Chuyên mục ĐIỂM TIN CHIỀU ngày 19/2 xin gửi đến quý độc giả những tin đáng chú ý sau:

Người dân Sài Gòn than nóng kỷ lục, du khách Sa Pa tận hưởng tuyết rơi

Những ngày giữa tháng giêng (âm lịch), thời tiết bỗng trở nên bất thường, đặc biệt là sự đối lập giữa TP. HCM và Sa Pa (Lào Cai). Trong khi người dân Sài Gòn than nắng nóng kỷ lục, không dám ra ngoài vào giờ cao điểm thì nhiều người đổ xô đi du lịch Sa Pa để tận hưởng không khí lạnh và cảnh tuyết rơi.

Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, bức xạ tia UV (tia cực tím) tại TP. HCM đang ở mức 10 (mức cảnh báo). Đây là mức nguy cơ làm bỏng nắng đối với da không được bảo vệ, nếu tiếp xúc khoảng 25 phút ngoài trời.

Trời nắng với lượng bức xạ cao dễ gây ra hiện tượng cháy nắng, bỏng da. (Ảnh: FB/Zing)

Vào những ngày này, nắng nóng với mức nhiệt cao nhất vào ban ngày là 35 độ C, bức xạ UV trong hôm nay (19/2) ở mức 10, sau đó sẽ giảm nhẹ, từ ngày 18-20/2 là ở mức 9.

Zing thông tin, thời tiết nắng nóng khiến nhiều người ngại ra đường, ai cũng than vãn tại sao đang giữa tháng giêng mà trời lại nóng thế này. Nhiều bạn trẻ lo ngại nắng nóng cực điểm chứa tia UV có thể gây ung thư da nên chia sẻ bạn bè cách chống nắng để tránh nguy cơ bị ung thư da.

Trong khi đó tại Sa Pa (Lào Cai), du khách tận hưởng không khí trong lành, thậm chí có cả tuyết rơi. Vào 7h sáng 18/2, trạm khí tượng Sa Pa ghi nhận nền nhiệt độ thấp nhất ở mức 10,8 độ C. Từ trạm khí tượng Sa Pa và đỉnh Fansipan chênh nhau 1.500 m, do đó có thể ước tính nền nhiệt độ trên đỉnh dao động trong khoảng 0,5-1 độ C.

Lúc 8h30 ngày 18/2, đỉnh Fansipan (Sa Pa, Lào Cai) bất ngờ xuất hiện những làn mưa tuyết. (Ảnh: Vũ Minh Quân)

Lúc 8h30 cùng ngày, đỉnh Fansipan (Sa Pa, Lào Cai) bất ngờ xuất hiện những làn mưa tuyết khi nhiệt độ xuống ở mức 0 độ C. Nhiều du khách hào hứng thi nhau chụp ảnh.

Đây là lần đầu tiên trạm khí tượng Lào Cai ghi nhận hiện tượng này. (Ảnh: Vũ Minh Quân)

Đây là lần đầu tiên trạm khí tượng Lào Cai ghi nhận hiện tượng này. Trường hợp xảy ra tương tự như mưa tuyết trên sa mạc mà thế giới đã ghi nhận được.

Người dân du lịch tại Sa Pa rất bất ngờ khi tuyết rơi tại đây. Họ đã tranh thủ ghi lại những khoảnh khắc đẹp trong chuyến đi này.

videoinfo__video3.dkn.tv||a09eb4681__

Video:Tuyết rơi dày ở Sa Pa khiến mọi người thích thú, phấn khích. (Nguồn: FB Helen Nguyen)

Hiện tượng dông lốc, mưa đá sắp vào cao điểm

Dông lốc, mưa đá xảy ra cao điểm từ tháng 3-5. Năm nay, giữa tháng 2 đã xuất hiện mưa đá báo hiệu các hiện tượng thời tiết nguy hiểm đến rất gần.

Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết trên báo VOV, ở nước ta xảy ra cao điểm vào thời kỳ từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm khi có sự chuyển biến thời tiết từ mùa lạnh sang mùa nóng, mùa khô sang mùa mưa.

Hiện tượng mưa đá xuất hiện tại Tây Bắc vào sáng 18/2. (Ảnh: VOV)

“Khi đó có sự gặp gỡ vào xáo trộn mạnh giữa các khối khí nóng và lạnh, khô và ẩm sẽ là điều kiện lý tưởng tạo ra những đám mây đối lưu phát triển mạnh, hệ quả gây ra các trận lốc xoáy, gió giật mạnh, mưa đá trên diện rộng, đặc biệt là ở khu vực các tỉnh vùng núi. Trong năm 2019, xuất hiện ngay giữa tháng 2 này báo hiệu cho thấy dấu hiệu về thời kỳ mưa dông với các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như lốc xoáy, gió giật mạnh, sét, mưa đá,… đã đến rất gần. Thêm nữa với nền nhiệt độ đang có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm trong các tháng gần đây sẽ là điều kiện nhiệt lực góp phần cho chúng ta dự đoán về một mùa thiên tai sẽ diễn ra khó lường, phức tạp trong thời gian tới”, ông Năng cho biết thêm.

Để chủ động ứng phó với thiên tai nói chung và mùa mưa, dông, lốc, sét, mưa đá sắp tới, người dân và chính quyền địa phương cần chú ý theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai từ các cơ quan hữu quan.

Đi tảo mộ ngày rằm, đoàn người bị ong rừng tấn công phải nhập viện

Sáng 19/2, ông Nguyễn Quang Dũng – chủ tịch xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An cho biết, trên địa bàn xã này vừa xảy ra vụ ong rừng tấn công đoàn người đi tảo mộ khiến nhiều người phải nhập viện cấp cứu.

Ông Dũng cho biết trên báo Infonet, sự việc xảy ra vào khoảng 9h30’ ngày 18/2 tại một nghĩa trang thuộc dòng họ Phạm Văn ở gần rú Đèn, thuộc xã Hiến Sơn (huyện Đô Lương).

Sau khi tiến hành phát quang khu vực nghĩa trang của dòng họ, thì bất ngờ bị một đàn ong rừng vỡ tổ bay ra đốt khiến nhiều người bỏ chạy tán loạn.

Người dân phải đến trạm y tế xã cấp cứu sau khi bị đàn ong tấn công. (Ảnh: N.Trần/Tuổi Trẻ)

Báo Công Lý thông tin, sự việc khiến 6 người phải đưa đến Trạm Y tế xã Hiến Sơn để truyền dịch, giải độc. Trong đó, ông Phạm Văn Hiền (63 tuổi, trú xã Hiến Sơn) được chuyển xuống bệnh viện tuyến tỉnh cấp cứu.

Trong số đó có 2 cán bộ xã bị ong đốt. (Ảnh: Soha)

Trong số này có 2 người là cán bộ xã gồm phó bí thư đảng ủy và chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự xã Hiến Sơn. Hiện sức khỏe của các nạn nhân đã ổn định, theo báo Tuổi Trẻ.

Đèn giao thông hư hỏng, ngõ TP. HCM kẹt cứng nhiều giờ

Sáng 19/2, lượng xe đổ vào trung tâm TP. HCM khá đông đúc, giao thông trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã xảy ra tình trạng ùn ứ kéo dài hàng km.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ, từ sáng sớm cùng ngày, khu vực cầu Sài Gòn hướng từ quận 2 vào trung tâm thành phố, các làn xe đều chật kín, xe cộ nhích từng chút một nối đuôi nhau từ đầu cầu phía quận 2 đến giao lộ đường Nguyễn Văn Thương (D1 cũ).

Ùn ứ tại giao lộ Nguyễn Văn Thương (D1 cũ) và Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, hướng từ quận Bình Thạnh ra quận 2. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Trong khi đó, hướng ngược lại cũng ùn ứ không kém, các loại xe chen chúc nối dài từ giao lộ Nguyễn Văn Thương và Điện Biên Phủ lên cả cầu vượt Hàng Xanh.

Theo các tài xế, di chuyển qua đoạn đường 1 km mà phải mất hơn 30 phút. Tới gần 9h cùng ngày, giao thông dần trở lại bình thường.

Lãnh đạo đội CSGT Hàng Xanh cho biết, nguyên nhân là do đèn tín hiệu giao thông tại giao lộ Điện Biên Phủ – D1 gặp sự cố nên dẫn đến cảnh ùn ứ.

Khoảng 8 CSGT tham gia phân luồng hơn 2 giờ, tình hình giao thông mới ổn định lại.

Theo Soha, trong sáng cùng ngày, Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn đã cử người phối hợp cùng nhân viên điện lực xuống khắc phục sự cố về đèn tín hiệu. CSGT cũng đã tăng cường nhân lực đến điều tiết, phân luồng giao thông.

Người và xe kẹt cứng trên đường. (Ảnh: Soha)

Kẹt xe cộng với thời tiết nắng nóng xảy ra ngay từ đầu giờ sáng khiến nhiều người mệt mỏi. Đến hơn 9h sáng cùng ngày, sau hơn hai giờ, ùn ứ giao thông mới được giải tỏa dần.

Chuyên mục kính chúc quý độc giả một ngày vui vẻ!

———–

Quý độc giả có thể tải ứng dụng “DKN.TV” trên điện thoại di động để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Đại Kỷ Nguyên News