹ đôn hậu đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho ông sau này.

Sống trong một gia đình hoạt động âm nhạc, cậu bé Bethoven đã sớm có một năng khiếu đặc biệt về âm nhạc. Mới lên ba lên bốn tuổi đã chăm chú nghe bố luyện tập để rồi bắt chước lại trên đàn piano với sự thích thú.

8 tuổi bắt đầu được biểu diễn trước công chúng…

Nhận thấy cậu bé có năng khiếu âm nhạc rõ rệt, Johhan Van Bethoven bắt đầu dạy con. Ông muốn con mình sẽ trở thành một thần đồng âm nhạc như Mozart. Ông thường bắt cậu bé lên bốn phải ngồi hàng giờ tập piano, đánh đi đánh lại những khúc luyện tập khô khan của đàn violon. Đến năm cậu lên tám tuổi thì được biểu diễn trước công chúng, sau đó thường cùng với cha đi biểu diễn ở một vài thành phố thuộc nước Đức.

Ngoài việc học nhạc, tập đàn, cậu bé còn phải học ngoại ngữ và những kiến thức khác. Tuy bị sa lầy trong mớ học vấn mênh mông ấy, nhưng đến tuổi mười hai, Bethoven đã đọc thạo ngoại ngữ, chơi đàn clavexanh, violon. Oocgan rất thoải mái.

Với tài năng như thế, gia đình ông đã xin cho cậu bé được vào làm chân phụ cho nghệ sĩ oocgan hoàng cung. Ở đây Bethoven được gặp nhạc sĩ nổi tiếng của hoàng cung là Nefe, ông là nghệ sĩ đàn oocgan của nhà hát, là tác giả nhiều nhạc kịch và cũng là một trong những nhạc sĩ tiên phong thuở đó. Nefe rất yêu mến, tận tình dạy dỗ cậu bé. Nhờ có thầy, Bethoven đã được học hòa thanh, đối vị, hoàn thiện kỹ thuật đàn oocgan. Nefe giới thiệu cho Bethoven những tác phẩm ưu tú của Bach, Henđen…

Chàng thanh niên Ludwig Van Beethoven với mong ước được gặp thiên tài Mozart

Từ những bản nhạc phức điệu của Bach, cậu đã học được phong cách điêu luyện tế nhị và tính tỉ mỉ, chau chuốt. Cũng qua Henđen, Bethoven tiếp thu được những hình tượng nhạc mang tính hành động, chiến đấu. Nhờ Nefe năm 1782 người ta đã cho in một vài tác phẩm của Bethoven, đó là bản biến tấu trên chủ đề hành khúc của Đretxle, ba bản sonata cho đàn piano.

Nefe nhận định về Beethoven: Đó sẽ là một Mozart thứ hai

Nhận định về Bethoven, Nefe đã viết trên báo:”Đây là một cậu bé có tài… Nếu anh ta cứ làm việc như lúc khởi đầu này, thì đó sẽ là một Mozart thứ hai”. Nefe còn giúp Bethoven tự tìm tòi đánh giá những hiện tượng khác nhau trong sinh hoạt âm nhạc, sự thức tỉnh những tư tưởng, những vấn đề lớn trên lĩnh vực văn học, lý luận và mỹ học.

Sang đến tuổi 13, Bethoven vẫn ở trong dàn nhạc nhà hát, hàng ngày cậu phải đệm đàn cho ca sỹ ôn tập, đệm cho những khúc hát nói của nhạc kịch, đôi khi còn phải kéo đàn violon alto nữa. Công việc tuy bận rộn nhưng càng ngày càng làm cho Bethoven say sưa ham mê âm nhạc.

Chẳng bao lâu ông đã trở thành một nhân vật quen biết của thành phố, một nhạc sĩ nổi tiếng gần gũi mọi người. Nhạc sĩ thường đến nhà các nhà quí phái tiến bộ, hòa nhạc và dành cho họ sự ngạc nhiên vì các bản khúc phóng túng vô tận và cả khúc ứng tác giàu tính kịch.

Nung nấu mong muốn gặp thiên tài âm nhạc Mozart và thỏa lòng mong ước..

Một Mozart thứ hai đã xuất hiện

Với một người có trí óc “khổng lồ” và tinh thần ham học như Bethoven thì sinh hoạt âm nhạc ở Bonn không làm cho ông thỏa mãn, ông có ý muốn gặp nhà thiên tài Mozart. Gạt bỏ mọi trở ngại, Bethoven đi Viên năm 1787. Ở Viên Mozart đang bị hút vào vở nhạc kịch “Đông Gioăng” (Don Joan, vở nhạc kịch 2 màn nổi tiếng của Mozart) nhưng ông cũng dành thời gian để nghe chàng thiếu niên Đức không quen biết.

Mozart sửng sốt vì tài ứng tác và tài phát triển chủ đề độc đáo của Bethoven. Chủ đề của Mozart thật khó, thế mà chàng thiếu niên đã vượt nổi. Mozart đã phải thốt lên:”Hãy chú ý đến cậu bé“. Mozart hứa sẽ nghe tiếp và dạy anh. Bethoven mừng rỡ, thật thỏa lòng mong đợi!

Nhưng từ nước Đức một tin không vui đến với anh: mẹ anh đang hấp hối! Bethoven đành gác bỏ ý định đã nung nấu bao lâu để trở về quê hương. Vài hôm sau khi anh trở về thì mẹ anh qua đời, rồi không lâu người em gái cũng theo mẹ. Đời sống kinh tế khó khăn và ý thức trách nhiệm về gia đình đối với những em nhỏ khiến anh phải ở lại để nuôi em.

Đối với Bethoven đây là một giai đoạn nặng nề của thời niên thiếu, nhưng cũng từ đây đã rèn luyện cho anh tính kiên nhẫn, lòng nghị lực và sự cảm thông đối với những người nghèo khổ.

Sau đây chúng ta cùng thưởng thức bản Concerto số 4 cho piano của ông:

Beethoven, Piano Concerto No. 4 Op. 58 in G major. Evgeny Kissin thể hiện

Kim Cương