Đại dịch hạch đã tiêu diệt Đế chế La Mã nhưng dường như nó không nhắm vào tất cả mọi người. Trong quan niệm văn hóa truyền thống Á Đông cũng có khái niệm gọi là “Ôn Thần”. Nếu như gặp người sống thiện lành thì Ôn Thần sẽ mở một lối thoát cho người đó trong kiếp nạn… 

Ai là người có thể thoát khỏi dịch bệnh?

Bao quanh Địa Trung Hải từng có một siêu cường quốc kéo dài khắp Châu Âu, Châu Á và Châu Phi, chính là Đế chế La Mã. Nhưng Đế chế hùng mạnh này cuối cùng đã rời khỏi vũ đài lịch sử dưới sự tấn công của bốn dịch bệnh lớn. Đại ôn dịch mạnh đến mức nào mà có thể tiêu diệt cả Đế chế La Mã cường thịnh?

Nhà sử học I-va Griels mô tả về bệnh dịch hạch ở đây rằng: “Sẽ có một số người bắt đầu phát bệnh, mắt sẽ bị xung huyết, khuôn mặt bị sưng và sau đó là cổ họng bị đau khó chịu, và sau đó những người này sẽ vĩnh viễn biến mất trong đám đông. Một số người bị viêm tuyến bẹn, chảy mủ ra nên gây sốt cao. Những người này sẽ chết trong hai hoặc ba ngày”.

Bệnh dịch hoành hành, toàn bộ thành phố La Mã sực lên mùi thối rữa của xác chết ở khắp mọi nơi. Mặc dù bệnh dịch đã phá hủy một đế chế khổng lồ, hủy diệt hàng chục triệu sinh mạng nhưng có một số người đã không phải chịu bất kỳ tổn hại nào. Theo I-va Griels, “Một số người thậm chí là sống cùng với những người bị nhiễm bệnh và tiếp xúc với người đã chết, nhưng họ vẫn hoàn toàn không bị lây nhiễm”.

Bệnh dịch hoành hành đã khiến cả Đế chế La Mã hùng mạnh bị diệt vong. (Ảnh: wikipedia.org)

Bệnh dịch lớn khiến tất cả sợ hãi bàn tán dường như không nhắm vào tất cả mọi người. Theo như cách gọi dân gian của người Á Đông, liệu đó có phải là “Ôn Thần”, có phải nếu ôn dịch xem xét người nào trong sạch thì sẽ tha cho người đó? Giả sử ai đó có thể thoát khỏi bệnh dịch, họ sẽ phải là người thế nào?

Những câu chuyện dưới đây có thể phần nào giúp chúng ta có câu trả lời chăng?…

Dữu Cổn không bỏ rơi anh trai bị nhiễm bệnh

Ở triều nhà Tấn (Trung Hoa), có một ẩn sĩ tên là Dữu Cổn là chú Tấn Minh đế. Khi còn trẻ, ông nổi tiếng là siêng năng, chăm học và hiếu thảo. Thời Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm, niên hiệu Hàm Ninh (275 – 280), đại ôn dịch đã nổ ra. Hai anh trai của Dữu Cổn không may nhiễm bệnh mà chết, còn lại một người anh nữa cũng đổ bệnh.

Khi bệnh dịch ngày càng trở nên nghiêm trọng và khí bệnh tràn ngập khắp nơi, bố mẹ Dữu Cổn muốn đưa ông và các em trai ra ngoài để lánh nạn. Tuy nhiên, Dữu Cổn không chịu rời xa anh trai mình. Người thân và bạn bè đã buộc phải kéo ông đi. Dù vậy, Dữu Cổn vẫn khăng khăng ôm lấy người anh trai bị bệnh mà nói: “Ta sinh ra vốn không sợ bệnh dịch”.

Người thân và bạn bè không có cách nào thuyết phục ông rời xa anh trai mình. Sau khi họ rời đi, Dữu Cổn thức suốt đêm ân cần chăm sóc anh trai, có lúc ôm lấy anh trai mà chảy nước mắt than khóc.

Thời gian trôi nhanh, sau hơn một trăm ngày, bệnh dịch đã dần lắng xuống. Khi những người thân trở về làng, họ rất ngạc nhiên khi thấy Dữu Cổn đã ở cùng anh trai từ sớm đến tối mà vẫn an toàn và khỏe mạnh. Hơn thế, nhờ Dữu Cổn cố công chăm sóc mà người anh trai đã hoàn toàn khỏi bệnh.

Những người lớn tuổi trong làng ngạc nhiên thốt lên: “Đứa trẻ này thật kỳ lạ! Nó có thể bảo vệ những người mà không ai dám bảo vệ, làm những việc mà mọi người không dám làm. Đúng là tới mùa lạnh mới biết được sự kiên cường của cây tùng cây bách”.

Người ta mới hiểu được rằng ôn dịch hung dữ không lây truyền đến tất cả mọi người. Trước đại nạn, những người không sợ sống chết, nhất mực bảo vệ người khác thì tự khắc Trời sẽ mở cho anh ta một lối thoát. 

Cao tăng cầu nguyện cho tuyết rơi giữa mùa hè để ngăn chặn bệnh dịch

Nhà Thanh, năm Quang Tự thứ 26 (năm 1900), 8 nước Đồng minh đã đánh vào Bắc Kinh. Kinh thành đại loạn khiến Từ Hy thái hậu cùng hoàng đế Quang Tự và các quần thần phải chạy đến Trường An (nay thuộc Tây An). Khánh thân vương Dịch Khuông nghe tin Hư Vân hòa thượng là cao tăng đắc đạo liền thỉnh mời ông đến bảo vệ nhà vua trên đường lánh nạn.

Khi đó, đại dịch đang hoành hành ở Trường An và cướp đi sinh mệnh của vô số người. Mùa hè tháng 8 nắng nóng gay gắt, thi thể người chết thối rữa la liệt khắp nơi, mùi hôi thối và chết chóc bủa vây toàn Trường An.

Hư Vân hòa thượng chứng kiến cảnh tượng ấy vô cùng thương xót chúng sinh, nên phát nguyện tổ chức một đại lễ cầu tuyết, cầu xin ông trời cho tuyết rơi để ngăn cản bệnh dịch. Cảm động trước uy đức của lão hòa thượng, hàng nghìn tăng nhân đã đến trước thiền tự Ngọa Long nguyện ý hết lòng tương trợ. Ở trên lễ đàn cao lớn, hòa thượng Hư Vân khoác áo cà sa tĩnh tọa ngày đêm một lòng cầu niệm trời ban tuyết xuống cứu chúng sinh thoát khỏi kiếp nạn.

Trời không phụ lòng người, quả nhiên đến ngày thứ 7 mây đen kéo đến. Buổi chiều đó xuất hiện một trận tuyết lớn. Tuy nhiên, Hư Vân hòa thượng vẫn không dừng lại ở đó. Để cầu nguyện cho hạn hán và bệnh dịch ở Thiểm Tây, Cam Túc và Ninh Hạ, ông đã ngồi đó suốt 7 ngày. Sau 7 ngày tuyết rơi, ngàn dặm trong ngoài thành Trường An đều được băng tuyết phủ kín.

Tấm lòng lương thiện chân thành của Hư Vân hòa thượng thực sự đã cảm động đến cả trời cao, nên trong mùa hè nóng bức lại xuất hiện kỳ tích xảy ra trận tuyết lớn cứu muôn dân thoát khỏi đợt đại dịch ở Trường An.

Hư Vân hòa thượng. (Ảnh: Dharmawheel)

Lòng hiếu thảo cảm động trời xanh xua đi dịch bệnh

Vào thời vua Thuận Trị (nhà Thanh) có một bệnh dịch lớn hoành hành ở thành phố Tấn Lăng. Bệnh dịch hung dữ đã lây lan nhanh chóng. Nhiều gia đình đã bị xóa sổ toàn bộ. Bệnh dịch khiến người ta trở nên lạnh lùng và sợ hãi. Vào thời điểm đó, ngay cả các thành viên trong gia đình cũng không dám đến thăm hỏi nhau và chia buồn.

Có một gia đình họ Cố ở phía đông thành phố. Chủ nhà là Hữu Thành, có con dâu tên Tiền Thị. Khi Tiền Thị vừa mới trở về nhà mẹ đẻ, Cố Thành đã nhiễm dịch bệnh. Sau đó, cả vợ ông và tám người trong nhà đều nhiễm bệnh. Tất cả không còn cách nào khác ngoài việc chờ đợi tử thần. Tiền Thị nghe tin gia đình chồng bị nhiễm bệnh, vội vã muốn trở về chăm sóc. Cha mẹ cô đã cố gắng ngăn cản nhưng Tiền Thị nói rằng: “Chồng cưới vợ về, nguyên là để chăm lo chuyện đại sự sống chết của cha mẹ chồng và người thân. Bây giờ, cha mẹ chồng của con đều bị bệnh, con không thể nhẫn tâm bỏ đi. Con làm vậy có khác gì thú vật? Sau khi con đi, nếu con có chết, cũng sẽ không dám mong được cha mẹ chiếu cố”. Nói xong Tiền Thị đi về nhà chồng một mình.

Lúc này, có một chuyện kỳ lạ đã xảy ra.

Vào ban ngày, gia đình Cố Thành nghe thấy những con ma nói với nhau: “Chư Thần đang bảo vệ người phụ nữ hiếu thảo! Nếu chúng ta không mau tránh nó, chúng ta sẽ bị trách tội!”. Sau khi Tiền Thị trở về nhà, cô chăm sóc cẩn thận 8 người trong gia đình họ Cố. Họ dần dần bình phục và sau đó tất cả đều sống sót.

***

Trong những giờ phút nguy hiểm cận kề, nhiều người sẵn sàng xả bỏ sinh mệnh của mình vì việc đại nghĩa. Đó là tấm lòng có thể cảm động đến cả quỷ Thần. Đại dịch hoành hành âu cũng là số kiếp mà Trời định ra để trừng phạt những tội lỗi của con người. Những kẻ đại ác, những người có tội sẽ phải chịu nghiệp quả tương ứng. Chỉ có người thiện lương, luôn mang chân tâm, lòng thiện và đức nhẫn nại cao thượng mới có thể bước ra ngoài lưới Trời trừng phạt. Thực đúng là:

‘Ở hiền thì sẽ gặp lành
Ai mà nhân đức Trời dành phúc cho’.

Yên Tử
Theo epochweekly

Bạn đang đọc bài viết: “Ở hiền thì sẽ gặp lành, ai mà nhân đức Trời dành phúc cho” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||17d6d1b33__