Những kệ hàng trong các hiệu thuốc trống rỗng, trong khi thuốc bán rong ở “chợ đen” bị “hét” giá cao ngất ngưởng vì kinh tế khủng hoảng. Nhiều người dân Venezuela đã phải chọn uống kháng sinh của chó hay thuốc giảm đau của mèo để chữa bệnh, theo Bloomberg.

Giống như nhiều người khác sống ở thủ đô Caracas (Venezuela), bà Elena đã đến ít nhất 6 hiệu thuốc để mua những loại thuốc phổ thông nhất theo đơn được bác sĩ kê. Tuy nhiên, như những lần khác, bà không mua được gì và phải đến… tiệm thuốc thú y.

Hiện tượng này ngày càng trở nên phổ biến gần đây. Nhiều người dân Venezuela đang tìm đến các bác sỹ thú y để mua thuốc vì tình trạng khan hiếm thuốc ở các hiệu thuốc thông thường. Bên cạnh đó, những người bán thuốc rong ở chợ đen lại rao giá quá cao cho nhiều loại thuốc có nguồn gốc đáng ngờ.

Vì vậy, nhiều người dân Venezuela thà chọn uống kháng sinh cho chó hay thuốc giảm đau cho mèo hơn là uống thuốc không rõ nguồn gốc.

“Tôi thực sự tức giận vì phải dùng thuốc thú y. Cô con gái 18 tuổi bị bệnh viêm gan của tôi cũng phải dùng thuốc của động vật. Thật khủng khiếp khi chúng tôi phải làm việc này”, bà Elena vừa nói vừa khóc.

Kinh tế khủng hoảng, nhiều người dân Venezuela phải dùng thuốc thú y để chữa bệnh
Nhiều người Venezuela biểu tình vì tình trạng khan hiếm thuốc chữa bệnh. (Ảnh: Bloomberg)

Theo Fernando Navia, bác sĩ thú ý tại Caracas, các loại thuốc cho động vật có thể có những thành phần tương tự như các loại thuốc được sản xuất cho con người.

Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp các thành phần gần giống nhất, chúng vẫn có sự khác biệt lớn trong liều lượng và có thể có các thành phần không hoạt động.

Hơn nữa, các loại thuốc thú y không được nhập khẩu thông qua các kênh do chính phủ quy định nên cũng không được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ.

Kinh tế khủng hoảng, nhiều người dân Venezuela phải dùng thuốc thú y để chữa bệnh
Những loại thuốc được bày bán trong một cửa hàng thuốc thú y tại Caracas. (Ảnh: Bloomberg)

Stewart Sembergman, một bác sĩ tại một bệnh viện công ở Caracas, cho biết ông nói với các bệnh nhân rằng thuốc thú y chỉ là lựa chọn cuối cùng. Song, ông cũng nhấn mạnh không dùng bất kỳ các loại thuốc nào khi bị bệnh còn nguy hiểm hơn.

Dù vậy, chính phủ Venezuela vẫn không chịu thừa nhận công khai sự thiếu hụt thuốc, thực phẩm, tiền mặt, phụ tùng xe hơi, vật liệu xây dựng hoặc bất cứ thứ gì khác do tình trạng khủng hoảng kinh tế.

Kinh tế Venezuela không ngừng rơi vào vũng lầy khủng hoảng kể từ khi ông Maduro nắm quyền vào tháng 4/2013. Chính phủ nước này cuối năm 2017 cũng đã tuyên bố vỡ nợ, song ông Maduro vẫn hy vọng sẽ tái đắc cử Tổng thống trong cuộc bầu cử ngày 20/5 tới.

Nguyễn Trang