Đổng Trọng Thư là một cận thần thời Tây Hán, ông từng nêu lên ý kiến của mình với Hán Vũ đế rằng: “Tai họa là Trời giáng xuống, dị tượng cũng là Trời cảnh báo, thường thì tận cùng của thiên tai sẽ sinh ra mất nước. Khi bắt đầu phát sinh chuyện mất nước, ông Trời sẽ cảnh báo bằng tai ương dị tượng, nếu khiển trách cảnh cáo mà không biết thay đổi, thế thì dị tượng kinh hãi hơn sẽ xuất hiện, đến lúc này vẫn không biết sợ, vậy thì tai họa sẽ trầm trọng tới mức khó có thể cứu vãn rồi”. 

Có thể thấy rằng, thiên tai xảy ra không thể chỉ nhìn bề ngoài mà nó có nguồn gốc từ bên trong. Đối với những tai họa gặp phải, bất kể là Phật gia, Đạo gia, Nho gia đều có quan điểm giống nhau, đều là nhân quả báo ứng khi nhân tâm trở nên không tốt; chỉ khi nhân tâm cải biến trở nên tốt hơn thì mới có thể giải quyết được gốc rễ vấn đề. 

Văn hóa truyền thống Trung Hoa mang theo tinh thần Nho Thích Đạo được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong một thời kỳ lịch sử lâu dài chủ yếu là truyền thống kính Trời thuận Thiên, theo đuổi Thiên nhân hợp nhất. Thời cổ đại, các hoàng đế bạo ngược được gọi là hôn quân vô đạo, bởi vì họ đã vi phạm Thiên đạo, làm ngược với đạo đức được Trời và người chấp nhận. Cũng bởi vậy mà người quân tử phải luôn chú ý đến thiên tượng, đối chiếu đức hạnh của bản thân để kiểm tra xem có chỗ nào trái ý Trời mà kịp thời sửa đổi, cố gắng vãn hồi thuận theo Thiên ý.

Thời xưa, các triều đại đều rất coi trọng xem xét Thiên ý, họ còn thiết lập cơ cấu chuyên môn là “Khâm Thiên giám” để xem xét hiện tượng thiên văn, sau đó đưa ra các kiến nghị tấu lên hoàng đế. Một khi tai họa xảy ra, hoàng đế sẽ ban chiếu trách tội mình, cảnh tỉnh bản thân xem đã làm việc gì thất đức để xin tạ tội và đền bù tổn thất. Quan lại địa phương cũng phân tích mối quan hệ nhân quả giữa nhân tâm và tai họa phát sinh. 

Nhiều thiên tai nhân họa có liên quan trực tiếp đến triều chính. Ví dụ như thiên tượng “Nhật thực” là do thuế má lao dịch quá nặng mà sản sinh. ‘Nguyệt thực’ là do có quá nhiều án oan trong thiên hạ… Còn có một số thảm họa khác, có thể là do lệnh hành chính vô độ, thần dân vi phạm chức trách, đời sống hủ bại, hậu cung tham dự chính sự, quan lại buông thả, nạn hối lộ tràn lan, không nghe trung ngôn, trọng dụng tiểu nhân… 

Có một ghi chép trong lịch sử thời nhà Thương như sau. Khi nhà Thương khai quốc, Thành Thang lên ngôi, hạn hán kéo dài 7 năm không mưa. Vua Thành Thang đã đi tới vườn dâu thành tâm hướng Trời cao cầu khẩn, tự trách mình 6 tội, lời tự trách còn chưa nói hết thì trời đã giáng mưa to. ‘Thang đảo tang lâm’ là bức vẽ chân thực cách mà Hoàng đế cổ đại trị vì quốc gia, cũng phản ánh rõ, các Hoàng đế trong quá khứ rất chú trọng việc tu thân, rất biết lắng nghe can gián và tự tìm lỗi ở chính mình. Loại ‘Thánh đức phương quy’ này đã trở thành ‘quan đức’ chốn quan trường xưa. 

Cổ nhân cho rằng cái thiện lớn nhất của người quân tử chính là “biết sai tự sửa”. Thời Xuân Thu, khi nước Tống gặp phải trận đại hồng thủy, nước Lỗ đã phái người tới an ủi, vua nước Tống trả lời thư: “Quả nhân bất nhân, bởi vì trai giới thiếu thành thật, lao dịch làm nhiễu loạn đời sống của dân, sở dĩ Trời giáng tai họa, khiến cho quân vương quý quốc lo lắng, đến nỗi làm phiền tiên sinh đến đây”.

Khổng Tử viết, xem ra nước Tống sẽ sớm có hy vọng rồi. Học trò hỏi ông tại sao? Khổng Tử nói, năm đó Kiệt, Trụ phạm lỗi tày trời nhưng lại không thừa nhận, bởi thế mà đất nước sớm bị diệt vong. Chu Văn Vương của Thương Thang biết thừa nhận sai lầm trong điều hành chính sự, vì thế mà quốc gia mới thịnh vượng một cách nhanh chóng. 

Đời nhà Thanh, khi vua Gia Khánh lên ngôi, Hồng Cát Lượng đã viết bản tấu nói rõ lời cảnh báo của Trời. Trong tấu chương ghi lại những tệ nạn trong triều khiến Gia Khánh tức giận, ông đã hạ một đạo chiếu thư định cho Hồng Cát Lượng tử tội, nhưng sau đó ông lại cảm thấy hối hận liền đổi thành tội lưu đày, đày Hồng Cát Lượng đến Y Lê.

Vào tháng 4 năm đó, sau khi Hồng Cát Lượng bị lưu đày đến Y Lê, phương Bắc gặp đại hạn, quan lại địa phương cùng Gia Khánh lập đàn cầu mưa, đem cháo cứu tế nhân dân bị đói khát. Vua Gia Khánh cảm thấy rằng chính bản thân đã xử oan cho Hồng Cát Lượng khiến Trời cao nổi giận, ông hạ chiếu thư sửa lại án oan sai, trong chiếu thư công khai tự trách rằng tất cả các tội đã đổ oan cho Hồng Cát Lượng. Để tỏ thành ý, vua đã tự mình sao chép lại chiếu thư xử sai, khi viết đến hai chữ cuối cùng là ‘Khâm thử’ thì một tia chớp đã xuyên qua bầu trời, theo đó là tiếng sấm vang trời, trời bắt đầu đổ mưa mưa. Vua Gia Khánh kinh ngạc nói: “Gương trời soi thấu trong chớp mắt, thực sự cảm thấy kính sợ”. 

Văn hóa truyền thống trải qua quá trình lịch sử lâu dài cho tới hôm nay đã trở thành hệ thống tư tưởng thống nhất giữa Thiên địa nhân, ngoại trừ vài thập kỷ trở lại đây. Người Trung Quốc xưa vẫn luôn tin tưởng và tuân theo truyền thống thiên nhân hợp nhất mà kính thiên tín thần, tin tưởng có nhân quả báo ứng, chú trọng tu thân dưỡng đức. 

Bậc quân vương xưa đều tự xưng là Thiên tử, thay Trời cai quản thiên hạ, là sứ giả câu thông giữa trời và người, nên khi xuất hiện loạn tượng hoặc tai nạn, thiên tử tự nhiên sẽ suy nghĩ về trách nhiệm của chính mình. Vậy cũng nói, bậc hiền vương thời cổ đại đều cho rằng bách tính lâm nạn đều là bản thân gây ra; đối với họ, từng cơn đói lạnh cho đến những sai lầm của bách tính đều có liên quan với chính mình. 

Chiếu thư trách tội là hoàng đến hướng đến dân chúng trong thiên hạ tự trách tội mình, là một loại phương thức khiêm tốn tự xét lỗi lầm của bản thân, đồng thời tự mình sám hối với Trời cao. 

Trong số tất cả những cảnh báo mà Trời cao đưa ra, việc chính quyền bức hại người tu luyện là chịu sự trừng phạt nặng nề nhất.

Từ trong văn hóa truyền thống, chúng ta có thể biết rằng, khi ôn dịch xuất hiện là lúc Thần đang thực hiện việc trừng phạt con người một cách nghiêm khắc nhất. Ôn dịch thường nhắm đến những người làm trái ý Thần mà bức hại các tín đồ của Thần.

Trong ‘Kinh thánh’ có ghi lại một đoạn lịch sử về người Ai Cập, Chúa đã trừng phạt nghiêm khắc đối với người Ai Cập thông qua 10 loại bệnh dịch, khiến họ cảm nhận được sự uy nghiêm của Thần, đồng thời khiến họ phải khuất phục.

Mấy đời hoàng đế nối tiếp nhau của Đế chế La Mã đã đàn áp Cơ Đốc giáo trong hàng trăm năm. Cuộc bức hại đã khiến vô số tín đồ Cơ đốc giáo mất đi sinh mạng. Vào thời điểm đó, hầu hết người dân đều tin vào những lời dối trá mà coi các tín đồ Cơ Đốc là kẻ thù; chính bởi thái độ này đối với Đức Chúa Trời mà bệnh dịch đã xuất hiện. Con người vẫn chưa tự kiểm điểm lại chính mình, hết thế hệ này đến thế hệ khác bị mê hoặc bởi những điều dối trá, một mực u mê giữ thái độ thù địch đối với những người theo đạo Cơ Đốc.

Năm 54 sau Công Nguyên, Nero lên làm quân chủ, năm 64 sau Công Nguyên, thành Rome bị thiêu đốt để giá họa cho các tín đồ Cơ Đốc và quy chụp cho Cơ Đốc giáo là tà giáo, kích động người dân La Mã tham gia vào cuộc bức hại, khiến rất nhiều tín đồ Cơ Đốc giáo bị giết hại. Bệnh dịch đã bùng phát vào ngay năm sau, theo đó rất nhiều người tin vào những lời vu khống và tham gia bức hại cũng nhanh chóng bị trừng phạt. Không quá 3 năm sau, thành Rome xuất hiện bạo động và Nero đã tự sát ở tuổi 31. 

Quân chủ kế vị sau Nero vẫn chưa tỉnh ngộ, tiếp tục đàn áp những người theo đạo Cơ Đốc và coi đây là chính sách quốc gia, không tin rằng việc đàn áp giáo hội, và người tu luyện sẽ bị Trời trừng phạt, không tin rằng từng đợt ôn dịch là Trời đang cảnh cáo. Thế là bệnh “Dịch hạch Antonine” đã bùng phát vào năm 116 và hoành hành suốt 16 năm. Người chết không có ai mai táng khiến cho xác chết ngổn ngang khắp nơi trên đường phố. Thi thể rạn nứt, mạng sống của hàng chục triệu người bị hủy hoại. Quân chủ và thừa tướng cũng bị chết trong trận ôn dịch này. 

Năm 313 sau Công nguyên, Constantine đã khôi phục Cơ đốc giáo và sửa lại án sai, nhưng đây chỉ có thể coi là công lao cá nhân của Constantine, không thể bù đắp tội lỗi mà Đế chế La Mã đã đàn áp Cơ Đốc giáo trong suốt 300 năm. Cuối cùng, Đế chế La Mã khổng lồ cũng bởi vậy mà giải thể diệt vong.

Tri thức và trí tuệ con người là kết tinh của kinh nghiệm và giáo dục, bài học lớn nhất đối với con người chính là được rút ra từ lịch sử. Như Đỗ Mục đã nói trong ‘Cung A Phòng phú’, người Tần không có thời gian để thương tiếc bản thân, vì thế mà khiến người đời sau thương tiếc họ. Người đời sau tưởng niệm họ mà không lấy đó làm gương cũng lại khiến hậu nhân vì họ mà bi thương. 

Nhìn lại sự việc đang xuất hiện ở Trung Quốc đại lục ngày nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp các học viên Pháp Luân Đại Pháp tin theo Chân Thiện Nhẫn, giống như đế quốc La Mã bức hại người tu luyện Cơ Đốc giáo năm xưa. Rất nhiều người tu luyện đã bị bức hại đến chết, rất nhiều người đã bị bắt bỏ tù một cách phi pháp, và nhiều người bị ép phải từ bỏ Đức tin của mình.

Để lấy lý do hãm hại, chính quyền Trung Quốc đã dựng lên vụ tự thiêu để vu oan hãm hại Pháp Luân Công. Nhiều người dân Trung Quốc hiện nay cũng giống như người dân La Mã năm xưa, tin theo lời dối trá, một mực không tỉnh ngộ, có người thậm chí còn tham dự vào cuộc bức hại này, dẫn đến thiên tai cảnh báo giáng xuống không ngừng, họ cũng không nghĩ lại, thậm chí còn vô tri cho rằng đó là hiện tượng tự nhiên. 

Đúng như Đổng Trọng Thư đã nói: “…Khiển trách cảnh cáo mà không biết thay đổi, thế thì dị tượng kinh hãi hơn sẽ xuất hiện, đến lúc này vẫn không biết sợ, vậy thì tai họa sẽ trầm trọng tới mức khó có thể cứu vãn rồi”. 

Theo NTD
San San biên dịch