Mục lục bài viết
… hàng trăm nghìn người tị nạn ngủ trong các nông trại bỏ hoang mà nông vật đã bị quân đội cộng sản khoắng sạch. Nơi hoang vu gió hú mưa quất, người người chết dần chết mòn, thảm kịch ăn thịt người được diễn xuất trong thực tại… xác chết khắp nơi, dịch bệnh hoành hành, nhân dân chết thảm, Trường Xuân có còn là thế giới loài người không?
Xin chào quý vị độc giả, chào mừng đến với “Trăm Năm Chân Tướng“!
Trước khi ĐCSTQ lên nắm quyền, nó đã giết hại hàng trăm nghìn người dân Trung Quốc; trong số đó, “Cuộc vây hãm Trường Xuân” là bi thảm nhất. Hôm nay, tôi sẽ cùng các bạn ôn lại lịch sử đen tối về việc ĐCSTQ đã bao vây Trường Xuân và giết chết một số lượng lớn người dân như thế nào.
ĐCSTQ triển khai vây thành Trường Xuân
Cuộc bao vây Trường Xuân do ĐCSTQ phát động năm 1948 là một phần của Chiến dịch Liêu Thẩm.
Nhà văn Đỗ Bân đã nói trong cuốn sách “Cuộc chiến bỏ đói Trường Xuân” rằng, cuộc bao vây Trường Xuân của quân đội ĐCSTQ thực sự đã bắt đầu từ ngày 4 tháng 11 năm 1947. Mặc dù thành phố Trường Xuân không bị bao vây đến chết vào thời điểm đó, nhưng điện từ Nhà máy thủy điện Tiểu Phong Mãn đến Trường Xuân đã bị cắt, và các mỏ than bị phá hủy; trăm họ mùa đông không kiếm được củi, rất nhiều người chết rét và tự sát.
Vào ngày 5 tháng 6 năm 1948, Lâm Bưu, chỉ huy của Quân đội dã chiến Đông Bắc của ĐCSTQ, đã ban hành các quy định để bao vây Trường Xuân, các biện pháp cụ thể chủ yếu bao gồm các điểm sau:
- Sử dụng các sư đoàn và tiểu đoàn độc lập làm đơn vị tiếp cận Trường Xuân và các vùng phụ cận, phong tỏa mọi lối đi lớn nhỏ, đồng thời xây dựng công sự trên các vị trí, để bộ đội chủ lực có thể kiểm soát hiệu quả sân bay ở ngoại thành.
- Sử dụng hỏa lực tầm xa để kiểm soát đường Tự Do trong thành phố và Sân bay Tân Hoàng Cung.
- Ngũ cốc và nhiên liệu bị nghiêm cấm vào Trường Xuân.
- Nghiêm cấm người trong thành ra khỏi thành.
- Điều khiển một đội dự bị thích hợp và liên lạc với mạng lưới liên lạc của từng trạm, để ngay lập tức đẩy lùi và tiêu diệt kẻ địch tấn công “phân tán bộ đội bao vây”.
- Biến Trường Xuân thành thành phố chết.
Kể từ đó, “chiến thuật bỏ đói” bao vây Trường Xuân – “cấm lương thực vào, cấm người ra” của ĐCSTQ đã bước vào giai đoạn thực thi toàn diện.
Báo cáo của Lâm Bưu
Vào ngày 9 tháng 9 năm 1948, Lâm Bưu trong một báo cáo gửi Mao Trạch Đông cho biết: “Cuộc bao vây đã đạt được hiệu quả rõ rệt, tạo thành tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng trong thành phố… Cư dân dựa vào lá cây và cỏ để ăn cho qua cơn đói, chết đói nhiều người.”
“Người đói không được ra khỏi thành, người đã ra ngoài nhất định bị tống trở về, chuyện này đối với người đói và bộ đội đều rất khó giải thích, người đói sẽ bất mãn với chúng ta, còn có nhiều lời than thở: ‘Sắp chết đến nơi mà không cứu.’ Họ quỳ thành từng nhóm trước mặt lính gác cầu cứu xin tha, có người bỏ con trẻ lại rồi bỏ chạy, có người treo cổ tự sát trước mặt lính gác. Chứng kiến cảnh tượng thê thảm này, binh lính mềm lòng, có người đi theo dân đói cùng nhau quỳ xuống khóc, nói rằng: ‘Lệnh của thượng cấp tôi cũng hết cách.’ Một số thậm chí lén lẻn qua, thậm chỉ xả súng (không có thống kê về số người bị đánh chết và đánh bị thương).”
Hồi ức của tướng bảo vệ thành Trường Xuân Trịnh Đỗng Quốc
Trịnh Đỗng Quốc, vị tướng bảo vệ Trường Xuân và là phó tư lệnh Quân tiễu Cộng Đông Bắc của Quốc dân đảng, cho biết trong hồi ký của mình: “Kể từ tháng 7, nạn đói đã xuất hiện trong thành phố, rất nhiều người dân vì lương thực đã ăn hết, hoặc bị quân cộng sản thu sạch, phải ăn lá cây, rễ cỏ để qua ngày, kết quả vì thân thể quá yếu mà ngày càng có nhiều người chết vì bệnh tật và đói khát. Có người đang đi trên phố, đột ngột ngã quỵ và chết, tử thi không được an táng, sau này trên phố thị còn xuất hiện thảm cảnh bán thịt người…”
“Khoảng đầu tháng 8, tiên sinh Tưởng Giới Thạch trên Lư Sơn gửi điện lệnh, yêu cầu tôi sơ tán cư dân thành Trường Xuân ra ngoại thành để giảm áp lực cho quân phòng thủ. Vì vậy, tôi đã hạ lệnh mở hai đường sơ tán cho người dân ra khỏi thành, hướng nam về Thẩm Dương, hướng đông về Vĩnh Cát. Nhưng người dân đến các vị trí của quân giải phóng (của ĐCSTQ), phải chứng minh được thân phận mới được thả cho đi, kết quả là, rất đông người dân cùng gia đình tập trung ở khoảng trống giữa hai trận địa nam bộ và đông bộ, tiến không được, thoái không xong, lại thêm một số thổ phỉ năm xưa nhân cơ hội cướp giật khiến người dân khốn đốn, khóc hết nước mắt, số người chết vì đói và bệnh không cách nào tính được… Trường Xuân từ một thành phố mỹ lệ, lúc này mãn mục thương đau, tử thi đầy mặt đất, trở thành địa ngục trần gian.”
Hồi ức của Đoạn Khắc Văn, nguyên ủy viên Hội đồng Chính phủ tỉnh Cát Lâm
Đoạn Khắc Văn, cựu ủy viên hội đồng chính quyền tỉnh Cát Lâm và đại biểu Trường Xuân, cho biết trong “Hồi ức của một tù nhân chiến tranh”, rằng một lính canh đã nhìn thấy những người tị nạn đến gần và nói: “Hỡi đồng hương, các bạn không thể đi xa hơn nữa. Nếu các bạn đi xa hơn nữa, chúng tôi sẽ phải bắn.” Những người tị nạn cầu xin, nói: “Chúng tôi đều là những người tốt, làm sao có thể bỏ đói chúng tôi ở đây?” Lính canh trả lời: “Đây là mệnh lệnh của Mao Chủ tịch, và chúng tôi không dám vi phạm kỷ luật.” Có người liều mạng tiến lên, chỉ nghe “đoàng!” một tiếng súng, một người ngã xuống.
Theo hồi ức của thị trưởng Trường Xuân đương thời Hướng Truyền Đạo: “Số lượng thị dân đi đi lại lại giữa các trạm kiểm soát trong ngoài mỗi ngày lại gia tăng. Họ đói và chết, xương trắng chất đống. Trong và ngoài các trạm kiểm soát như phố Hồng Hi và Nhị Đạo Hà Tử, xác chết nằm rải rác khắp cánh đồng, tiếng rên rỉ không ngừng, nó giống như địa ngục trần gian.” “Hầu như mọi gia đình trong trạm kiểm soát đều có người thân chết. Đây là một thảm họa xưa nay hiếm thấy.”
Báo “Đại Công Báo” và cuộc phỏng vấn của Long Ứng Đài
Ngày 30 tháng 9 năm 1948, tờ “Đại Công Báo” của Thượng Hải đăng một bản tin dài của phóng viên Trương Cao Phong: “Chúng tôi muốn sống – lời khống tố của 500.000 người dân Trường Xuân”. Tác giả viết:
“Trời tối dần, nhân tâm cũng tăm tối như vậy. Trường Xuân bị bao vây nửa năm, toàn thành nửa triệu người trong trạng thái chết đói… Trong khoảng trống của ba trạm kiểm soát, có hàng trăm nghìn người tị nạn ngủ trong các nông trại bỏ hoang mà nông vật đã bị quân đội cộng sản khoắng sạch. Nơi hoang vu gió hú mưa quất, người người chết dần chết mòn, thảm kịch ăn thịt người được diễn xuất trong thực tại… xác chết khắp nơi, dịch bệnh hoành hành, nhân dân chết thảm như vậy, Trường Xuân có còn là thế giới của loài người không?”
Nhà văn Đài Loan Long Ứng Đài đã từng đích thân đến Trường Xuân để phỏng vấn một cựu chiến binh ĐCSTQ đã tham gia cuộc bao vây thành phố. Người cựu chiến binh nhớ lại:
“Tuyến phong tỏa dài hơn 100km, cứ 50m lại có một ‘lính gác’ cầm súng canh giữ không cho dân tị nạn ra khỏi chốt kiểm soát. Một lượng lớn dân tị nạn được Quân đội Quốc gia giải phóng khỏi thành phố đang mắc kẹt trong vành đai giữa tuyến phòng thủ của Quân đội Quốc gia và tuyến bao vây của Quân đội Cộng sản, không thể tiến hay lùi. Xác chết ngổn ngang khắp nơi, liếc qua cũng thấy hàng ngàn xác chết.”
“Những nạn dân gầy gò như que củi và tuyệt vọng, có người bồng con nhỏ, leo lên và quỳ xuống van xin lính canh thả họ đi.” “Nhìn cảnh đó, tôi cũng khóc, nhưng không thể trái lệnh thả họ đi. Một ngày nọ, tôi được lệnh đến Nhị Đạo Hà tìm mấy tấm ván, thấy một ngôi nhà trống, nhìn qua cửa sổ và thật kinh ngạc. Có khoảng mười người trong gia đình, tất cả đều đã chết, nằm trên giường, dưới đất, ngồi tựa vào tường, nằm sõng soài trước ngưỡng cửa, già trẻ lớn bé, cả nhà cùng chết đói ở đó, nước mắt tôi chảy dài.”
Ghi chép của học giả Nhật Bản Endo Hiroshi
Học giả Nhật Bản Endo Hiroshi, họ là Okubo trước khi kết hôn, sinh ra ở Trường Xuân năm 1941. Khi mới 7 tuổi, bà đã trải qua cuộc bao vây thành phố, anh trai và em trai của bà bị chết đói. Năm 1984, Endo xuất bản cuốn sách “Tạp Tử: Vùng đất không lối thoát” ở Nhật Bản, kể lại khổ nạn của cuộc bao vây Trường Xuân của ĐCSTQ. Bà kể lại:
Vào ngày 20 tháng 9 năm 1948, cha bà dẫn khoảng 90 người Nhật Bản là những người cuối cùng còn lại ở Trường Xuân đi bộ đến “Tạp Tử”, khu vực giữa hàng rào dây thép gai do quân đội cộng sản bao vây. Một nhóm người đi qua khu tị nạn đầy xác chết, trong bóng tối tìm một chỗ có ít xác chết để ngủ, ngày hôm sau tỉnh dậy thì phát hiện mình đang ngủ trên đống xương, còn có cánh tay xác chết thò ra khỏi mặt đất bên cạnh họ. Thi thể và người tị nạn trải dài ngút tầm mắt, gần đó, người lớn gặm xương người, trẻ sơ sinh liếm máu thay sữa…
Vương Đại Hành, viện sĩ Viện Khoa học Trung Quốc và là một chuyên gia quang học, đã đến thăm Trường Xuân vài năm sau “Trận chiến bỏ đói”. Tình huống ở đó vẫn còn vô cùng bi thảm, điều này đã để lại ấn tượng không thể phai mờ đối với Vương Đại Hành. Sau đó, ông đã viết trong cuốn hồi ký “Nửa thế kỷ của tôi”:
“Khi tôi lần đầu tiên đến Trường Xuân, thành phố Trường Xuân đã hoàn toàn bị tàn phá sau chiến tranh. Toàn thành phố không có một cái cây nào còn vỏ cây. Trong cuộc bao vây kéo dài 5 tháng vài năm trước, toàn bộ vỏ cây trong thành phố đã bị người dân lột ăn hết.”
Hồ sơ của nhà văn Trương Chính Long và báo cáo “Nhật báo Văn hóa Mới”
Trương Chính Long, một nhà văn phóng sự của ĐCSTQ, đã ghi lại trong cuốn sách “Bạch tuyết và máu đỏ” rằng: “Một số người già tham gia cuộc bao vây thành phố cho biết: Ở bên ngoài họ nghe nói trong thành có bao nhiêu người chết đói, họ không biết chuyện gì đã xảy ra. Từ đống người chết mà bò ra bao lần, đã thấy nhiều, trái tim chai cứng, không còn cảm xúc nữa (Có người già nói: Khi đó, người ta dường như không biết thế nào là ‘kinh ngạc’ nữa). Nhưng khi vào thành phố, họ bàng hoàng, nhiều người rơi nước mắt. Không ít cán bộ, chiến sĩ bảo: ‘Chúng ta vì dân nghèo mà đánh thiên hạ, người chết đói có bao nhiêu là người giàu? Có Quốc dân đảng không? Chẳng phải tất cả họ đều là người nghèo sao?”
Vào ngày 4 tháng 6 năm 2006, tờ “Tin tức văn hóa mới” của tỉnh Cát Lâm đã đăng một báo cáo, rằng một số lượng lớn các bộ xương đã được tìm thấy tại một công trường xây dựng gần đường Thanh Long, quận Lục Viên, thành phố Trường Xuân, nơi các đường ống thoát nước đang được khai quật. Báo cáo cho biết: “Mỗi nhát xẻng hạ xuống, lại đào được xương lên. Sau khi đào trong 4 ngày, có hàng ngàn bộ xương!”
Bao nhiêu người dân chết đói trong cuộc bao vây Trường Xuân?
Con số của ĐCSTQ là 120.000 đến 150.000 người; con số của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Quốc dân đảng là 600.000 đến 650.000 người; học giả Nhật Bản Endo suy đoán rằng đó là 300.000 đến 350.000 người.
Đỗ Bân, người đã viết “Cuộc chiến bỏ đói Trường Xuân” trong 10 năm qua, tin rằng số người chết đói là khoảng 370.000 đến 460.000 người; cuốn sách “Đại Giang Đại Hải—1949” của Long Ứng Đài đưa ra con số từ 100.000 đến 650.000 người.
Chúng tôi thận trọng lấy giá trị trung bình, ít nhất 300.000 người đã chết đói.
Trương Chính Long đã viết trong “Vân bạch huyết hồng”: “Đối với thành phố chết Trường Xuân, tỷ lệ tử vong cao nhất là từ tháng 5 đến tháng 10 năm 1948. Một thành phố chết đói nhiều người như vậy vì chiến tranh là độc nhất vô nhị trong cổ kim nhân loại!”
Mời quý vị xem video gốc tại đây.
- Trọn bộ “Trăm Năm Chân Tướng“!
Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch