Nhớ năm đó Tào Mạnh Đức cầm giáo trước sông, làm thơ uống rượu, quân đội họ Tào Nam chinh Bắc phạt, lưu danh sử xanh khiến người ta phải tán thán. Khi tìm hiểu về quân đội của Tào Ngụy, không thể không nhắc đến hình ảnh đội quân bí mật và thiện chiến nhất thời bấy giờ – Hổ Báo Kỵ. 

Trong “Tam Quốc diễn nghĩa” hầu như ta không bắt gặp chút dữ liệu nào về đội quân này. Còn ở “Tam Quốc chí” của Trần Thọ, phần “Ngụy Thư” có đoạn chép: “Hổ Báo Kỵ do Tào Thuần thống lĩnh là lực lượng tinh nhuệ trong thiên hạ, trăm kẻ giỏi chỉ tuyển được một”. Dù trong sử liệu ghi chép không nhiều, nhưng các dữ kiện đã cho thấy Hổ Báo Kỵ là đội quân tinh nhuệ thế nào: “trăm kẻ giỏi chỉ tuyển được một”, chỉ một câu nói nói ra huyền cơ. Hiển nhiên, việc tuyển chọn hà khắc khiến thành viên trong Hổ Báo Kỵ đều là những võ sĩ dũng mãnh, với sức mạnh chiến đấu là không thể nghĩ bàn.  

Hổ Báo Kỵ không chỉ có năng lực chiến đấu mạnh mẽ mà địa vị cũng rất đặc biệt. “Tam Quốc chí – Tào Hưu truyện” chép rằng: “Dùng Hổ Báo Kỵ để bảo vệ nơi tá túc”, từ đó có thể thấy rằng thành viên của Hổ Báo Kỵ là một bộ phận rất thân thích trong tướng phủ Tào Tháo. Mà thống lĩnh của Hổ Báo Kỵ xưa nay đều là người họ Tào. Theo “Tam Quốc chí” ghi chép, chỉ có ba người là: Tào Thuần, Tào Hưu và Tào Chân là từng thống lĩnh Hổ Báo Kỵ. Cả ba người đều là họ hàng của Tào Tháo, trong đó Tào Hưu từng được Tào Tháo nói là “người có tài của nhà chúng ta”. Tào Tháo phái tướng lĩnh họ Tào mà bản thân tín nhiệm nhất làm thống soái của Hổ Báo Kỵ, có thể thấy tính quan trọng của đội quân này. Đây chính là đội quân tinh nhuệ, là quân át chủ bài của Tào Tháo.

Ảnh minh họa: Youtube.

Hổ Báo Kỵ tuy hùng mạnh nhưng chưa từng gặp quá nhiều trận chiến ác liệt. Tào Thuần là nhân vật quan trọng trong gia tộc họ Tào. Lúc sự nghiệp của Tào Tháo còn mới bắt đầu, Thuần thường đi chinh phạt, đánh bại Viên Đàm, lấy được Ô Hoàn lập được chiến công, nhưng ông chỉ được thưởng ấp có 300 hộ, chỉ có thể nói rõ là lập công không nhiều. 

Ví như, trận chiến Nam Bì đánh dẹp Viên Đàm cực kì gian khổ, Tào Tháo từng có ý định bỏ cuộc, khi ấy Hổ Báo Kỵ cũng chưa lộ diện. Đợi đến khi phá thành Nam Bì, Viên Đàm tháo chạy, kết cục dần rõ, Hổ Báo Kỵ mới hành động, hoàn thành mọi việc chỉ trong thời gian ngắn, truy đuổi trảm thủ cấp Viên Đàm. Đây chính là lần lập công đầu tiên của Hổ Báo Kỵ.

Lại như việc đánh dẹp Ô Hoàn (bộ tộc Hung Nô) cũng gian khổ, ngoài biên ải tuyệt đường, mong có nước uống, tả hữu đều sợ… Sau khi vượt qua khó khăn, Tào bèn lệnh Trương Liêu đi đánh. Sau khi đợi Ô Hoàn đại bại, Đạp Đốn thiền vu bại vong giữa đường, khi này Hổ Báo Kỵ mới ra tay. 

Hai ví dụ trên chỉ để nói Hổ Báo Kỵ chưa từng gặp trận chiến ác liệt. Thực sự không ngẫu nhiên mà Tào Tháo dụng binh có ý, và luôn đem chiến công đó giao cấp cho Hổ Báo Kỵ. Đây chỉ có thể lý giải là sự ưu ái của Tào Tháo đối với đội quân này. 

Đến đại chiến ở Quan Trung có nói: tung Hổ Báo Kỵ giáp công (đánh gọng kìm). Nhưng sự tham gia của Hổ Báo Kỵ là rất ít, có hai lý do như sau. Thứ nhất Hổ Báo Kỵ thuộc về túc vệ quân (quân chủng bảo vệ trong cung), chỉ bảo vệ an toàn cho Tào Tháo, không dùng để tập kích quân Mã Siêu, Hàn Toại cách xa ngàn dặm. Thứ hai, dùng Hổ Báo Kỵ giáp công thì cần 5000 kỵ binh, mà số lượng quân Hổ Báo Kỵ không quá 5000 người. Cho nên, đại chiến ở Quan Trung nói rõ ra một điều, Hổ Báo Kỵ đã từng có một trận chiến khó khăn ác liệt như thế!

Ảnh minh họa: Youtube.

Về số lượng quân Hổ Báo Kỵ, trong sử sách hoàn toàn không ghi rõ. Tùy theo việc thực lực của Tào Tháo không ngừng tăng cường, quy mô quân hộ vệ cũng không ngừng được mở rộng, số lượng Hổ Báo Kỵ cũng vì thế mà tăng lên. Đợi đến khi Tào Hưu làm thống lĩnh Hổ Báo Kỵ, quân số tăng đến hơn 1000, khi Tào Chân làm chức thống lĩnh Hổ Báo Kỵ, quân số tăng lên khoảng 3000, do đó đoạn trước cho rằng Hổ Báo Kỵ không quá 5000 là căn cứ ở chỗ này. 

Sự thành lập và tiêu biến của Hổ Báo Kỵ vẫn là điều bí ẩn chỉ có thể hình dung bằng cách phỏng đoán. Hổ Báo Kỵ xác thực là quân tinh nhuệ bốn phương được tập kết lại trong nhiều cuộc chiến của Tào Tháo, chứ không phải là lấy từ một bộ phận đơn nhất. Bộ phận chính của Hổ Báo Kỵ nằm ở trận chiến Bạch Mã năm Kiến An thứ năm, chỉ lấy không quá 600 quân đả bại quân đội hùng mạnh của Viên Thiệu vốn đông gấp mấy lần. Một bộ phận khác đến từ những thủ hạ của Lữ Bố sau khi bị Tào Tháo đánh bại, nhưng chủ yếu là từ kỵ binh do Tào Nhân thống lĩnh trước đây. 

Hổ Báo Kỵ là túc vệ binh của Tào Tháo, đến Quan Trung đại chiến, theo Tào Tháo vào sinh ra tử, nhưng sau này có tính chất chủ yếu là cảnh vệ nội cung, không phải chinh chiến bên ngoài. Tướng bổ nhiệm hầu như là con em người thân thích họ Tào, chiến công cũng thấy không nhiều. Quân chế chính thức của Hổ Báo Kỵ tồn tại thời gian rất ngắn. Hai thống soái của Hổ Báo Kỵ sau đó là Tào Hưu và Tào Chân, sau khi Tào Tháo lên làm Nguỵ vương vào năm Kiến An thứ 21 đã phong cho họ là Trung lĩnh quân. Năm Kiến An thứ 21, Hổ Báo Kỵ đã đổi tên sáp nhập vào Hổ vệ doanh, Thượng kỵ, chính thức vào quân chế. 

Đến lúc này, Hổ Báo Kỵ không còn chinh chiến nữa mà quy về yên lặng, tiêu đi trong dòng sông dài lịch sử, chỉ còn đôi câu vài lời bí mật nằm rải rác trong sử sách mà thôi.

Mạn Vũ
Theo Secretchina

Bạn đang đọc bài viết: “Bí mật về đội quân tinh nhuệ nhất thời Tam Quốc của Tào Tháo: Hổ Báo Kỵ” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!