Triều đại Bắc Tống có thể xem là một triều đại lắm chuyện thú vị trong lịch sử Trung Quốc, những chuyện cổ quái hy hữu nào cũng đều có thể xảy ra. Chắc hẳn mọi người đã rất quen thuộc với bộ phim truyền hình ăn khách Bao Thanh Thiên với những vụ án ly kỳ từ bá tánh bình dân cho đến hoàng tộc trong triều, trong đó có vụ án “Ly Miêu tráo Thái Tử” chấn động cả triều cương. Thời hoàng đế Tống Chân Tông, vị hoàng đế thứ ba của triều đại Bắc Tống, đang tại vị, cũng có phát sinh một vụ việc chấn động triều đình với những tình tiết ly kỳ không kém.
Khi đó, Khấu Chuẩn, chủ quản của phủ Khai Phong, dưới sự quản lý của ông, phủ Khai Phong rất có trật tự, kỷ cương đâu ra đó. Dịp cuối năm đến gần, một hôm trong lúc Khấu Chuẩn đang căn dặn cấp dưới tổng kết lại hồ sơ và chuẩn bị các việc cho năm mới thì đột nhiên có hai người cáo trạng từ ngoài cửa xông vào.
Nếu chỉ là cáo trạng thôi thì cũng không có gì lạ, nhưng điều kỳ lạ ở đây lại là thân phận của hai người đến khiếu nại, lai lịch không hề không đơn giản. Họ là cháu nội của Tể tướng tiền triều Tiết Cư Chính, cha của họ là Vệ tướng quân của Tả lĩnh quân Tiết Duy Cát vừa mới qua đời. Như vậy, hai người này ,Tiết An Thượng và Tiết An Dân, là “phú tam đại” (thế hệ giàu có đời thứ 3), đều là dòng dõi danh giá.
“Lạc đà gầy còn lớn hơn ngựa”, huống chi ông nội người ta còn là Tể tướng tiền triều, Khấu Chuẩn không dám chậm trễ, lập tức thăng đường thẩm vấn, vừa mới bắt đầu câu chuyện đã khiến ông kinh ngạc đến mức suýt chút nữa là cắn phải đầu lưỡi. Người mà họ tố cáo lại chính là mẹ cả của họ!
Triều đại nhà Tống lấy đạo Hiếu để trị vì thiên hạ, Khấu Chuẩn đang định mắng hai người con bất hiếu này nhưng khi nhìn vào đơn kiện hai người đưa lên, ông đọc xong mà thấy choáng váng.
Người mẹ cả này họ Sài, là vợ cả chính tông của Tiết Duy Cát, nhưng bất hạnh thay bà này lại không sinh được con, cho nên anh em hai người họ đều do người thiếp sinh ra.
Theo kỷ cương thời đó, người vợ cả chính là mẹ lớn của tất cả những đứa con của chồng, các con đều phải phụng dưỡng mẹ cả như với mẹ ruột vậy. Có điều tình huống của Sài thị lại khác, vì người cha đã qua đời, Sài thị cảm thấy cô đơn nên muốn tái giá lần nữa.
Khi này, lý học Trình-Chu vẫn chưa hưng khởi, người đời cũng không phản đối phụ nữ tái giá, hơn nữa chồng người ta đã chết, bản thân lại không có con ruột, cho nên tái giá thì cứ tái giá thôi, theo lẽ thì hai người con này cũng không có lý do gì để ngăn cản. Điều khiến Khấu Chuẩn đầu óc quay cuồng chính là cái tên của một người trên đơn kiện: Trương Tề Hiền, đây là lão tiền bối của ông, là cựu Tể tướng vừa mới giải nhiệm không lâu, và là người có danh tiếng rất lớn trong triều. Sài thị chính là định gả cho ông ta.
Kỳ thật, chuyện này cũng không có gì, nếu đơn thuần chỉ là xuất giá thì coi như xong, nhưng đằng này Sài thị lại làm một việc rất quá phận, bà ta đóng gói hết toàn bộ tài sản mà Tiết Duy Cát cả đời vất vả tích cóp được, lấy làm của hồi môn chuẩn bị đưa về nhà chồng mới.
Hai đứa con của người thiếp sinh ra không đồng ý, nhiều lần thương lượng nhưng không có kết quả. Vì quá phẫn nộ nên họ đã bất chấp cương thường, dâng tờ cáo trạng lên Khai Phong phủ.
Khấu Chuẩn ngây người một lúc rồi mừng như mở cờ trong bụng. Bởi quan niệm bất đồng trong chính trị, Trương Tề Hiền mấy lần áp chế con đường thăng tiến của ông, hai người họ từ sớm đã thành oan gia đối đầu. Hôm nay đơn kiện vừa khéo lại rơi vào tay ông, thật là đã đến lúc báo thù. Nhưng Khấu Chuẩn sau mấy lần trải qua kiếp nạn thì trở nên thông minh hơn nhiều. Sau khi suy tính một hồi, ông đã đem vụ kiện dính líu đến vị Tể tướng 2 triều này chuyển giao cho Hoàng đế Chân Tông thẩm tra xử lý.
Sự việc này bị làm ầm lên, văn võ bá quan trong triều đều xôn xao bàn luận, Hoàng đế bất đắc dĩ phải tiếp nhận bản án, giao cho Ngự sử đài thẩm lý. Ngờ đâu Ngự sử đài còn chưa ra tay thẩm vấn, thì Sài thị lại trình lên một tờ cáo trạng khác tố cáo hai người con do người thiếp sinh ra.
Tình tiết câu chuyện càng thêm gay cấn, bá quan văn võ khắp triều đều ngơ ngác, không biết sự việc sẽ tiến triển theo chiều hướng nào. Sài thị không chỉ viết cáo trạng, mà người đàn bà này sau đó còn làm một việc mà người ta có lật hết sử sách cũng không tìm thấy: Bà ta trực tiếp đi đánh trống Đăng Văn (tiếng trống đánh lên để thấu đến tai vua).
Trống đăng văn vang lên, Hoàng đế phải đích thân đăng triều thẩm án. Sài thị lớn tiếng khóc lóc ngay giữa triều đình, kể tội hai đứa con. Bà nói Tiết An Thượng và Tiết An Dân đều là hai đứa con ngoan, chẳng qua là do bị kẻ xấu xúi bậy nên mới kiện bà.
Chân Tông liền truy hỏi ai là kẻ xúi bậy con trai bà ta, Sài thị quay đầu và chỉ vào một vị quan lớn trong hàng quan văn, lớn tiếng nói: “Kẻ sai khiến con tiện nữ chính là Tham tri Chính sự đương nhiệm Hướng Mẫn Trung”.
Tham tri Chính sự tương đương với chức phó Tể tướng, còn chưa đợi ông ta đứng ra phản bác, Sài thị đã một lèo đem mọi chuyện kể hết ra.
Nguyên sau khi Tiết Duy Cát qua đời, Hướng Mẫn Trung đã để mắt đến căn nhà cũ của nhà họ Tiết, trước tiên là dùng đủ mọi thủ đoạn để lừa gạt rồi mua lại với cái giá rẻ mạt. Tiếp đó lại mời bà mối đến hỏi cưới Sài thị làm vợ.
Sài thị đã đem lòng yêu Trương Tề Hiền, tất nhiên sẽ không đồng ý, Hướng Mẫn Trung thẹn quá hóa giận xúi hai người con trai của bà ta đến Khai Phong phủ cáo trạng. Lúc này, câu chuyện đã liên quan đến 3 vị tể tướng của hai triều, Hoàng đế Chân Tông cũng hơi khó xử, bèn quay sang hỏi Hướng Mẫn Trung chân tướng sự việc.
Hướng Mẫn Trung không ngờ là chọc phải tổ ong, đành phải thú nhận rằng mình có dùng 5 triệu quan tiền mua căn nhà cũ của nhà họ Tiết, nhưng trước giờ chưa từng nói muốn cưới Sài thị.
Hoàng đế có trực giác không được tốt về Sài thị, sau khi nghe Hướng Mẫn Trung giải thích sự tình, bèn hạ lệnh tống giam Sài thị trong ngục cho Ngự sử đài thẩm vấn.
Sự tình lại phát sinh biến hóa. Ngự sử đài nghiêm hình bức cung, rất nhanh đã tra ra được chân tướng sự tình. Hướng Mẫn Trung lừa gạt mua nhà họ Tiết là sự thật, nhưng việc ép cưới Sài Thị, hết thảy chuyện này đều do con trai cả của Trương Tề Hiền là Trương Tông Hối sắp đặt, mục đích là muốn gán ghép Sài Thị cho Hướng Mẫn Trung.
Một sự tình khác cũng bị các quan Ngự sử lật ra, đó là căn nhà cũ của Tiết gia là do Hoàng đế tiền triều là Thái Tông Hoàng đế ban tặng, năm xưa Hoàng đế đã đặc biệt hạ chỉ không cho phép mua bán căn nhà này.
Kết quả, Hướng Mẫn Trung là người xui xẻo đầu tiên, bị Hoàng đế hạ lệnh cắt chức tể tướng, phải rời khỏi kinh thành đến vùng Vĩnh Hưng nhận chức Chỉ huy sứ trấn thủ biên cương.
Người xui xẻo thứ hai là Trương Tề Hiền, nguyên là Tể tướng lại một lần nữa bị giáng chức xuống Thái thường Tự khanh, bị biếm đến Tây Kinh, Lạc Dương nhậm chức. Trương Tông Hối – con trai cả của Trương Tề Hiền, là kẻ chủ mưu trong chuyện này bị giáng chức, biếm đến vùng Hải Châu cách xa kinh thành mấy nghìn dặm nhậm chức Biệt giá Tòng sự.
Người nhà Tiết gia cũng không thoát tội, hai anh em Tiết An Thượng bị Ngự sử đài hạ lệnh đánh hơn mười trượng rồi cho về nhà, thu về căn nhà cũ dù có nghèo chết cũng không được bán.
Nhân vật làm mưa làm gió là Sài thị bị phạt 8 cân đồng, tất cả tài sản phi pháp đều bị tịch thu, sung vào quốc khố, mộng đẹp tái giá giờ tan thành bọt nước. Tất cả các hành động của Sài thị rất nhanh đều lan truyền khắp kinh thành, thậm chí còn lan truyền đến nước Khiết Đan ở phương Bắc. Ai ai cũng đều biết đến người đàn bà đanh đá không thể đụng vào này, từ đó cũng không có ai dám hỏi cưới bà ta nữa. Sài thị từ đây sống cảnh cô độc, hiu quạnh cả đời.
Một người quả phụ bình thường lại có thể ‘hạ gục’ một Tể tướng đương triều, một Tể tướng tiền triều, danh tiếng lại dính dáng đến một vị Tể tướng tiền triều khác. Có thể nói là bà quả phụ “ngầu” nhất lịch sử Trung Hoa!
Kỳ thực, hai vị Tể tướng muốn cưới Sài quả phụ này cũng không phải vì bà ta xinh đẹp đến “kinh thiên địa, khiếp quỷ thần”, danh thần lý học Trình Di chỉ một câu đã nói trúng trọng tâm — “Chỉ vì tài sản kếch xù của bà ta mà thôi!”.
Theo Aboluowang
Vũ Dương biên dịch