Cô là bậc nữ nhi có tài có sắc. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô kết hôn với người bạn thân thời đại học rồi cả hai cùng ở lại thành phố sinh sống.

Anh vốn xuất thân từ một huyện miền núi xa xôi, bố anh sớm qua đời, còn mẹ phải cực khổ và vất vả lắm mới đủ sức nuôi anh khôn lớn thành người. Cô còn nhớ ngày đầu về ra mắt mẹ chồng tương lai, trên mặt bàn cũ kỹ chỉ có một chiếc đĩa lớn đầy rau dền xào. Rau dền không phải thứ cao lương mỹ vị gì, nhưng mẹ anh xào rất ngon, khiến cô cũng vì thế mà yêu thích món ăn này. Hôm ấy cô đã ăn hết hai bát cơm với rau, mẹ và anh nhìn thấy cô ăn ngon lành cũng mỉm cười hạnh phúc. Từ đó trở đi, cô thường xuyên nhận được rau dền mẹ chồng gửi từ quê lên thành phố, mỗi cây rau đều được mẹ lựa chọn cẩn thận và nhặt tươm tất rồi mới gửi lên ô tô.

Tháng 5 năm nay lại đến mùa rau dền, cô nghĩ mẹ chồng chắc sẽ không gửi rau lên nữa vì bà không còn khoẻ, mắt đã mờ không còn nhìn thấy rõ. Nhưng vài ngày sau, cô lại nhận được một thùng rau dền lớn mà mẹ chồng gửi ra. Cô quá bất ngờ, bèn mang rau vào bếp, định bụng rửa sạch rồi cất vào tủ lạnh ăn dần.

Anh thấy vậy liền ngăn cô lại: “Từ từ đã, em nên kiểm tra xem có bị lẫn rau dại khác không?”.

Cô ngây người hỏi lại chồng: “Rau dại là sao?”.

Anh giải thích: “Rau dền trồng trên núi nên dễ lẫn với những loại rau dại khác, nếu không nhặt kỹ sẽ bị lẫn vào. Khi ăn vào có vị đắng và rất nguy hiểm”.

Cô tiếc rẻ nhìn thùng rau mà mẹ chồng vừa gửi rồi nói: “Nhiều năm nay mẹ đều gửi rau cho nhà mình, có bao giờ em và anh ăn phải rau dại có độc đâu? Em nghĩ lần này cũng không sao đâu”.

Anh liền nói: “Em quên rồi sao, năm nay mắt mẹ mờ rồi, có nhìn rõ thứ gì đâu, nhỡ mẹ nhặt không kỹ hoặc hái nhầm rau dại khác thì sao? Ở thôn anh, đã có người vì ăn nhầm rau dại mà phải vào viện đấy”.

Ảnh: Wikipedia.

Nghe những lời chồng nói, cô có chút sợ hãi, bèn đưa cho anh thùng rau rồi nói: “Thế thì anh nhặt đi, anh có phân biệt được đâu là rau dại đâu là rau dền không?”.

Anh đón lấy thùng rau, lật qua lật lại và nói: “Anh cũng không phân biệt được, từ nhỏ đến lớn anh có đi hái rau hay nhặt rau bao giờ đâu”.

Thấy vậy nên hai vợ chồng chỉ đành nhìn nhau mà không dám ăn. Cuối cùng, hai người quyết định gọi điện thoại về nhà hỏi mẹ. Mẹ chồng vừa nhấc máy, cô liền hỏi: “Mẹ ơi, con nhận được thùng rau mẹ gửi rồi, con muốn hỏi mẹ đã nhặt hết rau dại chưa ạ? Anh nói rằng có thể bị lẫn rau dại có độc, nên chúng con không dám ăn, mà cũng không biết làm thế nào để phân biệt”.

Đầu dây bên kia là tiếng mẹ chồng yếu ớt trả lời: “Mẹ nhặt rồi, không có rau dại đâu…”. Bà chưa nói hết câu liền ho một tràng dài.

Cô lo lắng hỏi lại: “Mẹ, mẹ sao thế?”.

Lúc này đầu dây điện thoại là giọng nói của người khác: “Alo, tôi là ý tá của trạm y tế địa phương”.

Cô vô cùng kinh ngạc, sốt sắng hỏi: “Chị ơi, mẹ em làm sao thế?”.

Ảnh: Shutterstock.

Người y tá thở một hơi rồi đáp: “Bà ấy mắt kém mà cứ nhất quyết ra chợ mua rau dền về nhặt, sợ người khác nhặt không sạch lại lẫn rau dại có độc. Nhưng mắt bà ấy không tốt, nhìn không được chỉ đành dùng tay sờ, sờ không được lại dùng mũi ngửi sau đó cho vào miệng cắn thử. Nhặt xong thùng rau thì bà ấy cũng đau bụng, cũng may có người phát hiện kịp thời đưa bà ấy vào trạm y tế, nếu không thì không biết chuyện nghiêm trọng gì sẽ xảy ra”.

Nghe đến đây, cô vô cùng xấu hổ, hai bờ mi nhạt nhoà đầy nước mắt. Cô nhìn anh và nghẹn ngào nói: “Anh, vợ chồng mình đón mẹ về sống cùng nhé!”.

Ngọc Linh
Theo Apollo