Trước phản ánh của hành khách về nhiều chuyến bay bị chậm, hủy những ngày gần đây, Vietjet cho biết hãng phải điều chỉnh lịch bay do máy bay giao chậm và nguyên nhân khai thác.

Sáng 15/6, tại sân bay Đà Nẵng, nhiều hành khách của hãng hàng không VietJet Air đã tập trung trước quầy tiếp nhận thông tin của hãng này để giải quyết việc đổi, hủy chuyến liên hoàn. Một số người tỏ ra bức xúc, to tiếng vì bị đổi giờ bay từ sáng đến đêm.

Cụ thể trên báo Người Lao Động, một số hành khách cho biết, họ mua vé của Vietjet trên chuyến bay VJ 506 chặng Đà Nẵng – Hà Nội vào lúc 7 giờ 55 sáng 15/6. Tuy nhiên trong sáng cùng ngày, khi đến sân bay Đà Nẵng làm thủ tục thì hành khách mới nhận được thông tin chuyến bay này bị hoãn đến 23 giờ cùng ngày.

Hành khách Trần Văn Thắng phản ứng về việc chuyến bay chiều nay bị đổi giờ sang sáng 16/6. (Ảnh: Nguyễn Đông/VnExpress)

Giải thích tình trạng trên, đại diện Vietjet Air cho hay, việc điều chỉnh lịch bay là do “máy bay giao chậm từ nhà sản xuất máy bay và nguyên nhân khai thác”, báo VnExpress thông tin. 

Đại diện doanh nghiệp nói: “Để giảm thiểu tác động của việc này, Vietjet đã điều chỉnh lịch bay, tăng cường thuê thêm tàu bay thuê ướt (thuê cả máy bay và phi hành đoàn) để phục vụ nhu cầu của khách. Tuy nhiên thời gian giao tàu của nhà sản xuất trễ liên tục nên làm ảnh hưởng tới hoạt động khai thác của hãng”.

Nhiều hành khách không đồng ý vì chính sách hoàn vé và hỗ trợ của Vietjet khi hủy chuyến. (Ảnh: Bích Vân/Người Lao Động)

Cũng theo vị này, một số chuyến bay khác bị ảnh hưởng dây chuyền. Hành khách trên các chuyến bay bị ảnh hưởng được hỗ trợ chuyển chuyến bất kỳ miễn phí trong tháng 6, hoàn vé theo nhu cầu và hỗ trợ chi phí bồi thường thiện chí theo quy định.

Bồi thường hoãn, hủy chuyến bay như thế nào?

Theo Thông tư 27/2017 của Bộ Giao thông Vận tải về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014 (quy định chất lượng dịch vụ hành khách tại cảng hàng không) và Thông tư 14/2015 (quy định về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không), hãng bay phải thông báo cho hành khách khi chuyến bay bị chậm 15 phút trở lên.

Nội dung thông báo gồm có lý do việc chậm chuyến; thời gian cất cánh dự kiến hoặc kế hoạch bay thay thế; kế hoạch phục vụ hành khách; bộ phận trợ giúp hành khách. Đồng thời, hãng vận chuyển phải xin lỗi hành khách vì chậm, hủy chuyến.

Ngoài ra, hãng hàng không bán vé cho hành khách phải phục vụ ăn uống cho hành khách trong thời gian chờ đợi tùy theo thời gian chậm, hủy chuyến. Cụ thể, chậm từ 2 giờ phải phục vụ nước uống; từ 3 giờ trở lên phải phục vụ ăn; từ 6 giờ trở lên (đối với chuyến bay từ 7 giờ đến trước 22 giờ) phải bố trí nơi nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế của sân bay.

Trong trường hợp chậm trên 6 giờ vào ban đêm (từ 22 giờ hôm trước đến trước 7 giờ hôm sau), hãng phải bố trí chỗ ngủ, nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương hoặc giải pháp thay thế nếu được sự đồng ý của hành khách; đồng thời có trách nhiệm chuyển đổi hành trình của hành khách trong phạm vi cung cấp dịch vụ của mình để hành khách tới được điểm cuối của hành trình một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất…

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng quy định 4 mức bồi thường đối với chuyến bay trong nước và 4 mức đối với chuyến bay quốc tế, căn cứ vào độ dài đường bay.

Cụ thể, mức bồi thường hủy, chậm chuyến kéo dài đối với đường bay trong nước là từ 200.000 đồng/người/đường bay dưới 1.000 km đến 400.000 đồng/người/đường bay từ 1.000 km. Đối với đường bay quốc tế, mức bồi thường từ 25 USD/người/đường bay dưới 1.000 km đến là 150 USD/người/đường bay trên 5.000 km. Việc bồi thường được thực hiện bằng tiền mặt, vé miễn cước hoặc chuyển khoản cho hành khách.

Tuy nhiên, hãng hàng không được miễn trừ nghĩa vụ trả tiền bồi thường ứng trước không hoàn lại trong trường hợp hành khách được vận chuyển miễn phí; hành khách được vận chuyển theo giá giảm áp dụng đối với nhân viên hãng hàng không, nhân viên đại lý của hãng hàng không, đối tác, bạn hàng sử dụng vé miễn giảm cước. Trường hợp một chuyến bay bị chậm kéo dài, sau đó hủy thì việc bồi thường ứng trước không hoàn lại chỉ áp dụng 1 lần.

Thế Tam (tổng hợp)