Bệnh sốt xuất huyết xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Tại Việt Nam, bệnh xảy ra quanh năm ở hầu hết các tỉnh, nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa.

Theo tờ Sài Gòn Giải Phóng, dịch sốt xuất huyết (SXH) bùng phát bất thường tại các nước châu Á trong thời gian qua vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, lây nhiễm hàng trăm ngàn người và gây nên tình trạng quá tải bệnh viện tại các nước.

Sốt xuất huyết là bệnh do virus lây truyền qua muỗi nhanh nhất trên thế giới, tăng gấp 30 lần trong 50 năm qua. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), căn bệnh này là đặc hữu ở hơn 100 quốc gia và khiến hơn một nửa dân số thế giới gặp nguy hiểm. Thời tiết thất thường làm cho việc dự đoán dịch bệnh trở nên khó khăn hơn.

Tại Philippin, từ đầu năm 2019, có hơn 322 nghìn người mắc SXH, trong đó có 1.272 người chết; Ma-lai-xi-a có hơn 102 nghìn người mắc, 149 người chết; Lào ghi nhận hơn 30 nghìn người mắc SXH, 59 người chết…

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam có hơn 200 nghìn người mắc SXH (tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2018), trong đó có 50 người chết.

Các tỉnh, thành phố có số người mắc cao là Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Ðà Nẵng, Phú Yên, TP. HCM, Bình Ðịnh, Bình Dương, Ðồng Nai… Tại miền bắc, ghi nhận 15 nghìn người mắc, tăng nhiều lần so với cùng kỳ năm 2018. Ðiển hình là TP. Hà Nội, từ đầu năm đến nay, có hơn 9.000 ca mắc SXH, chưa ghi nhận trường hợp chết.

Cán bộ y tế hướng dẫn người dân tại TP Hà Nội thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết (ảnh: Nhân Dân).

Trên tờ Nhân Dân, số ca mắc SXH tập trung nhiều tại các quận, huyện đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, hoặc mật độ dân cư cao như: Hà Đông (597 ca), Cầu Giấy (457 ca), Nam Từ Liêm (435), Thanh Trì (425), Đống Đa (424), Thường Tín (417), Hoàng Mai (412), Thanh Oai (367), Hoài Đức (365), Bắc Từ Liêm (236)…

Mặc dù số ca mắc thấp hơn so với số ca mắc trung bình 3 năm từ 2016 đến 2018, nhưng tăng nhiều so với số mắc cùng kỳ năm 2018 (năm 2018 là 2.703 ca).

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thời gian qua, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai chiến dịch diệt bọ gậy quy mô cấp tỉnh, huyện. Bộ Y tế thành lập 8 đoàn công tác kiểm tra, giám sát tại 18 tỉnh, thành phố trọng điểm về SXH.

Ngành y tế các địa phương tăng cường giám sát, nắm chắc các ổ dịch SXH hiện có và phát sinh, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao và phun hóa chất xử lý triệt để khi phát hiện các ổ dịch, không để bùng phát, lan rộng, kéo dài; kiện toàn và duy trì hoạt động thường xuyên của đội ngũ cộng tác viên phòng, chống SXH.

Nguyên nhân dịch bệnh tăng cao

Có nhiều nguyên nhân khiến dịch bệnh nguy cơ tăng cao, như điều kiện vệ sinh môi trường hạn chế, mật độ dân cư cao, một số khu vực thiếu nước sạch, người dân phải tích trữ nước để sinh hoạt; nhiều khu vực bãi đất trống, tiếp giáp, xen kẹt, khu nhà chưa có người sinh sống tạo điều kiện cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sản và phát triển.

Bên cạnh đó, thời gian qua, việc phun hóa chất tại các ổ dịch hiệu quả chưa cao, tỷ lệ hộ gia đình được phun hóa chất triệt để còn thấp do hộ gia đình đi vắng hoặc không hợp tác với nhân viên y tế. Tại nhiều địa phương, cán bộ y tế gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận bên trong các khu công nghiệp, khu chế xuất để kiểm tra, vệ sinh môi trường và phun hóa chất diệt muỗi, diệt bọ gậy.

Các khu vực nhà trọ dành cho công nhân thường ẩm thấp, hệ thống thoát nước không bảo đảm; nhiều dụng cụ chứa nước sinh hoạt không được che đậy, vật phế thải không được thu dọn thường xuyên đã trở thành môi trường lý tưởng cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sản và phát triển. Công tác phun hóa chất ở các khu vực nêu trên gặp rất nhiều khó khăn do công nhân đi làm cả ngày.

Ngoài ra, còn không ít địa phương tổ chức diệt bọ gậy chưa đạt yêu cầu, không duy trì dọn dẹp thường xuyên vật chứa nước, cho nên sau chiến dịch từ hai đến ba tuần, mật độ muỗi khu vực này lại tăng lên.

Phòng bệnh sốt xuất huyết tại nơi ở

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất là diệt muỗi, bọ gậy (lăng quăng) và phòng chống muỗi đốt.

Tăng cường các biện pháp vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm (ảnh: Sức Khoẻ Đời Sống).

Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy (lăng quăng) bằng cách:

– Thả cá hoặc mê zô vào tất cả các vật chứa nước trong nhà (bể, giếng, chum, vại, lu, khạp…) để diệt bọ gậy (lăng quăng).

– Thu gom, hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ dừa…, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
Thay nước, thau rửa chum, vại, lu, khạp hàng tuần.

– Bỏ muối vào bát kê chân chạn (tủ đựng chén bát), cho cát ẩm vào lọ hoa (bình bông).

– Sử dụng các loại kem chống muỗi vào các khu vực không được quần áo che phủ như cổ, tay, chân…

– Ngủ màn mỗi khi đi ngủ, đặc biệt cho đối tượng trẻ em.

– Mặc quần áo dài tay để phòng ngừa muỗi đốt cả ngày.

– Đóng cửa sổ khi đi ngủ để tránh muỗi bay vào.

– Khi xảy ra dịch cần tăng cường các biện pháp chống dịch, làm giảm nhanh mật độ muỗi trong cộng đồng bằng cách phun hóa chất diệt muỗi vào không gian.

– Nếu phát hiện ra các triệu chứng của bệnh, bạn không nên tự ý điều trị và ngay lập tức đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh gây ra.

Video xem thêm: Thanh niên đẩy khỉ xuống nước nhận thương tích đầy mồm

videoinfo__video3.dkn.tv||341730480__