Chuyên mục CHÀO BUỔI SÁNG ngày 8/8 xin gửi đến quý độc giả những tin đáng chú ý sau:

Cư dân Carina khóc vì chủ đầu tư cắt hỗ trợ

Ngày 7/8, nhiều người đến ban quản lý chung cư Carina (quận 8) nhận tiền hỗ trợ lần cuối khi chủ đầu tư (Công ty Hùng Thanh) ra thông báo dừng cấp 300.000 đồng hỗ trợ mỗi ngày, theo VnExpress.

Chị Mỹ Linh bức xúc trước việc ngưng hỗ trợ của Hùng Thanh. (Ảnh: VnExpress)

Bật khóc vì bức xúc, chị Mỹ Linh (ngụ block B) cho biết, phải thuê căn hộ đối diện Carina với chi phí 9 triệu đồng (cả tiền điện nước) để ở tạm sau vụ cháy 13 người chết. Sự cố xảy ra đã hơn 4 tháng, song cuộc sống gia đình chị vẫn rối bời vì đồ đạc chủ yếu vẫn để ở nhà cũ.

“Tôi ăn lương nhà nước, chi phí hàng tháng phải gói ghém từng đồng. Giờ chủ đầu tư không hỗ trợ thì tôi biết lấy tiền đâu tiếp tục thuê nhà trong khi căn hộ không biết bao giờ được dọn về. Con tôi sắp vào lớp 1 nữa, nhiều thứ phải lo nghĩ”, chị Linh nói.

Tương tự, một số cư dân khác cho rằng, vụ cháy xảy ra là điều không ai muốn. Họ rất thông cảm với chủ đầu tư nên không truy cứu gì nhiều sau vụ cháy vì thấy Hùng Thanh đã nỗ lực khắc phục, hỗ trợ cư dân. Hiện, chủ đầu tư cắt tiền hỗ trợ để cư dân thuê nhà sống tạm là không thể chấp nhận. Từ đó, họ đề nghị UBND quận 8 vào cuộc để làm rõ, bảo vệ cư dân.

“Chủ đầu tư làm vậy là ‘lật kèo’ vì đã hứa hỗ trợ đến khi chúng tôi được về nhà. Hiện, cư dân vẫn phải thuê nhà, cuộc sống vô cùng khó khăn”, chị Nguyễn Ngọc Mai bức xúc.

Cư dân Carina về lại chung cư tìm hiểu thông tin. (Ảnh: Sơn Hòa)

Theo LS Nguyễn Thành Công (đại diện pháp lý của Công ty Hùng Thanh), chủ đầu tư Carina không bỏ rơi cư dân, công ty chỉ tạm dừng hỗ trợ vì muốn tập trung toàn bộ tài chính cho việc khắc phục, sửa chữa chung cư. Từ khi xảy ra hỏa hoạn công ty đã chi khoảng 70 tỷ đồng để khắc phục, bồi thường. Trong đó, riêng tiền hỗ trợ cho hơn 680 hộ dân về chỗ ở (9 triệu đồng mỗi hộ một tháng) là 6,3 tỷ đồng.

Ông Thành Công cũng cho rằng, để xảy ra hỏa hoạn còn có trách nhiệm của Công ty Cổ phần dịch vụ địa ốc Sài Gòn (SEJCO, được Hùng Thanh thuê quản lý chung cư) và Công ty bảo vệ Khang Gia (SEJCO thuê). Điều này đã được Công an TP HCM xác định trong quá trình điều tra, khởi tố vụ án nhưng đến nay hai đơn vị trên không thực hiện đúng trách nhiệm.

“Công ty Hùng Thanh đã nhiều lần gửi văn bản cũng như làm việc trực tiếp với SEJCO, yêu cầu phối hợp xác định trách nhiệm hoặc cùng hỗ trợ thiệt hại cho cư dân nhưng bất thành. Họ cho rằng khi nào có phán quyết của tòa, trách nhiệm bồi thường bao nhiêu thì họ mới bỏ tiền ra. Hùng Thanh phải một mình gánh hết nên áp lực tài chính quá lớn”, luật sư Thành Công nói.

Hiện, công tác sửa chữa, khắc phục Carina vẫn được ráo riết triển khai. Block C bị ảnh hưởng ít nhất nên đến ngày 15/8 sẽ sửa xong. Sau khi cơ quan chức năng kiểm định, phê duyệt thì cư dân ở đây có thể quay về nhà.

Chung cư Carina sau vụ cháy. (Ảnh: Quỳnh Trần)

Rùng mình cảnh giáo viên đi bộ hơn 17km “cõng chữ lên non”

Những hình ảnh chân thật nhất về cảnh các thầy giáo, cô giáo ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học An Lương “cõng chữ lên non” khiến ai cũng rùng mình, xót xa. Giáo viên phải đi bộ hơn 17 km đến trường vì cung đường từ trung tâm thị xã Nghĩa Lộ (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) đến trung tâm xã An Lương hiện đang bị chia cắt do hậu quả của các đợt lũ quét vừa qua.

Trao đổi với báo Dân trí, thầy Nguyễn Quang Diện, Hiệu trưởng Trường PTDTBT tiểu học An Lương cho biết, bây giờ để vào trường tiểu học An Lương chỉ có mỗi cách đi bộ. “Nhiều đoạn đường bị chia cắt vì sạt lở nghiêm trọng, mọi phương tiện đi vào trường đều không thể, kể cả máy múc cũng không vào được nên giáo viên chúng tôi chỉ còn cách đi bộ”.

Thầy Diện cho biết, trường PTDTBT tiểu học An Lương cách trung tâm thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái khoảng 24 km, nếu đường xá thuận lợi như trước thì đi khoảng 1 tiếng là đến trường. “Bây giờ đi vào phải mất hơn 5 tiếng đồng hồ, trong đó chỉ có khoảng gần 10 km có thể đi xe máy, còn lại là đi bộ. Nhiều đoạn đường bị sạt hẳn xuống như một cái hồ nhỏ, nên giáo viên phải đu dây mới vượt qua được. Mỗi giáo viên vào trường còn phải cõng gần 30 kg lương thực, thực phẩm cho các em học sinh bán trú, vất vả không biết đâu kể hết”.

Những hình ảnh giáo viên Trường PTDTBT tiểu học An Lương “cõng chữ lên non” do thầy giáo Đồng Thanh Chung, giáo viên Trường PTDTBT tiểu học An Lương chia sẻ. (Ảnh: Dân Trí)

Mưa gió sạt lở, các giáo viên Trường PTDTBT tiểu học An Lương còn phải gùi từng bao lương thực nặng cho học sinh ăn ở bán trú.
Trước đây là đường, bây giờ chỉ còn mỗi đá sỏi.
Xe máy chỉ đi được khoảng 7, 8 km, còn lại phải đi bộ hơn 17 km với những bao tải lương thực nặng gùi trên lưng.
Một cây cầu bị nước lũ gây sạt lở, cuốn trôi móng.
2 giáo viên nữ của Trường PTDTBT tiểu học An Lương là cô Hà Thị Huyền và cô Đinh Thị Thủy cũng phải đi bộ suốt 17 km đến trường.
Cây cầu bị sạt lở nặng rất nguy hiểm cho người đi bộ.
Một đoạn đường bị sạt lở phải bắc cầu tạm là những thanh gỗ, cây rừng để băng qua.
Sạt lở nghiêm trọng đến mức đến cả máy múc cũng không thể di chuyển vào để cứu hộ.
Nhiều cung đường bị sạt lở biến thành hồ nhỏ, mà giáo viên muốn vượt qua phải đu dây hoặc men theo lòng suối.
Mỗi giáo viên vượt qua quãng đường này còn hơn cả tham gia cuộc thi thử thách sống còn trên truyền hình.

25 hộ nghèo có nhà mới từ tiền đấu giá bóng và áo U23 Việt Nam

Trên Zing, ông Cao Văn Cường, Chủ tịch huyện Mường Lát (Thanh Hóa) cho biết, chính quyền địa phương vừa xây xong 25 ngôi nhà cho 25 hộ nghèo đặc biệt khó khăn từ số tiền 1 tỷ đồng do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng. Số tiền này có được từ việc đấu giá bóng và áo của đội tuyển U23 Việt Nam.

“Đây là món quà vô cùng ý nghĩa với những người dân nghèo ở Mường Lát. Họ đã có nhà mới trước mùa mưa lũ”, ông Cường nói. 

Các hộ nghèo đặc biệt khó khăn ở huyện Mường Lát có nhà mới kiên cố. (Ảnh: Nguyễn Dương)

Bà Hà Thị Phai (63 tuổi, bản Tén Tằn, xã Tén Tằn) là một trong số 25 hộ nghèo vừa được trao tặng nhà mới. Bà sống một mình, không người thân thích. Cuộc sống của người phụ nữ này chỉ trông chờ vào mấy sào đất nương rẫy.

Trước đây, bà sống trong căn nhà tranh tạm bợ chừng 10 m², tường vách bằng nan tre nứa. Mùa mưa, căn nhà bị nước dột khắp nơi.

Những ngày đầu tháng 3, đại diện thôn bản cùng lãnh đạo xã đi khảo sát và nói tới đây sẽ làm cho bà một căn nhà, đó là món quà của Thủ tướng tặng. “Lúc đó tôi không dám tin đó là sự thật”, bà nói.

Bà Phai vui mừng khi giờ đây không còn phải sống trong cảnh lo lắng mỗi khi mưa gió về. (Ảnh: Nguyễn Dương)

Đến giữa tháng 7, bà Phai vui mừng khi được nhận căn nhà 2 gian rộng chừng 30 m² được xây gạch kiên cố, mái lợp tôn, nền nhà tráng xi măng.

“Giờ có nhà mới, tôi không phải sống trong cảnh dột nát, ẩm ướt nữa. Tôi vui lắm”, bà chia sẻ.

Trước đó, vào ngày 11/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao 20 tỷ đồng thu được qua đấu giá quả bóng và áo đấu của đội tuyển U23 Việt Nam cho đại diện 20 huyện nghèo, khó khăn nhất cả nước.

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo 20 huyện nghèo được tặng kinh phí thu được qua đấu giá, sử dụng để xây dựng 500 căn nhà (mỗi căn 40 triệu đồng) tặng người có công, người nghèo còn khó khăn, bảo đảm công bằng, minh bạch, đúng đối tượng…

Mường Lát, huyện miền núi phía tây bắc của tỉnh Thanh Hóa là 1 trong 20 huyện nghèo được tặng kinh phí.

Vụ gian lận thi ở Hòa Bình: Hé lộ thêm 3 người bị công an triệu tập

Trao đổi với Báo Người Đưa Tin, Ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết, ngoài 2 người bị bắt thì còn 3 người nữa đã bị công an mời lên làm việc.

Ông Đắc cho biết, những người được mời lên làm việc đều là thành viên của tổ Chấm thi trắc nghiệm, ngoài ra có một người được tăng cường. Cụ thể 2 người đã bị khởi tố bắt tạm giam bao gồm:

  1. Ông Nguyễn Khắc Tuấn, Cán bộ sở GD&ĐT, Ủy viên tổ Chấm thi trắc nghiệm.
  2. Ông Đỗ Mạnh Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường THCS & THPT Lạc Thủy, Ủy viên tổ Chấm thi trắc nghiệm.

3 người bị công an mời lên làm việc bao gồm:

  1. Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, sở GD&ĐT, Tổ trưởng tổ Chấm thi trắc nghiệm
  2. Ông Đào Ngọc Thuật, giáo viên trường THPT Mường Bi, Ủy viên tổ Chấm thi trắc nghiệm.
  3. Ông Nguyễn Tân Hưng, giáo viên THPT Đại Đồng, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Trao đổi với Báo Thanh Niên, Ông Nguyễn Đức Lương, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình cho biết, ông Nguyễn Tân Hưng được tăng cường biệt phái từ Trường THPT Đại Đồng về Phòng Khảo thí – Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình, để làm việc. Ông Hưng không có tên trong danh sách những người chấm thi trắc nghiệm.

Ông Nguyễn Đức Lương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Trong danh sách 5 người nói trên, Ông Lương khẳng định 5 người này có liên quan tới công tác chấm thi có dấu hiệu bất thường, nên cơ quan Công an mời tới để làm việc, còn việc có liên quan tới vụ án hay không thì hiện giờ chưa biết.

Trước đó, ngày 2/8, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã ra Quyết định số 02 khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để điều tra về hành vi có dấu hiệu làm sai lệch kết quả thi của các thí sinh khi chấm thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh này.

Đến ngày 3/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiếp nhận vụ án và ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 đối tượng liên quan đến sai phạm kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Hòa Bình là ông Đỗ Mạnh Tuấn – Hiệu phó Trường THCS & THPT Lạc Thủy và ông Nguyễn Khắc Tuấn – cán bộ Sở GD-ĐT Hòa Bình.

Hiện tại, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang khẩn trương điều tra làm rõ toàn bộ vụ án để xử lý theo quy định của pháp luật.

Kết thúc chuyên mục, kính chúc quý độc giả một ngày may mắn và làm việc hiệu quả!

———–—

Đại Kỷ Nguyên News