Là một nước nông nghiệp, xác định nông sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực với giá trị lên tới hàng tỷ USD, song nông sản Việt lại chật vật khi cạnh tranh tại chính thị trường nội địa, đặc biệt là việc đưa vào hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 10 ước đạt 330,5 triệu USD, tăng tới 37,75% so với tháng 10/2017. Tính chung 10 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu rau quả đã đạt 3,3 tỷ USD, ước tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Những con số xuất khẩu ấn tượng là thế, nhưng tại thị trường nội địa, nông sản Việt vẫn chật vật trong con đường chen chân vào các siêu thị, trung tâm thương mại.

Báo Hải Quan dẫn nguồn của cơ quan thống kê cho biết Việt Nam có hệ thống thương mại hiện đại với hơn 9.000 chợ, 800 siêu thị, 130 trung tâm thương mại và khoảng 4.000 siêu thị mini cùng các cửa hàng tự chọn. Tuy nhiên, tỷ lệ nông sản sạch của Việt Nam vào được các hệ thống thương mại hiện đại chỉ chiếm từ 7-10%. Như vậy nghĩa là còn tới 80-90% hàng hóa nông sản được bán tự do ở các chợ, cửa hàng lẻ và hàng rong.

Con số hàng nông sản sạch tiêu thụ tại siêu thị, trung tâm thương mại nêu trên được đánh giá là khá nhỏ bé so với năng lực sản xuất của Việt Nam.

TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội), đánh giá: Hàng Việt nói chung, nông sản Việt nói riêng không tham gia được vào chuỗi, hệ thống phân phối lớn, lý do đầu tiên là chất lượng, thương hiệu hàng hóa chưa đủ tầm để được đưa vào mạng lưới phân phối. Chất lượng, mẫu mã cũng như tính ổn định của sản phẩm Việt rất hạn chế.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, thừa nhận nông sản Việt vào hệ thống thương mại với giá thành cao rất khó cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại. Ngoài ra, người Việt vẫn còn thói quen mua hàng ở các chợ cóc, chợ dân sinh vì thuận tiện và tiết kiệm thời gian.

Một yếu tố khác khiến việc đưa nông sản Việt vào siêu thị trở nên khó khăn, đó là người nông dân, nhà sản xuất chưa kiểm soát, đảm bảo được chất lượng hàng hóa đạt tiêu chuẩn đưa vào siêu thị.

Nhìn nhận ở góc độ khác, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội chia sẻ trên VOV, nông sản Việt khó vào siêu thị một phần bởi sự thiếu trách nhiệm, chèn ép của đơn vị phân phối khi đưa ra mức chiết khấu cao với các nhà cung ứng. Mức chiết khấu cho sản phẩm nông sản vào siêu thị thông thường lên tới tới 25-30%, cộng với những chi phí bất hợp lý khác.

Việc nông sản Việt gặp khó khăn khi tiêu thụ tại các siêu thị đã cản trở quá trình tiếp cận, làm thu hẹp cơ hội được sử dụng sản phẩm đảm bảo chất lượng của người tiêu dùng Việt Nam. Bên cạnh đó, khi nông sản phải chịu mức chi phí cao để vào siêu thị sẽ đẩy giá thành lên cao, hệ lụy là khả năng cạnh tranh của nông sản Việt sẽ bị giảm so với các sản phẩm nhập khẩu cùng loại.

Để tháo gỡ những bất cập trong việc đưa nông sản vào siêu thị, nhiều chuyên gia cho rằng điểm quan trọng nhất là cần luật hóa khâu phân phối. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất lớn theo quy hoạch của từng địa phương và từng vùng có lợi thế cho sự phát triển các loại nông sản.

Là doanh nghiệp vừa cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào, vừa phối hợp với các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ nông sản cho nông dân, ông Phan Minh Tâm, Giám đốc Maketing Công ty Phân bón Bình Điền, mong muốn rằng nếu sự hỗ trợ các đơn vị cung ứng đầu vào kết nối với các đơn vị tiêu thụ đầu ra cùng nông dân liên kết với nhau, các doanh nghiệp và nông dân sẽ có nhiều lợi thế hơn trong việc sản xuất, tiêu thụ nông sản.

(Tổng hợp)