Liên quan đến vụ hổ cắn ngời ở Bình Dương mới đây, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cũng đề nghị chuyển giao 5 con hổ ở Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh (Bình Dương) cho trung tâm cứu hộ. 

Chiều 7/6, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), đã ký văn bản gửi UBND tỉnh Bình Dương đề nghị thu hồi giấy phép thí điểm nuôi hổ bảo tồn tại Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh (thị xã Thuận An) và chuyển giao toàn bộ hổ tại cơ sở này đến trung tâm cứu hộ phù hợp, theo Dân Việt.

Theo ghi nhận của ENV, năm 2007, Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh do ông Huỳnh Văn Hai và bà Huỳnh Thị Mỹ trực tiếp quản lý đã được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương cấp phép thí điểm nuôi hổ và nhiều loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm khác vì mục đích bảo tồn. Các cá thể hổ và ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm này đều có nguồn gốc bất hợp pháp.

Chính vì vậy, trong giấy phép, các cơ quan chức năng cũng yêu cầu cơ sở này phải báo cáo tất cả các biến động về số lượng hổ đến cơ quan chức năng cũng như không được phép buôn bán, vận chuyển, nhốt hoặc tặng, cho hổ và các cá thể ĐVHD nguy cấp, quý hiếm khác mà không được cấp phép.

Năm 2006, Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh bị phát hiện nuôi nhốt hổ trái phép. Tại thời điểm đó, hổ đã là loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm bị nghiêm cấm khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, vì nhiều lí do khác nhau, năm 2007, Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh đã được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương cấp phép nuôi nhốt hổ vì mục đích bảo tồn. Hoạt động nuôi bảo tồn hổ được hiểu là nuôi sinh sản và duy trì nguồn gen thuần chủng của hổ để hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học hoặc tái thả.

Ở một khía cạnh khác, hoạt động nuôi hổ (dưới hình thức vườn thú) nhằm góp phần giáo dục người dân về tình yêu thiên nhiên, ĐVHD cũng có khả năng đóng góp cho công tác bảo tồn, bảo vệ ĐVHD.

Bên trong khu du lịch Thanh Cảnh. (Ảnh: Dân Việt).

Trước đó, Tuổi Trẻ Online đưa tin, ngày 4/6 đã xảy ra một vụ hổ cắn người đàn ông gây thương tích nghiêm trọng tại khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh, phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An. Người đàn ông khoảng 50 tuổi bị thương nặng đã được chuyển đi bệnh viện cấp cứu.

Theo các nhân chứng, sự việc được phát hiện chiều cùng ngày. Khi các nhân viên khu du lịch chạy tới chuồng nuôi nhốt hổ thì thấy người đàn ông nằm bất động trong tình trạng thương tích nặng: toàn bộ cánh tay phải bị hổ cắn đứt rời tới sát vai.

Cánh tay trái cũng bị hổ cắn đứt rời từ khuỷu tay tới bàn tay. Các nhân chứng báo kiểm lâm tỉnh Bình Dương và lực lượng chức năng tới khám nghiệm hiện trường, giải quyết vụ việc.

Được biết, vị trí người đàn ông nằm bên ngoài, sát mép chuồng hổ. Sau khi xảy ra sự việc, con hổ vẫn còn trong chuồng.

ENV là một tổ chức xã hội trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) với nhiệm vụ bảo vệ đa dạng sinh học của đất nước thông qua việc hỗ trợ các cơ quan chức năng tăng cường thể chế, chính sách và thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường và động vật hoang dã (ĐVHD).

Từ năm 2005 đến nay, ENV đã và đang hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc giám sát, xử lý các vi phạm liên quan đến ĐVHD, đồng thời quản lý đường dây nóng hỗ trợ người dân báo cáo các vi phạm về ĐVHD tới cơ quan chức năng.

Thanh Thanh (tổng hợp)