Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TP. Đà Lạt (thuộc tỉnh Lâm Đồng) sẽ thuộc vùng Đông Nam Bộ; cùng với đó, một số bộ, ngành cho rằng nên đưa Thanh Hóa vào Tây Bắc.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Thủ tướng phương án chia cả nước thành 7 vùng kinh tế xã hội, tăng một vùng so với hiện nay. 7 vùng mới, gồm: Đông Bắc; Tây Bắc; đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ; Nam Trung Bộ; Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo VnExpress, việc này nhằm triển khai Luật Quy hoạch.

Phương án mới giữ nguyên hai vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Vùng trung du miền núi phía Bắc tách ra thành Đông Bắc và Tây Bắc.

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung hiện tại được tách thành Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Tuy nhiên, Thừa Thiên Huế và 4 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông) được đưa vào vùng Nam Trung bộ.

Vùng Đông Nam Bộ mới được hình thành trên cơ sở Đông Nam Bộ cũ và bổ sung 3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Một số bộ, ngành đã phản hồi về phương án trên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không đồng tình với phương án điều chuyển tỉnh Lâm Đồng vào vùng Đông Nam Bộ; 4 tỉnh Tây Nguyên vào Nam Trung Bộ.

Một số bộ đề xuất, đưa Long An và Tiền Giang vào Đông Nam Bộ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải thích, thời gian qua, Lâm Đồng có mối quan hệ rất chặt chẽ với các địa phương trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Đông Nam Bộ hơn là vùng Tây Nguyên. Việc đưa Lâm Đồng vào vùng Đông Nam Bộ không làm ảnh hưởng đến yếu tố an ninh, quốc phòng, trong khi đó sẽ tạo đà phát triển khi có những quan hệ phát triển kinh tế nội vùng đạt hiệu quả hơn.

TP. Sầm Sơn – Thanh Hóa. (Ảnh: ĐĐK)

Theo Vietnamnet, có ý kiến cho rằng Thanh Hóa nên thuộc vùng Tây Bắc, chứ không phải Bắc Trung Bộ như lâu nay. Tuy nhiên qua nghiên cứu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo lưu quan điểm Thanh Hóa thuộc Bắc Trung Bộ.

Khi lấy ý kiến góp ý cho phương án 7 vùng này, có 8/14 bộ và 52/53 tỉnh có ý kiến hoàn toàn đồng ý với phương án phân 7 vùng.

Có 4/14 bộ và 1/53 tỉnh không có ý kiến về phương án phân vùng; có 2/14 bộ đề nghị phương án khác.

Có 3/53 tỉnh có ý kiến đồng ý phương án 7 vùng nhưng có nêu thêm ý kiến bổ sung, đề xuất.

Vân Trường (tổng hợp)