Mục lục bài viết
“Kim Lăng Thập Nhị Thoa” có tổng cộng 36 người trong Chính sách, Phó sách, và Hựu Phó sách. Những người này đều ở trong Bạc mệnh ty, mỗi người con gái bất đắc dĩ phải mang lấy cái số phận bạc mệnh trong mình. Nhưng bạc mệnh không đồng nghĩa với đoản mệnh, càng không có nghĩa là mệnh khổ. Bạc mệnh ở đây là nói mỗi người họ đều có một cuộc sống thăng trầm, mọi chuyện không được như ý muốn, kết thúc của họ lại khác nhau một trời một vực.
Chúng ta sẽ không nói đến những người đã khuất bóng như: Lâm Đại Ngọc, Giả Nguyên Xuân, Giả Nghênh Xuân, Vương Hy Phượng, Tần Khả Khanh, Tình Văn, Kim Xuyến, … những người còn lại trong “Thập nhị thoa” nói chung kết cục cũng không đến nỗi tệ, có những người kết cục thậm chí còn rất có hậu. Nếu không phải trong đời từng có những nghịch cảnh khó dứt được, thì đời họ cũng có thể được tính là viên mãn rồi. Bài viết này sẽ nói về một vài người có cái kết viên mãn nhất trong “Kim Lăng thập nhị thoa”.

Người may mắn đầu tiên, thiết nghĩ chính là Tập Nhân
Là bé gái lúc đầu bị cha mẹ bán cho Giả phủ, nhưng nhờ bản tính chịu khó, thật thà trung hậu, thông minh lanh lợi của mình, Tập Nhân đã mở ra cho mình một con đường ở Giả phủ. Không chỉ trở thành vợ lẽ tương lai của Giả Bảo Ngọc, mà còn trước khi Giả phủ sụp đổ và bị khám xét, nàng đã được Bảo Ngọc gả cho Tưởng Ngọc Hàm.
Tưởng Ngọc Hàm trong tửu lệnh “hỷ lạc bi sầu” có một câu thuộc về chàng và Tập Nhân: “Nữ nhi lạc, phu xướng phụ tùy chân hòa hợp”, tạm hiểu là: Người con gái hạnh phúc, chồng hát vợ khen thật hòa hợp.
Hạnh phúc đương nhiên là một điều tốt, “phu xướng phụ tùy” tượng trưng cho sự hòa thuận giữa vợ chồng, “thật hòa hợp” chỉ bầu không khí hòa thuận và hạnh phúc của vợ chồng.
Với tính cách của Tập Nhân, một khi nàng ta đã nguyện ý theo ai thì sẽ quyết một lòng một dạ, mà Tưởng Ngọc Hàm lại là chàng trai hiền lành, tử tế. Cuộc sống hạnh phúc sau này của họ được giải thích bằng “cái thẻ đào hoa” của Tập Nhân, “Võ Lăng biệt cảnh hựu nhất xuân”, tạm hiểu là: Có một khung cảnh mùa xuân khác ở Võ Lăng. Thật là tràn đầy hy vọng và năng lượng tích cực.
Tuy nhiên, mong nguyện ban đầu của Tập Nhân là gả cho Bảo Ngọc làm thiếp, vì điều này mà nàng đã dốc hết tâm sức chăm lo cho Bảo Ngọc suốt mấy năm liền, rốt cuộc cuối cùng nàng cũng không thành tâm nguyện. Nhưng thiết nghĩ, dù Tập Nhân có thật sự làm thiếp của Bảo Ngọc thì chắc gì đã hạnh phúc, viên mãn, vì người mà Bảo Ngọc yêu căn bản không phải là nàng, mà Bảo Ngọc cũng không phải hình mẫu người chồng lý tưởng như nàng mong muốn. Nói đúng hơn, Tập Nhân yêu cái địa vị và cuộc sống giàu sang ở Giả phủ hơn là yêu chính con người Bảo Ngọc.
Gả cho Tưởng Ngọc Hàm, Tập Nhân lại chính thức trở thành vợ cả người ta, được chồng yêu thương, trân trọng. Nhưng Tưởng Ngọc Hàm cũng chỉ là kép hát thân phận thấp hèn, khó cho nàng cuộc sống giàu sang. Tập Nhân có sự đòi hỏi quá lớn, cuối cùng vẫn khó được như ý nguyện.
Thứ hai, Hình Tụ Yên còn viên mãn hơn Tập Nhân
Hình Tụ Yên hoàn toàn trái ngược với Tập Nhân, quan điểm sống của nàng là thuận theo tự nhiên, không có gì để truy cầu nên cũng không có gì để mất. Và sự kết hợp giữa nàng với Tiết Khoa có thể nói là một cặp trời sinh.
Ngày hôm đó, khi Hình Tụ Yên, Tiết Bảo Cầm và Lý Văn cùng ngâm “Hồng mai hoa thi” (Bài thơ về hoa mai đỏ), Hình Tụ Yên đã được chữ “đỏ”, đó là điềm báo trước về một cái kết có hậu của nàng.
“Ở hàng băng tuyết nhạt pha nồng”, khi gia tộc họ Tiết đứng trước sóng gió thăng trầm, Hình Tụ Yên xem nhẹ vận mệnh của chính mình, bình thản ung dung đón nhận, nhờ vậy mới có được cái kết tốt đẹp.
Trong tên của Tiết Khoa có nghĩa là “Kim thiềm” (cóc vàng – linh vật được ưa chuộng sử dụng để cầu tài lộc trong phong thủy của Trung Hoa và Việt Nam), gia tộc họ Tiết lại là làm ăn mua bán. Miễn là chàng ta không ngừng cầu tiến, nhất định sẽ có thể trở lại ngày xưa. Khi cái thời đã đến thì Hình Tụ Yên, cô nàng nghèo nhất trong vườn Đại Quan, không biết chừng sẽ lắc mình một cái trở thành “phú bà” thì sao?
Đối với ba bài thơ “Vịnh Hồng Mai Hoa”, cái kết của Hình Tụ Yên, Lý Văn, Tiết Bảo Cầm cũng không tệ.

Thứ ba, “Vãn Thiều Hoa” Lý Hoàn
Chỉ vỏn vẹn 3 chữ “vãn thiều hoa” (cảnh xuân tươi đẹp đến muộn), chúng ta liền biết được rằng kết cục của Lý Hoàn đặc biệt tốt. Thân là quả phụ, một thân một mình nuôi dạy con trai lớn khôn thật không phải chuyện dễ dàng. Nào ngờ lại bị họa triều đình lục soát nhà, chỉ trong một đêm mất hết tất cả.
Chồng mất, nhà mất, con thơ… Nếu không phải là một người mẹ kiên cường, Lý Hoàn nhất định sẽ không thể cầm cự nổi.
Chân Sĩ Ẩn trong bài “hảo liễu ca chú” có nói, “Trước manh áo rách co ro/ Mảnh bào giờ khoác lại cho là dài”.
Chi Nghiễn Trai, tác giả của một trong những bản phê bình Hồng lâu mộng thông dụng nhất hiện nay, có phân tích những người liên can là Giả Lan, Giả Khuẩn.
Giả Lan – con trai của Lý Hoàn – “Mảnh bào giờ khoác lại cho là dài”, điều đó có nghĩa là chàng ta ngày sau sẽ gây dựng lại Giả phủ. “Vãn thiều hoa” của Lý Hoàn chính là đến từ sự thành tài của con trai mình, nghĩ lại những ngày tháng khổ cực “trước manh áo rách co ro” không muốn nhớ lại, nhưng Lý Hoàn đã đứng dậy trên đôi vai gầy yếu của mình.
Vì vậy, đề câu đối trong vườn Đại Quan, và câu đối trước cổng Đạo Hương thôn, “Tân trướng lục thiêm hoán cát xử, hảo vân hương hộ thái cần nhân”, là đánh giá cao nhất đối với người mẹ và đức hạnh của Lý Hoàn. Mặc dù Lý Hoàn sắp được vinh hoa phú quý, nhưng đường đến suối vàng cũng gần ngay bên, không thể tận hưởng mấy năm phú quý, nhưng đối với một người mẹ mong con thành tài mà nói, có gì mong cầu hơn đây?
Bản thân Lý Hoàn có thẻ hoa mai “Nhà tranh rào trúc thấy thỏa lòng”, và sống ở Đạo Hương thôn nơi được bao quanh bởi hoa hạnh và được gọi là “bức màn hoa hạnh trong tầm mắt”. Đó là tất cả các chú thích cho vận mệnh may mắn của nàng.
Ý nghĩa đặc biệt của hoa mai và hoa hạnh trong “Hồng Lâu Mộng” được thể hiện trên thân Lý Hoàn. Đương nhiên, cũng có hoa đào nở cùng thời điểm với hoa hạnh. “Chủ nhân” của họ đều rất may mắn.
Thứ tư, chủ hạnh Giả Thám Xuân mới là trên người một bậc
Ở hồi thứ 2 trong “Hồng Lâu Mộng”, khi Kiều Hạnh sinh con trai cho Giả Vũ Thôn và được đưa lên hàng chính thất, Chi Nghiễn Trai đã đưa lời bình rất thú vị: Tuyệt thay! Nó khác xa với 4 chữ “hữu mệnh vô vận”. Liên là người chủ, Hạnh là đầy tớ, ngày nay Liên trái lại không có “vận” mà Hạnh lại có được cả hai, có thể thấy phúc khí của đời người nguyên ở vận số, chứ không nằm ở địa vị cao thấp trước mắt. Điều này thật có ý nghĩa rất sâu sắc.
Chân Anh Liên là chủ, Kiều Hạnh là người hầu. Tương ứng với Lâm Đại Ngọc là chủ, Giả Thám Xuân là người theo gót. Trên thực tế, Chân Anh Liên, Kiều Hạnh đều là người hầu; Lâm Đại Ngọc và Giả Thám Xuân mới là chủ của Liên, Hạnh.
Lâm Đại Ngọc không lâu sau đó thì khóc cạn nước mắt mà qua đời, Giả Thám Xuân vận mệnh dồi dào, giống như Kiều Hạnh vậy, được chồng thương yêu, sinh được con trai nối dõi, trở thành chính thất, được nhà chồng đối xử rất hậu. Ngày sau con trai kế thừa cơ nghiệp, Giả Thám Xuân phúc thọ mấy chục năm, phú quý hiếm ai bì nổi.
Không nghi ngờ gì, Giả Thám Xuân chắc chắn là người có cái kết viên mãn nhất trong “Kim Lăng thập nhị thoa”. Phúc thọ của nàng cao hơn Giả mẫu, hạnh phúc hơn Lâm Đại Ngọc, Tiết Bảo Thoa, cuộc đời của nàng sáng sủa hơn tất cả mọi người. Chỉ buồn vì nàng là con của người thiếp, lại lẻ loi một mình nơi đất khách quê người, rốt cuộc vẫn là bạc mệnh đáng thương. Đời người chính là không hoàn mỹ như vậy, chúng ta có thể đòi hỏi gì hơn đây!
Cuộc đời của Tập Nhân, Hình Tụ Yên, Lý Văn, Xảo Thư, Tiết Bảo Cầm, Lý Hoàn, Giả Thám Xuân, đều là tích cực. Đa số họ đều sẽ có kết cục phú quý, nhất là Lý Hoàn và Giả Thám Xuân càng là cao hơn mọi người một bậc. Cái kết của họ tất nhiên là mang theo “hạnh phúc” đến già, dù là mẹ sang nhờ con, hay là vợ thịnh bởi chồng.
Theo Aboluowang
Vũ Dương biên dịch