Thị trường mứt Tết đang khá sôi động với đa dạng mặt hàng, màu sắc và chất lượng. Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm chất lượng thì không ít sản phẩm nguồn gốc Trung Quốc hoặc được làm thủ công không đảm bảo vệ sinh.

Thị trường mứt Tết không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Tết là thời điểm thị trường thực phẩm sôi động, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Đặc biệt phải kể đến mứt kẹo, một trong số những mặt hàng không thể thiếu. Mứt kẹo không chỉ được mua để phục vụ gia đình mà còn là mặt hàng được nhiều người lựa chọn để đi biếu, làm quà đôi bên họ hàng. Tuy nhiên vấn đề vệ sinh thực phẩm của mứt tết lại là vấn đề được quan tâm hơn cả.

Mới đây, vào khoảng 10h ngày 29/1/2018, Phòng cảnh sát môi trường đã phát hiện xe ô tô BKS 35C 03769 chạy theo hướng Nho Quan về chợ trung tâm huyện Lạc Thủy – Hòa Bình có nhiều biểu hiện nghi vấn, theo báo Hòa Bình.

Tiến hành kiểm tra hàng hóa vận chuyển trên xe, lực lượng chức năng phát hiện 1.448 hộp mứt tết, mỗi hộp có trọng lượng từ 200 đến 500g, trị giá số hàng trên 50 triệu đồng.

Lái xe là Phạm Văn Tuyển, sinh năm 1991 và Đặng Văn Huy sinh năm 1987 cùng có Hộ khẩu thường trú Lạc Vân, Nho Quan, Ninh Bình khai nhận vận chuyển thuê số hàng trên cho anh Trần Anh Tuấn sinh năm 1957 là giám đốc công ty TNHH DL&TM Thiên Lộc, trụ sở tại Lạc Vân, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

Đến 18h cùng ngày, ông Tuấn đến trụ sở CA tỉnh Hòa Bình làm việc theo yêu cầu nhưng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ và hồ sơ ATTP về số hàng trên. Công ty TNHH DL&TM Thiên Lộc không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP, sử dụng nguyên vật liệu, bao gói sản phẩm không đảm bảo chất lượng vệ sinh ATTP.

Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ việc liên quan đến thị trường mứt tết 2018 khiến người tiêu dùng hoang mang.

Sự thật đằng sau những gói mứt không rõ nguồn gốc

Thời gian vừa qua, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã được nâng cao tuy nhiên, ở một vài cơ sở sản xuất mứt vẫn còn tiếp diễn những hình ảnh như mứt được sản xuất ngay trước mặt tiền nhà, lấn cả đường đi, giày dép để đầy trước ngạch cửa chen lẫn trong đống mứt bán thành phẩm.

Tại một vài cơ sở sản xuất mứt dừa, sau khi cơm dừa được bào thành sợi, những người trong cơ sở lại mang đổ vào những chiếc thùng phi cỡ lớn đặt trước nhà, kế bên là miệng cống rãnh hôi thối. Cơm dừa được ngâm trong một loại nước đặc biệt trong thùng phi. Nhìn vào thấy màu trắng bệch, đặc quánh, kèm mùi khó chịu, theo Đất Việt.

Ghi nhận tại chợ Bình Tây, An Đông, Bà Chiểu,…các loại bánh kẹo mứt tết không nguồn gốc, nhãn mắc, không hạn sử dụng hiện đã được bày bán ngổn ngang. Hàng trăm loại mứt tết, ô mai được bày bán… trần như nhộng, không có bất cứ thứ gì che chắn và cũng chẳng có nhãn mác gì gắn kèm. Các loại ô mai khác như bí đao, kiwi, mơ, mận,… cũng không có xuất xứ nào ngoài lời chào mời có cánh của chủ hàng.

Mứt làm thủ công được bày bán. (Ảnh: Quà Tết Ta)

Một trong những vấn đề khiến người tiêu dùng băn khoăn nhất hiện nay đó là sự chênh lệch giữa giá bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng và giá sỉ của các mặt hàng mứt tết “không nhãn mác” quá cao.

Mứt me giá bán lẻ tại chợ là 220 ngàn đồng/kg, nhưng bỏ sỉ cho thương lái chỉ có 150 ngàn (chênh lệch đến 70 ngàn đồng/kg); mứt dừa giá lẻ 160 ngàn nhưng giá sỉ có 135 ngàn đồng; mứt gừng lát bán lẻ 120 ngàn đồng trong khi giá sỉ 80 ngàn đồng; mứt tắc giá bán lẻ 130 ngàn đồng, giá bỏ sỉ 90 ngàn đồng; mứt sen giá bán lẻ 150 ngàn đồng, giá sỉ 110 ngàn… theo ghi nhận của Báo Nông Nghiệp.

Ngoài ra, còn có các loại hạt như hướng dương, dưa, bí, hạnh nhân, điều, mắc ca… được các cơ sở kinh doanh hoặc nhập khẩu đóng gói từ 5-20kg có giá chênh lệch giữa bán lẻ và sỉ khá cao từ 40-60 ngàn đồng/kg.

Hỏi vì sao có mức chênh lệch quá cao giữa bán sỉ và lẻ của tất cả các loại mứt, hạt “không nhãn mác”, chị Lê Vy, một tiểu thương cấp 1 (còn gọi là nhà phân phối đi các tỉnh) ở chợ An Đông giải thích, thông thường các loại mứt không nhãn mác hiện nay nhập về từ 3 nguồn chính, một là từ các cơ sở kinh doanh; hai là, các hộ gia đình và sau cùng là nhập khẩu từ nước ngoài mà chủ yếu từ Trung Quốc nên giá cả vênh nhau khá lớn.

Thực phẩm nhà làm không có nhãn mác, nguồn gốc

Là thực phẩm không thể thiếu trong ngày Tết nhưng lại  bị xem nhẹ vấn đề an toàn (Ảnh: Sở hữu trí tuệ)

Những năm gần đây “thực phẩm nhà làm” cũng đang lên ngôi. Tuy nhiên theo ghi nhận, hầu hết những sản phẩm bán trên chợ mạng được quảng cáo “tự tay nhà làm” đều không có nhãn mác hay bất kỳ một thông tin gì về sản phẩm.

Nhiều người đã mua thực phẩm “nhà làm” trên chợ mạng cho biết họ mua vì niềm tin vào người bán. Vì người bán là bạn bè, người thân quen, do bạn bè giới thiệu, nên họ tin tưởng, chứ người bán cũng không đưa ra được giấy tờ chứng nhận nguyên liệu hay chứng nhận quy trình sản xuất sản phẩm đó là an toàn.

Một đại diện Chi cục QLTT TP.HCM đã thừa nhận rằng: “Năm nào cũng vậy, sắp đến Tết Nguyên đán, bánh mứt kẹo luôn được người tiêu dùng quan tâm. Trong đó, mối nguy hại từ những sản phẩm không đảm bảo vệ sinh ATTP do nhập khẩu hay từ những cơ sở sản xuất thủ công không đảm bảo VSTP trong khâu chế biến, hay tiềm ẩn dùng các loại phụ gia không được phép sử dụng trong ngâm, tẩm ướp hay tạo màu sắc bắt mắt… là một thực tế đáng lo ngại. Mặc dù các cơ quan chức năng đã và đang phối hợp thanh kiểm tra chặt chẽ các mặt hàng mứt tết, nhưng do mứt là mặt hàng rất đa dạng nên nói thật rất khó kiểm soát về chủng loại, nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng”.

Lời khuyên cho người tiêu dùng

Mọi người cần cảnh giác với những loại mứt có bao bì bắt mắt, ngày sản xuất ghi không rõ ràng. Những loại mứt có màu sắc tươi sáng, đẹp mắt phần nhiều lại do dùng màu công nghiệp, rất có hại đến sức khỏe. Vì vậy, khi chọn mứt nên chọn mua loại có bao bì với nhãn hiệu, địa chỉ rõ ràng và chế biến bằng phương pháp an toàn đã được cấp chứng nhận bởi các các cơ quan chức năng.

Ánh Tuyết