Chuyên mục ĐIỂM TIN CHIỀU ngày 20/3 xin gửi đến quý độc giả những tin đáng chú ý sau:

Bộ Công Thương chính thức tăng giá điện 8,36%

Theo quyết định vừa được Bộ Công thương ban hành, giá điện tăng lên mức 1.864,04 đồng/kWh từ hôm nay (ngày 20/3).

Trao đổi với Thanh Niên sáng nay (ngày 20/3), lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, quyết định có hiệu lực từ hôm nay. Theo đó, giá điện sẽ tăng 8,36%, từ mức 1.720,65 đồng/kWh như hiện nay lên mức 1.864,04 đồng/kWh.

Theo Dân Trí, chiều nay (20/3), Bộ Công Thương sẽ có một buổi họp báo trao đổi thông tin chính thức về điều chỉnh giá điện năm 2019.

Như vậy, kể từ tháng 12/2017, tức sau hơn 2 năm giữ ổn định, giá bán lẻ điện bình quân sẽ chính thức tăng từ hôm nay, với mức tăng 8,36%, giá bán lẻ điện bình quân từ 1.720,65 đồng/kWh đã tăng lên gần 1.850 đồng/kWh.

Chính thức tăng giá điện từ ngày 20/3. (Ảnh: EVN)

Trước đó, trong buổi họp ngày 5/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ Công Thương đã lên phương án tăng giá điện với mức tăng 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành. Theo đó, giá điện dự kiến tăng từ 1.720 đồng lên khoảng 1.850 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, trước khi có quyết định điều chỉnh giá điện chính thức vào ngày hôm nay, Chính phủ đã họp với Bộ Công thương và các bộ ngành liên quan về vấn đề tăng giá khí bán cho điện.

Như vậy, cùng với việc giá than đã được điều chỉnh từ hồi đầu năm, giá khí cũng được điều chỉnh. Hầu hết các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh điện đều tăng, tạo áp lực lên giá bán lẻ điện.

Hà Nội dự kiến dừng đăng ký mới xe máy tại nội thành

Chiều 19/3, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thông tin về đề án “Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030” theo nghị quyết của HĐND thành phố, theo VnExpress.

Đề án này là một trong những nội dung thực hiện lộ trình quản lý phương tiện giao thông nhằm chống ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường đã được HĐND TP Hà Nội thông qua tại kỳ họp tháng 7/2017.

Theo đó, thành phố dự kiến hạn chế đăng ký mới xe máy tại các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ vào năm 2020 và mở rộng sang các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân và huyện Gia Lâm, Đông Anh năm 2025.

Trong giai đoạn này, Hà Nội ban hành chính sách hỗ trợ người dân thông qua việc thu mua xe máy cũ dưới 10 năm.

Báo Pháp Luật TP. HCM đưa tin, theo Sở GTVT Hà Nội hiện cơ quan soạn thảo đề án đang nghiên cứu các phương án hạn chế xe máy như: Thí điểm cấm xe máy theo giờ cao điểm vào các ngày trong tuần (từ thứ 2 đến thứ 6) trên các trục đường hướng tâm, có hạ tầng giao thông, phương tiện vận tải công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Có sáu tuyến phố là các trục giao thông hướng tâm được xem xét nghiên cứu gồm:

  • Phố Nguyễn Trãi – đoạn từ vành đai 3 đến đường Láng, lộ trình thí điểm từ năm 2019-2020;
  • Phố Xuân Thủy – Cầu Giấy, dự kiến thí điểm cấm xe máy sau năm 2020, khi tuyến đường sắt đô thị số 3 (đang thi công đoạn Nhổn – Văn Miếu) đi vào hoạt động;
  • Phố Giải Phóng (đoạn từ giao vành đai 3 đến Đại Cồ Việt);
  • Phố Nguyễn Văn Cừ (từ cầu vượt Long Biên đến cầu Chương Dương),
  • Đường Lê Văn Lương (giao vành đai 3 đến đường Láng),
  • Tuyến Trần Duy Hưng – Nguyễn Chí Thanh.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Hà Nội) thông tin, đề án hạn chế xe máy đưa ra hai hình thức phân vùng: Hạn chế hoạt động theo tuyến đường; hạn chế hoạt động theo khu vực. Việc tổ chức hạn chế có thể theo ngày và theo tuần.

(xem chi tiết)

Bộ Giao thông bác đề xuất trông giữ xe dưới gầm cầu vượt

Trả lời UBND TP Hà Nội về đề xuất duy trì một số điểm trông giữ xe dưới gầm cầu, Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản nêu rõ Luật Giao thông đường bộ quy định người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe trên cầu, gầm cầu vượt, theo VnExpress.

Nghị định 11 về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cũng nêu không được sử dụng đất dành cho đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ.

Đoạn gầm cầu vượt chạy qua phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) là điểm trông giữ xe từng bị giải tỏa. (Ảnh: Phương Sơn).

Để cụ thể hóa những quy định trên, Bộ Giao thông đã ban hành thông tư số 35. Đối với các vị trí gầm cầu đường bộ được cấp có thẩm quyền chấp thuận sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời, khi hết thời hạn, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hoàn trả hiện trạng ban đầu và bàn giao cho cơ quan quản lý đường bộ.

“Việc tiếp tục cho phép sử dụng gầm cầu vượt để làm điểm trông giữ xe và sửa đổi một số điều của thông tư 35 theo đề nghị của UBND TP Hà Nội là không có cơ sở pháp lý”, Bộ Giao thông khẳng định.

Bé trai 2 tháng tuổi bị bỏ rơi trước nhà dân ở Lâm Đồng

Người dân tại xã Nam Hà (Lâm Hà, Lâm Đồng) vừa phát hiện một bé sơ sinh khoảng 2 tháng tuổi bị bỏ rơi trước cửa nhà.

Ngày 20/3, ông Tiêu Văn Bính – Chủ tịch xã Nam Hà, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) cho biết, hiện bé trai 2 tháng tuổi bị bỏ rơi đang được giao cho gia đình Trưởng công an xã này chăm sóc, theo Dân Việt.

Ông Bính cho biết, khoảng 3h15 sáng 19/3, trong lúc đang ngủ, anh Nguyễn Văn Nam (33 tuổi, ngụ thôn Sóc Sơn, xã Nam Hà) nghe tiếng chó sủa dữ dội nên dậy kiểm tra.

Cháu bé bị bỏ rơi cạnh túi đồ trước cửa nhà ông Nam. (Ảnh: Dân Việt)

Khi lại gần kiểm tra thì người này phát hiện một bé trai 2 tháng tuổi được quấn trong tã bông màu hồng, bên cạnh một túi nilong màu xanh đựng đồ.

Theo VTC News,cháu bé sức khỏe bình thường, không bị xây xát cơ thể. Anh Nam đã báo cho Công an xã Nam Hà để trợ giúp tìm kiếm người thân.

Hiện, UBND xã Nam Hà đã ra thông báo tìm kiếm người thân của bé trai bị bỏ rơi.

Chuyên mục kính chúc quý độc giả một buổi chiều nhiều niềm vui!

———–

Quý độc giả có thể tải ứng dụng “DKN.TV” trên điện thoại di động để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Đại Kỷ Nguyên News