Làm người có thể trăm lần thua nhưng không thể một lần thua sạch, tối thiểu cũng phải giữ lại cho mình một chút “vốn liếng” sau cùng.

Để tránh khỏi những tổn hại trên đường đời thiên biến vạn hóa, dưới đây là 7 điều không thể thiếu:

1. Nhẫn

Nhẫn không phải là chịu đựng một cách tủi nhục, càng không phải là hành vi của kẻ yếu đuối, sợ hãi. Nhẫn ở đây chính là năng lực của người đại trí. Từ xưa tới nay nhẫn luôn là triết lý của cuộc sống, là bài học bắt buộc cần rèn luyện mãi trong đời mỗi người. Sự vĩ đại và sâu sắc của các bậc Thánh nhân xưa nay phần lớn đều dựa vào một chữ “Nhẫn”. Cổ ngữ có câu: “Việc nhỏ không nhẫn, việc lớn khó thành” cũng không nằm ngoài ý nghĩa ấy. Người không biết nhẫn ắt chẳng thể làm lên việc lớn.

2. Ẩn

Một người lúc nào cũng thể hiện ra sự nhanh nhạy, thông minh vượt trội thì khó được người khác tiếp nhận, thậm chí đôi lúc còn đánh mất đi sự tín nhiệm. Khi gặp trở ngại, khó khăn họ cũng sẽ thiếu đi sự chỉ bảo của người khác, có lúc còn bị ganh ghét, đố kỵ.

Vậy nên xưa nay người có thực tài thì không khoe bản lĩnh, luôn biết ẩn tàng đúng thời điểm. Họ thường che giấu năng lực của bản thân, chỉ thực sự bộc lộ bản lĩnh trong thời khắc quyết định. Có nhà thơ tên Đường Phong từng nói một câu ngẫm kĩ ra thì rất có đạo lý: “Cao nhân không lộ tướng, hiền đức chẳng khoe mình”. Người càng có tài càng che giấu thân phận, bậc đại đức lại càng chẳng bao giờ hợm hĩnh cậy tài, khoe mẽ bản thân. 

(Ảnh minh họa: vietbao)

3. Phòng

Có câu: “Tâm hại người thì không thể có, tâm phòng người thì không thể thiếu”. Lại cũng có câu: “Quân tử phòng thân, tiểu nhân phòng bị” cũng có đạo lý. Đề phòng những mối hiểm họa trong đời là điều hợp lẽ. Tất nhiên cũng không thể vì thế mà đề phòng tất cả, trở nên đa nghi, dùng ánh mắt nghi hoặc mà đánh giá mọi người xung quanh. Trong thực tế, khi hành sự cũng phải biết tính đến phương án dự phòng, “thua keo này ta bày keo khác”, nhất định phải để lại cho mình một đường lùi an toàn.

4. Ổn

Phàm làm người, đối nhân xử thế đều cần phải bước những bước thật ổn định, vững chắc, không thể hành động xốc nổi thiếu thực tế. Người ta bảo làm người thì cần phải có chí tiến thủ, nhưng ổn định vững vàng lại là nền tảng để tiến xa hơn. Muốn tiến càng xa, muốn bước lên nấc thang cao hơn thì nền móng càng phải vững chãi. 

5. Biến

“Cùng tất biến, biến tất thông, thông tất cửu” (đại ý rằng: đường cùng ắt có biến, biến hóa rồi sẽ thông, thông rồi sẽ vững bền). Thế giới thiên biến vạn hóa, vạn vật cũng không ngừng đổi thay, sự tuần hoàn của cuộc sống chẳng bao giờ ngừng lại. Cuộc sống mà không có biến động đổi dời thì chỉ là “sống mòn” mà thôi. Vậy nên sống trên đời cốt bởi tùy duyên, cưỡng cầu nghịch lý ắt gặp phải bão táp chông gai.

6. Kiềm

Ở đây là nói đến sự kiềm chế những ham muốn dục vọng, tránh cho bản thân rơi vào hố sâu sa ngã. Trong cuộc sống có những ham muốn, cám dỗ tựa như liều thuốc độc khiến người ta chìm đắm, lạc lối trong vô thức. Thế nên ai cưỡng lại được cám dỗ, người đó có thể làm chủ cuộc đời mình.

(Ảnh minh họa: facebook)

7. Thoái

Phàm làm người, việc gì cũng cần chừa lại cho mình một con đường thoái rút. Có câu: “Giúp người con đường sống cũng là giúp mình con đường lui”. Làm người không thể tuyệt tình, làm việc cũng không nên tuyệt hậu, càng không thể ép người quá đáng. Lập thân dựng thế, giúp người cũng chính là cách bảo vệ mình tốt nhất.

***

Kỳ thực cuộc sống cũng như một tấm gương phản chiếu, chúng ta dùng tâm thái nào để nhìn đời thì đời cũng trả lại cho chúng ta y như vậy.

Cuộc sống phức tạp hay giản đơn, dòng đời có dịu ngọt hay cay đắng, tất cả đều phụ thuộc ở chính mình. Muốn thay đổi thế giới thì trước tiên hãy thay đổi bản thân.

Ở đời, sống thông minh vốn không khó, cái khó là làm một người thiện lương. Bởi thiện lương là lựa chọn còn thông minh là thiên bẩm. Làm người chỉ cần sống thiện lương, trời cao ắt có an bài tốt đẹp nhất. Như Nguyễn Du đã từng viết trong “Truyện Kiều”:

“Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao”

videoinfo__video3.dkn.tv||de498e2c4__