Cô là một thần đồng âm nhạc, một thiên tài và là một người phụ nữ vĩnh viễn mỉm cười trong các bức ảnh. Lẽ ra cô phải trở thành niềm vinh diệu và tự hào của quốc gia, trái lại, cả gia đình cô đã bị hủy hoại dưới bàn tay của ĐCSTQ.

Xin chào quý vị độc giả, chào mừng đến với Trăm Năm Chân Tướng“!

Vào ngày cuối cùng của tháng Giêng năm 1967, một tuần trước Tết Nguyên đán năm đó, Cố Thánh Anh qua đời. Cô là một thần đồng âm nhạc, một thiên tài và là một người phụ nữ vĩnh viễn mỉm cười trong các bức ảnh. Lẽ ra cô phải trở thành niềm vinh diệu và tự hào của cả một quốc gia, trên thực tế, cô xác thực đã giành được vô số vinh diệu cho đất nước của mình. Tuy nhiên, khi cơn phong cuồng Cách mạng Văn hóa ập đến, cô không thể chịu đựng được sự sỉ nhục, đã vặn khí ga tự vẫn. Từ đó về sau, mỹ nhân không còn, tiếng đàn cũng chết lặng.

Thiếu niên thành tài

Cố Thánh Anh sinh năm 1937 tại Thượng Hải trong một gia đình khoa bảng. Cha cô, Cố Cao Địa, từng là thư ký của Thái Đình Khải, quân trưởng Quân đoàn 19, và mẹ cô, Tần Thận Nghi, là sinh viên tài năng Khoa Văn học ngoại quốc của Đại học Đại Đồng Thượng Hải. Gia đình cô sống trong một ngôi nhà gỗ trang nhã tại số 103, ngõ 1088, đường Ngu Viên.

Theo bài báo “Di chúc bị phản bội – Hoài niệm Cố Thánh Anh” do nhà phê bình âm nhạc cổ điển Tào Lợi Quần viết, Cố Thánh Anh từ khi còn nhỏ đã bộc lộ thiên phú âm nhạc cực cao, cô bắt đầu học piano từ năm 3 tuổi, trước sau theo học các giáo sư Dương Gia Nhân, Lý Gia Lộc, đồng thời học tập lý luận âm nhạc và lịch sử âm nhạc với các giáo sư Mã Cách Thuận, Thẩm Tri Bạch. 

Với tài năng cộng thêm sự luyện tập khắc khổ, Cố Thánh Anh nổi lên từ khi còn trẻ. Năm lớp ba tiểu học, cô giành giải nhất trong cuộc thi piano dành cho thiếu niên Thượng Hải; năm 1953, ở tuổi 16, lần đầu tiên cô hợp tác với Dàn nhạc Giao hưởng Thượng Hải và đạt được thành công rất lớn; vào năm sau, cô trở thành nghệ sĩ độc tấu dương cầm của Dàn nhạc Giao hưởng Thượng Hải.

Sau năm 1956, Cố Thánh Anh theo học các nghệ sĩ piano nổi tiếng của Liên Xô là Tatulian và Kravchenko. Khi theo học tại Nhạc viện Trung ương ở Mátxcơva, Kravchenko nhận xét: “Cô làm tôi ngạc nhiên với điểm số của cô ấy trong mọi học khóa. Cô ấy mỗi ngày chơi đàn từ 10 đến 12 tiếng; Số tác phẩm sau một năm luyện tập ít nhất gấp đôi so với những sinh viên tài năng của Học viện Âm nhạc Liên Xô.”

Ngôi sao sáng dưới đám mây chính trị âm ám

Những tưởng thần đồng âm nhạc Cố Thánh Anh sẽ được thỏa sức ngao du trong lĩnh vực âm nhạc, thế nhưng bóng đen chính trị bao trùm lên gia đình họ.

Cha của cô, Cố Cao Địa, đã cống hiến hết mình cho cách mạng trong những năm đầu đời, tham gia Bắc phạt và trận chiến Tùng Hỗ “13 tháng 8” trong kháng chiến chống Nhật, liên tiếp giữ các chức vụ cấp cao. Cố Cao Địa từng có liên hệ mật thiết với Phan Hán Niên, người phụ trách đảng ngầm Thượng Hải của ĐCSTQ, yểm hộ hoạt động điện đài của đảng ngầm. Sau kháng chiến thắng lợi, ông từ chức khỏi quân đội, ẩn cư ở Thượng Hải.

Vào ngày 29 tháng 8 năm 1955, chỉ bốn ngày trước khi Cố Thánh Anh tổ chức buổi hòa nhạc cá nhân đầu tiên của mình, cảnh sát bất ngờ ập vào nhà họ, tuyên bố rằng vì liên lụy đến “vụ án Phan Hán Niên”, Cố Cao Địa bị bắt.

Trước khi ra khỏi cửa, Cố Cao Địa nói với Cố Thánh Anh: “Con phải tập đàn piano thật tốt … yêu quốc gia, yêu nhân dân.” Lúc đó, Cố Thánh Anh đứng dậy khỏi ghế, nhìn theo cha mình và nói: “Con yêu quốc gia, con yêu cha.”

Đó là thời đại mà “nói mộng cũng sợ bị người ta báo cáo”, Cố Thánh Anh chôn chặt những tư niệm về cha mình trong đáy lòng, nỗ lực tiến thủ để để đạt được tiến bộ trong sự nghiệp.

Năm 1957, cô giành huy chương vàng trong Cuộc thi Piano Liên hoan Thanh niên Thế giới lần thứ sáu được tổ chức tại Moscow, đây là huy chương vàng piano đầu tiên mà một người Trung Quốc giành được trong một cuộc thi quốc tế. Hơn bốn mươi vị giám khảo nhất trí rằng màn trình diễn này là một kỳ tích.

Năm 1958, Cố Thánh Anh tham gia Cuộc thi Âm nhạc Quốc tế Geneva lần thứ 14 và giành giải cao nhất trong Cuộc thi Piano dành cho nữ. Sau khi đoạt giải, cô được chính phủ Ba Lan mời sang Ba Lan lưu diễn. Tại Warsaw, Cố Thánh Anh đã nhận được món quà quý giá – mô hình bàn tay bằng thạch cao của Chopin.

Vào những năm 1950 và 1960, ngoại quốc gọi Cố Thánh Anh, Phó Thông, Lưu Thi Côn, Lý Danh Cường, Ân Thừa Tông là “Ngũ thánh thủ dương cầm Trung Quốc”, và Cố Thánh Anh thậm chí còn được yêu thích hơn.

Tuy nhiên, những thành tựu nghệ thuật của cô không thể giúp cô thoát khỏi quẫn bách về chính trị.

Năm 1958, cha Cố Thánh Anh, Cố Cao Địa bị kết án 20 năm tù, bị đưa đến trại lao động Thanh Hải, Cố Thánh Anh được giảm xuống tội “Quan quản sát tử nữ”, nghĩa là một người, do bậc trưởng bối của họ bị “bỏ tù, quản chế, tử hình”, mà họ cũng phải chịu liên lụy, gọi là “nguyên tội”, trở thành “tiện dân”. Tiền đồ của họ vô cùng ảm đạm, gian nan. Nếu bạn muốn thoát khỏi địa vị “tiện dân”, thì bạn phải nhận đồng với ý thức đảng của ĐCSTQ, và biểu hiện nỗ lực hơn để thể hiện điều đó ra ngoài.

Vì vậy, Cố Thánh Anh phải tích cực tiếp cận “tổ chức”, nỗ lực trở thành một “nhà cách mạng” để rửa sạch “nguyên tội” của mình. Trong một bức thư gửi cho dịch giả lý luận âm nhạc Điêu Bội Hoa, cô bắt đầu chân thành tán thành ý rằng “cải biến tư tưởng cảm tình là một nhiệm vụ trường kỳ gian khổ”, muốn “biểu diễn vì cách mạng”.

Trong lần tham gia cuộc thi piano quốc tế Bỉ năm 1964, cô đã viết trong nhật ký rằng “tuyển thủ Mỹ và Liên Xô là cường địch” và tự ra lệnh cho mình phải “vì tổ quốc, vì nhân dân… nên ghi nhớ, rằng chơi giỏi nghĩa là tôi vận dụng vũ khí của tôi, cũng chính là phục vụ cách mạng, phục vụ chính trị”, v.v.

Dưới áp lực tư tưởng như vậy, cô đã ghi lại những cảm giác khó chịu, chóng mặt, chuột rút và ác mộng khác nhau của mình…

Hạo kiếp của Cách mạng Văn hóa và cái chết của Cố Thánh Anh

Cố Thánh Anh không bao giờ có thể ngờ, rằng cái đảng mà cô buộc mình phải kết thân, vài năm sau lại gây ra một hạo kiếp khác, nuốt chửng cô một cách vô tình.

Năm 1966, “Đại Cách mạng Văn hóa” càn quét. Cố Thánh Anh bị chụp mũ “Điển hình Bạch chuyên”, “kẻ phản bội bí mật cấu kết với ngoại quốc”, “phần tử chủ nghĩa xét lại” và “đứa con của kẻ phản cách mạng lịch sử”. Cô, một kỳ tài piano “muốn chơi đàn phong cách và đẳng cấp xuất chúng, giành vinh quang cho tổ quốc và nhân dân”, hiện tại đã trở thành một tội nhân phải quỳ xuống nhận lỗi lầm của mình.

Theo cuốn sách “Thi nhân đàn cầm Trung Quốc Cố Thánh Anh” viết rằng: vào ngày 31 tháng 1 năm 1967, trong phòng tập của Dàn nhạc Giao hưởng Thượng Hải, những kẻ đại diện “tạo phản phái” đã lôi Cố Thánh Anh lên sân khấu trong hội trường và đánh đập cô trước mặt tất cả mọi người.

Chúng nhiều lần tát vào mặt cô, túm tóc cô, ép cô quỳ trước chân dung Mao Trạch Đông và buộc cô phải “nhận tội”. Đồng thời thông báo rằng cô sẽ phải tham dự cuộc họp phê bình cá nhân đặc biệt vào ngày hôm sau. Cũng có người nói rằng cô còn bị “cạo đầu âm dương” (cạo tóc một nửa đầu, nửa kia để nguyên là một cách miệt thị xúc phạm nặng nề vào thời điểm đó), và phải nhận những lời vũ nhục quá đáng khác đối với nhân cách của mình.

Cũng trong tối cùng ngày, Cố Thánh Anh và mẹ cùng em trai đã đóng kín cửa, bật khí ga…

Cuốn sách “Mạn mạn thiên minh” ghi lại rằng vào ngày 1 tháng 2 năm 1967, tại Bệnh viện Trung tâm ở nguyên khu ở ngõ 749, đường Ngu Viên, vào khoảng 3 giờ sáng, một chiếc xe cứu thương gầm rú chạy vào và đưa ba chiếc cáng xuống. Chiếc cáng bạt bẩn thỉu được đặt dưới sàn phòng cấp cứu, trên cáng có hai người phụ nữ và một người đàn ông, họ đã hoàn toàn tắt thở.

Khi người nam được đưa vào, tay phải của cậu duỗi thẳng về phía trước, trông rất thương cảm. Trời rất lạnh, chẳng bao lâu các thi thể trở nên cứng đờ. Có người nhận ra nghệ sĩ piano Cố Thánh Anh đang nằm trên cáng. Một lúc sau, bác sĩ viết giấy chứng tử, ba chiếc cáng được các y tá đẩy đến nhà xác. Ba thi thể bị đốt cháy vội vàng, ngay cả tro tàn cũng không lưu lại. Ba người đó là người mẹ Tần Thận Nghi, em trai Cố Ác Kì, và Cố Thánh Anh.

Thời điểm này, Cố Thánh Anh tài hoa còn chưa tròn ba mươi tuổi. Học giả nhân văn Triệu Việt Thắng trong bài viết “Giá mà có người lên núi” đã bi thán:“Gia đình ngọc nữ tan nát, cả nhà tuyệt diệt. Hai chữ ‘thảm liệt’ sao có thể nói hết? Huyện Dĩ Xích rộng lớn như thế, mà không có chỗ nào để Cố Thánh Anh ẩn thân; nhân dân nhiều như thế, mà không có bàn tay nào cứu giúp Thánh Anh đào thoát.”

Năm 1975, Cố Cao Địa, 67 tuổi, được “trả tự do sau khi mãn hạn tù”, vội vã trở về Thượng Hải từ trại lao động Thanh Hải. Điều mà ông nhận được là tin vợ con của mình đã tự sát bảy năm trước. Ông, người đã chịu đựng quá nhiều mà chưa bao giờ gục ngã, chỉ sau một đêm đã bạc trắng cả mái đầu. Cố Cao Địa thu thập các di vật của con gái mình ở khắp mọi nơi: đàn piano, bản nhạc, máy đếm nhịp, giấy chứng nhận, nhật ký, ảnh, mô hình tay Chopin… Ông sắp xếp một căn phòng tưởng niệm Cố Thánh Anh, ngày đêm canh giữ nó với nỗi niềm tư niệm.

Hồi ức Cố Thánh Anh, nhạc sĩ Lý Đức Luân bi thống nói vào năm 2000: “Lúc đó, tại Liên đoàn Thanh niên Thế giới lần thứ 6, Molova đến từ Bulgaria cũng đã giành được giải thưởng cùng với Cố Thánh Anh, người cũng chơi piano. Bây giờ Molova vẫn đang hoạt động trong làng âm nhạc thế giới, nhưng Cố Thánh Anh của Trung Quốc chúng ta đã bị chôn vùi trong lòng đất hơn 30 năm. Nghĩ đến đây, tâm tôi tràn ngập nỗi bi lương và sự hối hận thâm khắc…”

Nghệ sĩ piano Lưu Thi Côn cũng cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Vào niên đại “Cách mạng Văn hoá”, xuất thân gia đình là vấn đề được mọi người quan tâm nhất. Cô ấy rất nổi tiếng như vậy, vấn đề gia đình đối với cô ấy thực sự rất khó khăn. Tôi thường nghe cô ấy chơi piano, cảm thụ trong âm thanh dương cầm sự ưu uất của cô ấy, tôi đã hỏi cô ấy nhiều lần: ‘

Cố Thánh Anh, có phải là bạn cảm thấy không vui?’

Cô ấy cười u uất, nói với tôi:

‘Tôi có điều gì vui đâu?’

Người đồng hành thiện lương và thiên tài của tôi, nếu cô ấy vẫn còn sống, thành tựu về phương diện nghệ thuật dương cầm của cô ấy hẳn phải rất to lớn, sẽ mang đến cho mọi người sự hưởng thụ nghệ thuật vô song thông qua màn trình diễn xuất thần nhập hóa của cô ấy.”

Đó là nếu như cô ấy vẫn còn sống… Nhưng, cô ấy đã chết. Ngôi sao mỹ lệ này đã rơi xuống khỏi bầu trời âm nhạc. Mô hình bàn tay Chopin vắng vẻ tiêu điều, lạc âm của dương cầm đoạn đứt. Cố Thánh Anh không thể chấp nhận sự sỉ nhục vô lý và sự phong cuồng của thời đại. Vì thế, cô ra đi, không chút lưu luyến.

Nhiều danh nhân giới âm nhạc gặp hạo kiếp trong Cách mạng Văn hóa

Cuộc “Cách mạng Văn hóa” đã gây ra những thảm họa chưa từng có. Sự hủy diệt đối với giới tinh anh văn hóa là điều khiến người ta bi thống khôn nguôi. Chỉ riêng trong giới âm nhạc ở Thượng Hải, quê hương của Cố Thánh Anh, tấn bi kịch về những danh nhân gặp hạo kiếp vẫn không ngừng phát sinh.

Lục Hồng Ân, nhạc trưởng của Dàn nhạc Giao hưởng Thượng Hải, đã bị bắt trong những năm đầu của Cách mạng Văn hóa vì “phản đối” các bài báo của Diêu Văn Nguyên, và bị xử bắn vào ngày 28 tháng 4 năm 1968. Người chơi viola Chu Hạnh Dung của dàn nhạc cũng bị bức hại và tự sát vào mùa thu năm 1968.

Có 17 “cái chết bất thường” tại Nhạc viện Thượng Hải: Giáo sư Trương Gia Nhân và vợ Trình Trác Như (nguyên phó hiệu trưởng trường trung học trực thuộc Nhạc viện Thượng Hải), hai vợ chồng sau khi bị đấu tố, đã uống thuốc ngủ và sau đó bật khí ga để tự vẫn; Lý Thúy Trinh, trưởng khoa piano, cũng tự sát bằng cách bật khí ga năm 1966; Thẩm Tri Bạch, nhà lý luận âm nhạc, tự sát năm 1968; Trần Hựu Tân, chủ nhiệm khoa dàn nhạc giao hưởng, tự vẫn bằng cách nhảy lầu vào năm 1968…

Khi đó, sự cứng rắn của thủ trưởng các cấp ngành đối với hiện tượng tự sát cũng khiến người ta ớn lạnh. Sau khi một người tự vẫn, đơn vị của họ sẽ buộc tội họ “sợ tội mà tự sát”, khiến họ “tội càng thêm tội”.

Tiểu thuyết gia nổi tiếng Ba Kim nhớ lại trong “Giấc mộng mười năm”, nói: “Lúc đó, mọi người đều như phát điên, thấy một người quen nhảy lầu từ trên cao, họ không thương cảm, trái lại còn mở hội phê bình, hô khẩu hiệu, dùng những ngôn từ ác độc để công kích người đã khuất.” “Hành xử kiểu đó. Sống kiểu đó. Loại quan hệ giữa người với người kiểu vậy. Thực là một màn hắc ám, như thể đang chịu cực hình dưới địa ngục vậy.”

Mời quý vị xem video gốc tại đây.

Theo Epoch Times
Hương Thảo biên dịch