Chuyên mục ĐIỂM TIN CHIỀU ngày 21/8 xin gửi tới quý độc giả những tin đáng chú ý sau:

Chiều ngày 21/8, Việt Nam đã chính thức có bản quyền phát sóng tất cả các sự kiện trong khuôn khổ ASIAD 2018.

VOV thông tin, Việt Nam đã chính thức có bản quyền truyền hình, phát thanh và online ASIAD 2018. Từ ngày mai (22/8), khán giả truyền hình sẽ được xem trực tiếp các trận đấu đáng chú ý của ASIAD 2018 trên kênh VTC3 của truyền hình kỹ thuật số VTC. Thính giả cũng có thể nghe tường thuật trực tiếp các sự kiện trên các kênh sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Bản quyền mà VTC sở hữu cũng cho phép mọi người có thể xem trực tiếp trên điện thoại di động, TV thông minh thông qua ứng dụng VTC Now, trên báo điện tử VOV.VN và VTCNews.

Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel là hai doanh nghiệp phối hợp, đồng giúp VOV thương thảo thành công việc mua bản quyền ASIAD 2018.

VOV đàm phán thành công, Việt Nam đã có bản quyền truyền hình ASIAD 2018
Các môn thi ASIAD khác như bơi lội, bắn súng, cử tạ… cũng sẽ được tường thuật trên sóng truyền hình. (Ảnh: VnExpress)

Lịch thi đấu vòng 1/8 bóng đá nam tại ASIAD 2018

Ngày 23/8, 16 giờ: U23 Palestine vs U23 Syria

Ngày 23/8, 16 giờ : U23 Uzbekistan vs U23 Hồng Kông

Ngày 23/8, 19 giờ 30 phút: U23 Iran vs U23 Hàn Quốc

Ngày 23/8, 19 giờ 30 phút: U23 Việt Nam vs U23 Bahrain

Ngày 24/8, 16 giờ: U23 Trung Quốc vs U23 Saudi Arabia

Ngày 24/8, 16 giờ: U23 Indonesia vs U23 UAE

Sách giáo khoa bị hét giá tới 5 lần, phụ huynh choáng váng

Năm học mới đến gần, nhiều phụ huynh vẫn chạy đôn, chạy đáo tìm sách giáo khoa (SGK) cho con. Lợi dụng việc khan hiếm, “cò mồi” đã thủ sẵn nhiều bộ sách và hét giá bán tăng gấp nhiều lần; trong khi giới đầu nậu cũng thừa dịp thả câu.

Sợ con không có sách để học, nhiều phụ huynh phải “đặt gạch” ở cửa hàng, tìm mua sách trên mạng hoặc mua tạm sách cũ cho con. Điều đáng nói, tình trạng trên không phải chỉ xảy ra ở các vùng nông thôn, miền núi… mà xảy ra tại 2 thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP. HCM.

Đến sáng 21/8, tại cửa hàng sách lớn nhỏ ở Hà Nội, nhiều đầu SGK, sách tham khảo, sách học tiếng Anh… đều “cháy” hàng.

Tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN) ở số 45 Lý Thường Kiệt (Hà Nội), khi hỏi mua sách Mỹ thuật lớp 1 thì nhân viên nhà sách cho biết hiện đã hết và đang chờ bổ sung. Đây cũng là đầu sách thường xuyên rơi vào tình trạng khan hiếm đầu năm học.

Sách giáo khoa bị hét giá tới 5 lần, phụ huynh choáng váng
Nhiều kệ sách giáo khoa, sách tham khảo trống rỗng ngay đầu năm học mới. (Ảnh: An ninh Thủ đô).
Sách giáo khoa bị hét giá tới 5 lần, phụ huynh choáng váng
“Cò” SGK đầu cấp trước cửa nhà sách 45 Lý Thường Kiệt, Hà Nội (Ảnh: Dân Trí)

Giá của một bộ SGK khoảng 600.000 đồng, khoảng 50 nghìn đồng cho 1 quyển Luyện viết chữ đẹp, và 150.000 – 200.000 cho 1 quyển SGK Tiếng Anh chương trình mới. Giá này đắt hơn gấp từ 2 đến 5 lần giá được niêm yết trên bìa.

Bên cạnh đó, sách lậu cũng mặc sức hoành hành. Không thể trực tiếp mua sách, nhiều phụ huynh đành lên mạng tìm kiếm hàng online. Bất ngờ, khi tìm loại sách tiếng Anh nói trên, một số nơi bán với giá rẻ hơn nhiều so với giá gốc: 180.000đ/bộ so với giá gốc là 385.000đ/bộ.

Sách giáo khoa bị hét giá tới 5 lần, phụ huynh choáng váng
Hai đầu sách này hiện trong tình trạng cháy hàng. (Ảnh: Phụ nữ Việt Nam)

Với các loại SGK, sách tham khảo, cơ sở này cho hay có đầy đủ các đầu sách cần cho phụ huynh có con lên lớp 1, giá rẻ hơn rất nhiều. Đặc biệt, mẹ nào mua theo nhóm khoảng 10 người gộp chung đơn thì sẽ được chiết khấu thêm so với giá bán, theo Báo Phụ nữ Việt Nam.

Trước tình trạng này, ngày 21/8, ông Nguyễn Văn Tùng – Phó tổng biên tập NXB GDVN thông tin trên VTC News, nhà xuất bản chủ động cung ứng bổ sung các đầu SGK còn thiếu, đặc biệt là các sách lớp 1, lớp 6, lớp 10 để phục vụ nhu cầu khách hàng.

Hiện tại, các đầu SGK lớp 1 đã có đầy đủ tại hệ thống các cửa hàng của NXB GDVN tại Hà Nội và một số địa phương. Các đầu sách còn thiếu ở lớp 6, lớp 10 cũng đã và đang tiếp tục được chuyển.

TP. HCM tiêu hủy hơn 200.000 viên ‘thuốc ho’ chế từ dầu ăn và phẩm màu

Cơ sở sản xuất Hotel Students bị phát hiện dùng dầu ăn, dầu thông, hóa chất và phẩm màu để trộn thành sản phẩm giống thuốc ho.  

VnExpress đưa tin, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP. HCM kiểm tra trụ sở và nơi sản xuất của Công ty Hotel Students hôm 13/8.

Khi kiểm tra, cơ sở này đang sản xuất thực phẩm trong điều kiện không đảm bảo và có 13 loại sản phẩm được đóng trong hơn 200 thùng giấy. Nguyên liệu, hóa chất đựng trong các can nhựa không nhãn mác đặt dưới nền nhà, có rất nhiều thùng dầu ăn lớn dùng để trộn với các thành phần khác.

Những sản phẩm đựng trong thùng giấy có hình dạng giống thuốc hoặc thực phẩm chức năng, trên nhãn ghi thông tin như “Viên Gelatin Eucalyptol”, “sản phẩm không phải là thuốc”… với công dụng chữa ho.

Chủ cơ sở không xuất trình được các giấy tờ cần thiết về số hàng hóa, nguyên liệu trên. Nhà chức trách đã ngưng hoạt động cơ sở và buộc tiêu hủy hơn 400 kg nguyên liệu, trên 669 kg hàng hóa không nhãn mác, hơn 800 kg bán thành phẩm chưa ép vỉ, 214 nghìn viên đã được ép vỉ, 13 loại sản phẩm chứa trong hơn 200 thùng cũng bị yêu cầu hủy.

TP. HCM tiêu hủy hơn 200.000 viên "thuốc ho" chế từ dầu ăn và phẩm màu
Sản phẩm thuốc ho không bảo đảm an toàn được làm từ dầu ăn và phẩm màu. (Ảnh: Báo Sài Gòn Giải Phóng)

Mưa lớn gây sạt lở khiến cây trồng, trụ điện trôi xuống sông ở Lâm Đồng

Do ảnh hưởng của mưa lũ, trong những ngày gần đây, hàng trăm mét khối đất, cây trồng và cả trụ điện cao thế đều bị cuốn trôi xuống sông Đạ Quay huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng, ước tính thiệt hại hàng tỉ đồng.

Nhiều ngày qua, nước sông Đạ Quay đoạn bên cạnh tỉnh lộ 721 qua huyện Đạ Huoai và huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) liên tục dâng cao khiến đoạn sông này bị sạt lở nghiêm trọng.

Hàng trăm mét khối đất, cây trồng và cả trụ điện cao thế đều bị cuốn phăng xuống sông Đạ Quay (huyện Đạ Huoai). Sạt lở gây thiệt hại ước tính hàng tỉ đồng khiến người dân vô cùng lo lắng. 

Cây trồng, trụ điện trôi xuống sông ở Lâm Đồng. (Ảnh trong clip)

Đoạn sạt lở có chiều dài hơn 400 m, rộng hơn 20 m, sâu hơn 4 m “ăn” sâu vào vườn rẫy của hàng chục hộ dân trên địa bàn thôn 3, xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai cuốn phăng hàng chục cây sầu riêng, cà phê, măng cụt, dâu tằm… trên diện tích hơn 2.000 m2 đất nông nghiệp khiến người dân vô cùng lo lắng. 

Để khắc phục tình trạng này, UBND huyện Đạ Huoai đã có báo cáo đề nghị UBND tỉnh và các sở ngành chức năng cho phép địa phương lập dự án đầu tư xử lý và gia cố bờ sông tại các trọng điểm sạt lở đất, sạt lở bờ sông trên địa bàn. Đồng thời, UBND huyện đã trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt phương án hỗ trợ địa phương, hỗ trợ người dân bị thiệt hại về cây trồng do ngập úng gây ra.

Chuyên mục kính chúc quý độc giả một buổi chiều nhiều may mắn và yêu thương!

———–

Quý độc giả có thể tải ứng dụng “DKN.TV” trên điện thoại di động để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Đại Kỷ Nguyên News