Những nỗ lực mới nhất trong phiên họp ngày 17/10 để đạt được thỏa thuận “chia tay” giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit lại một lần nữa thất bại, khiến giới doanh nghiệp nước này hoang mang về tương lai của mình.

Anh đã từng dự kiến sẽ rời EU vào ngày 29/3/2019 nhưng có thể sẽ không thể thực hiện được bởi các cuộc đàm phán luôn trong tình trạng bế tắc. Nhiều khả năng việc này sẽ phải kéo dài đến cuối năm 2021.

Việc kéo dài này khiến nhiều doanh nghiệp tại Anh không biết số phận của họ trong tương lai sẽ đi về đâu.

Sự không chắc chắn xung quanh Brexit đã khiến nền kinh tế Anh và các doanh nghiệp bị tổn thương. Đầu tư kinh doanh đang sụt giảm vì các công ty đã lên kế hoạch chuyển hướng nguồn lực và các dự án mới chuẩn bị cho Brexit.

Để sẵn sàng cho cuộc sống ngoài EU, hàng loạt các doanh nghiệp bao gồm hãng hàng không EasyJet phải mở thêm các văn phòng đại điện mới tại nhiều quốc gia khác.

Vô số ngân hàng như Goldman Sachs, Ngân hàng Mỹ (BAC) và JPMorgan Chase cũng đã chi một khoản tiền khổng lồ cho việc thiết lập chi nhánh mới ở các thành phố thuộc châu Âu.

Theo con số mà chính phủ Anh thống kê, đã có khoảng 5.000 nhân viên làm trong ngành ngân hàng rời khỏi nước này khi Brexit còn chưa diễn ra. Hàng nghìn người khác cũng có thể đi theo.

chia tay hoac khong brexit van se ton thuong kinh te anh
Kinh tế Anh đang có nhiều dấu hiệu chậm lại. (Ảnh: CNN)

Rời khỏi EU, nước Anh đã tự đẩy mình vào một vị thế kinh tế ít thuận lợi hơn trong thị trường chủ chốt.

Brexit khiến Anh mất đi một thị trường ổn định 500 triệu dân ở các nước EU, dẫn tới thiệt hại 6% GDP vào năm 2020, bởi hơn một nửa số hàng hóa xuất khẩu của Anh hiện có điểm đến là các nước EU, đóng góp từ 4-5% GDP. Ngoài ra, ngành ngân hàng, vốn đóng góp tới 8% tổng sản lượng kinh tế Anh, cũng sẽ bị ảnh hưởng khi Anh không còn là thành viên của EU.

Ngân hàng UBS của Thụy Sỹ ước tính uy mô kinh tế Anh thu hẹp khoảng 2% so với giai đoạn trước Brexit. Anh vốn là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong các nhóm nước G7 trước khi cuộc chưng cầu dân ý về Brexit được diễn ra vào tháng 6/2016. Tuy nhiên, hiện tại, xứ sở sương mù lại là nước có tăng trưởng chậm nhất.

Chính phủ Anh dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ hạ nhiệt, chỉ còn 1,5% trong năm nay và 1,3% vào năm 2019.

Thậm chí, danh tiếng của nước Anh cũng bị ảnh hưởng. Theo một báo cáo của EY công bố vào tháng 6, Vương quốc Anh tuy vẫn là một trong những điểm đến đầu tư trực tiếp nước ngoài ở châu Âu, nhưng đã có sự suy giảm về vị trí.

Không “chia tay ” cũng tổn thương

Thủ tướng Anh Theresa May đã tìm cách đàm phán một thỏa thuận để đưa Anh ra khỏi EU. Tuy nhiên, Quốc hội Anh lại luôn phản đối quyết định này của bà May.

Nếu Thủ tướng Theresa May không có được đủ số phiếu chấp thuận trong Quốc hội, Anh sẽ không thể rời EU đúng theo thời gian đã đặt ra. Khi đó, Anh sẽ sụp đổ vì thảm họa kinh tế.

Không đạt được thoả thuận đồng nghĩa với việc đồng bảng Anh sẽ gặp tổn thất lớn. Đây là một trong những lý do khiến mức độ tăng trưởng của xứ sở sương mù có thể sụt giảm trong một năm tới.

Đồng bảng Anh mất giá sau cuộc bỏ phiếu Brexit đã khiến hàng nhập khẩu vào nước này trở nên đắt đỏ hơn. Các công ty không thể tự “ăn” những chi phi bổ sung đó nên đã chuyển chúng tới cho khách hàng, dẫn đến giá cả tăng mạnh.

Lạm phát tăng khiến thu nhập thực tế giảm. Tiền lương thực tế của người lao động Anh đã giảm đáng kể chỉ trong vòng 18 tháng sau cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6/2016, trong tình cảnh lạm phát tăng 3% nhưng tiền lương chỉ tăng khoảng 2%.

Anh có nền kinh tế hướng về người tiêu dùng, vì thế người lao động bị giảm thu nhập và không chi tiêu vào những thứ không phải nhu yếu phẩm, nền kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Kiều Ngọc (Tổng hợp)