Các nhà khoa học vừa phát hiện ít nhất 3 di cốt người tiền sử cùng hàng vạn mẫu vật độc đáo từ 7.000-4.000 năm trước trong hang động núi lửa Krông Nô (tỉnh Đắk Nông).

Các nhà khoa học và khảo cổ học Việt Nam vừa phát hiện được di tích cư trú của người tiền sử trong hang động núi lửa ở Công viên Địa chất núi lửa Krông Nô (Đắk Nông). Ít nhất 3 di cốt người và hàng vạn vỏ ốc biển cùng số lượng lớn di vật đá, gốm, xương răng động vật, vỏ nhuyễn thể… đã được tìm thấy, theo VnExpress.

Các nhà khoa học xác định di vật thuộc Trung kỳ Đá mới cách đây 7.000-5.000 năm, diễn biến liên tục đến Hậu kỳ Đá mới – sơ kỳ Kim khí cách đây 5.000-4.000 năm và khi con người rời khỏi hang.

Ngoài ra, trong hang động núi lửa Krông Nô còn bảo lưu dấu tích văn hóa, mộ táng và hoạt động sống của các bộ lạc thời tiền sử.

phat hien xuong nguoi tien su hiem gap trong hang nui lua krong no dak nong
Khai quật khảo cổ học trong hang động núi lửa Krông Nô. (Ảnh: Báo Đắk Nông)

TS. La Thế Phúc (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết trên VTC News, lần đầu tiên Việt Nam phát hiện di chỉ khảo cổ tiền sử trong các hang động núi lửa gồm có các mảnh gốm, công cụ đá, mảnh tước, phác vật, xương răng động vật, vỏ nhuyễn thể nước ngọt. Đây là di sản hỗn hợp độc đáo duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á, rất hiếm gặp trong hang động núi lửa trên thế giới.

phat hien xuong nguoi tien su hiem gap trong hang nui lua krong no dak nong
Xương người tiền sử được phát hiện trong hang động núi lửa Krông Nô. (Ảnh: Báo Đắk Nông)

Cũng theo TS Phúc, kết quả khai quật còn là minh chứng cho loại hình di tích cư trú, di tích công xưởng và di chỉ mộ táng ở Krông Nô của cư dân tiền sử từ 7.000-4.000 năm trước.

Kết quả khai quật khảo cổ sẽ đóng góp nội dung quan trọng và có tính thuyết phục cao cho hồ sơ Công viên Địa chất Núi lửa Krông Nô dự kiến sẽ trình UNESCO vào tháng 11/2018.

An An (Tổng hợp)