Chuyên mục ĐIỂM TIN CHIỀU ngày 14/9 xin gửi tới quý độc giả những bản tin đáng chú ý sau: 

Siêu bão Mangkhut với gió giật lên đến trên 200–220km/h chuẩn bị đổ bộ vào Philippines, dự kiến sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vịnh Bắc Bộ trong ngày 2-3 ngày tới.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, trong 9 cơn bão đang hoạt động trên thế giới, Mangkhut đang là cơn bão mạnh nhất. Siêu bão này đang đạt cấp 5 (lớn nhất trong thang bảng Quốc tế), mạnh hơn cơn bão Harvy đổ bộ vào nước Mỹ năm 2017 (cấp 4), theo VOV.

sieu bao mangkhut manh hon bao hayan tung tan pha mot phan dong nam a
Sức gió của Mangkhut đang mạnh cấp 17 với tốc độ giật 200-220km/h. (Ảnh: Philstar)

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng và thủy văn quốc gia, lúc 13 giờ ngày 14/9, vị trí tâm siêu bão chỉ còn cách đảo Luzon của Philippines khoảng 360km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200-220km/giờ), giật trên cấp 17.

sieu bao mangkhut manh hon bao hayan tung tan pha mot phan dong nam a
Hình ảnh mây vệ tinh của Trung tâm dự báo khí tượng và thủy văn trung ương lúc 14h ngày 14/9. (Ảnh: nchmf)
sieu bao mangkhut manh hon bao hayan tung tan pha mot phan dong nam a
Đường đi của bão Mangkhut. (Ảnh: nchmf)

Dự báo, sau khi quét qua Philippines siêu bão Mangkhut sẽ đi vào Đông Bắc biển Đông trong sáng 15/9 với sức gió cấp 14-15, giật cấp 17. Bão có thể ảnh hưởng trực tiếp đến vịnh Bắc Bộ trong khoảng ngày 16-17/9 và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong khoảng ngày 17-18/9. Hoàn lưu bão gây mưa rất to cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ 17-19/9.

Giới chức Philippines cảnh báo sức tàn phá của bão Mangkhut có thể ngang với cơn bão lịch sử Haiyan năm 2013. Vùng ảnh hưởng của bão sẽ trải dài từ khu vực phía bắc Luzon đến tận thủ đô Manila ở miền nam, đe dọa cuộc sống của người dân tại 29 tỉnh và 30 thành phố của Philippines. Vùng xảy ra mưa lớn của bão Mangkhut rộng 900 km, rộng hơn bão Haiyan gần 50%.

(xem chi tiết)

Đề xuất tách bài thi THPT quốc gia thành 2 phần

Theo ông Quách Tuấn Ngọc – nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT), bài thi THPT Quốc gia nên tách thành 2 phần đề: Một dành cho thí sinh chỉ thi tốt nghiệp và một phần dành cho thí sinh xét tuyển ĐH, CĐ.

Theo ông Ngọc, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 có nhiều điểm đáng ghi nhận nhưng cũng bộc lộ hạn chế bất cập trong tổ chức, quản lý. Điển hình là sự việc cán bộ các phòng khảo thí tiếp tay gian lận và nghiêm trọng hơn là cầm đầu nhóm tiêu cực.

Báo Lao Động dẫn lời TS Ngọc, tại cuộc họp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng vừa qua, ông đã đề xuất tổ chức kì thi “2 trong 1 buổi”. Bài thi có 2 phần đề dành cho tốt nghiệp THPT và thi đại học. Học sinh nào không có nhu cầu thi đại học được xếp ngồi riêng, thi xong được nghỉ. Còn học sinh nào thi đại học, sẽ tiếp tục làm bài. Phần thi đại học phải do đại học chủ trì.

Ông Ngọc cho rằng, đề xuất cho thi tại trung tâm khảo thí độc lập hay thi trên máy tính vẫn là lý thuyết. Thực tế, việc xây dựng một thư viện đề thi không dễ dàng. Trong bối cảnh thực tế, rất khó để kiểm định độ tin cậy tại trung tâm khảo thí.

de xuat tach bai thi thpt quoc gia thanh 2 phan
TS Quách Tuấn Ngọc tại cuộc hội thảo ngày 13/9. (Ảnh: Lao Động)

Dưới góc nhìn của ông Phạm Tất Thắng (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng), thi tốt nghiệp THPT nhằm xác định trình độ phổ cập. Ở đây không có tính chất sàng lọc nghiêm ngặt mà cứ đạt chuẩn là sẽ tốt nghiệp.

Mục tiêu tiếp theo là để xét tuyển ĐH,CĐ. Phải chọn được thí sinh có đầy đủ kiến thức, hiểu biết, kỹ năng, đầy đủ tư duy để có thể học lên cao. Kỳ thi này sẽ sàng lọc, chọn ra thí sinh phù hợp với bậc đào tạo.

(Xem chi tiết)

Facebook được yêu cầu có trách nhiệm với hơn 60 triệu tài khoản tại Việt Nam

Thủ tướng đề nghị Facebook cần có trách nhiệm trong việc đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng đối với hơn 60 triệu tài khoản tại Việt Nam.

Bên lề Hội nghị WEF ASEAN 2018 diễn ra chiều 13/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Simon Milner (Phó Chủ tịch về Chính sách công tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Facebook), theo VnExpress.

Ông Simon Milner cho biết, Facebook hiện đang tham gia hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, công dân số và hoạt động của các công ty khởi nghiệp.

Theo đó, Facebook sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam về những vấn đề mà nhiều quốc gia đang gặp phải, nhất là an ninh mạng để hai bên cùng thảo luận, định hình những biện pháp khắc phục, xử lý sao cho phù hợp với mỗi quốc gia…,theo Viet Times.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Simon Milner. (Ảnh: Zing)

Ông Simon Milner cũng cho rằng, an ninh mạng là yếu tố quan trọng để bảo đảm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đây cũng là nội dung góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam.

(Xem chi tiết)

Chuyên mục kính chúc quý độc giả một buổi chiều nhiều may mắn và yêu thương!

———–

DKN.TV
Quý độc giả có thể tải ứng dụng “DKN.TV” trên điện thoại di động để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Đại Kỷ Nguyên News