Tập thể thao, tích cực vận động luôn là thói quen được khuyến cáo. Các nghiên cứu đã xác nhận người ngồi nhiều một chỗ dễ bị béo phì, bệnh tim mạch, tiểu đường… Ở chiều ngược lại, tập luyện quá sức lại phản tác dụng.

Jared Shamburger, 17 tuổi tại bang Texa Hoa Kỳ cảm thấy đau khắp người sau khi nâng tạ 90 phút tại một phòng tập gym. Cơ bắp của Shamburger sưng lên và rất đau khi chạm vào. Các bác sĩ cho biết cậu bị tiêu cơ vân do cơ bắp phải hoạt động quá sức. Đây là tình trạng mô cơ bị hoại tử và giải phóng chất độc vào máu. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Y học xưa và nay đều phản đối việc tập luyện cường độ cao.

Các y gia đều khuyến khích con người thường xuyên vận động, tránh lối sống quá tĩnh tại, ngồi lâu một chỗ. Theo Đông Y vận động giúp tăng cường lưu thông khí huyết, phòng ngừa bệnh tật. Nhiều nghiên cứu của Tây Y cũng chỉ ra thường xuyên tập thể dục có tác dụng phòng ngừa bệnh tim mạch, đái đường, béo phì, chống trầm cảm, stress… 

Đừng vận động quá sức, nó sẽ làm thân thể của bạn bị bào mòn nhanh chóng. (Hình ảnh được cung cấp bởi Ryan McGuire từ Pixabay)

Tuy nhiên, hai thái cực của trạng thái vận động là quá ít và quá nhiều đều đem lại những bất cập cho sức khỏe. Lấy ví dụ như bệnh nhồi máu cơ tim, các bằng chứng cho thấy ít vận động là một yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Tương tự vậy, thi đấu trong môi trường thể thao khắc nghiệt cũng làm tăng nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim ở một số người đã có sẵn cơ địa.

Ngoài hệ tim mạch, hệ cơ xương khớp cũng chịu ảnh hưởng. Khi tập luyện quá sức, cơ thể sẽ cần rất nhiều năng lượng, kể cả năng lượng dự trữ trong cơ cũng có thể bị lấy đi, trong khi đó cơ còn có nhiệm vụ bảo vệ xương. 

Một nghiên cứu chỉ ra điều không mấy ngạc nhiên rằng người chạy bộ ở tốc độ vừa phải làm giảm nguy cơ tử vong so với người không tập thể thao. Nhưng điểm ngạc nhiên ở chỗ những người chạy bộ nhanh hơn với tần suất trên 3 lần một tuần lại có nguy cơ tử vong ngang người không chạy bộ!

Công trình khác nhận định thể dục thể thao quá độ làm tăng lượng protein liên quan đến tổn thương cơ bắp, nhịp tim bất thường cùng các vấn đề tim mạch. Một nghiên cứu cũng chỉ ra phái yếu có thể phòng tránh bệnh đột quỵ nhờ các hoạt động thể chất ít nhất một lần một tuần. Tuy nhiên nguy cơ mắc bệnh này lại tăng vọt ở phụ nữ tập luyện nặng nhọc hàng ngày. Rõ ràng tập luyện điều độ giúp chúng ta khỏe mạnh, nhưng vận động quá sức và liên tục là lợi bất cập hại.

Ở cả nam và nữ, vận động mạnh làm tăng nguy cơ chấn thương như đứt gân, gãy xương, đồng thời hệ miễn dịch cũng bị ảnh hưởng. Khoảng thời gian 72 tiếng sau tập luyện cường độ cao là thời điểm hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu. Điều này đồng nghĩa với vi khuẩn và virus dễ dàng xâm nhập và gây bệnh trong vòng một ngày rưỡi sau đó. 

Chúng ta cần khẳng định tập thể dục rất tốt cho sức khỏe. Nhưng cần lưu ý tập luyện cũng cần giống như nhiều biện pháp bảo vệ sức khỏe khác: nhiều không hẳn đã tốt, bí quyết nằm ở điều độ. Hiện nay, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên tập luyện khoảng 150 phút mỗi tuần ở cường độ vừa phải.