Tăng Quốc Phiên là trọng thần triều Thanh, tài năng xuất chúng, có thành tựu lớn về cả chính trị và quân sự. Nhưng ngoài làm quan giỏi, ông còn giỏi giáo dục con cháu khiến người đời khâm phục.

“Tăng Quốc Phiên gia huấn” được coi là mẫu mực giáo dục con cháu đời sau, có thể tóm lược mấy điểm chính sau:

1. Chú ý cần kiệm giữ nếp gia phong

Có câu chuyện như thế này: Khi Tăng Quốc Phiên làm tổng đốc Lưỡng Giang (Giang Tô và Giang Tây xưa, tức Giang Tô, Thượng Hải, An Huy và Giang Tây ngày nay), vợ ông đem theo con gái nhỏ đến thăm. Bé gái chưa bao giờ nhìn thấy phủ tổng đốc, nên khi vào phủ thì rất chú ý, còn mặc chiếc quần thêu hoa nữa. Chiếc quần hoa này là của chị gái để lại cho. Nhưng không ngờ, chỉ vì chiếc quần hoa này mà Tăng Quốc Phiên cảm thấy xa hoa, đồng thời nghiêm khắc chỉnh cho hai mẹ con một trận.

Tăng Quốc Phiên dạy con cần kiệm giữ nếp gia phong là có đạo lý riêng của ông. Ông thường nói, từ xưa những người làm quan, rất hiếm người giàu có quá hai đời. Nguyên nhân chính là con cháu các quan này đã sống sung sướng quen rồi, đã quên mất nên sống như thế nào rồi.

Từ bé cần kiệm giữ nếp gia phong, không chỉ rèn luyện năng lực sống của con cháu, ông còn gây dựng được thói quen tự mình động chân động tay làm việc, tiết kiệm các nguồn tài nguyên, còn để con cháu thể nghiệm được cái gian khổ của cuộc sống tốt đẹp không dễ gì có được. Như thế sau khi con cháu trưởng thành, cũng sẽ cần kiệm giữ gìn nếp gia phong, cuộc sống tốt đẹp mới lâu bền.

Ông còn gây dựng được thói quen tự mình động chân động tay làm việc, tiết kiệm các nguồn tài nguyên, còn để con cháu thể nghiệm được cái gian khổ của cuộc sống tốt đẹp không dễ gì có được. (Ảnh minh họa: sohu.com)

2. Cuộc sống bình dân, lấy mình làm gương

Tăng Quốc Phiên tuy là đại thần phẩm cao tột bậc, nhưng cuộc sống đời thường của ông không khác gì người dân bình thường. Nhà riêng của ông cũng rất sơ sài, nhìn không thấy nét gì là phủ đệ của đại thần có công lao phục hưng triều Thanh. Tương phản, em trai ông là Tăng Quốc Thuyên, phủ đệ hào hoa có thể sánh với nội cung hoàng gia. Tăng Quốc Phiên ở nhà đơn sơ mộc mạc, sống đơn giản chất phác, ăn mặc sinh hoạt cũng đều chính ông tự mình động chân động tay, không dùng người hầu.

Ông răn dạy con cháu, việc gì có thể tự làm được thì phải tự mình làm, việc gì có thể đơn giản gọn nhẹ được thì không được phô trương lãng phí. Con cháu ông ra ngoài làm việc, ông không bao giờ cho họ ngồi kiệu, đều là tự đi. Hơn nữa, những việc nặng nhọc thấp kém mà con em gia đình bình dân làm như gánh nước, hót phân, con cháu ông cũng đều phải làm.

Tăng Quốc Phiên cho rằng “nghèo” có thể nuôi dưỡng chí khí. Trẻ em nếu ngay từ nhỏ đã được nuông chiều, cái gì tốt cũng đều được hưởng thụ, thế thì đứa trẻ đó ngay từ nhỏ đã không có cái gì để theo đuổi, cũng sẽ chẳng có chí tiến thủ. Đứa trẻ đó sau này lớn lên sẽ thành kẻ vô dụng.

Nếu đứa trẻ từ nhỏ đã được tôi luyện qua cuộc sống gian khổ, thì không những rèn luyện được năng lực, tố chất tâm lý, còn có thể bồi dưỡng chí hướng. Tăng Quốc Phiên nói: “Con em nhà trâm anh thế phiệt, nếu ăn mặc sinh hoạt, cái gì cũng giống như học trò nghèo, thì có hy vọng sẽ thành tài năng lớn”.

3. Tư tưởng khai sáng: hứng thú là người thầy tốt nhất

Bản thân Tăng Quốc Phiên tuy học Nho, nhưng giáo dục của ông đối với con cháu lại không áp dụng đạo lý cứng nhắc. Ông căn cứ vào hứng thú của con cháu, căn cứ vào tố chất thiên hướng mỗi đứa mà áp dụng giáo dục khác nhau.

Con trai cả của Tăng Quốc Phiên là Tăng Kỷ Trạch từ nhỏ đã có học vấn thực dụng kinh bang tế thế của Nho gia, nhưng dự thi liền 3 lần khoa cử đều không thành công. Thế là Tăng Kỷ Trạch suy xét ngẫm nghĩ kỹ rồi quyết định không theo đuổi con đường quan lộ nữa, mà chọn học môn tiếng Anh, môn học mà thời đó không được ghi nhận.

Khi nhà Thanh và Nga Sa Hoàng ký “Điều ước Y Lê Trung Nga”, Tăng Kỷ Trạch do am hiểu văn hóa phương Tây nên được bổ nhiệm làm quan ngoại giao. Sứ thần Nga Sa Hoàng chỉ được cái mẽ ngoài, đã dùng đủ các loại âm mưu thủ đoạn hòng công kích Tăng Kỷ Trạch, nhưng trình độ tiếng Anh của Tăng Kỷ Trạch rất cao, hơn nữa đã sớm nghiên cứu thấu triệt văn hóa phương Tây, đối với các âm mưu của sứ thần Nga Sa Hoàng đều trầm tĩnh ứng phó, cuối cùng cũng ký kết điều ước thành công.

Con trai thứ hai của Tăng Quốc Phiên là Tăng Kỷ Hồng là nhà toán học, có nhiều trước tác toán học có tiếng, ông còn tính ra số Pi đến 100 đơn vị sau dấu phẩy. Phương pháp giáo dục khai sáng này của Tăng Quốc Phiên khiến con cháu các đời sau đều thành đạt. Ngoài các con ông ra, các cháu ông là Tăng Bảo Tôn, Tăng Ước Nông cũng đều là những nhà giáo dục nổi tiếng đương thời, được mọi người kính trọng.

Giáo dục của Tăng Quốc Phiên đối với con cháu lại không áp dụng đạo lý cứng nhắc, căn cứ vào tố chất thiên hướng mỗi đứa mà áp dụng giáo dục khác nhau. (Ảnh minh họa: pinterest.com)

Các tấm gương giáo dục thành công từ xưa đều có điểm chung là:

  • Coi trọng rèn luyện từ nhỏ bằng cách gây dựng thói quen cần kiệm để tu dưỡng phẩm chất đức hạnh, nhẫn nại chịu khổ nhọc vất vả để rèn luyện ý chí kiên cường.
  • Không ép trẻ em, học sinh học những cái chúng không thích, tôn trọng sở thích, xu hướng của chúng.
  • Tìm hiểu thiên hướng, tính cách khác nhau của trẻ, từ đó áp dụng cách thức giáo dục khác nhau tùy theo khả năng, sở trường, sở đoản, bẩm tính của mỗi trẻ.

Tư tưởng giáo dục truyền thống phương Đông này hoàn toàn phù hợp với giáo dục hiện đại phương Tây ngày nay. Nếu người phương Đông biết tìm lại tinh hoa truyền thống, thì không sợ tụt hậu với phương Tây, vì những tinh túy của nền văn minh phương Đông rực rỡ lâu đời kia, có nhiều điều người phương Tây đang nghiên cứu và áp dụng thành công, sau đó các nước phương Đông lại học lại từ phương Tây.

Nam Phương sưu tầm và biên dịch