Một thực trạng đau lòng và đáng buồn là ở Việt Nam suốt 17 năm qua, nhóm lợi ích đã tìm mọi cách luồn lách, biện hộ, chây ì không thực hiện QĐ 115, cố tuồn 95% tấm lợp chứa Amiang gây ung thư lên vùng cao.

Gần 20 năm qua, hàng triệu tấm lợp chứa chất gây ung thư Amiang trôi nổi ở các tỉnh thành, bất chấp cảnh báo độc hại và quyết định yêu cầu dừng sử dụng, buôn bán của Thủ tướng.

Theo đó, ngày 1/8/2001, quyết định về kế hoạch nghiên cứu và sản xuất vật liệu thay thế Amiang trong sản xuất tấm lợp, và từ năm 2004 không được sử dụng vật liệu Amiang trong sản xuất tấm lợp được ban hành.

Tuy nhiên, đến nay, tấm lợp sử dụng chất gây ung thư này vẫn được sử dụng với 95% sản phẩm đẩy lên vùng dân tộc, miền núi, nơi tập trung đồng bào các dân tộc thiểu số.

Báo Dân Việt dẫn lời ông Hoàng Công Lương – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền con người vùng dân tộc, miền núi – Chủ tịch Nhóm Hành động vì Công lý, Sức khỏe và Môi trường: “Điều đáng tiếc là suốt 17 năm qua, một nhóm lợi ích đã tìm mọi cách luồn lách, biện hộ, chây ì, cố tình không thực hiện QĐ 115 của Thủ tướng Chính phủ”.

Ông Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nghiên cứu đào tạo và phát triển cộng đồng; Đại diện Mạng lưới vận động dừng Amiang Việt Nam chỉ ra 4 nguyên nhân của tình trạng này, gồm: Sự can thiệp của quốc tế; yếu kém trong vận dụng chính sách, tác động của truyền thông và vai trò của trường đại học về cập nhập các thông tin liên quan.

17 nam nhom loi ich luon lach day 95 tam lop chua amiang gay ung thu len vung cao
Toàn cảnh Hội nghị thường niên Mạng lưới dừng sử dụng Amiang 2018. (Ảnh: Doanh nghiệp Việt Nam)

Trong đó, truyền thông của Việt Nam thời gian qua cố gắng đưa thông tin hai chiều. “Họ cố gắng đưa thông tin theo hướng trung gian. Nhưng đối với vấn đề ảnh hưởng đến an sinh xã hội, sức khỏe cộng đồng… thời điểm này truyền thông phải thay đổi”, ông Tuấn lên tiếng.

Ngoài ra, một số cơ quan, tổ chức chưa thật sự vào cuộc rõ ràng, quyết liệt trong sự việc này dẫn đến chính sách của Chính phủ kéo dài. Nhiều nơi còn biện hộ rằng chưa có vật liệu thay thế tấm lợp này.

Theo ông Đỗ Quốc Quang, nguyên Phó Viện trưởng Viện Công nghệ – Bộ Công Thương: Vật liệu thay thế Amiang chắc chắn có, giá cả phụ thuộc vào chất lượng.

“Cách đây 20 – 30 năm, ta còn chưa tìm ra vật liệu thay thế Amiang nhưng hiện nay, có rất nhiều lựa chọn, vấn đề là có quyết tâm làm hay không”, chuyên gia này chia trên Báo Tin tức.

“Chúng tôi biết được Amiang trắng là độc, không có sự kiểm soát, không an toàn,… mà không bị cấm thì chúng tôi hiểu rằng đấy là có tội với dân” – Bà Bùi Thị An lên tiếng.

Trước yêu cầu dừng Amiang ở Việt Nam, bà Bùi Thị An – Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng, nguyên đại biểu Quốc hội khóa VIII cho biết, Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng lên kế hoạch thực hiện dừng Aminang trắng trong sản xuất tấm lợp fibro xi măng chậm nhất là năm 2023 theo lộ trình.

17 nam nhom loi ich luon lach day 95 tam lop chua amiang gay ung thu len vung cao
Ảnh minh họa

Trên thế giới, đã có 64 nước cấm việc sử dụng Amiang trắng. Canada và Brazin là hai nước sản xuất nhiều Amiang cũng đã ra tuyên bố dừng sử dụng Amiang từ năm 2018, cấm sản xuất, thương mại.

Tại Việt Nam, chỉ có 2/42 cơ sở không đồng ý với việc này là Hiệp hội tấm lợp và hội Xây dựng. Lý do được ra là khuyến cáo của các tổ chức Y tế không phù hợp với quan điểm và hướng dẫn cách tiếp cận loại bỏ các bệnh liên quan đến Amiang trong Nghị quyết của Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) và Công ước số 162 năm 1986.

Báo Dân Trí dẫn văn bản góp ý của Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam gửi Bộ Xây dựng: “Về quan điểm vì sức khoẻ để đưa ra một lệnh cấm sử dụng Amiang trắng và dừng sản xuất tấm lợp AC vào năm 2023 mà quý Bộ nêu trong Tờ trình và dự thảo Quyết định phê duyện đề án là chưa chính xác, thiếu khách quan và không thuyết phục”.

Hơn 40 doanh nghiệp ở Việt Nam sản xuất tấm lợp có sử dụng Amiang trắng ở với công suất thiết kế hơn 100 triệu m2/năm, chủ yếu trong sản xuất tấm lợp fibro ximăng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã tuyên bố Amiang là chất gây ung thư, nhất là ung thư phổi, thanh quản, buồng trứng, ung thư trung biểu mô và bệnh bụi phổi Amiang trong suốt thập kỉ qua.

Năm 2004, WHO ước lượng trên 100.000 người chết mỗi năm do tiếp xúc với Amiang. Gần đây, Nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu (GBDS) ước tính số lượng người chết do Amiang là 220.000 mỗi năm. Nghiên cứu này cũng chỉ ra tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 2.000 người chết do Amiang trắng.

Khôi Minh (Tổng hợp)