Ấn tượng của hầu hết chúng ta về địa vị người phụ nữ trong gia đình truyền thống xưa kia đều có phần ảm đạm, rằng họ là nạn nhân của sự khinh rẻ, trọng nam khinh nữ, là cái bóng của chồng và không có tiếng nói trong gia đình. Nhưng thực tế dường như không phải như vậy.

Rất nhiều người khi nghĩ về những người phụ nữ truyền thống đều hình dung như sau: Họ là những người cửa chính không ra, cửa phụ không bước, nhất cử nhất động đều bị những đạo đức truyền thống ràng buộc, lấy chồng rồi trở thành người đứng phía sau chồng, giống như một món phụ kiện trang sức cho nhà chồng. Họ vì gia đình chồng mà cực khổ cả đời, còn phải chịu đựng việc chồng thu nạp những người vợ khác, bất cứ lúc nào cũng có thể bị ruồng bỏ… 

Nhưng đây có thực sự là cuộc sống của những người vợ truyền thống? Chúng ta hãy cùng nhau đi tìm lời giải cho câu hỏi này qua những tác phẩm cổ xưa để hiểu rõ hơn về mối quan hệ hôn nhân trong xã hội xưa và địa vị thực sự của người phụ nữ.

Chồng nâng đỡ, vợ vun vén gia đình

Trong những cuốn sách lịch sử, mối quan hệ vợ chồng được xem là mối quan hệ đạo đức quan trọng nhất trong các mối quan hệ. Trong Kinh Dịch có viết đại ý, vạn vật được tạo ra sau khi Trời Đất được tạo ra, sau đó hình thành sự khác biệt giữa âm và dương, tiếp đó sinh ra mối quan hệ phu thê, cha con, quân thần và những mối quan hệ nhân luân khác, bên cạnh đó cũng có các khái niệm, nghi lễ liên quan tới quan hệ trên dưới. Mối quan hệ giữa vợ và chồng là khởi đầu của mối quan hệ của con người, trong cuốn Sử ký Tư Mã Thiên có viết: “Quan hệ vợ chồng là luân thường đạo lý to lớn trong đạo làm người”.

Trung Dung càng nói rõ hơn: “Đạo quân tử, bắt đầu từ đạo phu thê thiêng liêng”. Người xưa đặt mối quan hệ vợ chồng vào điểm khởi đầu trên con đường tự tu dưỡng của người quân tử, mà cảnh giới cao thâm nhất là tương thông với đạo của Đất Trời. Bởi người chồng cao vang công chính như Trời, người vợ rộng rãi, từ bi ôm ấp nuôi dưỡng vạn vật như Đất. Từ mối quan hệ vợ chồng có thể sản sinh, phát triển hàng loạt các mối quan hệ khác như cha con, anh chị em, quan hệ họ hàng… cuối cùng đan xen vào các mối quan hệ xã hội. 

Bức tranh “Liệt nữ truyền nhân trí họa” của họa sỹ Cố Khải Chi, nhà Tấn (bản sao) vẽ về Vệ Linh công và Linh công phu nhân (ảnh: Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung).

Tiếp đó, có thể nói, mối quan hệ vợ chồng liên quan đến những chuyện suy vong hưng thịnh của một quốc gia, cũng được gọi là: “Cha, con, huynh, đệ, chồng, vợ mà chính đáng thì gia đạo chính đáng, gia đạo chính đáng thì thiên hạ ổn định”. Tề gia trước rồi mới đến trị quốc, mà tề gia có nghĩa là nói đến mối quan hệ vợ chồng, từ đó có thể thấy mối quan hệ này là vô cùng quan trọng trong xã hội xưa, vậy thì làm sao mà cổ nhân chỉ xem trọng người chồng mà hạ thấp người vợ được?

Trong cuốn Bạch Hổ Thông có viết đại ý, chồng là người gánh vác, vợ là người nâng đỡ. Chồng là trụ cột của một gia đình, có trách nhiệm lãnh đạo và hỗ trợ gia đình. Kinh tế gia đình và các nguyên tắc trong gia đình cũng là do người chồng phụ trách. Còn người vợ có trách nhiệm quán xuyến, thu xếp chuyện nhà, hỗ trợ, chăm sóc và lo lắng cho gia đình.

Phụ nữ là nội tướng trong gia đình

Vợ chồng là một nhưng đàn ông và phụ nữ có phân biệt, có những chuyên môn khác nhau, đó là “đạo lý một âm dương tương hỗ”. Đàn ông đại diện cho dương can, còn phụ nữ đại diện cho âm nhu, người xưa dùng lý thuyết âm dương để thiết lập đạo đức gia đình như: “Nam tôn nữ ti”, “Đàn ông chủ ngoại, phụ nữ chủ nội”. Tôn ti ở đây không phải là một định nghĩa đơn giản về phẩm giá và sự đáng khinh, mà là một trí tuệ cuộc sống bắt nguồn từ Trời và Đất.

Trời thuộc về dương, ở trên thì là tôn, ngụ ý đàn ông làm việc phải cương nghị như trời. Đất thuộc về âm, ở dưới là ti, ngụ ý người phụ nữ nên giống như đất, khiên nhường, đạo đức, bao dung vạn vật. Tôn ti, cao thấp không phải ý phân biệt thứ hạng, đẳng cấp, mà nó như hai mặt của một bàn tay, lật thế này thì là trên, lật thế kia thì lại là dưới. Đó là hai mặt của một chỉnh thể không thể thiếu hụt cái nào, cùng tạo nên thế cân bằng, đủ đầy.

Những nhiệm vụ cụ thể trong cuộc sống vợ chồng cũng liên quan đến những điểm bên trong và bên ngoài. Người chồng ở bên ngoài, làm tốt việc chung mà lập thân lập nghiệp, nam chinh bắc chiến, hộ gia vị quốc. Người vợ ở nhà, hiểu đạo làm vợ, dạy con, quản lý việc nhà, hỗ trợ chủ trì các nghi lễ trong gia đình. Trong Lễ ký có viết: “Đàn ông không lên tiếng trong nhà, phụ nữ không lên tiếng ngoài nhà”. Đàn ông không chú ý quá nhiều đến việc trong nhà, mới có thể chuyên tâm phát triển sự nghiệp. Phụ nữ không tham gia vào việc bên ngoài của chồng mới có thể cơm lành canh ngọt, phát triển gia đinh, chăm sóc tốt việc nhà, cũng tránh cho chồng phải lo lắng.

Có thể có người sẽ cho rằng, người phụ nữ thời cổ đại vì chồng mà sống, và không có giá trị cá nhân nào cả. Nhưng chúng ta đều biết, quân chủ phải lao tâm vì các vấn đề chính trị của quốc gia, phát triển kinh tế và lo cho người dân cuộc sống ấm no. Người dân thường sẽ làm việc chăm chỉ để hỗ trợ gia đình họ, có người đàn ông tốt nào lại chỉ sống vì bản thân mình? Phụ nữ cũng vậy. Nếu ai cũng chỉ sống cho mình thì sao tạo nên gia đình, xã hội đạo đức được?

Người xưa cũng thích so sánh mối quan hệ vợ chồng với quân thần, chồng là chủ của cả gia đình vậy vợ cũng giống như tể tướng. Vì thế trong gia đình, người vợ cũng được xem như nội tướng, điều này chứng minh, người phụ nữ cũng giống như chồng mình, nhận được sự tôn trọng của cả gia đình.

Hơn nữa, việc dạy dỗ con cái, những người vợ hiền lương thục đức mới có thể nuôi dưỡng thế hệ quân tử, thục nữ tiếp theo, những chuyện này đều có liên quan đến quốc gia đại sự. Vì thế mới nói, trên đời có người phụ nữ hiền lành mới có vợ hiền, có vợ hiền mới có mẹ hiền, có mẹ hiền mới có con hiền. Những người đàn ông bởi vì lập đức, lập công mà dành cả thanh xuân, tâm huyết và sức lực, thì người phụ nữ phía sau cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Người vợ là đại thần quan trọng nhất đối với họ, cũng là người quản chuyện ăn, mặc, ngủ nghỉ, quan trọng nhất của gia đình, vậy thì sao cô ấy lại không được người khác tôn trọng cơ chứ?

Ảnh minh họa: Kknews.cc.

Hôn lễ là cơ bản, nữ giáo là quan trọng

Kể từ khi Chu Công làm ra các lễ nghĩa trong hôn lễ của người xưa, những lễ nghĩa này có quy trình và ý nghĩa sâu sắc. Đây cũng là danh chính ngôn thuận, là sự kết hợp của nam và nữ, thành lập danh phận, là chuyện lớn đối với những người bề trên và đối với cả con cháu trong nhà. 

Hôn lễ của người xưa có rất nhiều phân đoạn, đó đều là phản ánh nội hàm sâu sắc. Ví như vào sáng sau đêm tân hôn, con dâu thức dậy từ sớm, tắm rửa sạch sẽ, đến thăm bố mẹ chồng, hoàn thành hàng loạt các nghi lễ, thể hiện sự khiêm nhường và hiếu thảo của mình. Hành lễ xong, bố mẹ chồng bước xuống từ thềm phía Tây, đưa con dâu từ thềm phía Đông bước lên chính giữa. 

Người xưa có kỳ vọng rất lớn đối với những người phụ nữ, nên giáo dục nữ đức cũng là chuyện vô cùng quan trọng. Nữ tử từ năm 10 tuổi đã bắt đầu được những “phó mẫu” dạy dỗ, học tập phong thái nhẹ nhàng, ngoan ngoãn và vâng theo lời dạy của những người lớn tuổi, học trồng dâu nuôi tằm ươm tơ, kéo sợi dệt lanh, may vá thêu thùa, học lễ nghĩa, nghi thức và các quy tắc chuẩn bị làm vợ. Ba tháng trước khi xuất giá, họ còn phải trải qua khóa học nghiêm khắc “huấn luyện trước hôn nhân”, nắm vững công dung ngôn hạnh, học cách hành lễ với tổ tiên, khi người phụ nữ đã được trau dồi lễ nghĩa, đức hạnh mới có thể xuất giá.

Ngoài việc có giáo viên dạy dỗ, trong lịch sử cũng có rất nhiều những cuốn sách dạy về đức hạnh của người phụ nữ, ví dụ như “Liệt nữ truyền”, “Nữ tứ thư”… Một số người cho rằng đây là một sự phân biệt đối xử và tù đày đối với phụ nữ, nhưng thực tế người xưa tin rằng mối quan hệ giữa lý tưởng chồng và vợ là mối quan hệ “Phu nghĩa thê thuận”.

Tuân Tử cho rằng, người làm chồng làm được nghĩa thì vợ tự nhiên sẽ dịu dàng và chu đáo, là một người vợ tốt. Nghĩa là quan hệ vợ chồng tốt đẹp đều phải dựa vào cả hai, nhưng vì nội tướng trong gia đình là người vợ, nên họ mới phải học hỏi nhiều trước khi lập gia đình để quản cho tốt việc nhà mà người đàn ông vốn không có thiên chức làm tốt bằng. Còn người đàn ông khi ở ngoài đã đạt được Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín của người quân tử thì nhất định cũng sẽ là người chồng tốt, con trai tốt, người cha tốt.

Đọc những lời của các nhà hiền triết sẽ khiến chúng ta ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng trong văn hóa và đạo đức truyền thống, mối quan hệ vợ và chồng là khởi đầu của đạo đức con người và vô cùng quan trọng trong việc cai trị đất nước. Người vợ đóng vai trò không thể thay thế ở nhà, nên một người vợ tốt là một phước lành vô cùng lớn. Sự nhấn mạnh và yêu cầu của văn hóa truyền thống đối với phụ nữ cũng có thể khiến phụ nữ ngày nay suy nghĩ sâu sắc về tầm quan trọng của trách nhiệm và sứ mệnh của mình.

Ngọc Linh
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung