Ước tính đã có gần 500 CĐV Việt Nam có vé nhưng không thể vào sân Bukit Jalil xem trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018 giữa Malaysia và Việt Nam ngày 11/12. Các công ty du lịch đòi phía Malaysia bồi thường thiệt hại này.

Ngày 13/12, công ty Du lịch TransViet đã gửi văn bản yêu cầu nhà chức trách Malaysia trả lời và có phương án bồi thường liên quan đến việc này.

Rất nhiều CĐV Việt Nam phải đứng bên ngoài để theo dõi trận chung kết đêm 11/12 vừa qua. (Ảnh: N.B.D)

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, đại diện TransViet cho biết, theo công bố của ban tổ chức các cổ động viên Việt Nam sẽ có một khu vực khoảng 5.000 chỗ ngồi. Tuy nhiên, ước tính chỉ có hơn 3.000 cổ động Việt vào được sân Bukit Jalil trong đó nhiều người không có chỗ, thậm chí một số còn không thể lên được khán đài, đứng xem trận đấu với tầm nhìn hạn chế.

Một CĐV kể lại: “Trước trận đấu 30 phút, khi chúng tôi vào khu vực 1 thì đã kín mít cổ động viên Việt Nam. Lên khu vực tầng 2 thì không còn một chỗ trống, tất cả được cổ động viên Malaysia lấp đầy. Lên tiếp tầng 3 thì bị đuổi xuống vì đó không phải là khu vực của cổ động viên Việt Nam”. 

CĐV Việt Nam phải xem trận đấu qua hàng rào. (Ảnh: N.B.D)

Trước đó, ngày 12/12, tờ New Straits Times của Malaysia cũng đề cập đến việc hàng trăm cổ động viên Việt Nam phải đứng ở ngoài sân Bukit Jalil dù phần lớn trong số đó đều cầm trên tay tấm vé.

“Với sân bóng có sức chứa hơn 80.000 chỗ ngồi, ban tổ chức cần sắp xếp hợp lý cho CĐV Việt Nam vì họ tốn rất nhiều công sức lẫn tiền bạc để có mặt ở đây”, tờ này viết.

CĐV Việt Nam vì không được vàn sân theo dõi trận chung kết lượt đi. (Ảnh: Hiếu Duy.)

Theo tìm hiểu của cây bút Farah Azharie, ban tổ chức đã sắp xếp riêng khu vực dành cho CĐV Việt Nam, nhưng sau đó không hiểu lý do gì họ thay đổi để phục vụ CĐV Malaysia.

Trên các trang mạng xã hội, nhiều người đã tỏ ra bất bình với cách làm việc của Liên đoàn bóng đá Malaysia (FAM).

“LĐBĐ Malaysia đã trao đổi và hợp tác với cảnh sát về việc số lượng cổ động viên vào sân Bukit Jalil lớn hơn sức chứa của khán đài trong trận chung kết AFF Cup 2018 giữa Malaysia và Việt Nam”, Tổng thư ký LĐBĐ Malaysia Stuart Ramalingam cho biết.

“Hành động này được thực hiện sau khi những hình ảnh trên mạng xã hội ảnh hưởng tới FAM và đe dọa sự an toàn của các CĐV. LĐBĐ Malaysia sẽ chú ý tới việc này và đảm bảo sự việc tương tự không xảy ra”.

Khi liên hệ những người có thẩm quyền, tờ New Straits Times nhận được câu trả lời: “Ban đầu, chúng tôi nhận thông tin sẽ có 2 khu vực dành riêng cho CĐV Việt Nam.

Nhưng sau đó, không có thêm thông tin nào từ Liên đoàn bóng đá Malaysia nên không thể sắp xếp cho CĐV Việt Nam, dẫn đến tình trạng đứng ở ngoài rất nhiều”.

Nhiều CĐV phải đứng vì không có chỗ ngồi. (Ảnh: New Straits Times)

Tờ New Straits Times kết luận có hơn 3.000 vé được ban tổ chức trao tận tay CĐV Việt Nam. Dẫu vậy, hơn 500 CĐV không được vào sân theo dõi. Họ đã mất cả công sức lẫn tiền bạc và chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Tuy nhiên, việc phát hành vé chịu sự quản lý của AFF nên rất khó để FAM thực hiện việc đội vé. Cách giải thích hợp lý nhất là nhiều người không có vé nhưng vẫn vào sân. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi ngôi sao truyền hình Malaysia Ummi Nazeera chia sẻ, cô thấy người kiểm soát vé ở sân Bukit Jalil không xé vé mà giữ lại tấm vé nguyên, theo VTC News.

Không loại trừ khả năng những tấm vé như vậy sẽ được tuồn ra ngoài bán cho những người không có vé vào sân. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều người sở hữu vé không kịp vào sân hoặc phải đứng cổ vũ, bao gồm cả CĐV Việt Nam.

Hoàng Minh (Tổng hợp)