Chuyên mục ĐIỂM TIN CHIỀU ngày 6/12 xin gửi tới quý độc giả những bản tin đáng chú ý sau:

Mạng di động 3G/4G của Mobifone bất ngờ bị sập tại Hà Nội và TP. HCM

Trưa ngày 6/12, nhiều người dùng của nhà mạng MobiFone đã không thể truy cập được mạng di động 3G/4G và cũng không thể liên lạc được với tổng đài.

Báo Người Lao Động thông tin, vào khoảng 11 đến 12 giờ trưa nay, một số thuê bao của nhà mạng MobiFone tại TP. HCM phản ánh không thực hiện được cuộc gọi, nhắn tin với nhau. Nhiều người dùng còn cho biết cũng không sử dụng được mạng 4G của MobiFone.

Ngoài ra, việc liên lạc từ các mạng Viettel, VinaPhone sang MobiFone cũng không thực hiện được cuộc gọi. Các thuê bao MobiFone đã liên hệ với tổng đài của MobiFone để hỏi nguyên nhân nhưng không kết nối được với tổng đài.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnamnet)

Sự cố này đã ảnh hưởng tới hàng loạt ứng dụng gọi xe, đặt đồ ăn, ship hàng khi người dùng hay tài xế đều không thể truy cập, khiến công việc cũng bị đình trệ.

Theo thông báo mới nhất trên website chính thức của MobiFone: “Do ảnh hưởng của sự cố lỗi thiết bị mạng data 3G/4G, khoảng 11h30’ ngày 6/12/2018, khách hàng của MobiFone tại một số khu vực nội thành TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh không truy cập được data 3G/4G”.

Thi THPT quốc gia 2019: Chuyên gia lên tiếng việc dùng 70% tổng điểm để xét tốt nghiệp

Trước thông tin dùng 70% điểm trung bình các bài thi và 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh để xét tốt nghiệp THPT quốc gia 2019, nhiều ý kiến cho rằng việc này chưa phù hợp.

VTC News đưa tin, ngày 4/12, Bộ GD&ĐT công bố phương án thi THPT Quốc gia 2019.

Dự kiến điểm xét tốt nghiệp THPT sẽ gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT Quốc gia + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh + điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có). Tỷ lệ này trong các kỳ thi trước đó là 50 – 50.

Trước thông tin này, nhiều ý kiến cho rằng việc tính điểm chưa hợp lý và sẽ gây ảnh hưởng tới tâm lý của thí sinh.

Ông Cổ Tấn Anh Vũ – Trưởng phòng Tuyển sinh Đại học Giao thông vận tải TP. HCM nhận định, đây là sự thay đổi ảnh hưởng đến thí sinh. Chắc chắn điều này sẽ khiến tâm lý các em hoang mang.

“Trước giờ chúng ta vẫn có quan điểm là các em học xong, thì cần đánh giá bằng cả quá trình học, điểm thi chỉ là một phần, nhưng nay với cách xét tốt nghiệp dựa trên 70% kết quả thi, thì vô hình trung đã mâu thuẫn với quan điểm đó. Theo tôi tỷ lệ 50 – 50 như mấy năm qua là hợp lý”, Báo Thanh Niên dẫn lời ông Vũ.

Cũng đề xuất giữ tỷ lệ cũ 50 – 50, ông Nguyễn Hứa Duy Khang – Phó phòng Đào tạo Đại học Cần Thơ nhìn nhận, có thể Bộ Giáo dục muốn giảm điểm trung bình năm lớp 12 là vì lo ngại điểm tổng kết này thiếu chính xác.

“Tuy nhiên, làm như vậy là thiếu niềm tin vào kết quả đánh giá của các trường THPT, điều này sẽ ảnh hưởng đến số đông thí sinh. Tỷ lệ 70 – 30 là chưa hợp lý, theo tôi nên giữ tỷ lệ 50 – 50 như trước”, ông Khang chia sẻ.

thi thpt quoc gia 2019 chuyen gia len tieng viec dung 70 tong diem de xet tot nghiep
Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình – Hiệu trưởng trường THCS – THPT Lê Quý Đôn (Nam Từ Liêm, Hà Nội). (Ảnh: VTC News)

Lo ngại điểm thi tốt nghiệp thiếu chính xác, ông Nguyễn Quốc Bình – Hiệu trưởng trường THCS – THPT Lê Quý Đôn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Trong quá trình giảng dạy, thầy cô thường có tâm lý thương học sinh và có thể tạo điều kiện cho các em có kết quả cao, có điểm số đẹp để tham gia xét tốt nghiệp”.

Ông Bình mong muốn tách riêng điểm đánh giá học sinh trong quá trình học và điểm xét tốt nghiệp, chỉ nên dùng điểm thi chứ không nên lấy điểm trung bình kết quả học lớp 12 vào tính điểm để xét tốt nghiệp.

Ngoài dự kiến thay đổi các tính điểm thi, phương án thi THPT quốc gia 2019 mới được công bố gần đây cũng có đề cập đến các vấn đề như giao các trường đại học lớn chấm thi, lắp camera giám sát… cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Đến nay, Bộ Giáo dục cũng chưa công bố tỷ lệ % kiến thức của lớp 10 và 11 trong đề thi THPT quốc gia năm 2019 là bao nhiêu. Hay, thời gian công bố đề thi minh họa là khi nào để giáo viên và các em học sinh chuẩn bị?

Di dời 40 quả bóng xích tại sân Mỹ Đình để tránh… ‘dớp’?

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã yêu cầu di chuyển khoảng 40 quả bóng bê tông chằng bằng dây xích (bóng xích) tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) đêm 5/12. Trước đó, có ý kiến cho rằng, cần có sự thay đổi về yếu tố… tâm linh, bởi đội nhà từng thi đấu 5 trận quan trọng tại các kỳ AFF Cup ở đây, kết quả toàn hòa hoặc thua. 

Sáng nay (6/12), đại diện Sân vận động quốc gia Mỹ Đình cho Báo Dân Trí biết, tối qua đơn vị đã cho người di chuyển khoảng 40 quả bóng xích đi nơi khác.

Anh Kiều Hữu Thọ – một người hâm mộ bóng đá sống gần sân Mỹ Đình đưa ra quan điểm: “Bóng xích quanh sân Mỹ Đình là bóng chết, tù túng và không tạo ra năng lượng (!). Đội bóng thân yêu của chúng ta đi “đánh” thiên hạ thì thắng, nhưng về sân nhà lịch sử ghi nhận trên sân Mỹ Đình với các trận loại trực tiếp chỉ hòa và thua. Khi quả bóng lăn mới tạo ra năng lượng, quả bóng bị xích đó là bóng chết, về lâu dài chúng ta nên bỏ xích đi!”.

40 qua bong xich tai san my dinh duoc di doi de tranh dop
Khoảng 40 quả bóng xích đã được di dời khỏi sân vận động. (Ảnh: Dân Trí)

Đa số người dân vẫn cho rằng, thắng hay thua là do thực lực, tinh thần thi đấu của các cầu thủ cùng chiến thuật của huấn luyện viên. Về vấn đề “tâm linh”, “lấy hên” chỉ là “chuyện bên lề” vui vẻ liên quan tới trái bóng.

Nhưng, cũng có ý kiến cho rằng, sân Mỹ Đình cần có sự thay đổi về yếu tố tâm linh, bởi lịch sử các trận bán kết lượt về AFF Cup tại đây đều đứng về phía… các đội bạn.

Theo Thể thao 247, với hai pha lập công của Nguyễn Anh Đức và Phan Văn Đức trong trận bán kết lượt đi với Philippines trên sân khách đã mang lại lợi thế lớn cho các học trò của HLV Park Hang-seo khi trở về sân Mỹ Đình để chơi trận lượt về.

(Xem chi tiết)

Chuyên mục kính chúc quý độc giả một buổi chiều nhiều may mắn và yêu thương!

———–

DKN.TV
Quý độc giả có thể tải ứng dụng “DKN.TV” trên điện thoại di động để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Đại Kỷ Nguyên News