Cây hoa khổng lồ trồi lên trong một nhà dân ở huyện Châu Thành khiến hàng trăm người hiếu kỳ, kéo nhau đến xem, cúng vái.

Mấy ngày qua, hàng trăm người dân kéo đến nhà dân ở ấp Tân Hưng, xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang xem hoa lạ mọc lên từ lòng đất. Người dân địa phương không biết hoa này vì chưa từng thấy bao giờ., theo VTC News.

Ông Danh Tóc (84 tuổi) ở xã Giục Tượng, huyện Châu Thành (tỉnh Kiên Giang) cuối tuần trước phát hiện nụ hoa lạ cạnh hàng rào trước sân nhà.

Hai hôm nay cây hoa nở lớn dần, không có lá, cao khoảng 30 cm, tán rộng 30 cm, đài hoa hình loa kèn, nhuỵ rất dài. Gia chủ xây bệ gạch bao quanh để bảo vệ hoa, theo VnExpress.

“Tôi không biết hoa tên gì. Nó tự mọc chứ không ai trồng cả”, ông Danh Tóc nói.

Nhiều người đến xem cây hoa lạ, thắp nhang cúng bái. (Ảnh: Lan Vy).

Thấy hình thù kỳ lạ, gia đình ông cho rằng đây là bông hoa thần, linh thiêng nên xây gạch bao quanh và lập bàn thờ thắp hương.

Hay tin cây hoa lạ, hàng trăm người ở các nơi kéo đến nhà ông xem. Có người còn mang trái cây, thắp nhang cúng.

Hoa được xác định là cây nưa chuông, hay còn gọi là khoai nưa, tên khoa học là Amorphophallus paeoniifolius (Dennst) Nicolson. Nưa chuông phân bố khá rộng ở các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc và Australia; thường ra hoa vào khoảng tháng 4-5.

Tại Việt Nam, nưa chuông sinh sống rải rác trong khu rừng thứ sinh các tỉnh miền Bắc.

Sau một thời gian mọc, nưa chuông có mùi rất thối nhưng là loại thức ăn tốt cho người bệnh tiểu đường và bệnh béo phì. Bột củ nưa được một số nơi dùng sản xuất bánh mỳ.

Không chỉ làm thức ăn, theo tài liệu nghiên cứu tại Vườn thực vật Hoàng gia Anh (KEW), nưa chuông còn là loài cây thuốc quý có thể chữa các bệnh viêm, ho, đầy hơi, táo bón, thiếu máu, bệnh trĩ, giảm đau và mệt mỏi. Song, củ loài này có độc nhẹ nên khi ăn cần đun kỹ hoặc ngâm với vôi trước khi đun.

Thanh Thanh (tổng hợp)