Trong tiểu thuyết ‘Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Khổng Minh đã thi triển rất nhiều ‘kỳ mưu diệu kế’, một trong số ấy phải kể đến tích ‘thuyền cỏ mượn tên’. Trên sân khấu của Shen Yun (một năm nào đó) đã từng diễn vở này.

Chuyện ‘thuyền cỏ mượn tên’ diễn ra trong khoảng thời gian của trận Xích Bích năm 208 SCN. Cũng liên quan đến chuyện mượn tên, hơn 500 năm sau, một vị tướng thời nhà Đường cũng đã tái hiện lại mưu kế tương tự đó là ‘người cỏ mượn tên’. Rốt cuộc vị tướng đó là ai, ngoài ‘người cỏ mượn tên’, vị tướng này còn sử dụng các chủng các dạng mưu kế biến hoá nào?

Trước khi trả lời những câu hỏi trên, đầu tiên chúng ta tìm hiểu một chút về tích ‘thuyền cỏ mượn tên’ của Khổng Minh.

Tích ‘thuyền cỏ mượn tên’ của Khổng Minh

Khi Tào Tháo ‘đánh đông dẹp bắc’, dẹp khăn vàng, hạ Trương Tú, bắt Lã Bố, diệt Viên Thiệu v.v. thì trong thiên hạ chỉ còn vùng Giang Đông (Đông Ngô) là chưa bình định. 

Năm Kiến An thứ 13, tức năm 208 SCN, Tào Tháo đem 80 vạn thuỷ quân xuống đánh Giang Đông. Lúc này liên minh Tôn – Lưu hợp lực kháng Tào, Đại đô đốc lúc đó là Chu Du (tự Công Cẩn) bên Đông Ngô.

Tranh vẽ Chu Du và Lỗ Túc. Ảnh chụp từ Tam quốc liên hoàn hoạ.

Vì quân đội chủ lực kháng Tào chủ yếu là quân Đông Ngô, nên Chu Du mới muốn bên Lưu Bị ‘góp’ một ít. Thế là, Chu Du mới nhờ Gia Cát Lượng (tự Khổng Minh) phải làm được 10 vạn mũi tên, Gia Cát Lượng nói sẽ làm trong 3 ngày.

Trong hồi 46 của ‘Tam quốc diễn nghĩa’ viết rằng:

Khổng Minh nói:

-Tử Kính cho ta mượn hai chục chiếc thuyền, mỗi chiếc dùng ba chục tay thủy thủ tốt. Trên thuyền căng vải xanh che chung quanh, và xếp hơn nghìn bó cỏ ở hai bên mạn thuyền. Ta sẽ có kế. Đến ngày thứ ba bảo đảm có đủ hai mươi vạn tên cho mà xem. Nhưng chớ để cho Công Cẩn biết nữa, nếu hắn biết thì kế ta hỏng mất đó.

Mãi đến hôm thứ ba, độ canh tư, Khổng Minh mới lén sai người mời Lỗ Túc xuống thuyền. Túc hỏi:

– Ông gọi tôi đến có việc gì? 

Khổng Minh nói:

-Mời ông cùng đi lấy tên một thể. 

Túc hỏi:

– Lấy tên ở đâu?

Khổng Minh nói:

– Tử Kính không phải hỏi, cứ đi sẽ biết. 

Tranh vẽ Gia Cát Lượng (bên phải, cầm quạt) kéo Lỗ Túc lên thuyền. Ảnh chụp từ Tam quốc liên hoàn hoạ.

Nói rồi, sai lấy thừng chạc dàng cả hai chục thuyền làm một, cho bơi thẳng lên phía bắc. Đêm ấy, sương mù phủ kín trời, trên mặt sông lại càng mờ mịt, giáp mặt không trông thấy nhau. Khổng Minh giục quân chèo thuyền đi thật gấp. Quả thật là sương mù rất đẹp, rất nên thơ.

Lỗ Túc sợ hãi hỏi:

– Quân Tào ùa ra thì làm thế nào?

Khổng Minh cười đáp:

-Tôi chắc Tào Tháo thấy sương mù thế này, không dám cho quân ra. Chúng mình cứ yên chí uống rượu làm vui, đợi khi nào sương tan thì về.

Canh năm đêm ấy, thuyền đến sát thủy trại của Tào Tháo. Khổng Minh sai đổ thuyền 

quay mũi về hướng tây, dàn thành hàng chữ nhất (一), rồi đánh trống và hò reo ầm ĩ. Trong trại Tào, nghe thấy tiếng trống đánh, tiếng reo hò, Mao Giới, Vu Cấm vội vàng phi báo với Tào Tháo.

Tháo truyền lệnh rằng:

-Sương mù dày đặc, quân giặc kéo đến bất thần, tất có mai phục, không nên khinh động.

Tháo chỉ ra lệnh cho quân cung nỏ bắn tứ tung ra, lại sai người lên trại cạn gọi Trương Liêu, Tử Hoảng mỗi người dẫn ba nghìn quân cung nỏ cấp tốc đến bờ sông trợ chiến. Hiệu lệnh đến nơi thì Vu Cấm, Mao Giới sợ quân nam tràn vào thủy trại, đã sai quân bắn rào rào ra, rồi một lát quân trên cạn cũng đến, ước hơn vạn người, đều chĩa vào chỗ có tiếng trống bắn xuống như mưa. 

Khổng Minh một mặt lại sai quay mũi thuyền về phía tây, áp vào trại thủy đỡ lấy tên; một mặt vẫn cứ thúc trống hò reo ầm ĩ. Khi mặt trời đã mọc, sương mù dần tan, Khổng Minh sai thu thuyền kéo về. Các bó cỏ trên hai chục chiếc thuyền, bó nào cũng chi chít những tên cắm.

Tranh vẽ ‘thuyền cỏ mượn tên’ của hoạ sĩ Kim Hiệp Trung trên trang Keats School Blog. 

Sau khi quay về, mỗi thuyền ước chừng có 5000-6000 tên, do đó số tên ‘mượn’ được tầm 10-12 vạn. Đây là tích ‘thuyền cỏ mượn tên’ của Gia Cát Lượng.

Từ câu chuyện này, Gia Cát Lượng đã giải thích cho Lỗ Túc vì sao ông chọn thời hạn 3 ngày bằng một câu nói bất hủ:

Làm tướng mà không biết thiên văn, không tường địa lý, không biết được thuật pháp, không hiểu được âm dương, không tính trận đồ, không giỏi binh thế, đó là tướng xoàng. Từ ba hôm trước, ta đã tính biết hôm nay có sương mù lớn, nên mới dám nhận thời hạn ba hôm. Công Cẩn hạn cho ta mười ngày, mà thuyền thợ, đồ dùng không có gì đủ, chực đem một tội lỗi nhỏ để hại ta; nhưng số mệnh ta đã có trời, hại làm sao nổi! 

‘Kỳ mưu diệu kế’ của Trương Tuần

Đôi nét về Trương Tuần

Hơn 500 năm sau, vào cuối thời nhà Đường có một vị tướng cũng dùng mưu kế tương tự với tên gọi ‘người cỏ mượn tên’, vị tướng này chính là Trương Tuần.

Trong bài viết Vì sao nói ‘Binh bại như núi đổ’? – Chiến sự Ukraine (14), tôi có đề cập đến vị tướng này với một kế nhỏ là bắn tên làm bằng cây ngải vào doanh trại địch để xác định được chủ tướng của đối phương. Còn trong bài này sẽ nói rõ hơn về những mưu kế của Trương Tuần, trong đó bao gồm cả kế ‘người cỏ mượn tên’.

Chuyện là ‘An Sử chi loạn’ xảy ra vào năm 755, đến tháng 1/756, An Lộc Sơn làm Hoàng đế (Đại Yên). Sau khi làm được 1 năm, đến tháng 1/757 An Lộc Sơn bị hành thích. Trước và sau thời gian An Lộc Sơn mất, ở Hà Nam, Trung Quốc đã phát sinh cuộc chiến bảo vệ thành trì vô cùng thê thảm và ác liệt, hai chiến trường chủ yếu là Ung Khâu và Tuy Dương. Người chỉ huy chính của hai trận này là Huyện lệnh Trương Tuần.

Trương Tuần là người văn võ toàn tài, là Tiến sĩ những năm cuối niên hiệu Khai Nguyên thời Đường Huyền Tông. Vì ông không hùa theo Tướng quốc Dương Quốc Trung ‘chuyên quyền’, nên bị phái đến Trấn Nguyên làm một huyện lệnh nhỏ. Huyện Trấn Nguyên nay là Lộc Ấp, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Tương truyền nơi đây là quê hương của Lão Tử. Hoàng đế nhà Đường xem Lão Tử là tổ tiên của mình, nên phong cho Lão Tử là Huyền Nguyên Hoàng Đế. 

Sau khi ‘An Sử chi loạn’ bạo phát, thì Thái thú quận Tiêu quận (thượng cấp của Huyện lệnh) là Dương Vạn Thạch đã đầu hàng Yên quân (quân Yên, tức quân phản loạn). Ông ta đã hạ một mệnh lệnh cho Trương Tuần phải nghênh tiếp phản quân. Trương Tuần rất tức giận, đem quân và dân đến miếu Lão Tử, vừa khóc vừa tế Lão Tử rồi lập thệ bình định phản loạn. 

Trận chiến ở Ung Khâu

Trương Tuần thủ thành

Đầu tiên Trương Tuần đến Ung Khâu. Chỉ huy phía phản quân là Lệnh Hồ Triều, ông đem 4 vạn binh tấn công Ung Khâu, mà bên cạnh Trương Tuần khi ấy chỉ có 2000 người, hơn nữa Ung Khâu lại là một thành nhỏ; cho nên thực lực 2 bên cách nhau quá xa. 

Mọi người trong thành rất sợ hãi, nhưng Trương Tuần nói: ‘Không được sợ hãi. Bởi vì hiện nay quân địch đến tấn công nhưng không biết quân ta ít như vậy. Chúng ta nhân lúc địch không rõ thực hư thì hãy đánh một trận thật can trường’. Thế là Trương Tuần đem 2000 quân phân thành 2 đội bằng nhau, 1000 người giữ thành, còn Trương Tuần lãnh 1000 người tức tốc tấn công Yên quân.

Yên quân đang hạ trại, đột nhiên xuất quân đến đánh họ trở tay không kịp, cho nên thất bại. Sau khi thất bại, Yên quân mới chỉnh đốn binh lực để vây khốn Ung Khâu. Nhưng Trương Tuần lại thủ thành rất hay.

Khi Yên quân bò lên thành, Trương Tuần dùng cỏ chấm dầu rồi đốt ném xuống thiêu cháy Yên quân. Yên quân gặp rất nhiều ngăn trở. 

Trương Tuần cố thủ Ung Khâu hơn 60 ngày, đánh hơn 300 trận lớn nhỏ mà chưa từng thất bại. 

Khi ấy Lệnh Hồ Triều khuyên Trương Tuần đầu hàng, nói rằng: ‘Hiện nay nhà Đường sắp xong rồi, ông thủ cô thành như vậy thì tận trung với ai’. Trương Tuần nói: ‘Túc hạ bình sinh lấy trung nghĩa để tự hào. Hiện nay đầu hàng phản quân thì còn gì trung nghĩa’. Lệnh Hồ Triều thấy xấu hổ rồi lui binh. Trương Tuần ở cô thành này, ‘mang giáp trong khi ăn’, ‘bị thương mà vẫn chiến đấu’. 

Đến tháng 6/756, Đồng Quan thất thủ, Đường Huyền Tông chạy đến Tứ Xuyên. Lúc này Lệnh Hồ Triều lại khuyên Trương Tuần đầu hàng rằng: ‘Hiện nay Hoàng đế đã bỏ chạy rồi, sinh tử bất minh, ông còn tận trung với ai, cho nên hãy nhanh chóng đầu hàng’. Trương Tuần bèn tập hợp các tướng lĩnh thuộc hạ, nói với họ chuyện này, trong có có 6 tướng quân dao động nói rằng: ‘Hoàng thượng đã không còn, chúng ta tận trung với ai chứ, chúng ta đầu hàng là xong’. Trương Tuần nói: ‘Vậy để ta suy nghĩ’.

Ngày hôm sau, Trương Tuần tập hợp quân đội lại, treo hình Vua Đường lên, đốt hương lễ bái trước tượng, sau đó triệu tập 6 người làm dao động lòng quân. 6 người này rất xấu hổ bởi vì không có vua thì Trương Tuần bảo người vẽ. Kế đến 6 người này bị chém đầu.

Sau khi Ung Khâu bị vây lâu ngày, thì lương thực đã trở thành một vấn đề. Lúc này Trương Tuần nghe tin Yên quân đang vận chuyển lương thực ở bên sông. Con sông này ở phía bắc Ung Khâu. Trương Tuần đem tất cả quân đội điều động đến Thành Nam, làm như sắp tấn công. Lệnh Hồ Triều bị lừa, đem quân đội điều động đến Thành Nam để chờ Trương Tuần. Nhưng Trương Tuần âm thầm phái một nhóm đến bờ sông, cướp được 1000 hộc lương thực, còn phần không thể mang theo được nữa thì đốt đi, sau đó trở về thành.

‘Người cỏ mượn tên’

Còn một câu chuyện rất nổi tiếng liên quan đến Trương Tuần đó là ‘người cỏ mượn tên’, rất giống ‘thuyền cỏ mượn tên’ của Gia Cát Lượng.

Khi thủ thành dùng cung tiễn rất nhiều, cho nên tên rất mau hết. Vào một buổi tối, đột nhiên Yên quân phát hiện, từ trên thành hạ xuống rất nhiều ‘người’ mặc đồ đen. Yên quân cho rằng đối phương muốn đánh lén, thế là họ châm lửa đốt đuốc, sau đó bắt đầu bắn tên hướng vào những người mặc đồ đen. Khi Yên quân bắn tên, những người mặc đồ đen vẫn còn hạ xuống nữa, thế là Yên quân ra sức bắn tiếp, một mạch đến khi trời sáng.

Sau đó họ phát hiện những người mặc đồ đen kỳ thực chỉ là người cỏ, trên những người cỏ này cắm đầy cung tên. Trương Tuần kéo những người cỏ này lên, rút cũng tên ra, đếm được khoảng mấy chục vạn cây. Thế là Trương Tuần đã giải quyết được vấn đề cung tên.

Vào tối ngày tiếp theo, lại có một nhóm người mặc đồ đen hạ xuống thành. Yên quân đã bị lừa một lần, cho nên họ không bắn nữa mà cười nhạo rằng: ‘Cái tên Trương Tuần này thật tham lam, hôm qua lấy được mấy chục vạn cung tên, hôm nay lại muốn lấy nữa, ngươi coi chúng ta thiểu năng sao?’. Yên quân không có bất cứ phòng bị nào. Chẳng ngờ lần này là người thật, đột nhiên 500 người mặc đồ đen xung phong vào đại trướng của Yên quân, khiến Yên quân thất bại phải rút ra xa mười mấy dặm.

2 thủ hạ của Trương Tuần là Lôi Vạn Xuân và Nam Tế Vân vô cùng dũng cảm

Thủ hạ của Trương Tuần có 2 tướng quân, một người là Lôi Vạn Xuân, người còn lại là Nam Tế Vân, đều là những người vô cùng dũng cảm. 

Lệnh Hồ Triều khi ấy thấy Lôi Vạn Xuân ở trên thành chỉ huy chiến đấu, ông ta dùng nỏ để bắn, 6 cung tên bắn trúng mặt Lôi Vạn Xuân. Lôi Vạn Xuân trúng 6 tên nhưng không hề động đậy, khiến Lệnh Hồ Triều cho rằng là người gỗ. Sau này Lệnh Hồ Triều mới biết đó là Lôi Vạn Xuân, ông mới nói với Trương Tuần rằng: ‘Không ngờ tướng lĩnh của ông nghiêm minh như thế, thủ hạ của ông thật lợi hại’. 

Lệnh Hồ Triều nói tiếp: ‘Thế nhưng ông muốn đánh, nhưng Thiên đạo lại bắt triều Đường diệt vong, cho nên ông hãy suy nghĩ lại’. Trương Tuần trả lời: ‘Người như ông, ngay cả nhân luân cũng không hiểu, làm sao nói với tôi về Thiên đạo’. 

Trương Tuần dùng các chủng các dạng phương pháp xảo diệu để tự tiếp tế cho mình, không ngừng đánh bại Yên quân.

Đến năm tiếp theo, tức năm 757, lúc này An Lộc Sơn đã bị hành thích, con trai của An Lộc Sơn là An Khánh Tự phái một tướng là Doãn Tử Kỳ mang 13 vạn quân để tấn công Tuy Dương.

Lúc này Thái thú Tuy Dương là Hứa Viễn cảm thấy không thể thủ thành được, nhưng ông biết Trương Tuần là người rất lợi hại, thế là Hứa Viễn thỉnh Trương Tuần đến Tuy Dương. Ở Tuy Dương đã diễn ra một trận chiến vô cùng thảm khốc và ác liệt, lịch sử gọi là ‘Tuy Dương chi vây’.

Tranh vẽ Trương Tuần trên cô thành (Tuy Dương). Ảnh chụp từ ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 3, tập 42: Đại loạn sơ bình.

‘Tuy Dương chi vây’

Thái thú Tuy Dương là Hứa Viễn giao hết binh quyền cho Trương Tuần để chỉ huy chiến đấu, còn mình làm công tác hậu cần. Khi đó binh lực chưa tới một vạn, mà phản quân có những 13 vạn do Doãn Tử Kỳ lãnh binh. Thế là Tuy Dương bị bao vây từng lớp từng lớp.

Trương Tuần lúc ấy muốn tìm Doãn Tử Kỳ để bắn hạ nhưng ông không biết ai là Doãn Tử Kỳ, thế là ông nghĩ ra một kế. Trương Tuần dùng tên bằng thân cây ngải bắn vào doanh trại của Yên quân. 

Cung tên thường làm bằng gỗ, ở đây lại làm bằng thân cây ngải, cho nên Yên quân cho rằng đối phương đã hết gỗ làm tên, đây là thông tin tình báo rất quan trọng. Yên quân lấy tên này để báo cáo Doãn Tử Kỳ, kết quả bị Trương Tuần nhìn thấy, xác nhận người này chính là Doãn Tử Kỳ. Trương Tuần lệnh cho Nam Tế Vân bắn tên, mũi tên trúng vào mắt trái của Doãn Tử Kỳ, Doãn Tử Kỳ ngã ngựa, sau đó quân trong thành ùa ra tấn công Yên quân, đuổi Yên quân ra ngoài rất xa.

Nam Tế Vân cầu viện binh

Trương Tuần kiên trì thủ thành Tuy Dương 10 tháng. Tuy rằng Trương Tuần liên tiếp đánh và liên tiếp thắng, nhưng quân đội càng ngày càng ít, bởi vì không có tiếp tế, không có bổ sung binh lính, lương thực. Do đó đến tháng 7/757, lương thực trong thành Tuy Dương cũng hết. Trương Tuần phái tướng Nam Tế Vân đem theo 30 người đến Lâm Hoài để cầu viện binh.

Tướng thủ ở Lâm Hoài là Hạ Lan Tiến Minh, ông không muốn xuất binh, bởi vì biết rằng trận chiến ở Tuy Dương vô cùng thảm khốc, cuối cùng rồi cũng sẽ thất thủ. Một mặt Hạ Lan Tiến Minh muốn bảo tồn thực lực, một mặt sợ phản quân, đồng thời đố kỵ với uy danh của Trương Tuần; nhưng ông lại rất thích Nam Tế Vân. Ở đại trướng, Hạ Lan Tiến Minh bày yến tiệc để mời Nam Tế Vân. 

Nam Tế Vân không ăn dù chỉ một miếng, rơi nước mắt mà nói với Hạ Lan Tiến Minh: ‘Tuy Dương đã đoạn lương từ một tháng nay, mọi người không có gì ăn. Hôm nay ông lại bày rượu thịt trước mặt tôi, làm sao tôi có thể ăn được. Hơn nữa, theo thời gian, thành Tuy Dương sẽ không thể trụ nổi, thỉnh tướng quân nhanh chóng xuất binh’. Hạ Lan Tiến Minh không nói gì.

Lúc ấy Nam Tế Vân rút đao chặt ngón tay của mình, nói rằng: ‘Tôi không thể thỉnh ông viện binh cho Tuy Dương, nhưng tôi lưu lại ngón tay này để làm kiến chứng (bằng chứng) để về báo cáo cho đại tướng của mình’. Sau đó Nam Tế Vân đứng lên quay người bỏ đi. Ông đã phát một nguyện: ‘Đến một ngày khi ta bình định xong phản loạn, việc đầu tiên là quay lại lấy mạng tên Hạ Lan Tiến Minh này’. 

Nam Tế Vân đành phải đến Ninh Lăng cách Tuy Dương 20 dặm về phía tây, để mượn 3000 binh sĩ. Nhưng 3000 so với 13 vạn chỉ như ‘muối bỏ biển’, khi 3000 binh sĩ này đột phá vòng vây vào thành, thì chỉ còn lại hơn 1000 người. 

Để giải quyết vấn đề lương thảo của Tuy Dương, Trương Tuần phái binh cướp trâu cày của quân địch. Trâu thì chạy không nhanh, cho nên một lượng lớn binh đã tử trận vì bảo vệ trâu.

Đến tháng 10/757, lương thực đã không còn, ban đầu binh sĩ ăn vỏ cây, chim thú trong thành, sau đó ăn chuột, cuối cùng ngay cả chuột cũng hết… Ban đầu trong thành có vài vạn bách tính và binh sĩ, nhưng đến lúc này người trong thành hầu như chết đói, thủ thành chỉ còn lại 400 người, hơn nữa đói đến độ không đứng nổi. 

Đối mặt với phản quân đang công thành, Trương Tuần chỉnh đốn y phục, mặt hướng về tây (hướng của Hoàng đế Đường Túc Tông), quỳ bái hành lễ rồi nói: ‘Thần đã trí cùng lực kiệt, hết thảy mưu hết và sức lực đã dùng hết rồi. Thần sinh không thể bảo vệ Tuy Dương, dù chết có thành ma cũng muốn anh dũng giết địch, báo đáp triều đình’. Cuối cùng Tuy Dương cũng thất thủ.

Khi đó Doãn Tử Kỳ bắt trói được Trương Tuần, Lôi Vạn Xuân và Nam Tế Vân. Doãn Tử Kỳ mới hỏi Trương Tuần: ‘Ta nghe nói mỗi lần chỉ huy chiến đấu, ngươi có thể mở mắt đến độ rách mắt, nghiến răng nghiền vỡ cả răng. Điều này thật không?’. Trương Tuần mở miệng, trong đó chỉ còn 3-4 cái răng. Chi tiết này có ghi lại trong ‘Cựu Đường thư’.

Chí khí trung liệt có sức lay động lòng người, Doãn Tử Kỳ thậm chí rất cảm động, muốn lưu Trương Tuần lại mà không giết. Nhưng tả hữu nói: ‘Đây là một người nghĩa khí, nếu không giết, thứ nhất là không dùng được, thứ hai ông ấy có sức hiệu triệu, nếu không giết sẽ là mối hoạ’. Cuối cùng Doãn Tử Kỳ cũng phải giết Trương Tuần, Lôi Vạn Xuân và Nam Tế Vân. ‘Tuy Dương chi vây’ chính là khốc liệt đến như thế.

Trương Tuần đầy đủ Trung Nghĩa

Khi nhắc đến chữ Trung (忠), chúng ta thường liên tưởng đến chữ Trung của võ tướng như Nhạc Phi với ‘tinh trung báo quốc’, của văn thần như  Văn Thiên Tường với ‘Nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử / Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh’ (Nhân sinh tự cổ ai không chết / Lưu lại lòng son chiếu sử xanh), hay của của mưu thần như Gia Cát Lượng với ‘cúc cung tận tuỵ đến chết mới thôi’ v.v. Nhưng câu chuyện về lòng Trung của Trương Tuần cũng xúc động lòng người không kém.

Tranh vẽ Nhạc Phi và Văn Thiên Tường. Ảnh ghép từ ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 3 và phần 4.

Ông dùng mưu kế linh hoạt biến hoá, có hư có thực, xuất quỷ nhập thần. Khi muốn xốc lại tinh thần quân sĩ, không có Hoàng đế thì ông vẽ Hoàng đế, không có cung tên thì ông dùng kế ‘người cỏ mượn tên’ v.v. thật sự ông đã tận sức làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình. Đây chính là Trung.

Thế còn Nghĩa (義)? Nghĩa là việc nên làm, giống như 2 câu thơ trong truyện Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu: 

Nhớ câu kiến nghĩa bất vi
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng

Trương Tuần biết rằng Tuy Dương sẽ không thủ nổi, ‘trong thiếu lương thực, ngoài tuyệt viện binh’, nhưng tại sao ông vẫn chiến đấu đến giây phút cuối cùng, đánh hơn 400 trận lớn nhỏ, giết được 12 vạn quân…? Bởi vì đây là việc nghĩa, việc nên làm, còn thành hay không là do Thiên mệnh. 

Điều này làm tôi nhớ đến Văn Thiên Tường. Khi Văn Thiên Tường bị bắt làm tù binh, Tể tướng Bột La hỏi ông rằng ‘tại sao biết không thể chống mà vẫn làm?’. Văn Thiên Tường đáp rằng: “Tôi chỉ muốn làm hết trách nhiệm của đại thần mà thôi. Giống như cha mẹ lâm bệnh, biết rõ mắc bệnh nan y, uống thuốc không khỏi, nhưng con cái lẽ nào không sắc thuốc cho cha mẹ uống?”. 

Trương Tuần biết mình sẽ thua, chỉ là sớm hay muộn, nhưng ông vẫn tiếp tục chiến đấu. Ông cho rằng đây là việc mà một bề tôi nên làm. Do đó khi nhìn vào Trương Tuần, ngoài tích ‘người cỏ mượn tên’, chúng ta còn nhớ đến ông như một vị tướng có đầy đủ Trung Nghĩa.

Mạn Vũ

Chú thích:
(*) Tham khảo tiểu thuyết ‘Tam quốc diễn nghĩa’ của La Quán Trung.
(**) Tham khảo ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 3: Tuỳ Đường thịnh thế, tập 41: Tuy Dương chi vây, và tập 42: Đại loạn sơ bình.