Đại Kỷ Nguyên

Người khiến Đường Huyền Tông than rằng: ‘Trẫm sang nhất thiên hạ, khanh giàu nhất thiên hạ’

Người Trung Hoa thường làm lễ nghênh đón Thần Tài vào ngày mùng 5 tháng Giêng, cũng là ngày Thần Tài tuần du nhân gian để ban phát lộc tài. Nguồn gốc của ngày lễ này có liên quan đến vị đại phú hộ đời Đường tên là Vương Nguyên Bảo.

Vương Nguyên Bảo là ai?

Vương Nguyên Bảo sống vào những năm Khai Nguyên đời Đường, nổi tiếng với nghề buôn bán và vận chuyển gốm lưu ly. Cuốn sách Độc Dị Chí có từ thời nhà Đường ghi chép rằng:

Vào những năm Khai Nguyên, có người buôn bán ở Trường An là Vương Nhị Cẩu thường qua lại quận Tri để buôn bán tơ; mặc dù ông làm việc chăm chỉ nhưng lời lãi thu về rất ít.

Một hôm, khi đang ở trong quán một mình thì Nhị Cẩu bị cướp, tài sản cũng theo đó mà mất hết.

Nhị Cẩu ngửa mặt lên trời than rằng: “Trời không giúp ta”, nói rồi liền treo cổ lên xà nhà tự tử. Trong lúc hôn mê ông thấy một cụ già mặc áo gấm đai ngọc, đầu đội mũ triều đình, thân khoác áo bào đỏ, mặt trắng râu dài, cử chỉ ôn nhu nho nhã, tay trái cầm thẻ “Như ý”, tay phải cầm “Nguyên Bảo” (thoi vàng). Đó chính là Lý tướng công từng được Cao Tổ phong là Tài Bạch Tinh Quân.

Tinh Quân nói: “Ngươi là người đại phú quý, sao có thể quyên sinh? Ngươi không nghe nói rằng Tri Châu sản xuất gốm lưu ly à?”. Sau đó Tinh Quân ban cho Nhị Cẩu một thoi vàng rồi rời đi. Từ đó Nhị Cẩu chuyển sang buôn bán gốm lưu ly, trở thành người giàu nhất Trường An. Để tưởng nhớ đức Tinh Quân đã ban cho mình tài phúc, Nhị Cẩu đã đổi tên thành Nguyên Bảo.

 
Để tưởng nhớ đức Tinh Quân đã ban cho mình thoi vàng(tài phúc), Nhị Cẩu đã đổi tên thành Nguyên Bảo. (Ảnh minh họa: soundofhope.org)

Giàu sánh quốc gia

Vào đời Đường, gốm lưu ly là vật liệu trang trí xây dựng vô cùng quý hiếm, do đó lợi nhuận từ buôn bán và vận chuyển lưu ly rất lớn. Nắm được nguồn hàng quý hiếm ấy chính là bí quyết giúp Vương Nguyên Bảo trở nên giàu có.

Vậy Vương Nguyên Bảo giàu có đến mức độ nào? Trong Độc Dị Chí kể rằng:

“Huyền Tông thường triệu Vương Nguyên Bảo vào cung, hỏi gia sản có bao nhiêu. Vương đáp rằng: ‘Thần dùng mỗi cuộn lụa mịn buộc mỗi gốc cây trên núi Nam Sơn của bệ hạ, buộc hết cây trong núi Nam Sơn, lụa mịn của thần vẫn chưa hết’”.

Thời cổ đại, để đánh giá tài sản của một người thì ngoài vàng bạc và ruộng đất ra người ta còn dựa vào số lượng vải và lụa là. Một cuộn lụa đương thời có thể đổi được 10 thạch thóc (mỗi thạch tương đương 50 kg hiện nay). Do đó, câu nói của Nguyên Bảo đã chứng tỏ ông có trong tay khối gia sản khổng lồ.

Một lần khi đang ngự ở điện Hàm Nguyên ngắm nhìn núi Nam Sơn, Huyền Tông thấy một con rồng trắng hiện lên trong núi. Vua hỏi tả hữu nhưng ai nấy đều nói là không trông thấy. Huyền Tông bèn ra lệnh triệu Vương Nguyên Bảo đến hỏi, Nguyên Bảo đáp: “Thần thấy một vật màu trắng nằm ngang đỉnh núi, nhưng không phân biệt được hình dạng của nó”. Các trọng thần tả hữu đều thắc mắc: “Chúng thần đều không thấy, vậy sao ngài Vương đây lại nhìn thấy?”.

Huyền Tông cười và nói: “Ta nghe nói kẻ giàu có tột bậc có thể sánh được với bậc cao sang. Trẫm cao sang nhất thiên hạ, Nguyên Bảo giàu có nhất thiên hạ, do đó có thể nhìn thấy”.

Không chỉ vậy, Vương Nguyên Bảo còn là một nhà sưu tầm nổi tiếng. Ông từng sưu tầm được một chiếc quạt da vô cùng tinh xảo. Mỗi lần tham dự yến tiệc vào tháng hè, ông thường để chiếc quạt này trước chỗ ngồi, và chỉ cần dùng nước sạch tưới lên đó thì trời sẽ nổi gió. Sau mấy tuần rượu khi các vị khách đều thấy lạnh, ông liền ra lệnh cất quạt đi.

Trong quyển thứ 49 sách Chu Tử ngữ loại chép rằng: “Minh Hoàng cũng từng sai Trung sứ đi lấy quạt xem, vua yêu thích lắm nhưng không nhận. Vua nói: ‘Đây là chiếc quạt làm bằng da rồng’”.

Tương truyền, nhà của Vương Nguyên Bảo vô cùng xa hoa. Trong nhà vàng bạc chất thành các bức tường, mái hiên và bậc cửa làm bằng gỗ trầm hương, nền nhà lát bằng ngọc trạm trổ, bệ đỡ cột bằng đá cẩm thạch, đồng thời dùng tiền đồng làm gạch lát lối đi trong hoa viên sau nhà để tránh trượt. Thế mới biết Vương Nguyên Bảo từng là bậc đại phú đại tài, giàu có nhất nhì trong thiên hạ.

Đường Huyền Tông. (Ảnh: wikipedia.org)

Đón Thần Tài

Sau khi trở nên giàu có, Vương Nguyên Bảo ‘uống nước không quên người đào giếng, ăn quả không quên kẻ trồng cây’, ông tự nhủ rằng Thần Tài đã ban phúc lộc cho mình thì bản thân phải luôn ghi nhớ công ơn ấy. Ở Trường An, ông quyên tiền xây dựng miếu Tài Bạch Tinh Quân, mời bậc cao Đạo trong nước về trụ trì, thờ cúng 4 mùa, hương hỏa rất vượng.

Hàng năm vào ngày mồng 5 tháng Giêng, ngày các cửa hàng cửa hiệu buôn bán khai thị, ông thường dậy sớm đến miếu Tài Bạch Tinh Quân dâng nén hương đầu tiên. Mọi người thấy vậy cũng bắt chước làm theo, ai nấy cũng đến miếu Tái Bạch Tinh Quân dâng hương vào ngày ấy.

Sau ngày mồng 5, Nguyên Bảo còn bỏ ra một khoản tiền lớn tổ chức đoàn rước tượng Thần Tài tuần du khắp phố phường Trường An. Bởi Thần Tài thường có Chiêu Tài Đồng Tử và Lợi Thị Tiên Quan hộ tống, nên trên đường tuần du, hai người mặc trang phục Chiêu Tài Đồng Tử và Lợi Thị Tiên Quan sẽ ban phát vận may và lì xì cho người đi đường. Bất cứ nơi nào đoàn rước tượng đi qua, bách tính đều rồng rắn theo sau, ai cũng mong sẽ được nhận vận may và lì xì của Thần Tài.

Ăn rau tóc tiên (Phát thái)

Món ăn yêu thích của Vương Nguyên Bảo là rau tóc tiên, còn gọi là rau phát thái. Thương nhân trong kinh thành Trường An ai cũng cho rằng là nhờ ăn rau tóc tiên nên Vương Nguyên Bảo mới phát lộc phát tài. Thế nên họ đều đua nhau làm theo, thậm chí còn yêu cầu đầu bếp trang trí đĩa rau thành hình đồng tiền, ngụ ý là ‘phát tài trí phú’ (phát tài giàu có). Từ đó rau tóc tiên hình đồng tiền lưu hành trong dân gian, trở thành món ăn ưa chuộng của giới quý tộc và tầng lớp thượng lưu trong xã hội.

Cứ mỗi dịp đầu năm, khi các gia đình chuẩn bị đồ cúng lễ cho ngày vía Thần Tài, người ta lại truyền tai nhau câu chuyện về bậc đại phú hào Vương Nguyên Bảo. Rất nhiều thói quen sinh hoạt của ông như lễ bái Thần Tài ngày mồng 5 tháng giêng, ăn rau tóc tiên (phát thái)… đều được lưu truyền đến ngày nay.

Theo Soundofhope
Nam Phương biên dịch

Exit mobile version