Thời gian khai quật di tích Hải Vân Quan từ ngày 5/5 đến 3/9 trên diện tích 600 m2 với mục đích lấy dữ liệu xây dựng dự án quy hoạch trùng tu tổng thể công trình.

Theo Zing, việc khai quật di tích Hải Vân Quan được giao cho trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cùng Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Chủ trì khai quật đợt này là ông Nguyễn Ngọc Chất – nhà nghiên cứu ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Đợt khai quật nhằm mục đích làm phát lộ các dấu vết của tường thành, bậc cấp, đồn phòng thủ của Hải Vân Quan, phục vụ cho việc nghiên cứu và xây dựng dự án quy hoạch trùng tu tổng thể công trình.

Trong thời gian khai quật, các cơ quan được cấp giấy phép cần bảo vệ địa tầng của di tích. Những hiện vật thu được thì tạm lưu giữ ở Bảo tàng cổ vật cung đình Huế để bảo quản, tránh hư hỏng, thất lạc.

Rà phá bom mìn trước khi khai quật di tích quốc gia Hải Vân Quan
Đây là di tích được du khách rất quan tâm. (Ảnh: Điền Quang)

Trước đó, trung tâm đã cho rà phá bom mìn thu dọn toàn bộ khu vực để đảm bảo an toàn.

Hai sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng sẽ đưa ra đề xuất phương án phân chia hiện vật trình Bộ trưởng Văn hóa.

Rà phá bom mìn trước khi khai quật di tích quốc gia Hải Vân Quan
Hải Vân Quan được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 14/4/2017. (Ảnh: Báo Giao Thông)

Tuổi Trẻ đưa tin, trong khoảng thời gian dài, Hải Vân Quan bị xuống cấp nghiêm trọng vì di tích này nằm giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên – Huế.

Cuối năm 2016, Đà Nẵng và Thừa Thiên – Huế đã liên kết để cứu di tích này. Ngành văn hóa hai địa phương đã ký biên bản ghi nhớ để thực hiện các bước trùng tu di tích Hải Vân Quan.

Hải Vân Quan được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 14/4/2017. Đây là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật nằm trên địa bàn thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên- Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, Tp. Đà Nẵng).Đây là công trình xây từ đời Trần và được trùng tu vào thời Nguyễn (năm Minh Mạng thứ 7 – năm 1826), nằm ở độ cao 490 m so với mực nước biển, là cụm bố phòng quân sự với nhiều công trình gồm hệ thống thành lũy, nhà kho, trụ sự, pháo đài thần công. Dưới thời Nguyễn, Hải Vân Quan là cửa ải quan trọng, là cửa ngõ vào kinh đô Huế từ phía Nam.

Thanh Thanh