Cho rằng loài cỏ kế đồng lẫn trong lúa mì có thể làm giảm từ 25-75% năng suất cây trồng, Cục Bảo vệ thực vật đã ra công văn cấm nhập khẩu những lô thực phẩm có lẫn hạt cỏ này từ ngày 1/11.

Theo VnExpress, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) vừa có công văn gửi các doanh nghiệp yêu cầu từ ngày 1/11 những doanh nghiệp đã nhập khẩu các lô hàng lúa mì được kiểm định có nhiễm cỏ Cirsium Arvense (tên tiếng Việt là cây cỏ kế đồng) sẽ phải tái xuất.

Quyết định này được đưa ra sau khi cơ quan kiểm dịch phát hiện 1,6 triệu tấn lúa mì nhập khẩu lẫn cỏ kế đồng trong số gần 4 triệu tấn lúa mì đã nhập khẩu vào Việt Nam từ đầu năm đến nay.

Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, cỏ kế đồng là loài thực vật ngoại lai rất nguy hiểm. Cây này hiện là đối tượng kiểm dịch thực vật của hơn 40 quốc gia, trong đó có Việt Nam do có nguy cơ cạnh tranh dinh dưỡng với các cây trồng nông nghiệp.

“Nếu trên một mét vuông cây trồng có 20-30 cây cỏ kế đồng sẽ làm giảm 25-75% năng suất của cây trồng đó”, ông Trung nói.

Một cây cỏ kế đồng có khoảng 5.000 hạt nên trong một ngày chỉ cần một cây phát tán hạt trên vùng trồng của Việt Nam sẽ nguy hiểm. Hạt của cây tồn tại trong nước 20 năm vẫn có thể nảy mầm.

16 trieu tan lua mi viet nam nhap khau co lan co nguy hiem
Công văn của Chi cục Kiểm dịch Thực vật vùng 2 gửi các doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì. (Ảnh: Dân Trí)

Tuy nhiên, theo Báo Dân Trí, công văn của Cục Bảo vệ thực vật ban hành đầu tháng 9/2018 và sẽ chính thức thực thi sau gần 2 tháng quá gấp gáp khiến nhiều doanh nghiệp và cả những người làm công tác chuyên môn “không kịp trở tay”.

Tại buổi tọa đàm “Lúa mì và câu chuyện nhập khẩu của doanh nghiệp” tổ chức ở Hà Nội chiều 5/10, TS Trần Duy Khanh – chuyên gia nông nghiệp cho hay: “Trong quy trình kiểm dịch thực vật có 2 loại cần cấm, một là sinh vật gây hại, hai là sinh vật cạnh tranh. Kế đồng là loài cây chưa có ở Việt Nam, theo các tài liệu của thế giới thì cây này chỉ cạnh tranh dinh dưỡng, thường phát triển ở những cánh đồng lúa mì, cây không gây hại cho con người”.

Việc nhập khẩu lúa mì diễn ra từ nhiều năm nay nhưng cây kế đồng vẫn không xâm thực vào Việt Nam. “Không có cỏ nên cũng chưa có bất kỳ nghiên cứu khoa học nào về sự nguy hại của cây cỏ ké đồng được thực hiện tại Việt Nam. Ở các nước trồng lúa mì thì loài chim sẻ vẫn tìm hạt của loài cỏ này để ăn, điều đó chứng tỏ chúng không gây hại cho động vật. Nay không hiểu căn cứ vào đâu, Cục Bảo vệ thực vật bỗng nhiên cấm nhập các loại vật thể nhiễm loại cỏ trên. Đây là hành động quá cảnh giác hay thiếu hiểu biết của những bộ phận liên quan” – TS. Khanh hoài nghi.

16 trieu tan lua mi viet nam nhap khau co lan co nguy hiem
Ảnh minh họa.

Hiện, những nguồn cung cấp lúa mì lớn là Mỹ, Nga, Australia, Canada… Trong thời gian tới, nhiều lô hàng lúa mì nhập khẩu từ các quốc gia này có thể bị buộc tái xuất do nhiễm hạt cỏ kế đồng nêu trên.

Minh Tú (Tổng hợp)