Tại hội nghị toàn quốc ngành nội vụ sáng 15/1, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng kiến nghị TƯ bổ sung cơ chế được áp dụng ngay bộ máy như mô hình quận (không làm tăng đơn vị hành chính) đối với 4 huyện ngoại thành: Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm.

Huyện Hoài Đức được đề xuất lên quận. (Ảnh: Dân trí)

Báo Đất Việt thông tin, theo ông Sáng, với đề xuất trên Thành phố có thể áp dụng mô hình quản lý đô thị, trên các lĩnh vực xây dựng, quy hoạch… thay vì để các huyện tự phát thực hiện cho đến khi đủ tiêu chí theo quy định.

“Nếu 4 huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm sớm thành quận theo định hướng quản lý mô hình chính quyền đô thị thì sẽ giảm được 164 cán bộ chuyên trách, hơn 2.000 đại biểu HĐND cấp phường xã”, ông Sáng nói.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng. (Ảnh: Võ Hải/VnExpress)

VnExpress cho biết, ông Sáng cũng đề nghị phân cấp cho Hà Nội được quyết định điều chỉnh chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện; quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố; quyết định vị trí việc làm cho các đơn vị sự nghiệp công lập. 

“Đề nghị phân cấp cho Hà Nội được quyết định cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức tương tự như TP HCM đã được Quốc hội thông qua”, ông Sáng nói.

Cũng theo Giám đốc Sở Nội vụ, việc quản lý, giao biên chế hành chính hiện nay chưa phù hợp với thực tiễn của các đô thị đang phát triển rất nhanh như Hà Nội và TP. HCM, với khối lượng công việc rất lớn, tính chất phức tạp, nhạy cảm ngày càng cao. Điển hình, Hà Nội có dân số gần 8 triệu người, đứng thứ 2 cả nước, và mỗi năm có thêm 70 vạn người nhập cư, số lượng giao dịch hành chính lớn với trung bình hơn 4 triệu hồ sơ hành chính mỗi năm.

Đại lộ Thăng Long là một trong những tuyến đường huyết mạch của thủ đô đi qua huyện Hoài Đức. (Ảnh: Tiền Phong)

“Mặc dù có cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin mức độ 3 và 4, xong việc liên tục giảm biên chế hành chính là một điều hết sức khó khăn trong cân đối, bố trí biên chế đúng vị trí việc làm đã được xây dựng, công chức chịu sức ép lớn về khối lượng công việc được giao”, ông Sáng cho hay, đồng thời kiến nghị trung ương nghiên cứu việc cắt giảm biên chế hành chính cơ học hàng năm, hoặc có cơ chế cho địa phương dùng nguồn thu tăng thêm để sử dụng công chức hợp đồng có thời hạn đối với một số vị trí để đáp ứng ngay yêu cầu của hoạt động công vụ.

Cùng với đó, Hà Nội cũng kiến nghị trung ương có cơ chế, chính sách để chuyển sang tự chủ đối với khối giáo dục, để không ảnh hưởng đến an sinh xã hội mà vẫn đảm bảo mục tiêu tinh giản biên chế, theo Tiền Phong.

Năm 2013, sau khi huyện Từ Liêm được tách làm hai quận, tổng số quận của Hà Nội tăng lên thành 12 (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Long Biên, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm).

Ngoài ra, thành phố có 17 huyện và một thị xã, với tổng số đơn vị hành chính cấp xã là 584 (386 xã, 177 phường, 21 thị trấn), gần 8.000 thôn, tổ dân phố.

Hồng Hoa (tổng hợp)